“Tadjikistan dưới cái bóng của Trung Quốc”

Nước cộng hòa Trung Á thân Nga nhất đã biến thành nước bị Trung Quốc chi phối kinh tế như thế nào? Xin giới thiệu bài viết Tadjikistan dưới cái bóng của Trung Quốc” đăng trên “Russkaia Planeta” ngày 8/12/2014 để cùng suy ngẫm.

Sau khi Liên Xô tan rã, trong nhiều năm liền Tadjikstan (còn có các cách gọi khác là Tajikistan, Tadzhikistan) được coi là nước cộng hòa Trung Á thân Nga nhất. Nhưng đến cuối thập kỷ đầu của thế kỷ XXI những thực tiễn kinh tế mới đã biến nước này thành một khu vực ngoại vi của Trung Quốc và là cái máy bơm tiền từ Nga sang Trung Quốc.

Trung Quốc quay trở lại Trung Á

Cuối thế kỷ thứ XIX, dãy Pamir là khu vực xung đột lợi ích của bốn quốc gia – ba đế quốc và một vương quốc (Nga, Anh, Trung Quốc và Afganistan). Sau một quá trình lịch sử, nước Tajikistan với đường biên giới như hiện nay được thành lập.

Vào cuối thế kỷ XVIII, Nhà Thanh ở Trung Quốc đang ở giai đoạn cực thịnh và có yêu sách lãnh thổ đối với toàn bộ lãnh thổ vùng Trung Á. Nhưng sau đó, gần như đến tận cuối thế kỷ XX, Trung Quốc luôn ở trong tình trạng khủng hoảng kéo dài. Nước này không có một ảnh hưởng đáng kể nào đến các nước Cộng hòa Trung Á cho đến khi Liên Xô tan rã. Tadjikistan cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Quan chức cao cấp nhất của một nước Trung Hoa mới xuất hiện lần đầu tiên trên lãnh thổ Tadjikistan (lúc đó còn là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Tadjikistan ) là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Xô Iui Hunlian. Ông này đã có chuyến thăm làm quen tại Dushanbe (Thủ đô Tadjikistan) vào ngày 18/6/1991. Vào thời gian đó, tờ báo quan trọng nhất của Nước Cộng hòa này là “Communist Tadjikistan” (Người Đảng viên cộng sản Tadjikistan) đã rất hồ hởi đưa tin về chuyến thăm này.

Chỉ sau đó mấy tháng, cuối tháng 12/1991 thì Liên Xô đã biến mất trên bản đồ thế giới. Ngay ngày 4/1/1992, Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên công nhận độc lập của Tadjikistan và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước này. Đại sứ quán Trung Quốc mở cửa tại Dushanbe ngày 13/3 ngay trong năm đó.

Vào thời gian đó, Tadjikistan không quan tâm lắm đến các quan hệ quốc tế, bởi vì đang có nội chiến – theo các số liệu khiêm tốn nhất thì đã có hàng chục nghìn người thiệt mạng. Đại sứ quán Tadjikistan chỉ mở cửa trở lại tại Bắc Kinh 5 năm sau đó – vào ngày 7/4/1997.

Cựu chủ tịch Nông trang mang tên Lê Nin Emomali Rakhmonov (chính là E.Rakhmon hiện nay như đã nói ở trên) – một trong những người chiến thắng trong cuộc nội chiến trở thành người đứng đầu nhà nước chính thức vào cuối năm 1992.

Trong 10 năm sau đó, tuy tổng thống Rakhmonov tìm mọi cách để thể hiện định hướng thân Nga của mình, nhưng chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông ta với tư cách là người đứng đầu quốc gia lại là chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 3/1993 (mãi đến tháng 8 năm đó, Rakhmonov mới có cuộc gặp đầu tiên với tổng thống Nga B.Elsin).

Tại Bắc Kinh, người đứng đầu Tadjikistan được những quan chức cao cấp nhất của nhà nước và Đảng CS Trung Quốc đón tiếp. Cũng chính trong chuyến thăm này, Rakhmonov đã ký vào một tuyên bố chung theo “đề nghị” của giới lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có điều khoản là Tadjikistan và Trung Quốc sẽ: “tiếp tục thảo luận các vấn đề biên giới còn tồn tại”.

Đằng sau những vỏ bọc từ ngữ theo khuôn mẫu ngoại giao này là một thực tế – những yêu sách lãnh thổ cũ của Trung Quốc đối với Liên Xô (cũ) vẫn không hề thay đổi.

21

Những con đường núi tại Tajikistan, 1982.Ảnh: Ratushenko,1982/RIA Novosti

Trung Quốc, như đã biết, hành động không hấp tấp – nước này thiết lập mối quan hệ với Tadjikistan một cách thận trọng, từng bước một, nhưng rất chắc và kiên trì. Để khởi đầu, Bắc Kinh cần một tuyến giao thông vững chắc nối Trung Quốc với Tadjikistan. Biên giới giữa hai nước đi qua những khu vực núi cao của dãy Pamir, nơi mà trước đây chỉ có những nhóm người chăn thả gia súc.

Tháng 12/1996, hai nước ký một thỏa thuận về việc mở một cửa khẩu thương mại tạm thời “Kulma” trên biên giới Tadjikistan và Trung Quốc. Đồng thời Trung Quốc bắt đầu triển khai xây dựng một tuyến đường lớn trên lãnh thổ của mình để có thể triển khai tiếp một tuyến đường ô tô hiện đại trên núi cao đến biên giới với Tadjikistan. Để xây dựng tuyến đường xuyên núi này, Trung Quốc mất gần 8 năm.

Về quan hệ kinh tế: Trong suốt những năm 90, Trung Quốc chỉ cung cấp khoản tín dụng trị giá 10 triệu đô la Mỹ và một lô hàng cứu trợ nhân đạo trị giá 200.000 đôla – một con số trên là quá ít ỏi, gần như chỉ mang tính chất tượng trưng đối với các mối quan hệ quốc tế. Không chỉ thế, các khoản tín dụng của Trung Quốc được cấp với điều kiện bắt buộc là Tadjikistan phải mua hàng của nước này .

Sự tham gia trực tiếp của Trung Quốc vào kinh tế Tajikistan trong những năm 90 cũng rất hạn chế và chỉ dừng lại ở việc thành lập một số xí nghiệp liên doanh chế biến bông và cải tạo nhà máy thuốc lá ở Dushanbe.

Còn Dushanbe trong những năm đó, mặc dù thề sống thề chết về tình hữu nghị của mình với nước Nga, nhưng trên thực tế đã coi Trung Quốc là đối tác nước ngoài quan trọng nhất. Đại sứ đầu tiên của Tadjikistan tại Trung Quốc là cựu Bí thư Thành ủy Dushanbe cuối cùng D.Karimov – ông này trong thời kỳ nội chiến là Thủ tướng chính phủ Tadjikistan.

Đến năm 2000, Tổng thống Tadjikistan đã có 12 cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc Giang Trạch Dân – nhiều hơn nhiều so với các cuộc gặp với những nhà lãnh đạo các nước khác, kể cả Nga. Kết quả của các cuộc gặp đó là hàng chục thỏa thuận Tadjikistan – Trung Quốc về tất cả các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, kể cả các thỏa thuận về “điều chỉnh đường biên giới” Tadjikistan lúc nào cũng có lợi cho phía Trung Quốc.

Năm 1999, lần đầu tiên Dushanbe chấp nhận cắt 200 km2 đất tại thung lũng sông Markans ở khu vực ngã ba biên giới Trung Quốc – Tajikistan và Kirgistan cho Thiên triều. Đúng một năm sau đó, khi việc bàn giao phần lãnh thổ nói trên đã hoàn tất, Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc Giang Trạch Dân thăm Dushanbe – đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Trung Quốc đến Tadjikistan.

Trong thông điệp chính thức gửi Rakhmonov trước chuyến thăm, nhà lãnh đạo Trung Quốc khuyên: “tập trung mọi nỗ lực chung để đưa quan hệ giữa hai nước chúng ta lên một tầm cao mới về chất trong thế kỷ mới…”.

Người Tajikistan mặc quần áo Trung Quốc

Tháng 5/2002, tổng thống Rakhmonov lại đến Bắc Kinh để kỷ niệm trọng thể 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tadjikistan và Trung Quốc. Để “lập thành tích” chào mừng ngày lễ trọng, hai bên đã ký thêm một hiệp định: “Về phân định biên giới và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ”, theo hiệp định này Tadjikistan đồng ý “bàn giao” thêm cho Trung Quốc 1.000 km2 nữa trên dãy Pamir.

22

Mùa thu hoạch bông ở Tajikistan. 1985.Ảnh :Ratushenko/RIA Novosti

So với Trung Quốc thì Tadjikistan là một nước nhỏ – dân số chỉ bằng 1/200 của Trung Quốc (con số của tác giả – theo số liệu của Ngân hàng thế giới năm 2013 thì dân số nước này là 8.208.000 – ND).

Chính vì vậy mà quy mô trợ giúp kinh tế của Trung Quốc cho Tadjikistan cũng chỉ ở mức rất khiêm tốn. Để trả công cho lần nhượng bộ lãnh thổ đầu tiên, Giang Trạch Dân trong năm 2000 đã quyết định dành cho Tadjikistan một khoản viện trợ khoảng hơn 3 triệu đôla một chút.

Năm 2004, Bộ quốc phòng hai nước ký một thỏa thuận về việc Trung Quốc dành cho Tajikistan một khoản viện trợ quân sự không hoàn lại trị giá 8 triệu nhân dân tệ (khoảng hơn 1 triệu đô la). Để so sánh, xin dẫn số liệu sau đây – vào năm đó 01 chiếc tăng T-90 có giá cũng khoảng 1 triệu đôla.

Hợp tác trong lĩnh vực quân sự giữa Tajikistan và Trung Quốc tuy không khoa trương nhưng phát triển nhanh. Lãnh đạo hai nước có những mối quan tâm giống nhau trong đấu tranh chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Ngay từ năm 1994, Trung Quốc đã huấn luyện một số nhóm nhỏ sỹ quan Tadjikistan về các hoạt động chống du kích. Còn từ đầu thế kỷ XXI , hai bên thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung tại khu vực các núi gần Afganistan. Các cuộc tập trận như vậy thường được tiến hành dưới danh nghĩa là “các cuộc tập trận chống ma túy”.

Ngoài việc “nắn chỉnh” lại đường biên giới có lợi cho Trung Quốc, Bắc Kinh và Dushanbe vào năm 2002 đã nhất trí đẩy nhanh tốc độ xây dựng đường ô tô qua đèo Kulma để kết nối Trung Quốc với Tadjikistan.

Trong suốt những năm 90 Tadjikistan hầu như không mua gì của Trung Quốc. Có 3 lý do: Thứ nhất, tại nước cộng hòa nghèo và đang lún sâu vào nội chiến này dân chúng không có tiền.

Thứ hai, mặc dù đã được phép buôn bán qua biên giới, nhưng không có các tuyến đường hiện đại nối hai nước. Thứ ba, nền kinh tế của chính Trung Quốc và khu vực tiếp giáp với Tadjikistan là Khu tự trị Tân Cương – Duy Ngô Nhĩ kinh tế cũng chỉ mới bắt đầu phát triển.

Trong những năm đó, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Tadjikistan vào Trung Quốc là những nguyên liệu chiến lược: bông và nhôm – nhôm được sản xuất tại nhà máy có từ thời Xô Viết ở Tursunhad. Cán cân thương mại nghiêng về phíaTadjikistan.

Sang đầu thế kỷ XXI, tình hình đã thay đổi một cách căn bản. Theo các số liệu thống kê thì trong giai đoạn 1999-2004, kim ngạch xuất khẩu từ Tadjikistan vào Trung Quốc tăng gấp hai lần, còn nhập khẩu từ Trung Quốc tăng tới 22 lần.

Theo số liệu của Cơ quan hải quan Tadjikistan thì trong năm 2004, Tadjikistan đã nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 1,5 triệu đô la cho chỉ riêng cho mặt hàng vải. Đến hết năm 2004, nhập siêu của Tadjikistan từ Trung Quốc là hơn 50 triệu đôla – đây là một con số rất ấn tượng đối với một nền kinh tế nhỏ như Tadjikistan.

Sự bành trướng kinh tế ồ ạt của Trung Quốc vào Tadjikistan bắt đầu chính từ năm 2004, khi người Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng con đường ở khu vực đèo Kulma. Tuyến đường ô tô hiện đại, có nơi chạy trên độ cao 4.000 m so với mực nước biển, đã làm đơn giản hóa đáng kể các mối quan hệ kinh tế – chi phí vận tải giữa hai nước giảm gần 3 lần.

Tadjikistan là nước vẫn duy trì được mô hình “Tadjikpotrbsoiuz” (Liên minh các hợp tác xã tiêu thụ – kiểu như liên minh các hợp tác xã mua bán của Việt Nam thời bao cấp – ND) từ thời Xô Viết, họat động theo phương thức là một xí nghiệp thương mại thống nhất quản lý hàng nghìn cửa hàng và các chợ trong toàn quốc.

Năm 2005, ngay sau khi thông xe tuyến đường ô tô nối với Trung Quốc, “Tadjikpotrbsoiuz” đã ký với Trung Quốc một hợp đồng có giá trị kỷ lục đối với Tadjikistan – hơn 1 tỷ đô la.

Theo hợp đồng này, “Tadjikpotrbsoiuz” cam kết trong vòng 10 năm phải mua của các xí nghiệp tại Tân Cương quần áo, hàng tiêu dùng, sản phẩm nông nghiệp, vật liệu xây dựng, máy móc và các mặt hàng khác. Để đổi lại, phía Trung Quốc cam kết xây dựng tại Tadjikistan các xí nghiệp chế biến và cơ sở hạ tầng mới cho các cửa hàng và các chợ.

Việc mở ra tuyến giao thông thuận lợi và tương đối rẻ tiền giữa Trung Quốc và Tajikistan đã làm bùng nổ hiện tượng “buôn bán con thoi” (kiểu như các cửu vạn vận chuyển hàng qua biên giới như ở ta).

Số lượng người làm việc trong “ngành” này – tức là kiếm tiền bằng việc “đánh” hàng nhập từ Trung Quốc – theo đáng giá sơ bộ là vào khoảng 70.000 người, tức gần 1 % dân số Tadjikistan.

23

Nhà máy sản xuất nhôm ở Tajikistan,1996. Ảnh: Ratushenko /RIA Novosti

Ngay trong năm 2008, theo số liệu thống kê của chính Tadjikistan thì có tới 96% quần áo và đồ điện sinh hoạt bán trên lãnh thổ Tadjikistan có nhãn hiệu “Made in China”. Từ năm 2002 đến 2009, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng 100 lần, chủ yếu từ việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.

Thậm chí đến cả bột mì, trước đây chủ yếu nhập từ Nga và Kazakhstan, cũng không chịu nổi sự cạnh tranh và phải nhường thị phần cho bột mì Trung Quốc tại nhiều khu vực ở phía đông Tadjikistan.

Đầu tư đổi lấy nguồn tài nguyên thiên nhiên

Đến năm 2005, Nga đã tái cơ cấu lại nợ – trên thực tế là xóa cho Tadjikistan một khoản nợ đáng kể để đổi lấy việc bố trí căn cứ quân sự số 201 và tổ hợp giám sát vũ trụ “Nurek”. Đồng thời Quỹ tiền tệ quốc tế cũng xóa cho nước này phần lớn khoản nợ vay từ những năm 90.

Tadjikistan, tuy đã trút được phần lớn gánh nặng nợ nước ngoài nhưng vẫn là một nước nghèo và buộc phải tìm nguồn tín dụng mới – cả Nga lẫn các cơ cấu tài chính quốc tế đều chưa vội vàng cho Tadjikistan vay tiếp các khoản mới.

Vào thời điểm đó, Trung Quốc không những đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng giao thông cần thiết kết nối nước này với Tadjikistan, mà còn có đủ thời gian và cơ sở để khẳng định là chế độ của Tổng thống Rakhmanov sẽ đứng vững và sẽ tồn tại lâu dài.

Nếu như trước kia Trung Quốc rất thận trọng và chỉ hạn chế ở các khoản cho vay tín dụng không lớn, thì sau năm 2005 Bắc Kinh đã trở thành nguồn cung cấp khoản cho vay chủ yếu cho Dushanbe.

Ngay từ năm 2006, Trung Quốc cấp cho nước láng giềng Tadjikistan 3 khoản tín dụng lớn đầu tiên với tổng giá trị hơn 600 triệu đô la. Đến năm 2012, nợ Trung Quốc đã chiếm 41 % tổng số nợ nước ngoài của Tadjikistan.

Nhìn bên ngoài, Trung Quốc cung cấp tín dụng cho Tadjikistan mà không kèm theo bất cứ điều kiện chính trị nào. Giới lãnh đạo Tadjikistan chính vì thế mà rất hồ hởi nhận các khoản vay từ Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh mà nếu vay từ IMF – thường là bao giờ cũng đi kèm với các điều kiện ngặt nghèo lẫn các tuyên bố (không khác gì chỉ trích) kiểu “nước này cần phải làm sâu sắc thêm tiến trình dân chủ”.

Nhưng trên thực tế, các khoản tín dụng của Trung Quốc chủ yếu chỉ dành cho các dự án phục vụ các lợi ích chiến lược của Trung Quốc.

Những dẫn chứng được dẫn ra ngay sau đây: phần lớn các khoản tiền cho vay được dùng để xây dựng và cải tạo các tuyến đường bộ và các tuyến giao thông khác nối các thành phố và khu vực chủ yếu của Tadjikistan với tuyến đường ô tô về Trung Quốc như đã nói ở trên.

Những tuyến đường, đường ngầm và tuyến dây tải điện đã trói chặt nền kinh tế Tadjikistan với nền kinh tế Trung Quốc. Không những thế, một trong điều kiện chủ yếu để cho vay là việc xây dựng phải do chính các công ty (nhà thầu) Trung Quốc đảm nhiệm.

Sự gia tăng mức độ phụ thuộc về kinh tế, tài chính vào Trung Quốc tất yếu sẽ dẫn đến việc điều chỉnh lại đường biên giới của Tadjikistan. Tháng 1/2011, Quốc hội Tadjikistan đã biểu quyết thông qua nghị quyết “cắt” cho Trung Quốc hơn 1.000 km2 ở khu vực dãy núi Sarykolsk ở phía Đông Pamir. Ngay trong tháng 11 năm đó, khu vực lãnh thổ nói trên đã thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.

Tháng 5/2013, trên các phương tiện đại chúng xuất hiện các thông tin mâu thuẫn nhau về việc Trung Quốc đã đơn phương đưa quân chiếm một số khu vực đang tranh chấp ở trên dãy Pamir.

Cũng xuất hiện các tin đồn là Tadjikistan đã điều tới đây các đơn vị quân đội và các phương tiện quân sự dưới danh nghĩa tổ chức tập trận. Tuy nhiên, cả hai nước đã công khai bác bỏ các thông tin nói trên. Ai trên thực tế kiểm soát các khu vực núi cao khó tiếp cận nói trên – đây vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ cho đến tận bây giờ.

Chỉ biết rằng sự phụ thuộc này càng lớn về kinh tế của Tadjikistan vào Trung Quốc đã không cho phép Dushanbe công khai lên tiếng phản đối Bắc Kinh, thậm chí cả trong trường hợp xuất hiện những phức tạp thực sự trong quan hệ giữa hai quốc gia.

Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Tadjikistan cho đến nay vẫn rất nhỏ giọt, thấp hơn các khoản mà Trung Quốc cho vay đến hàng chục lần. Các nhà đầu tư và cung cấp tín dụng từ Trung Quốc thường cố tránh đầu tư vào các xí nghiệp sản xuất và chế biến của Tajikistan, nếu như chúng có tiềm năng cạnh tranh với công nghiệp Trung Quốc.

Nhìn tổng thể, các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ quan râm đến lĩnh vực khai khoáng của Tajikistan. Xí nghiệp khai thác vàng duy nhất của nước cộng hòa này “Tadjikistanski zolotorudnyi combinat” (Liên hợp khai thác vàng Tadjikistan) đã bị công ty khai thác vàng lớn nhất Trung Quốc là Zijin Mining Group Ltd mua lại vào năm 2007.

Mỏ chì và kẽm lớn nhất tại Trung Á là mỏ Altyn-Topkan của Tadjikistan trên khu vực biên giới với Uzbekistan – cũng đã thuộc về Công ty khai thác mỏ Trung Quốc.

24

Trong căn cứ quân sự số 201 trên lãnh thổ Tadjikistan,2008.Ảnh:X.Gunheev/RIA Novosti

Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế Tadjikistan với Trung Quốc được thực hiện đúng theo mô hình đã được chính đại sứ Tadjikistan tại Trung Quốc Rashid Alimov công khai thừa nhận: “đầu tư đối lấy nguồn tài nguyên thiên nhiên”.

Một ví dụ điển hình của mô hình này là việc Tập đoàn “Tebian Electric Apparatus” của Trung Quốc xây dựng nhà máy điện ở Dushanbe để đổi lấy quyền khai thác khoáng sản tại khu vực Ainhin thuộc Tỉnh Sogdi ở phía bắc Tadjikistan. Trung Quốc khai thác ở khu vực này than đá, antimon và các kim loại quý khác.

Khu vực này là nơi tập trung tới 10% trữ lượng antimon trên thế giới – một loại nguyên liệu không thể thiếu đối với ngành công nghiệp kỹ thuật điện hiện đại. Tập đoàn “Tebian Electric Apparatus” cũng chính là một trong những tập đoàn sản xuất các mặt hàng điện tử lớn nhất Trung Quốc.

Máy bơm tiền từ Nga vào Trung Quốc

Để đổi lấy các mặt hàng công nghiệp từ Trung Quốc tất cả các chủng loại, Tadjikistan chỉ thể cung cấp chủ yếu là nhôm, bông và các khoáng sản khác. Trong khi đó thì Trung Quốc từ lâu đã giữ vai trò quyết định trong cả công nghiệp chế biến bông vải cũng như công nghiệp khai thác khoáng sản của Tadjikisan.

Không dừng lại ở đó, Trung Quốc không ngừng “lấn sân” trong cả những lĩnh vực vốn vẫn do Nga kiểm soát. Như năm 2008, Trung Quốc “nẫng tay trên” của “Rusal” các hợp đồng xây dựng ở Tadjikistan 2 nhà máy sản xuất nhôm frolua và criolit – những sản phẩm thiết yếu đối công nghiệp sản xuất nhôm.

Với 2 hợp đồng này, Trung Quốc có thể gián tiếp tác động đến hoạt động của nhà máy nhôm Tadjikistan – nhà máy xuất khẩu chủ yếu của nước này và là nhà sản xuất nhôm lớn ở Châu Á.

Trong năm 2013, xuất khẩu của Tadjikistan vào Trung Quốc chỉ có trị giá 90 triệu đôla, trong khi nhập khẩu 400 triệu đôla. Để bù đắp thâm hụt thương mại thì Tadjikistan, nói chính xác hơn là người dân Tadjikistan buộc phải tìm kiếm các nguồn thu nhập từ nước ngoài.

Chính Trung Quốc, nói một cách nhẹ nhàng là không quá thiếu hụt lao động. Những nước Cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ quanh Tadjikistan, vì nhiều lý do cũng không thể cung cấp việc làm lẫn thu nhập cho người Tadjikistan. Trong những điều kiện như vậy, nguồn thu đến từ nước Nga.

Ngay từ đầu thế kỷ XXI, số lượng công dân Tadjikistan, làm việc hợp pháp và bất hợp pháp tại Nga là vào khoảng từ 450.000 đến 650.000 người.

Từ đó đến nay, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới thì Tadjikistan là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ kiều hối do người lao động từ nước ngoài chuyển về trong trong GDP. Trong các năm 2008-2010, thu nhập của những người làm ăn từ nước ngoài gửi về chiếm khoảng 35 đến 49% GDP của Tadjikistan.

Ít nhất 2/3 số tiền người Tadjikistan làm việc ở nước ngoài chuyển nước về là từ những người lao động ở Nga. Tại Nga, số lượng người lao động Tadjikistan chỉ ít hơn người Uzbekistan – công dân của nước Cộng hòa Trung Á đông dân nhất thuộc Liên Xô cũ (30,24 triệu người – số liệu năm 2013 của Ngân hàng thế giới – ND).

Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Nga, tổng số tiền chuyển từ Nga về Tadjikistan trong năm 2013 là hơn 4 tỷ đôla (số tiền chuyển ngược lại từ Tad jikistan vào Nga vào khoảng nửa tỷ đôla).

Con số thống kê nói trên cho thấy một điều là nguồn bù đắp khoảng thâm hụt hơn 300 triệu đôla trong thương mại của Tadjikistan với Trung Quốc lại chính là từ nước Nga.

Nhưng người lao động Tadjikistan kiếm tiền tại Nga (đóng góp tới 1/3 GDP của nước này) và số tiền kiếm được đó lại chi tiêu ở Tadjikistan, nơi mà 90% các loại hàng công nghiệp và các mặt hàng thiết yếu đều có nguồn gốc Trung Quốc.

Cái “máy bơm” này đã hoạt động thành công tại Nga gần hai thập kỷ – vừa đảm bảo lợi nhuận cho các chủ lao động ở Nga vì sử dụng nguồn nhân công giá rẻ, vừa đảm bảo cho những người lao động Tadjikistan một mức sống có thể chấp nhận được bằng cách dùng khoản thu nhập đó từ Nga mua các mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc. Nhưng mặt khác, cái “máy bơm” đó đã cung cấp cho ngành công nghiệp đang phát triển của Trung Quốc một nguồn thu nhập bổ sung đáng kể để lại đầu tư ra nước ngoài.

Những gì đang diễn ra hiện nay cho thấy trong tương lai ngắn hạn, mô hình kinh tế trên sẽ không có gì thay đổi.

Nguồn: Báo Đất Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề