Ôtô ngày nay giống chậu nhôm thời bao cấp

Chúng ta mua ôtô như cách thế hệ trước dùng chậu nhôm Liên Xô, càng bền càng tốt.

Chúng ta hàng ngày tiếp nhận ra rả những thông tin rằng kinh tế đi sau các nước phát triển từ vài chục đến cả trăm năm. Nhưng thời mà Việt Nam đang ở cũng giống như Nhật, Mỹ, Đức, Singapore, có khác gì nhau đâu? Vậy tại sao lại có sự khác nhau trong nhu cầu tiêu dùng? Xin thưa là khác, khác nhiều lắm, mà nguyên nhân chính đến từ thu nhập.

Hãy nghĩ về thời bao cấp. Tôi nhớ ngày đó nhà tôi có cái chậu nhôm Liên Xô, quý lắm. Chậu dày, nhôm sáng, dùng để tắm. Thời gian trôi qua, quăng quật đủ kiểu mà chậu vẫn trơ trơ, mãi không hỏng. Với người Việt thời đó, đồ càng bền càng tốt, vì nghèo quá, lấy đâu ra tiền mà sắm đồ. Đến bây giờ, chậu vẫn còn, phải ngoài 30 năm rồi. Nhưng không ai trong nhà còn coi trọng nó.

Chuyện thứ hai, về cái điện thoại. Chỉ mới ít năm trước thôi, nhắc đến điện thoại thì Nokia là “thần thánh”. Pin khỏe, sóng tốt, loa nghe nói rõ ràng. Tất cả những ưu điểm này khiến “cục gạch” là thứ không thể thiếu với người dùng điện thoại. Nhưng giờ đây, khá ít người còn cần tới những mẫu điện thoại kiểu này. Vì sao? Vì nó lỗi mốt.

Đâu là lý do khiến chậu nhôm Liên Xô bị thờ ơ giữa đống chậu nhôm ỏng quẹt hiện nay hay chậu nhựa đủ hình thù, màu sắc. Và đâu là nguyên nhân khiến những chiếc Nokia “nồi đồng cối đá” bị hất văng trước mũi nhưng smartphone vuốt vuốt, chấm chấm, vào mạng, facebook nhoay nhoáy. Là bởi nhu cầu của người sử dụng đã thay đổi. Nhu cầu cơ bản chậu đựng nước, điện thoại nghe gọi đáp ứng xong, người ta chuyển lên những nhu cầu cao hơn, dù giá cả có đắt hơn.

Ôtô cũng thế. Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn sơ khai của thị trường bốn bánh. Dân số hơn 90 triệu, nhưng lượng ôtô ăn bánh trên đường cả mới lẫn cũ chỉ là 2 triệu, doanh số ôtô năm 2015 kỷ lục mới là hơn 240.000 xe. Ở buổi bình minh này, nhu cầu của người mua xe, chủ yếu vẫn tập trung vào yếu tố cốt lõi, là bền bỉ, ít tốn tiền nuôi và có bán cũng được giá.

Người ta sẽ tặc lưỡi mà bỏ qua, ừ thì ít túi khí cũng không sao, không có phanh đĩa cũng không sao, mà không có kiểm soát hành trình, cân bằng thân xe hay cửa sổ trời cũng chẳng sao nốt. Quan trọng là nó bền, ừ đó nó bền, chả mấy khi tốn tiền, đỡ phải lo nghĩ.

Nhưng dần dần, nhu cầu người mua xe sẽ thay đổi, người ta không còn thích bền nữa, mà chuyển sang thích nhiều tiện nghi, nhiều công nghệ an toàn. Chi phí sử dụng đắt hơn đôi chút cũng được, miễn là thỏa mãn những nhu cầu phát sinh. Đó là lý do vì sao smartphone đắt hơn nhiều cục gạch, nhưng ai cũng phải cố để mua, đơn giản vì nó đánh trúng nhu cầu.

Nói như thế chắc các bạn cũng hiểu vì sao bức tranh thị trường ôtô Việt Nam hiện nay có mảng màu đậm vẫn nghiêng về xe Nhật, mảng màu nhạt dành cho các hãng Hàn Quốc và Mỹ.

Thực tế là như thế, thị trường đang đi đúng hướng đó chứ, sao phải tranh cãi làm gì nhiều? Về phần tôi, tôi thích xe thiết kế đẹp, nhiều option, xe người ta chạy 20 năm mới hư, xe tôi chạy 10 năm hư cũng được, có sao đâu.

Trí Lê (Theo VnExpress)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề