Sau cái nâng ly lạnh lùng của Obama và Putin

Cái bắt tay hờ hững và màn cụng ly lạnh nhạt giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin là hình ảnh biểu tượng cho những bất đồng sâu sắc giữa hai nhà lãnh đạo về cuộc khủng hoảng Syria.

Quan hệ giữa ông Obama và ông Putin chưa bao giờ “cơm lành canh ngọt” và xấu đi nghiêm trọng kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột nổ ra ở miền đông Ukraina.

Nhưng cảnh ông Obama mặt mày nghiêm nghị, ánh mắt sắc lạnh, còn ông Putin nhếch mép cười mỉa khi nâng ly trong tiệc trưa ở cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York thể hiện rõ mâu thuẫn trầm trọng hơn bao giờ hết giữa hai người đàn ông quyền lực hàng đầu thế giới.

Khi chuẩn bị bước vào cuộc họp song phương bên lề Đại hội đồng LHQ, ông Obama và ông Putin cũng bắt tay rất hờ hững theo kiểu lấy lệ. Chủ đề quan trọng nhất của cuộc gặp kéo dài 90 phút là cuộc khủng hoảng Syria.

Các quan chức hai bên mô tả cuộc đối thoại giữa ông Obama và ông Putin diễn ra “thẳng thắn và đầy tính xây dựng”. Chính ông Putin khẳng định hai bên “có nhiều điểm chung và đồng ý giải quyết các khác biệt”.

Nhưng giới quan sát nhận định rất ít có hi vọng về một sự hợp tác thiện chí giữa Nga và Mỹ để giải quyết khủng hoảng Syria.

Ông Obama mặt lạnh khi nâng ly cùng Tổng thống Putin - Ảnh: AP
Ông Obama mặt lạnh khi nâng ly cùng Tổng thống Putin – Ảnh: AP

Trước đó, lúc lên phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, cả ông Obama và ông Putin đều đã chỉ trích nhau kịch liệt. Tổng thống Mỹ lên án Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh của Nga, là “bạo chúa” đã giết hại thường dân, châm ngòi cuộc nội chiến giúp tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy.

Ông Putin thì mô tả chính quyền ông Assad là sự lựa chọn không thể thiếu trong cuộc chiến chống IS.

Ông Obama chỉ trích Nga vi phạm luật pháp quốc tế khi can thiệp vào khủng hoảng Ukraina.

Đáp trả lại, ông Putin lên án Mỹ đã châm ngòi chiến tranh ở Libya, Syria và cả Ukraina.

Dù ông Obama tuyên bố Mỹ “sẵn sàng hợp tác với Nga và Iran” để giải quyết khủng hoảng Syria, nhưng giới quan sát nhận định mâu thuẫn giữa ông Obama và ông Putin về tương lai của Tổng thống Assad sẽ cản trở bất kỳ nỗ lực hợp tác thực chất nào giữa Washington và Matxcơva.

Ông Obama tỏ rõ quyết tâm loại bỏ ông Assad chứ không tỏ ý nhượng bộ như những dự báo trước đó.

Việc ông Putin đề xuất Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết thành lập một “liên minh quốc tế thật sự” chống IS bị đánh giá là có ý đồ loại bỏ liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo đang thực hiện các cuộc không kích chống IS ở Syria và Iraq.

Ở thời điểm hiện tại, giới truyền thông và chuyên gia quốc tế đánh giá có vẻ như ông Putin đang giành được lợi thế trước ông Obama.

Việc ông Putin triển khai binh lực tại Syria và đạt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo chống IS với Iran, Syria và Iraq đều là những nước cờ đẩy Chính phủ Mỹ vào thế bị động. Trong khi đó, Washington chưa có kế hoạch cụ thể nào để xử lý vấn đề Syria.

Chiến dịch không kích IS do Mỹ dẫn đầu không đạt hiệu quả như mong đợi, còn chương trình đào tạo quân nổi dậy Syria, trị giá 500 triệu USD, đang thất bại thảm hại.

Nước cờ Syria của ông Putin cũng được đánh giá là giúp ông cản trở những chú ý và chỉ trích về vai trò của Nga trong chiến tranh Ukraina tại diễn đàn LHQ.

Dẫu vậy, cũng chưa có gì đảm bảo Nga có thể vãn hồi hòa bình ở Syria. Theo báo Washington Post, một số quan chức Nhà Trắng khẳng định dự báo với việc đưa quân vào Syria, Nga có thể sẽ phải hứng chịu tổn thất trong các cuộc giao tranh với IS.

Nền kinh tế Nga đang khủng hoảng vì giá dầu sụt giảm và cấm vận của phương Tây, do đó khả năng Nga duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria cũng khá mập mờ.

Vấn đề là trong khi Mỹ và Nga cạnh tranh ảnh hưởng, Syria vẫn đang tiếp tục chìm sâu trong hỗn loạn và đổ máu.

Theo Tuổi trẻ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề