Quốc hội: Gương mặt một nước Ukraina mới?

Ukraina sắp có Quốc hội mới. Ngày chủ nhật 26/10/2014, hơn 35 triệu cử tri Ukraina được kêu gọi đi bỏ phiếu bầu 424 ghế dân biểu Quốc hội trước kỳ hạn. Cuộc bầu cử này có ý nghĩa như thế nào đối với xã hội Ukraina ? Vì sao Ukraina phải tổ chức bầu cử Quốc hội sớm, các đảng phái nào có khả năng giành chiến thắng ? Rộng hơn nữa là câu hỏi cử tri Ukraina nghĩ gì về các lực lượng chính trị sẽ dẫn dắt đất nước trong bối cảnh nước Cộng hòa thuộc khối Liên Xô cũ đứng trước những thách thức nghiêm trọng nhất, kể từ khi quốc gia này độc lập năm 1991 ?

Chúng ta đã biết, cách nay hơn nửa năm, hồi cuối tháng 2/2014, sau cuộc nổi dậy tại quảng trường Maidan, Tổng thống thân Nga Yanukovitch phải bỏ trốn. Cuộc chính biến bắt nguồn từ thái độ quay ngoắt 180° của ông Yanukovitchn, từ chối ký hiệp định liên kết với Châu Âu không lâu trước ngày ký, do những mặc cả ngầm với Nga. Vài giờ sau, Rada (tức Quốc hội Ukraina) bỏ phiếu phế truất Tổng thống (328 phiếu thuận trên tổng số 450). Đầu tháng 3/2014, Nga lặng lẽ thôn tính bán đảo Crimée. Ngay tiếp đó, phe thân Nga cầm vũ khí nổi lên đòi độc lập tại hai tỉnh miền đông Donetsk và Lugansk.

Trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, cuộc bầu cử Tổng thống ngày 25/05 đã đưa nhà tài phiệt Petro Porochenko thân Châu Âu lên đứng đầu đất nước với số phiếu áp đảo ngay từ vòng một (gần 55%). Tân Tổng thống Ukraina phải, một mặt đối đầu với phe ly khai được Nga hậu thuẫn trong cuộc chiến khốc liệt tại miền Đông, mặt khác phải vực dậy nền kinh tế kiệt quệ vì tham nhũng và phụ thuộc nặng nề vào Nga, một nền quốc phòng không đủ lực để bảo vệ đất nước và một xã hội nhân tâm nhiều phần ly tán khi quốc gia chưa có được một Nhà nước pháp quyền.

Chiến dịch « chống khủng bố » lấy lại hai tỉnh miền Đông, nơi đa số cư dân nói tiếng Nga, của chính quyền Tổng thống Porochenko, đã không gặt hái thành công như dự định. Sau một số thắng lợi ban đầu, quân đội Ukraina và các đơn vị tình nguyện đã gặp phải các thất bại nặng nề trước lực lượng nổi dậy được sự hậu thuẫn của binh lính thiện chiến và vũ khí hiện đại từ Nga. Tổng thống Ukraina đã buộc phải chấp thuận một thỏa thuận ngừng bắn với phe nổi dậy đầu tháng 9. Các vùng do phe nổi dậy kiểm soát được hưởng một « quy chế đặc biệt » trong thời hạn ba năm.

Chính phủ mới/Quốc hội cũ

Chính trường Ukraina nửa năm sau chính biến Maidan ở trong một tình trạng hết sức đặc biệt : chế độ cũ đã bị giải thể một phần với sự ra đi của viên Tổng thống, tuy nhiên Quốc hội cũ vẫn tiếp tục tồn tại trong trạng thái nửa hợp tác, nửa chống lại chính phủ mới.

Một trong những khó khăn lớn nhất đối với Tổng thống Porochenko là bị chống đối ngay từ trong Quốc hội, vốn do đảng của cựu Tổng thống kiểm soát. Để có được một chỗ dựa quyền lực hợp pháp, cuối cùng Tổng thống Ukraina quyết định giải tán Rada vào cuối tháng 8, sau một loạt thất bại không thể cứu vãn tại chiến trường miền Đông.

Một lý do chủ yếu dẫn đến quyết định này được chính Tổng thống Petro Porochenko giải thích là để cử tri đuổi ra khỏi Rada các dân biểu thân Nga, những người ủng hộ Tổng thống Yanukovitch, bị cuộc cách mạng đường phố lật đổ hồi cuối tháng 2. Trong bản thông cáo ngày 25/08, được Reuters trích dẫn, Tổng thống Ukraina nhấn mạnh «Quốc hội hiện nay đã từng trong một năm rưỡi phục vụ Victor Yanukovitch. Đa số các nghị sĩ của Quốc hội này đã thông qua các điều luật độc tài» khiến cả trăm người biểu tình thiệt mạng vào mùa đông vừa qua trên quảng trường Maidan. Tổng thống Porochenko cũng cáo buộc nhiều nghị sĩ ủng hộ phe nổi dậy thân Nga tại vùng Donbass.

Trong cuộc tọa đàm về tình hình Ukraina do Tạp chí Địa chính trị của RFI tổ chức tại Marseilles, chị Anna Garmash, thành viên nhóm Euro Maïdan Pháp, cho biết :

«Cuộc bầu cử này rất quan trọng. Chúng tôi đã có một cuộc bầu cử Tổng thống ngày 25/05. Đây là giai đoạn đầu tiên sau cuộc chạy trốn của V. Yanukovitch, để hướng đến một sự thay đổi quyền lực thực sự. Quốc hội mãn nhiệm trên thực tế vẫn là Quốc hội của chế độ cũ. Đối với Tổng thống Porochenko, ông cần nhanh chóng nhất có thể có được một Quốc hội mới. Ông Porochenko đắc cử với sự ủng hộ rất cao của cử tri. Mục tiêu của ông ấy là có được một sự ủng hộ tương tự đối với đảng của ông trong cuộc bầu cử Quốc hội.

Giống như các nhà chính trị khác, quá trình thực thi quyền lực sẽ mang lại các thất vọng, vì vậy ông ấy cần một cuộc bầu cử sớm nhất, để có thể được hưởng những lợi thế của mức độ được lòng dân hiện tại. Tiếp đó, người Ukraina nói chung cần một sự đổi mới giai tầng chính trị, những nhật vật cũ ra đi, để một thế hệ mới kế tục».

Khối Porochenko và 5 đảng phái có thể vào Rada

Về mặt chính thức, ít nhất 29 đảng đã đệ nạp danh sách để tham gia tranh 225 ghế dân biểu tại Quốc hội một viện của Ukraina. Bên cạnh đó, 3.468 ứng viên sẽ tranh 225 ghế dân biểu còn lại tại 225 đơn vị bầu cử. Tuy nhiên, 12 ghế trong Quốc hội sẽ được bỏ trống, do bán đảo Crimée của Ukraina hiện đã bị Nga sáp nhập hồi tháng 3. Bên cạnh đó, 14 trên tổng số 32 ghế dân biểu của hai vùng Donetsk và Lugansk cũng sẽ vắng chủ, do khoảng 3 triệu cử tri (trên tổng số 5,2 triệu) hiện đang sống tại vùng do các lực lượng ly khai kiểm soát.

Những đảng phái nào sẽ giành được sự ủng hộ nhiều nhất của cử tri ? Theo một số thăm dò dư luận, vượt mức tối thiểu 5% để có thể lọt vào Quốc hội sẽ có từ năm đến sáu đảng.

Theo một điều tra phối hợp giữa Viện Xã hội học Kiev và Quỹ Các sáng kiến dân chủ, Khối Prochenko, liên minh của đương kim tổng thống (bao gồm cả Udar, đảng của cựu vận động viên quyền Anh Vitali Klitschko), có khả năng giành được hơn 30% ủng hộ. Tiếp theo đó, đảng Cấp tiến của Oleg Liachko (12,9%), Mặt trận nhân dân của Thủ tướng mãn nhiệm Arseni Iatseniuk (10,8%), của nhà cải cách Samopomitch (thị trưởng Lviv) (8,5%), đảng Batkivchtchina (Tổ quốc) của cựu Thủ tướng Ioulia Timochenko (7,5%).

Dự báo này không liên quan đến một nửa số ghế dân biểu tranh cử theo con đường độc lập. Bên cạnh đó, một phần ba số cử tri hiện còn lưỡng lự làm tăng cao độ bất trắc đối với các đảng phái đang ở mức xấp xỉ 5% để có thể lọt vào Rada.

Theo một điều tra khác của Viện Rattinggroup (thực hiện đầu tháng 10, với khoảng 2.000 người được hỏi), đảng của Tổng thống Porochenko đạt tới 33,5% ý định bầu. Tiếp theo với tỷ lệ tương tự vẫn là các đảng Cấp tiến của ứng cử viên dân túy Oleg Liachko, Mặt trận Nhân dân của Thủ tướng Arseni Iatseniuk, của cựu Thủ tướng Timochenko. Đảng thân Nga Nước Ukraina mạnh (7,8%), đồng minh trước đây của đảng Các vùng, có khả năng vào được Quốc hội. Ngoài ra còn có khối Đối lập (5,1%), vốn gần gũi với các cử tri nói tiếng Nga. Các đảng thân Nga có xu hướng bị gạt sang lề do sự vắng mặt của một bộ phận cử tri tại Crimée và Donbass. Thiếu một bộ phận cử tri miền Đông, Đảng các vùng tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử.

Đa số cử tri thân Âu và sự nổi lên của những ứng viên xã hội dân sự

Xu thế tiêu biểu của cuộc bầu cử hiện nay là « lần đầu tiên kể từ khi độc lập, đã hình thành nên trên toàn quốc một đa số cử tri thân Châu Âu », như ghi nhận của nhà chính trị học Karassev, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Kiev. Theo chuyên gia này, « Quốc hội tương lai sẽ phản ảnh các lợi ích của một dân tộc Ukraina mới thân Châu Âu, chứ không còn là một đất nước bị giằng xé giữa hai miền Đông và Tây, giữa Nga và Châu Âu ».

Một xu thế quan trọng khác là một số đảng có tầm quan trọng biểu tượng, như đảng Cộng sản, có nhiều khả năng sẽ không đạt đủ số 5%. Đảng Cộng sản ngày càng bị nhiều phản đối do thái độ ủng hộ lực lượng ly khai. Bên cạnh đó ảnh hưởng của các đảng cực hữu Svoboda và Pravy Sektor, từng rất tích cực trong biến cố Maidan, cũng bị thu hẹp rất nhiều.

Bên cạnh các « lãnh đạo » của các đảng phái lớn, điểm đặc biệt khác được rất nhiều nhà quan sát chú ý là sự nổi lên của các ứng cử viên trẻ, những nhà hoạt động thuộc xã hội dân sự, các (cựu) chiến binh miền Đông… Hiện tượng chưa từng có : 29 đảng phái tranh cử đều đưa vào danh sách các nhà tranh đấu của xã hội dân sự. Theo nhà chính trị học Taras Berezovets, ước tính sẽ có khoảng 50 người trong số họ sẽ vào được Rada.

Cả một « thế hệ Maidan » đang nổi lên. Báo giới thường dẫn ra trường hợp của ba người bạn, hai nhà báo Serguii Lechtchenko và Mustafa Naiem và Svitlana Zalichtchuk, nhà tranh đấu cho quyền công dân (bạn đời của Mustafa). Cả ba người đều dưới 35 tuổi. Serguii nổi tiếng về các điều tra về tham nhũng dưới chế độ Yanukovitch, tạo thành động lực cho cuộc nổi dậy Maidan ; Mustafa là người đầu tiên kêu gọi biểu tình phản kháng ở Maidan, còn hoạt động Svitlana nhằm gia tăng sự kiểm soát của xã hội đối với các đại biểu dân cử. Tất cả bọn họ đều biết các đảng phái chính trị hiện tại đều « là các băng đảng nhận tài trợ của giới tài phiệt », nhưng tất cả đều quyết định tham gia vào danh sách của một đảng lớn để có cơ hội hoạt động chính trị. Các ứng viên trẻ hy vọng, vào được Rada, sẽ kết hợp với các dân biểu mới khác tìm cách mở lối vào Quốc hội cho các đảng nhỏ (với việc hạ thấp xuống dưới mức 5% cử tri ủng hộ tối thiếu).

Tuy nhiên, xã hội dân sự không chỉ bao gồm những nhà tranh đấu « Maidan ». Khá đông ứng cử viên là « các anh hùng » miền Đông. Đứng đầu danh sách tranh cử của Batkivchtchina đảng Tổ quốc của cựu Thủ tướng Ioulia Timochenko là nữ phi công Nadia Savtchenko, 33 tuổi, nổi tiếng kể từ khi bị Nga bắt làm tù binh. Hiện tại cô vẫn bị giam giữ. Một ứng cử viên độc lập nổi tiếng là bà Irina Dovgan, 52 tuổi, tại một thị trấn nhỏ gần Donetsk. Công khai ủng hộ đất nước, quyên góp thực phẩm thuốc men cho quân chính phủ, nữ kỹ thuật viên chăm sóc sắc đẹp đã bị một nhóm quân ly khai hành hung, dọa cương hiếp, rồi dẫn giải ra đường để cho dân chúng đánh đập nhục mạ. Nhờ những bức ảnh các phóng viên quốc tế truyền lên mạng mà người phụ nữ đã được phe ly khai trả tự do. Mục tiêu tranh đấu số một của ứng viên dân biểu Irina Dovgan là « tham nhũng ». Đối mặt với 30 ứng viên khác, thuộc đảng Các vùng trước đây hay các đảng thân Phương Tây, cơ hội chiến thắng của Irina Dovgan không lớn.

Thách thức đầu tiên đối với Tổng thống Porochenko, sau cuộc bầu cử, theo nhiều nhà quan sát, là tạo lập một liên minh đảng phái vững chắc để có thể thông qua được bản Hiến pháp mới và những đòi hỏi khắc nghiệt mà các nhà tài trợ quốc tế yêu cầu, đặc biệt là Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên Hiệp Châu Âu.

Trong khi đó, nhìn từ nước Nga, một sự thay đổi lớn trong Quốc hội Ukraina sẽ không hề có tác động gì đến quan hệ Nga-Ukraina (Vladimir Jarikhine, Phó viện trưởng thứ nhất Trung tâm nghiên cứu các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập, theo AFP ngày 23/10).

2 phần 3 dân biểu để thay đổi Hiến pháp ?

Nhìn về triển vọng của cuộc bầu cử Quốc hội chủ nhật, sau đây mời quý vị nghe tiếng nói của chị Hoàng thị Vinh, một tình nguyện viên trong Ban bầu cử Quốc hội Ukraina tại các tỉnh miền Tây Hoa Kỳ (thuộc lãnh sự quán Ukraina) :

« Hiện nay, nhiều điều bất đồng có thể xảy ra. Như đợt vừa rồi có đợt ẩu đả ở ngoài nhà Quốc hội hay có anh nhà báo Mustafa Naiem, người đứng thứ 20 trong đảng của blogger Parachenko. Nhưng người ta vẫn có những cuộc biểu tình, hoặc cùng một số dân biểu chống lại một số cũng là đại biểu trong danh sách của Khối Porochenko. Tại sao lại như vậy ? Một đất nước dân chủ còn non trẻ, Mustafa Naiem là người đã từng dẫn dắt Maidan không phải bằng tiền bạc mà bằng kỹ thuật. Làm internet để update thông tin ngay lập tức. Thì đây chính là anh Mustafa. Anh ấy bây giờ được báo chí và nhân dân đánh giá như là một (đại biểu cho) sự tham gia với nhiệt tình của lớp trẻ, để thanh lọc, để làm trong sạch Đảng. Chính ngày xưa, anh nhà báo này đã từng phê bình một cách thẳng thừng trên báo chí về những cái bất hợp pháp của Yanukovitch. Anh ấy cũng viết nhiều bài báo để làm trong sạch, chỉ trích các thành viên của các đảng khác, mà chưa trong sạch. Hiện nay, tiếng nói của những thành phần cất lên một cách chống đối, kể cả trong đảng phái mình, cũng là một hiện tượng, một biểu hiện của dân chủ, một biểu hiện của điều mới lạ, mà trước đấy trong lịch sử bầu cử Quốc hội của Ukraina chưa bao giờ có.

Nếu đọc nhiều, riêng báo chí Ukraina, thấy rất lạc quan. Vì sáu đảng đã vì Ukraina, lại cũng đoàn kết với nhau, hy vọng sẽ chiếm được 2/3 ghế đại biểu ».

Luật hóa việc thanh lọc tham nhũng, tay chân của Matxcơva

Vì sao cuộc bầu cử Quốc hội này lại có thể mang lại triển vọng thay đổi lớn ? Từ Kiev, bà Nhường – một người theo dõi sát tình hình chính trị tại Ukraina – giải thích :

« Tổng thống vừa ký luật thanh lọc cán bộ (thanh lọc chính trị – ndr) (ngày 09/10/2014). Những ai làm việc có ‘‘dấu vết’’ gì, đều phải khai báo. Có ‘‘Ban làm sạch’’, họ (quyết định) có cho ứng cử tiếp hay là cho làm cán bộ tiếp hay không. Các cán bộ cũ ít có khả năng vào hơn. Hy vọng vào Quốc hội lần này là những gương mặt mới hơn. Trước đến giờ, hệ thống bầu cử ở đây là cũng mua bán. Đồng thời mới có luật Hình sự xử lý việc mua phiếu. Bây giờ, kể cả người mua và người bán đều có hình phạt. Nặng nhất là có thể bị tù. Còn ít nhất là có thể mấy trăm lần lương tối thiểu.

Hy vọng lần này Quốc hội có thể trong sạch hơn những lần trước, theo các dự đoán xã hội học. Có thể 6 đảng sẽ vào, trong đấy không có đảng nào của chính quyền cũ. Hy vọng kỳ này Quốc hội bầu cử phải khác khóa trước, khác nhiều.

Còn kinh tế, thì tình hình U bây giờ cứ đổ lỗi cho chiến tranh. Thực tế, các công ty nước ngoài ở U là đóng cửa bỏ chạy hết. Tình hình U, kinh tế U sẽ rất ảm đạm. Không biết dân sẽ lấy lòng tin lại đối với chính phủ mới, Quốc hội mới bằng cách nào ? ».

Porochenko : Tại sao là ông ?

Khối Porochenko, liên minh của Tổng thống có khả năng dành được một đa số áp đảo, với tỷ lệ gấp tới ba lần đối thủ đứng hàng thứ hai. Vì sao liên đảng của ông Porochenko lại có được mức độ ủng hộ như vậy ? Từ San Francisco, chị Hoàng Thị Vinh nhận xét :

« Tôi thấy cái thành công của cuộc bầu cử trước là, chưa nói ông Porochenko sẽ lãnh đạo đất nước giỏi hay không. Nhưng thành công lớn nhất là ông ấy không phải là phía phục Nga hoặc thân Nga. Hơn nữa, khi đất nước có chiến tranh, tôi thấy xu thế là ai cũng vì (hay ủng hộ) một Tổng thống vì Nhân dân hơn. Trong khi đó, những bước đi của Tổng thống rất là khôn khéo, từ ngoại giao đến chiến lược phát triển kinh tế, cũng như những đường lối mềm mỏng hoặc cứng rắn.

Nếu đọc bài trong lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống, thì thấy rằng Tổng thống nói rất là khiêm nhường nhưng cũng rất là rắn. Thậm chí nhiều người Việt Nam còn nói là, nói thế này còn ra chiến tranh nữa cho mà xem. Tôi rất thích thái độ sống của Tổng thống rất kiên quyết, nhưng cũng rất mềm. Chẳng hạn Tổng thống nói là Ukraina sẽ chỉ có hòa bình khi Nga ‘‘giúp’’, tức là hòa bình của Ukraina sẽ phụ thuộc vào nước Nga. Nhưng ông cũng nói bán đảo Crimée đã, đang và sẽ là của Ukraina.

Một việc rất bình thường, khi ông đi sang Mỹ, để nói chuyện tại Nhà trắng. Khi ra, ông ấy chỉ nói có mấy phút thôi. Trước nhân dân U ở đây cầm cờ, thì ông cũng nói một tràng dài, nói chuyện với nhân dân mình. Hoặc ngày Quốc khánh, ngày độc lập của Ukraina, những vùng bị Nga chiếm, như Crimée, hay vùng ly khai chiếm ở miền Đông. Ông ấy cũng không thể kêu gọi cắm cờ nước mình lên, ông thành lập chương trình gọi là “màu sắc của chúng ta”, tức là mầu cờ. Ông kêu gọi nhân dân hãy sơn nhà cửa, xe cộ, văn phòng theo “màu sắc của chúng ta”. Những bước như thế rất là nhỏ !

Hoặc ngày sinh nhật của ông, ông cũng đưa lên facbook của mình quà tặng của vợ là những bức tranh của trẻ em vẽ. Những việc rất là nhỏ của một Tổng thống bình thường. Một Tổng thống có gia đình hạnh phục, thì chắc sẽ là một Tổng thống tốt. Vì ông biết cách đi vào Nhân dân như vậy.

Còn việc các chính sách phát triển, thì hiện nay xu thế của Ukraina là đi theo Châu Âu, chứ không như trước nữa. Thành ra người ta ủng hộ Porochenko! ».

Cũng về lý do một bộ phận đông đảo cử tri muốn lựa chọn Khối Porochenko, bà Nhường đưa ra một giải thích khác, với cảm nhận nửa tin, nửa ngờ :

« Nói chung, mọi người vẫn rất hy vọng, bởi vì Porochenko từ trước đến nay vẫn là một con người dĩ hòa, vi quý. Trước từng làm trong bộ máy của Yuchenko, sau đó tiếp tục làm cho thời của Yanukovitch. Nhưng ông này không bị tai tiếng gì nhiều, vì thực ra ông ấy không lắm lời, không có chính kiến bản thân nhiều, nên bây giờ dân vẫn hy vọng. Họ chỉ đánh giá thế này. Ông này có một thời là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng thời cũng là một tỷ phú có một business gọi là ‘‘rõ ràng’’. Nên dân vẫn hy vọng là với con người, vừa biết ngoại giao, vừa biết làm kinh tế, thì có thể hy vọng đưa được nước U lên được một cái gì đấy chăng.

Hiển nhiên là một loạt các hứa hẹn của ông ấy, ông ấy vẫn chưa làm được. Và bây giờ chỉ đổ lỗi cho chiến tranh thôi. Cái ông ấy hứa là trước khi lên Tổng thống, sẽ bán hết các ngân hàng, doanh nghiệp bánh kẹo, xe buýt. Nhưng cho đến giờ không bán mà vẫn phát triển thịnh vượng. Ngân hàng của ông bây giờ vẫn là đầu bảng của U trước khi thành Tổng thống chỉ là một ngân hàng thường. Bây giờ dân bắt đầu đặt dấu hỏi.

Nói chung, dân không tìm ra được một gương mặt nào khác để gửi lòng tin được. Không tìm được ai để thay thế thôi. Chứ (ông ấy) không phải là chỗ tin tưởng của dân. Tôi nghĩ thế ! ».

“Ổn định” hay Donbass /Maidan ?

Trong cuộc tọa đàm tại Marseilles, do chương trình tạp chí Địa chính trị của RFI tổ chức về chủ đề Ukraina trước bầu cử, nhà nghiên cứu Jean Radvanyi, chuyên gia về Nga và vùng Kavkaz đưa ra nhận xét về những thách thức, mà Quốc hội mới của Ukraina phải đối mặt.

« Có hai vấn đề. Trước hết là một lịch trình cải cách, điều này sẽ là hết sức phức tạp. Hiện tại chúng ta không biết trước được… Chúng ta chỉ hy vọng rằng, từ kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội này, sẽ có một thời kỳ ổn định về chính trị, với một số sáng kiến được đưa ra.

Phải có những sáng kiến về các vùng miền Đông. Quy chế nào sẽ dành cho các vùng này. Điều này là rất quan trọng. Bởi vì phải nhắc lại là, các cuộc bầu cử sẽ không diễn ra tại một số vùng của Ukraina (do phe đòi ly khai kiểm soát). Tôi không nghi ngờ gì về tính hợp pháp của Quốc hội mới. Bởi vì sẽ có đa số cử tri Ukraina đi bầu. Nước Nga đã sáp nhập bán đảo Crimée. Còn lại hai vùng miền Đông nữa, không thật quan trọng về dân số, sẽ không đi bầu.

Nhưng chúng ta lo ngại rằng, bất chấp Quốc hội mới, tình trạng kinh tế và xã hội sẽ khó khăn đến hết mức, Ukraina sẽ có thể rơi vào tình trạng giống như Hy Lạp, và chúng ta không biết phản ứng của các cư dân sẽ ra sao. Họ có một thái độ mang tính phản hồi ngược. Xã hội Ukraina đã từng phản ứng ngược lại một lần như thế với phong trào Maidan. Phản ứng như vậy có thể diễn ra một lần nữa. Sẽ có thể có thêm một Maidan nữa, nếu tình hình trở nên không thể chấp nhận được.

Chính vì vậy, cần phải xem xét thực sự, giống như điều này đã được xem xét tại Milan. Vì tôi xin nhắc lại, Ukraina sẽ không thể tìm ra lối thoát, bằng cách chỉ dựa vào Châu Âu. Bởi vì chúng ta biết, Liên Hiệp Châu Âu đang ở trong tình trạng như thế nào. Châu Âu không còn tiền, không còn nguồn lực. Chúng ta có thể chấp nhận được Hy Lạp, nhưng chúng ta sẽ không hỗ trợ nổi 40 triệu người Ukraina ».

Cũng có ý kiến cho rằng cứu Ukraina chính là con đường Châu Âu tự cứu mình (tỷ phú Hoa Kỳ George Soros, « Châu Âu phải cứu nước Ukraina mới », chuyên mục Débat của Le Monde, ngày 24/10/2014).

« Vận tốc ánh sáng »

Quốc hội mới của Ukraina sẽ định hình sau cuộc bầu cử Chủ nhật tới. Đây là Quốc hội đầu tiên mà rất nhiều cử tri Ukraina hy vọng sẽ bảo vệ quyền lợi cho chính xã hội Ukraina, chứ không phải phục vụ trước hết cho quyền lợi của Matxcơva, cấu kết với những thành phần tham nhũng trong giới cầm quyền – những thực thể tồn tại dai dẳng bất chấp sự thay bậc đổi ngôi của nhiều chính phủ, chính thể, tổng thống. Hy vọng đó có cơ hội trở thành hiện thực hay không, trong bối cảnh đất nước đang kiệt quệ về kinh tế, và chiến tranh với các lực lượng ly khai mà đằng sau là đế chế Putin, luôn là một nguy cơ thường trực ? Liệu các cử tri Ukraina có chọn được đúng người ?

Trong phần cuối cuộc tọa đàm do tạp chí Địa chính trị của RFI tổ chức, nhà hoạt động Ukraina Anna Garmash chia sẻ : chính những tham vọng và đe dọa ghê gớm của nước Nga Putin gần đây đã khiến các thành phần khác nhau của xã hội Ukraina thức tỉnh, tự nhận ra mình và đoàn kết lại. Nửa năm vừa qua, theo nhà hoạt động, nước Ukraina non trẻ đã thay đổi với « vận tốc ánh sáng ».

Đa số người Ukraina giờ đây nhìn nhận đất nước mình không phải với con mắt của « một dân tộc » theo nghĩa « một sắc tộc » có cùng nguồn gốc, mà như « một nền cộng hòa ». Nơi mà ở đó tất cả những ai chấp nhận trở thành công dân của nó, bất chấp nguồn gốc xuất thân, đều có quyền như nhau đóng góp cho một cộng đồng cùng chung vận mệnh. Phải chăng chính nhận thức mới đó là nguồn sức mạnh để Ukraina vượt qua vô vàn thách thức nghiêm trọng hiện nay ?

Nguồn bài viết: Tạp chí RFI


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề