Syria: Trung Đông bấn loạn vì Obama thụ động trước Putin ?
RFI – Thị trường chứng khoán hoảng loạn có đáng lo hay không ? Thái độ mập mờ của Mỹ trong hồ sơ Syria bị chỉ trích khắp nơi, trừ Matxcơva. Liệu có giải pháp dung hoà để Aung San Suu Kyi làm tổng thống Miến Điện ? Đó là những chủ đề chính trong mục điểm báo hôm nay 13/02/2016.

Syria: Putin đánh cược phiêu lưu và thắng

Đó là tựa bài xã luận của tuần báo Người quan sát L’Obs. Theo nhà bình luận Pierre Haski, tổng thống Nga đã lợi dụng « khoảng trống » chiến lược của Mỹ và Châu Âu để vẽ lại ranh giới ảnh hưởng tại Trung Đông.

Với hàng trăm phị vụ oanh tạc, với những trận đánh khốc liệt, chỉ cần theo dõi hàng loạt lời phân ưu trên báo mạng Iran có thể hình dung con số chiến binh Iran tử trận, liên quân Damas, Hezbollah-Liban và vệ binh Hồi giáo Iran đã bao vây được thành phố chiến lược Aleppo của đối lập.

Trong vòng ba tháng qua, chủ nhân điện Kremli đã chứng tỏ ông biết đánh cược vào thái độ thụ động của Mỹ và sự bất lực của châu Âu để đánh thắng. Năm cuối nhiệm kỳ của Barack Obama và François Hollande càng xác định Kremli tính đúng và trong trường hợp Syria, không nên quá tin vào diễn văn của các nền dân chủ Tây phương, theo kết luận của tuần báo thiên tả Pháp.

 Trên trang hai, dưới bức ảnh hai ngoại trưởng Nga và Mỹ, Le Monde loan tin Mỹ, Nga đồng ý một thỏa thuận ngưng bắn. Ai tin vào đề nghị của Nga ? Một chỉ huy đối lập tuyên bố: Ngưng bắn chỉ là chiếc bẫy. Chế độ Damas sẽ tiếp tục đánh. Ả Rập Xê Út, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cũng dự báo như thế: “Tình hình sẽ biến chuyển theo chiều hướng chiến sự gia tăng, vì trong phe chống Bachar al Assad không có lãnh đạo“. Ba nước trên đây đã hứa với đối lập Syria là trong trường hợp Nga không tôn trọng lời hứa thì đối lập có thể dựa vào đó để xin viện trợ vũ khí.

Tại sao phe chống Damas không có lãnh đạo ? Le Monde trả lời trong bài: “Từ Ankara đến các thủ đô Ả Rập, châu Âu đến tận Washington, tổng thống Barack Obama bị chỉ trích là thiếu quyết đoán và thụ động. Chính thái độ lừng khừng này đã làm cho tinh hình Syria nghiêm trọng thêm và Ankara trả giá đắt”.

Thổ Nhĩ Kỳ lãnh cú « sốc » chính trị một cách thô bạo

Trong một hội thảo chuyên gia địa chính trị có phóng viên Le Monde tham dự, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ rất bất bình với chính phủ Mỹ. Đối với Ankara, không phải chỉ có chiến thắng của Putin làm phẫn nộ, mà vì cả một chiến lược địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, đặt trên nền tảng «không vấn đề » biến thành « không giải pháp ».

Vì vị trí địa lý ở vùng châu thổ Địa Trung hải, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm điểm của khủng hoảng. Phía nam, hai nước Syria và Irak tan từng mảnh, phía bắc, Nga tiến hành chính sách bá quyền (lấn chiếm Ukraina). Là thành viên của NATO, Ankara không thể hành động một mình, nhưng « vấn đề là ông tư lệnh tối cao ». Ông này là tổng thống Mỹ.

Một viên chức Thổ Nhĩ Kỳ giải thích: “Tổng thống Obama đã lấy một quyết định sai lầm khi vào giờ chót từ bỏ ý định oanh kích tấn công Damas ngày 31/08/2013 trả đũa chính sách dùng vũ khí hóa học“. Một viên chức khác phẫn uất: “Trật tự thế giới hoàn toàn dựa vào vai trò chủ động của Washington. Mà nếu Mỹ không muốn thì chúng tôi phải làm sao để chống lại Nga ?”

Le Monde nhắc lại là chính Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius than phiền « thái độ mập mờ của vị cơ trưởng ». Một nhà ngoại giao tây phương khác lo ngại « tình hình Syria diễn biến theo quyết định của Matxcơva và Teheran hơn là ở các thủ đô Tây phương ». Ảnh hưởng của Iran tại Syria đáng lo ngại vì chính quyền Hồi giáo Iran đã kiểm soát được bốn thủ đô: Bagdad, Damas, Beyrouth và Sanaa.

Tại Washington, càng ngày báo chí Mỹ càng chỉ trích mạnh chủ nhân Nhà Trắng. Washington Post gọi chính quyền Obama là « mô hình của thụ động và đạo đức hỗn độn ». Ngoại trưởng John Kerry là kẻ « ngây thơ ». Báo chí Ả Rập như Cairo Review cũng dùng lời rất nặng: “chưa bao giờ một tổng thống Mỹ lại thành công đưa cả người Ả Rập, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ vào chung một nỗi niềm cay đắng“.

Một lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhắc lại: Vào năm 1995, một tổng thống Mỹ khác là Bill Clinton đã chờ đến khi 100.000 dân Bosnia tử vong mới ra lệnh oanh kích Serbia. Nhân vật này đặt câu hỏi: “Phải bao nhiêu người chết ở Syria thì Mỹ mới can thiệp?” Le Monde kết luận: “Cuối cùng chỉ có một thủ đô hài lòng tổng thống Mỹ, đó là Matxcơva”.

Trong khi đó, tuần báo le Courrier International đăng lại một bài báo Ả Rập Xê Út cho biết những lý do sâu xa, từ quyền lợi đến tôn giáo, buộc Riyad hành động chống thế lực Iran cho dù Mỹ thụ động. Trong chiều hướng này, chế độ Riyad sẽ huy động nhân lực và vũ khí để « triệt Bachar al Assad, bất chấp thiệt hại nhân mạng và đổ vỡ ». Tờ Rai Al Youn, phổ biến trên khắp các quốc gia Ả Rập nhắc lại kinh nghiệm Thế chiến thứ hai là sau khi Anh và Pháp tuyên chiến với Hitler, Mỹ buộc phải lao vào vòng chiến để yểm trợ và chiến thắng.

Quốc hội Miến Điện đang do dự có nên ủng hộ bà Aung San Suu Kyi làm tổng thống

Trong đề mục « Phụ nữ trong ngày », Libération phân tích khả năng lãnh đạo phong trào dân chủ Miến Điện luồn lách điều 59-F Hiến pháp, để lên làm nguyên thủ quốc gia. Với 390 dân biểu trên tổng số 664, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ hội đủ đa số để bầu lãnh đạo Aung San Suu Kyi làm tổng thống vào tháng ba tới. Tuy nhiên, làm cách nào một phụ nữ có chồng và con mang quốc tịch nước ngoài vượt qua chốt chận mà chính quyền quân sự trước khi rút lui gài lại để cản chân khôi nguyên Nobel Hoà bình 1991 ?

Giải pháp dung hòa được báo Myanmar Times nêu ra: Có thể tạm « đình chỉ » điều 59-F một thời gian. Đình chỉ tạm thời không áp dụng một điều khoản Hiến pháp dễ thực hiện hơn là tu chính, vì chỉ cần đa số quá bán. Nhưng điều này khó có thể làm phe quân đội chấp thuận vì tạo ra tiền lệ: nếu sau đó lại biểu quyết « đình chỉ đặc quyền của đại biểu quân đội hay quyền miễn truy tố của các cựu tướng lãnh » thì sao ?

Ngay tổng thống mãn nhiệm Thein Sein, nhà kiến tạo chính sách dân chủ hóa cũng gửi thông điệp cho từng dân biểu kêu gọi « tôn trọng » Hiến pháp. Quân đội Miến Điện cũng theo dõi sát sao từng động thái của phe dân chủ. Chính họ, hồi năm ngoái đã ngăn chận một dự luật cải cách mở đường cho lãnh đạo đối lập làm tổng thống và nhắc lại rằng đại biểu của họ ở Nghị viện có quyền phủ quyết.

Theo Libération, tình trạng phi lý này tăng cường độ khi tướng về hưu Than Shwe, cựu lãnh đạo tập đoàn quân sự, cuối năm 2015, bất ngờ lên tiếng « ủng hộ hết mình nữ tổng thống tương lai ». Ai cũng biết nhà cựu độc tài này ghét cay ghét đắng bà Aung San Suu Kyi. Không rõ ông Than Shwe đổi lập trường, muốn « trao kiếm lệnh » hay đây là trò ném vỏ chuối hại người ?

Khủng hoảng tài chính hay hoản loạn tinh thần

Trang kinh tế, Libération dành hai trang phân tích tình trạng dầu hỏa xuống giá từ mùa hè năm 2014 gây hệ quả xấu cho cả lãnh vực kinh tế thế giới và Pháp. Hàng loạt công ty khai thác khí đốt bị sạt nghiệp, hàng trăm ngàn công ăn việc làm bị mất đi. Nhưng khách quan mà nói, theo nhật báo cánh tả Pháp, thì giá dầu rẽ phải xem là một cơ hội để canh tân, tìm kỹ thuật mới hay chuyển sang năng lượng sạch.

Thị trường quốc tế dường như không nghe theo luận điểm này, trượt giá liên tục trong khi chờ đợi phản ứng của Thượng Hải vào thứ hai tới. Le Monde, trong bài tìm hiểu vì sao cổ phiếu ngân hàng bị tấn công cho biết những tuyên bố trấn an của giới ngân hàng và tài chính châu Âu như muối bỏ biển.

Theo phân tích của chuyên gia tài chính Laurent Denize, tâm lý hoảng loạn của các nhà đầu tư cổ phiếu là không có cơ sở. Họ lo dầu mất giá, hệ quả của kinh tế thế giới trì trệ sẽ làm ngân hàng mất tiền vì không thu lại được nợ cho vay. Cuộc khủng hoảng này là do mất niềm tin. Giới đầu tư cần bình tĩnh, đầu tư vào các xí nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp mới sẽ không bị mất tiền.

Đây cũng là nhận định của Le Figaro: “ Thị trường chao đảo vì lo sợ hơn là vì kinh tế thế giới suy thoái”.

Nạn nhân của tình trạng khủng hoảng hiện nay, theo Le Monde, là thành phần trung lưu ở Mỹ và Pháp nhưng người Pháp bị thiệt hại nhiều hơn. Kết quả một nghiên cứu cho thấy trong 10 năm qua, dân Pháp có trình độ tú tài cộng ba năm đại học, tức thuộc tầng lớp khá giả bị giảm từ 40% xuống còn 30%. Trong khi đó, thành phần này ở Mỹ không giảm nhưng cũng không tăng vẫn chiếm 40%.

Còn giới trí thức sống ra sao ?

Tuần báo L’Obs, làm một bài nghiên cứu dài, trong đó xếp hạng 15 nhà trí thức, nghiên cứu có tiếng của Pháp. Phần đông, thành phần này không có mức thu nhập đều đặn. Bước vào đời chỉ thu nhập khoảng 2000 euro mỗi tháng. Từ từ lên 4000 euro và có thể được khoảng 6000 khi sắp về hưu.

Ngược lại, những trí thức có sách bán chạy sẽ có đời sống vật chất dư giả hơn. Đứng đầu danh sách là Frédéric Lenoir với 2. 221.000 quyển sách bán ra trong năm năm trở lại đây. Nhân vật mới nổi tiếng là Thomas Piketty, ở tuổi 44, đứng hạng thứ 15 với 237.400 quyển, nhưng chỉ nổi ở Pháp sau khi tác phẩm nghiên cứu « Tư bản luận thế kỷ 21 » được dịch ra 32 thứ tiếng và thành « best seller » tại Hoa Kỳ. Nhà trí thức cánh tả này đang chuẩn bị lao vào chính trị.

Một trí thức khác đã bỏ đi tu, nhưng sách bán chạy đến hàng thứ 8 ở Pháp là nhà sư Mathieu Ricard, cánh tay mặt của đức Đạt Lai Lạt Ma. Một trong những tác phẩm của nhà sư tiến sĩ sinh học này là « Le Suicide français » đuợc tái bản nhiều lần đến 500.000 quyển.

Báo Pháp phát hành từ Paris ngày cuối tuần tràn ngập những thông tin về văn hóa và giải trí. Trên trang bìa và 6 trang bên trong, Libération giới thiệu và phân tích hiện tượng một rừng phim dài nhiều tập và nhiều thể loại của Hollywood, từ tình cảm, kinh dị đến phiêu lưu mà mức độ thành công bắt đầu thu hút không ít các nhà điển ảnh có tiếng tăm như Martin Scorsese với bộ phim « Vinyl ».

Le Monde thì dành hai trang để tường thuật tỉ mỉ khám phá mới trong ngành khoa học không gian khẳng định « Einstein có lý » từ 100 năm với thuyết tương đối: hố đen có thật và không gian- thời gian có tính đàn hồi dưới dạng sóng hấp dẫn.

Thời sự nội tình nước Pháp

Thời sự Pháp cũng chiếm các trang báo lớn. Le Figaro với bài phỏng vấn viện sĩ Hàn lâm Héléne Carrère d’Encausse: “Cải tổ chính tả là chuyện phi lý. Vấn đề chính yếu không phải là giúp cho học sinh bớt lỗi chính tả mà là xét lại toàn bộ hệ thống giáo dục của Pháp ». Sự kiện tổng thống Hollande vừa cải tổ chính phủ cũng được và bị phân tích, bình luận rộng rãi. Nhật báo Le Monde nêu lên những tính toán chính trị của chủ nhân điện Elysée, mà mục đích là vô hiệu hóa các xu hướng xung khắc trong phe đa số,siết chặt hàng ngũ trong nội các « có hợp đồng » chuẩn bị cho năm bầu cử tổng thống 2017.

Không đồng ý với nhận định này, nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa: Chính phủ « trống đánh xuôi kèn thổi ngược » đã trở lại chính trường. Tuyên bố của một nhà lãnh đạo cánh trung hữu được ghi đậm: “Nội các này không mang tính chiến đấu và đoàn kết mà trái lại là nơi chia chát  những mảnh vụn của chiếc bánh”.

Tú Anh


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề