Tại sao binh sĩ Bắc Hàn đảo tẩu?

Một binh sĩ thiếu niên của Bắc Hàn đã đảo tẩu sang Hàn Quốc bằng cách đi qua một trong những khu vực có an ninh kiểm soát cao nhất thế giới. Thiếu niên này cho biết lý do trốn khỏi trại huấn luyện là do thường xuyên bị đánh đập.

Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho biết thiếu niên này xuất hiện ở gần khu vực trạm canh gác của quân đội Nam Hàn ở Hwacheon, đông bắc Seoul và ra dấu hiệu đầu hàng. Vụ đào tẩu mới nhất này đã khiến cho những căng thẳng vốn có giữa hai miền Triều Tiên càng trở nên gay gắt hơn, nhưng rất may là không có xung đột quân sự xảy ra. Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho hay:

“Chúng tôi xác nhận rằng cậu thanh niên này muốn đào thoát khỏi Bắc Hàn sau khi cậu ta đến trạm bảo vệ biên giới của chúng tôi.”

Thiếu niên Bắc Hàn đã nói với các nhà điều tra rằng cậu ta quyết định đào tẩu vì thường xuyên bị đánh đập tại trại lính vì dám “phàn nàn” về tình trạng thực tế của đất nước. Thiếu niên này cho biết cậu ta đã tình nguyện tham gia vào quân đội Bắc Hàn và đang ở cấp bậc thấp nhất trong quân ngũ.

Hàng trăm người Bắc Hàn đã rời bỏ quê hương của họ mỗi năm. Nhưng việc đào tẩu thông qua con đường đất liền như thiếu niên này được xem là chuyện hiếm gặp. Bởi vì biên giới của cả hai bên đều được bảo vệ bằng hàng rào dây thép gai và có sự hiện diện của hàng chục nghìn binh lính của cả hai miền Nam – Bắc Triều Tiên. Bắc và Nam Hàn đã ở trong tình trạng “từ mặt nhau” từ lâu và là một trong những quốc gia có đường biên giới có nhiều binh lính canh giữ nhất thế giới. Dọc theo biên giới của hai quốc gia này xuất hiện tua tủa nhữgn tháp canh và những bãi mìn. Hầu hết những người Bắc Hàn chạy trốn sang Nam Hàn thông qua Trung Quốc, sau đó đi đến một quốc gia Đông Nam Á nào đó và cuối cùng mới có thể vào được Nam Hàn.

Trong năm 2012, một người lính Bắc Hàn đã đi qua khu vực hàng rào điện có gắn camera giám sát mà không gặp bất kỳ sự trở ngại nào. Sự việc đã khiến cho Seoul sa thải ba quan chức hàng đầu vì phạm phải một lỗi lớn trong an ninh biên giới.

Vào tháng Tám năm ngoái, hai người Bắc Hàn bơi qua đường biên giới biển Hoàng Hải đến một hòn đảo tiền tuyến của Hàn Quốc. Cho đến nay, có khoảng 28,000 người Bắc Hàn đã tái định cư ở Nam Hàn kể từ khi chiến tranh hai miền kết thúc. Phần lớn là sau khi nạn đói khủng khiếp xảy ra vào những năm 1990. Số lượng người dân đào thoát khỏi Bắc Hàn đã giảm mạnh kể từ khi Kim Jong Un chính thức lên nắm quyền sau cái chết của cha mình vào cuối năm 2011.

Dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un, Bắc Hàn càng trở nên cô lập hơn nữa với vòng đai an ninh được thắt chặt quanh biên giới. Trong khi đó, Trung Quốc cũng phát động một chiến dịch truy quét những người Bắc Hàn đào thoát sang biên giới nước nó. Trung Quốc luôn được xem là đồng minh lớn và duy nhất của Bắc Hàn. Vì vậy Bắc Kinh thường cho rằng những người đào thoát là di dân kinh tế bất hợp pháp và trao trả họ lại cho Bắc Hàn, mặc cho những chỉ trích từ các nhóm nhân quyền. Theo các tổ chức nhân quyền, những người Bắc Hàn sau khi bị trao trả về nước sẽ sống trong những trại tù và thường xuyên bị tra tấn đánh đập vì dám phản bội quốc gia.

Trí Lê (Theo CaliToday)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề