Phân biệt chủng tộc – căn bệnh trầm kha của nước Mỹ

Việc nước Mỹ có một tổng thống da màu không có nghĩa là căng thẳng sắc tộc đã biến mất khỏi đất nước. Thậm chí, một số người cánh hữu còn cáo buộc chính quyền của ông Obama đã gây ra nhiều rắc rối về chủng tộc.

Nỗi ám ảnh mang tên phân biệt chủng tộc dường như vẫn đeo bám nước Mỹ khi Bộ Tư pháp nước này mới tuyên bố, sẽ mở cuộc điều tra cáo buộc cảnh sát thành phố Bantimore của bang Maryland thường xuyên phân biệt đối xử với người da màu địa phương.

Ngày 9-5, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch cho biết, các sĩ quan cảnh sát Bantimore bị cáo buộc sử dụng vũ lực gây chết người, bắt giữ người da màu và thu giữ tài sản của họ một cách bất hợp pháp. “Bộ Tư pháp sẽ mở cuộc điều tra cáo buộc cảnh sát Ban-ti-mo đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm hiến pháp và luật pháp liên bang. Rõ ràng là các vụ việc gần đây, bao gồm cái chết của Freddie Gray, đã khiến người dân mất niềm tin”, AFP dẫn lời bà L. Lynch nhấn mạnh.

Trong một động thái tương tự, New York Times cho biết, Văn phòng Công tố San Francisco cũng tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra cáo buộc cảnh sát thành phố phân biệt chủng tộc. Theo đó, 3000 vụ bắt giữ do 14 sĩ quan thuộc Sở Cảnh sátSan Francisco(SFPD) thực hiện trong 10 năm qua sẽ được điều tra lại. Trước đó, khi điều tra vụ tham nhũng của hai sĩ quan SFPD, chính quyền liên bang Mỹ đã phát hiện các tin nhắn “sặc mùi” phân biệt chủng tộc mà 14 cảnh sát này gửi cho nhau. Trong số 3000 vụ bắt giữ trên, có 1.600 người đã bị kết án. Các công tố viên sẽ điều tra để xác định liệu họ có bị vu oan, bị ép cung chỉ vì màu da của mình hay không. “Chỉ một người bị oan sai cũng là quá nhiều. Nếu chúng ta muốn công chúng tin tưởng vào cơ quan bảo vệ pháp luật, chúng ta cần một nền văn hóa tư pháp công khai, minh bạch, có trách nhiệm”, Công tố viên George Gascon tuyên bố.

Các cuộc điều tra diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ vừa trải qua những giờ phút được xem là “tăm tối” trước làn sóng biểu tình bạo lực liên quan đến vụ việc thanh niên da màu Phrét-đi Grây thiệt mạng sau khi bị cảnh sát thành phố Bantỉmore bắt giữ. Dù làn sóng bạo động đã lắng xuống khi những cảnh sát có dính líu đã bị truy tố, thế nhưng căn nguyên của vụ việc vẫn chưa được giải quyết và có thể bùng lên bất kỳ lúc nào, tại bất kỳ thành phố nào của nước Mỹ. Trên thực tế, cái chết củaFreddie Graykhông phải là nguyên nhân trực tiếp của vụ bạo động tồi tệ chưa từng có ở thành phốBantỉmorevừa qua. Nó chỉ là chất xúc tác thổi bùng ngọn lửa phẫn nộ, là giọt nước làm tràn cái ly bất mãn mà cộng đồng người da màu tại đây phải chịu đựng bấy lâu nay. Trải qua một thời gian dài bị cảnh sát lạm dụng, bắt bớ hàng loạt cộng với sự bất bình đẳng xã hội đã khiến người da màu luôn âm ỉ sự phản kháng.

Trong thời gian qua, các vụ bạo động liên quan đến phân biệt chủng tộc đều bắt đầu bằng một sự kiện giống nhau: Một người da màu bị cảnh sát giết chết trong khi cảnh sát không bị truy tố, gây ra những tranh cãi trong dư luận về sự phân biệt đối xử của giới chức thực thi luật pháp vốn có phần đông là người da trắng. Theo số liệu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) công bố cuối năm 2009, chỉ tính riêng năm 2008, đã có tổng cộng 7.783 vụ phạm tội do thù ghét xảy ra trên lãnh thổ Mỹ, trong đó 51,3% số vụ bắt nguồn từ nguyên nhân phân biệt chủng tộc, 19,5% số vụ do thành kiến tôn giáo và 11,5% có nguyên nhân quốc tịch gốc. Trong số các vụ phạm tội đó, hơn 70% vụ nhằm vào người da đen. Năm 2008, cứ 1000 người thì có 26 người da đen bị tấn công, trong khi tỷ lệ đó ở người Mỹ da trắng chỉ 18/1000.

Dù đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama là một người Mỹ gốc Phi, thế nhưng những sự kiện như kiểuFreddie Grayvẫn tái diễn liên tục. Điều đó có thể được hiểu là việc nước Mỹ có một tổng thống da màu không có nghĩa là căng thẳng sắc tộc đã biến mất khỏi đất nước. Thậm chí, một số người cánh hữu còn cáo buộc chính quyền của ông Obama đã gây ra nhiều rắc rối về chủng tộc. Họ lập luận rằng tội phạm da màu có cảm giác an toàn hơn trước chính phủ do một người da màu làm chủ. Ngược lại, cảnh sát da trắng thì không muốn làm việc nghiêm chỉnh và diệt trừ tội phạm da màu, vì họ biết họ sẽ bị cáo buộc phân biệt chủng tộc mỗi khi tìm cách bắt một người da màu. Và tranh cãi cứ mãi rơi vào cái vòng luẩn quẩn ấy!

Thực trạng trên đã phần nào cho thấy sự phức tạp của vấn đề chủng tộc ở Mỹ, nơi được xem là “xứ sở của tự do”. Phân biệt chủng tộc vẫn là một vấn đề rất nhức nhối, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội ở Mỹ. Cũng vì lẽ đó, hòa hợp chủng tộc như mơ ước của ông hoàng nhạc pốp da màu, cố ca sĩ Michael Jackson, trong bài hát Black or White (Đen hay trắng) với câu hát nổi tiếng: Dù bạn là người da đen hay da trắng, điều đó không quan trọng, xem ra vẫn sẽ khó sớm trở thành hiện thực.

Trí Lê (Theo Quân đội Nhân dân)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề