Phụ nữ chọn chồng vì 3 chữ “T”
Phụ nữ lấy chồng giống như chơi một canh bạc vậy! Nếu đàn ông sẵn sàng kết hôn với một cô gái chỉ vì anh ta muốn chấm dứt cảnh độc thân thì hầu hết phụ nữ đều có tiêu chí riêng trước khi “gật đầu” đón nhận chiếc nhẫn cầu hôn từ một chàng trai nào đó.

1/ Cưới vì tình

Phụ nữ thường sống nặng về tình cảm. Nếu người đàn ông sẵn sàng gật đầu với một cô gái chỉ vì anh ta muốn chấm dứt cảnh độc thân thì nhiều phụ nữ chỉ đồng ý lên xe hoa với người đàn ông làm cho trái tim cô ấy rung động.Chị Mai (Cầu Giấy, Hà Nội” kể: Tình yêu của anh chị kéo dài trong hai năm. Lúc nào anh Hải, người đàn ông chị yêu cũng đem lại cho chị cảm giác “muốn gần gũi, xa thì nhớ, gần thì thương”. Dẫu có nhiều vệ tinh vây quanh tán tỉnh. Song chỉ khi ở bên anh, chị mới thực sự cảm thấy hạnh phúc.

Mối tình ngọt ngào của hai người rồi cũng đến ngày đơm hoa kết trái. Đám cưới ở tuổi muộn (29 tuổi) khiến cho cô dâu mừng vui vì tình cảm hai người dành cho nhau đã vượt qua được nhiều khó khăn, thử thách.

Như Vân Anh (Từ Liêm, Hà Nội) trước khi lấy chồng cũng đặt ra khá nhiều tiêu chí cho người đàn ông lý tưởng của mình: Chồng tương lai nhất định phải cao để con sau này còn giống bố. Hay chồng phải ga lăng trong mỗi cuộc giao lưu để chị được mở mày mở mặt với bạn bè. Hoặc chồng phải đẹp trai theo kiểu Hàn Quốc sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy chán…

Nhưng cuối cùng chị đã lấy một người đàn ông không cao cũng chẳng bảnh bao. Sau bao cuộc tình dang dở, Vân Anh bỗng nhận ra: Mọi thứ tiêu chí của mình trở nên quá phù phiếm nếu lấy một người đàn ông chẳng thuộc về mình. Chính tình yêu sẽ giúp cho cuộc sống gia đình được viên mãn.

Và quả thật, chị đã được hạnh phúc với anh chồng chỉ cao bằng chị và không hề đẹp trai, theo nhận xét của bạn bè chị.

2/ Cưới vì tài

“Gái ham tài, trai ham sắc” – các cụ xưa nói chẳng sai. Hầu như người phụ nữ nào cũng cảm phục, ngưỡng mộ trước những người đàn ông tài năng. Và họ sẽ rất đỗi tự hào nếu được làm “một nửa” của người đàn ông giỏi giang ấy.

Chị Minh ở Q. Tân Bình, TPHCM, “nghiêng ngả” trước chồng mình cũng bởi “Ổng rất có chí, ham làm và có tài”. Chồng chị Minh đã tốt nghiệp thạc sỹ kinh tế và đang làm ở một ngân hàng thương mại cổ phần. Dẫu công việc áp lực và thời gian o ép, song chồng chị vẫn cố gắng đi học thêm tiếng Anh buổi tối để tạo đà cho sự thăng tiến.

Minh tâm sự: “Ngày trước, lúc đầu cũng chẳng thích ổng đâu vì tính tình ít nói quá. Sau thấy ổng hiền lành và có chí tiến thủ cao nên có cảm tình”. Chị Minh vẫn cười trừ trước lời trêu ghẹo của bạn bè vì hám trai tài nên mới chấp nhận lấy chồng sớm.

Ở một hoàn cảnh khác, Lý, quê ở Hải Phòng, đồng ý cưới Thịnh bởi anh rất đa tài. Ngoài công việc hành chính ra, anh còn làm thêm nghề tay trái là chung vốn mở cửa hàng karaoke cùng một người bạn.

Buổi tối, anh tranh thủ đảo qua quán café anh mở riêng ở gần nhà. Các việc vặt trong gia đình, ít khi anh thuê người ngoài về làm mà toàn tự tay làm lấy như: tường nhà bong tróc, anh tự sơn lại, đồ điện tử trong nhà bị hỏng, anh cũng tự tay sửa mà không đem ra hiệu. Theo chị Lý thì lấy chồng đa tài, bản thân mình sẽ được cậy nhờ từ việc nhỏ cho tới việc lớn.

3/ Cưới vì tiền

Dẫu nghe có vẻ thực dụng nhưng trên thực tế, có khá nhiều phụ nữ chọn lựa người đàn ông có điều kiện kinh tế khá giả để lấy làm chồng với suy nghĩ cuộc sống gia đình sau này sẽ được sung túc, đủ đầy.

Liên (Hà Đông) chẳng ngại ngần nói với người yêu mình: “Em cưới anh vì anh có tiền”. Nếu một người đàn ông bình thường nghe câu này có thể sẽ sốc. Nhưng với anh Tuệ thì nó phù hợp.

Bởi lẽ, Liên vốn sinh ra trong một gia đình khó khăn từ nhỏ. Mẹ Liên sức khỏe yếu nên phải nghỉ mất sức. Lương về hưu của bố chị rất thấp. Trong khi nhà có 3 anh chị em đều đi học đại học. Suốt quá trình đi học, rất nhiều lần chị phải lần ăn từng bữa. Chẳng công việc làm thêm nào của sinh viên mà chị chưa từng trải qua. Có sống trong cái nghèo, cái khổ mới biết giá trị của đồng tiền, chị nghĩ thà sống độc thân còn hơn lấy phải người chồng cũng nghèo như mình.

Gia đình cũng thuộc tầm trung lưu, chị Hạnh luôn đặt tiêu chí “Nhà chồng phải ngang ngửa nhà mình”. Người phụ nữ này phân tích: Cả hai vợ chồng đều có điều kiện kinh tế thì mới dư dả để mua sắm những thứ mình thích, con cái cũng có điều kiện sống sung túc. Theo Hạnh thì: “Một túp lều tranh, hai trái tim vàng, gặp bão to, lều đổ thì trái tim lấy gì che nắng che mưa”.

Đặt chữ “tiền” làm tiêu chí hàng đầu để chọn chồng, chị Hạnh thật may mắn bởi đã cưới được chồng như ý. Vợ chồng chị sống hạnh phúc trong điều kiện kinh tế đầy đủ.

Nhiều lần chứng kiến hai người bạn gái thân của mình nước mắt lưng tròng vì ngày ngày phải đong đếm chuyện cơm áo gạo tiền khi chồng không kiếm đủ tiền nuôi thân và con, chị càng thấy sự lựa chọn của mình chính xác.

Theo Dear


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề