Phải giáo dục để cán bộ biết xấu hổ khi tham nhũng

Không chỉ theo dõi, giám sát cán bộ có chức quyền, mà còn phải giáo dục để họ thấy xấu hổ khi tham nhũng

“Phải thừa nhận thực tế là cán bộ đảng viên của ta hiện nay đang phấn đấu theo hướng có chức vụ, quyền hạn. Một khi đã có chức vụ, quyền hạn trong tay họ sẽ dễ dàng làm giàu bất chính… Vì vậy, bên cạnh việc theo dõi, giám sát cán bộ có chức quyền cũng phải giáo dục để người ta phải biết xấu hổ khi tham nhũng”.

Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyện Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia) nhấn mạnh điều này và cho rằng việc giáo dục cán bộ có chức quyền đang bị buông lỏng.

PV: Tổng kết 10 năm thực thi Luật Phòng chống tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng công tác phòng chống tham nhũng của ta chưa đạt hiệu quả. Ông suy nghĩ gì về  ý kiến này?

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Cán bộ đảng viên của ta hiện nay đang đứng trước 2 thách thức lớn đó là tham vọng về vật chất và chức quyền. Tham vọng này ai cũng có, vấn đề là người ta có vượt qua được hay không.

Từ lúc chuẩn bị thành lập Đảng, Bác Hồ đã nhìn ra vấn đề này nên trong cuốn “Đường cách mệnh” năm 1927, Người có nêu 23 điểm về tư cách của người làm cách mạng, trong đó, Bác Hồ căn dặn cán bộ đảng viên phải ít lòng ham muốn vật chất. Sau này, trong cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc” năm 1947, Bác tiếp tục nhắc nhở cán bộ đảng viên phải là công bộc của dân, chứ không phải vào Đảng để làm nơi thăng quan phát tài.

Phải thừa nhận thực tế là cán bộ đảng viên của ta hiện nay đang phấn đấu theo hướng có chức vụ, quyền hạn. Một khi đã có chức vụ, quyền hạn trong tay họ sẽ dễ dàng làm giàu bất chính.

Trong khi đó, quản lý con người là vấn đề cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, quản lý của cải vật chất cũng quan trọng không kém. Bởi quản lý con người tốt rồi nhưng không biết quản lý của cải vật chất sẽ dễ tạo điều kiện, môi trường cho người ta tham nhũng.

Trong Hội nghị Trung ương IV, Đảng ta cũng đã thừa nhận: Trong những năm qua chúng ta đã giao cho cán bộ có chức quyền khối lượng vật chất lớn quá, trong khi  chuẩn bị cán bộ chưa tốt, chưa có cơ chế để kiểm soát tốt. Những con người đứng đầu quản lý khối lượng vật chất đó lại không được giáo dục kỹ tính liêm khiết trong cuộc sống nên người ta sẵn sàng tham nhũng.

PV: Có ý kiến cho rằng, sở dĩ công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả, trong đó vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp là do quyết tâm chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt từ lãnh đạo cao nhất chưa thực sự quyết tâm, sợ rút dây động rừng?

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Đây là vấn đề hiện nay dư luận đang thảo luận nhiều. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nói tới đó là vấn đề lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm không chỉ tồn tại ở cấp thấp mà cấp cao cũng có.

Quan điểm của Đảng ta về vấn đề chống lợi ích nhóm đã rõ, trên tinh thần không để người có quyền lực và người nắm kinh tế cấu kết với nhau, họ sẽ dễ dàng biến hóa phần thu nhập bất chính. Bên cạnh việc theo dõi, giám sát cán bộ có chức quyền cũng phải giáo dục để người ta biết xấu hổ khi tham nhũng.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu phải làm sao để cán bộ đảng viên không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng. Muốn ngăn chặn tham nhũng cơ chế phải rất chặt chẽ; sợ tù tội người ta không còn muốn tham nhũng.

Theo tôi, ý kiến trên cũng chỉ là một suy nghĩ của dư luận. Thực sự có tình trạng đó hay không cơ quan chức năng phải vào cuộc, tìm ra những cán bộ cấp cao trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham nhũng và dung túng, bao che lợi ích nhóm. Một khi đã tìm ra thì phải xử lý thật nghiêm bất kể ở cấp nào, theo đúng nguyên tắc không có vùng cấm trong tham nhũng.

Cũng không thể nói vì sợ “rút dây động rừng” mà chúng ta chưa quyết tâm chống tham nhũng. Có thể người ta chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm và cách làm.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng muốn đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng cần phải hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, tạo cơ chế thu hồi tận gốc tài sản tham nhũng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Kiểm soát tài sản của cán bộ có chức, có quyền trong cả hệ thống chính trị hiện nay theo tôi là việc rất bình thường. Thế giới đều đã thực hiện vấn đề này, nhiều nước tư bản phát triển còn có đầy đủ cơ chế để kiểm soát thu nhập của cả Tổng thống. Bởi họ không coi thông tin tài sản của lãnh đạo cấp cao là thông tin bí mật hay chuyện riêng của một cá nhân. Thông tin về thu nhập đó phải được công khai để người dân, tổ chức nhà nước, cơ quan luật pháp kiểm soát.

Theo tôi quan điểm về vấn đề công khai tài sản phải rõ từ đó mới đi tới việc công khai minh bạch trong kê khai. Kết quả kê khai tài sản vừa rồi theo tôi không ổn. Trong hơn 1 triệu người kê khai, chỉ có 4 trường hợp kê khai không chính xác, thông tin đó dễ làm cho người ta nghi ngờ về kết quả công khai kê khai tài sản, thu nhập.

Với các cơ quan như Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Ban Nội chính, Bộ Nội vụ… rõ ràng là chúng ta có đủ khả năng và điều kiện để kiểm soát thu nhập của người có chức vụ. Vấn đề chỉ là cách làm như thế nào.

Về vấn đề hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, tôi cho rằng người có thu nhập bất chính thực chất là ăn cắp tài sản của nhà nước, của nhân dân, là vi phạm pháp luật. Thu nhập bất chính chỉ có thể đến từ các nguồn buôn lậu, rửa tiền, từ những việc làm khuất tất. Những việc làm đó rõ ràng vi phạm Bộ luật Hình sự nên phải xử theo luật Hình sự.

Theo Bộ luật Hình sự, tham nhũng cũng là một tội. Việc giấu diếm, không trung thực trong kê khai tài sản thực chất cũng là vi phạm vào tội tham nhũng. Vì vậy, cứ đưa vào luật để xử. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng theo tôi phải làm mạnh hơn, quyết liệt hơn, xử lý đúng luật đối với tội phạm tham nhũng.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy muốn chống tham nhũng tốt cẩn đảm bảo thực hiện tốt 2 nội dung: thứ nhất phát triển kinh tế, tổ chức tốt đời sống; thứ hai là minh bạch, công khai trong quản lý nhà nước. Ta cũng có thể làm được như thế, nếu có cơ chế quản lý, cơ chế xử phạt nghiêm, thậm chí,  phải có cả luật để thu hồi tài sản sau khi phát hiện tham nhũng. Nếu không thu hồi được tài sản tham nhũng cuối cùng “hòa cả làng”, dù có đưa người tham nhũng vào tù nhưng số tiền họ tham nhũng đủ để họ và gia đình sống sung sướng cả đời, như thế họ sẵn sàng hy sinh đời bố củng cố đời con.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo VOV


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề