Siêu bão Patricia và lời cảnh báo về cơn thịnh nộ của thiên nhiên

Đạt sức gió khủng khiếp lên tới 325 km/h, cơn bão Patricia vừa đổ bộ vào Mexico “xém” có nguy cơ viết lại toàn bộ lịch sử về bão tố của thế giới.
Theo ghi nhận của Trung tâm Bão quốc gia Mỹ, Patricia là cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử Tây Bán Cầu. Cơn bão này đã đổ bộ vào các bang của Mexico vào chiều tối ngày 23/10 (giờ địa phương) và gây lụt trên diện rộng toàn Trung Mỹ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão có lúc đã lên tới 325 km/h, một con số khủng khiếp đã vượt qua mọi thang đo cấp độ bão trên toàn thế giới.
Nhưng trước khi nói nhiều hơn về Patricia, bạn cần chú ý cấp bão trong bài viết này dựa trên thang đo của Mỹ. Trong đó, cấp 5 là cấp mạnh nhất với sức gió giữ liên tục trong 1 phút phải từ 254 km/h trở lên. Thang đo Beaufort mà Việt Nam đang dùng chỉ có 12 là cấp tối đa với sức gió tối thiểu trên 120 km/h. Thang Beaufort không có cấp nào trên cấp 12 nên không phù hợp để nói về các cơn bão cấp 1 trở lên theo thang đo của Mỹ.

Tuy Patricia hiện đã tan, nhưng quá trình hình thành và lớn mạnh của nó khiến cho mọi trung tâm khí tượng trên thế giới phải kinh hoàng. Thậm chí người Mỹ từng tính tới việc sẽ lập thêm thang đo cấp 6 để nói về sức mạnh của Patricia.

Con số 325 km/h là sức gió mạnh nhất mà Patricia đạt được. Theo Mark DeMaria, một nhà khí tượng nghiên cứu ở Cục quản ký khí quyển và Đại dương quốc gia ở Ft. Collins, Colorado (Mỹ) cho Discovery biết, ngoài Patricia, chỉ có ba cơn bão có sức mạnh khủng khiếp như vậy tấn công đất tiền trong gần một thế kỷ qua.

Ban đầu Patricia chỉ là một cơn áp thấp nhiệt đới (tương đương cấp 7 trong thang Beaufort), được chính thức ghi nhận vào ngày 20/10 (giờ địa phương). Tại thời điểm ấy, quá trình “trưởng thành” của cơn áp thấp này khá chậm. Qua ngày hôm sau, người ta mới xác nhận nó có sức mạnh của một cơn bão nhiệt đới (khoảng cấp 8 – 11 thang Beaufort). Nhưng mọi thứ đã “bùng nổ” sau 1 ngày nữa (tức 22/10). Patricia với sức gió chỉ hơn 100 km/h (chưa tới cấp 1 thang đo Mỹ) vào lúc 3:00 (UTC) ngày 21/10 đã vọt lên trong khoảng 210 – 252 km/h (cấp 4 thang đo Mỹ) vào lúc 18:00 (UTC) ngày 22/10. Cho tới đầu ngày 23/10, sức mạnh của Patricia được xác nhận đã đạt cấp 5. Lần ghi nhận cuối cùng trước khi cơn siêu bão này đổ bộ vào đất liền cho thấy sức gió của nó đã tới 325 km/h, tức cao hơn 71 km/h so với mức tối thiểu của cấp 5.

Điều đáng sợ là nếu không “chóng” đổ bộ vào đất liền, Patricia có thể đạt sức gió lên tới hơn 354 km/h. Mọi chuyện lúc đó chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn chúng ta nghĩ.

Mark DeMaria nói thêm: “Siêu bão cấp 5 là trường hợp cực kỳ hiếm gặp. Phải có sự chuyển dịch mạnh mẽ về mặt khí hậu và tôi nghĩ chúng ta phải xem xét về những gì con người đang làm”.

Khi một cơn bão hình thành, điều kiện cần là sự chênh lệch đủ lớn giữa nhiệt độ giữa bầu khí quyển lạnh và vùng bề mặt nước biển ấm áp. Ở Đại Tây Dương, những điều kiện thuận lợi nhất để hình thành bão thường chỉ xuất hiện khoảng 6 tháng trong năm. Tuy vậy, những cơn bão mạnh sẽ chỉ xuất hiện khi có những xáo trộn vô cùng đặc biệt trong không khí phía trên mặt nước biển.

Nếu dòng gió mạnh thổi từ phía Đông Châu Phi có thể kéo nhiệt từ đại dương vào bầu khí quyển, trong khi hiện tượng bay hơi cũng xảy ra cùng lúc. Không khí ấm lên, khí áp giảm, các trường gió xoáy bắt đầu hình thành và tạo lên những cơn bão với sức mạnh khủng khiếp. Chính sự kết hợp vô cùng tình cờ giữa hai điều kiện này đã khiến tốc độ gió của Patricia lại lớn đến như vậy.

Trong những năm 1970, Trung tâm Bão quốc gia Mỹ đã bắt đầu sử dụng “cấp” để mô tả độ mạnh của sức gió trong các các cơn bão, đồng thời dự đoán những thiệt hại có thể xảy ra khi bão càn quét vào đất liền.

Bắt đầu từ sức gió khoảng 74 mph (120 km/h) tương đương cấp 1, những cơn bão có thể làm đổ các cành cây, xô đổ cột điện hoặc phá hỏng nhà không kiên cố. Những cơn bão chỉ thực sự được coi là lớn khi đạt đến cấp 3 với tốc độ gió đo được từ 111 – 120 mph (179 – 207 km/h). Những cơn bão như vậy có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng hơn tưởng tượng.

Tính tới nay đã có 3 cơn bão cấp 5 tấn công vào nước Mỹ kể từ đầu thế kỷ 20. Một cơn bão tại Florida Keys vào năm 1935, bão Camille vào năm 1969 và Andrew năm 1992. Với sức gió đo được 192 mph (308 km/h), bão Camille giữ kỷ lục là một trong những cơn bão có sức gió mạnh nhất đổ bộ vào nước Mỹ.

Những cơn bão mạnh thường suy yếu rất nhanh ngay khi chúng chạm vào mặt đất do chúng bị mất nguồn nhiệt dồi dào được cung cấp từ mặt nước biển, đồng thời ma sát với đất liền cũng làm sức gió ngày càng giảm dần.

Tuy vậy, sức gió không phải là thứ duy nhất nói lên cơn bão có sức huỷ diệt khủng khiếp. John Abraham, một nhà khoa học chuyên về nhiệt độ tại ĐH St.Thomas ở St Paul, Minn nói với đài Discovery hồi tháng 8/2012. Kích cỡ khối mây (bán kính), lượng mưa nó mang theo và độ lớn của những cơn sóng cũng là một trong những yếu tố để đánh giá sức phá huỷ của một cơn bão.

Sông băng tan chảy và mực nước biển dâng lên vào những ngày triều cường chắc chắn sẽ đóng góp phần lớn vào sức mạnh của một cơn bão. Bên cạnh đó, nhiệt độ không khí trở nên ấm hơn cũng có thể gia tăng độ ẩm khiến những cơn mưa trở lên nặng hạt hơn.

Thế nhưng sự đột biến về cấp độ siêu bão thường khó xảy ra. Lý do căn bản là các cơn bão thường hút nước lạnh từ dưới đáy biển lên trên bề mặt nước. Điều này vô tình làm mát nhiệt độ bề mặt nước khiến những cơn bão phần nào tự làm mất đi nguồn nhiệt lượng cần thiết để mạnh hơn. Nhưng khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên (và cả các đại dương), các cơn bão sẽ dễ nhận được thêm nhiều nhiệt hơn để mạnh hơn.

Thường những cơn bão cấp 3 sẽ trở nên phổ biến hơn. Theo ghi nhận của các nhà khoa học, tần suất những cơn bão mạnh đã bắt đầu nhen nhóm xuất hiện từ những năm 1970. Mặc dù chỉ đạt cấp 3 nhưng sức mạnh của chúng cũng đủ tàn phá nhiều điều kiện sống của con người.

“Các cơn bão thực sự gây thiệt hại lớn, và điều đáng nói là chúng đang nhiều lên. Những gì các nhà khoa học từng nói từ nhiều thập kỷ tới đang hiển hiện ngay trước mắt. Và sẽ có thiệt hại lớn về mặt kinh tế nếu chúng ta không làm gì để thay đổi”, Abraham cho biết thêm.

Lan Hương (Theo VNREVIEW)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề