Putin: Áp đặt chủ nghĩa cộng sản cho Đông Âu « không phải là điều tốt »

Bị một số người ở châu Âu lên án là giữ thái độ nhập nhằng về lịch sử xô-viết, ông Vladimir Putin hôm 16/04/2015 nhìn nhận việc « dùng vũ lực » để áp đặt mô hình xã hội chủ nghĩa cho các nước Đông Âu sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc « không phải là điều tốt ».

Tuyên bố của Tổng thống Nga được đưa ra vào thời điểm sắp đến kỷ niệm lần thứ 70 chiến thắng của Liên Xô trước Đức quốc xã, ngày 9 tháng Năm năm 1945. Matxcơva dự trù tổ chức các lễ hội hoành tráng trong dịp này, nhưng đa số các nguyên thủ phương Tây tẩy chay không đến dự, do cuộc xung đột Ukraina.

Ông Putin mỉa mai : « Sự chọn lựa đến dự hay không vào ngày 9 tháng Năm là tùy mỗi nhà lãnh đạo. Tôi công nhận là bản thân một số nguyên thủ không muốn đến, nhưng số khác thì không được Washington cho phép tham dự, cho dù đa số rất muốn ».

Tổng thống Nga, trong quá khứ vốn đã từng biện minh cho tinh thần của Hiệp ước bất tương xâm Đức-Liên Xô năm 1939, hay đánh giá sự sụp đổ của Liên Xô là « bi kịch địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20 », nay lại chỉ trích thái độ của Liên Xô thời Stalin sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc.

Trong Hiệp ước nói trên, Đức và Liên Xô cam kết giữ thái độ trung lập trong trường hợp có xung đột giữa một trong hai đối tác với các cường quốc phương Tây, và bí mật phân chia các lãnh thổ chiếm đóng như Phần Lan, Ba Lan, các nước Bantich. Hiệp ước bất tương xâm Đức-Liên Xô đã gây ngạc nhiên cho toàn thế giới vào thời đó, gây khủng hoảng trong nội bộ các đảng cộng sản phương Tây.

Ông Vladimir Putin nói nói : « Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, chúng ta đã cố gắng áp đặt mô hình của mình lên các nước Đông Âu, và thực hiện điều này bằng vũ lực ». Putin nhìn nhận : « Đó không phải là điều tốt ». Trong cuộc trả lời phỏng vấn thường niên trên truyền hình, Tổng thống Nga nhấn mạnh : « Phải công nhận điều đó ».

Người đứng đầu nước Nga muốn nói đến sự thành lập chế độ cộng sản tại các quốc gia Đông Âu sau Đệ nhị Thế chiến, đặc biệt là tại Tiệp Khắc, Hungary hay Ba Lan. Trong hơn bốn mươi năm qua, các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa này, hay còn gọi là khối Đông Âu, ít nhiều đều bị Matxcơva kiểm soát trực tiếp.

Vladimir Putin cho rằng chính sách xô-viết vào thời đó vẫn còn gây ảnh hưởng, đồng thời nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ cũng hành động tương tự. Ông khẳng định : « Người Mỹ cũng cư xử gần như thế, khi cố gắng áp đặt mô hình của họ khắp nơi trên thế giới, và họ cũng sẽ thất bại ».

Tình trạng căng thẳng giữa Nga và phương Tây – vốn đang lên án Matxcơva trực tiếp nhúng tay vào cuộc khủng hoảng Ukraina – đã khơi lại cuộc tranh luận xưa nay về việc Liên Xô của Stalin khống chế các quốc gia Đông Âu. Các nước vùng Bantich và Ba Lan, từng bị quân đội Liên Xô chiếm đóng, lo ngại cuộc chiến ở Ukraina chỉ là khúc dạo đầu cho một sự lặp lại của lịch sử.

Mới đây, Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski cũng đã tuyên bố cho dù Liên Xô đã « chấm dứt sự chiếm đóng của Hitler tại Ba Lan », nhưng « không mang lại tự do ».

« Stalin không phải là Hitler »

Vladimir Putin còn quay lại với việc Quốc hội Ukraina thông qua các đạo luật nhằm « phi xô-viết hóa » Ukraina. Các luật này coi các chế độ cộng sản cũng ngang hàng với phát-xít, cấm « mọi sự công khai phủ nhận tính chất tội lỗi » của các chế độ này. Bên cạnh đó còn cấm « sản xuất và sử dụng » các biểu tượng như quốc ca, quốc kỳ hay biểu tượng búa liềm nổi tiếng, chỉ trừ một số trường hợp đặc biệt.

Tuy vậy ông Putin cho rằng « không có lý do gì để đặt chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa xã hội kiểu Stalin ngang hàng với nhau ». Theo Tổng thống Nga : « Tuy việc đàn áp và đày ải toàn dân là khủng khiếp, nhưng chế độ Stalin không nhằm mục đích tiêu diệt » dân chúng.

RFI


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề