“Ông lớn Việt” rót vốn vào nông nghiệp đặt kế hoạch ra sao?

Đa phần các doanh nghiệp lý giải cho việc chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp bởi đây là ngành bền vững, có tính dài hơi và đặc biệt là còn dư địa rất lớn. Có thể kể ra những cái tên đình đám từ bất động sản, chứng khoán, sắt thép như HAG, DLG, PAN, VIC, HPG, CEO hay thậm chí ngân hàng Liên Việt và Tập đoàn Him Lam cũng xác định rót vốn vào ngành này…

Mỗi doanh nghiệp có hướng đi riêng khi thâm nhập vào ngành nông nghiệp, có thể chỉ chú trọng vào con giống, nuôi trồng, hoặc chuỗi giá trị gia tăng, hay kiểu liên kết 3 bên… Tuy nhiên, điểm chung của những “ông lớn” khi chính thức nhảy vào ngành này là huy động vốn lớn và kế hoạch lãi… cũng chẳng vừa!.

1

Nếu như HAG mải mê với trồng cao su, mía, cọ dầu, ngô và đến cả nuôi bò thì DLG cũng tương tự với ngô và nuôi bò. Trong khi đó VIC chỉ chú trọng đến lĩnh vực trồng trọt, còn HPG lại nhảy vào thức ăn chăn nuôi và đặc biệt là nuôi heo. Riêng PAN khá đa dạng với con giống và chế biến sau thu hoạch…

Rục rịch chạy đua

Mặc dù đặt kế hoạch 2015 giảm so với thực hiện 2014, nhưng chủ yếu do thay đổi cách ghi nhận tiến độ bán dự án bất động sản chứ không có nghĩa là Vingroup (VIC) mải mê đầu tư nông nghiệp mà quên mất ngành chính của mình. Bởi song song đó, bước đi đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp của VIC là rót 2,000 tỷ đồng thành lập VinEco với mục tiêu hướng đến cung cấp thực phẩm sạch cho các siêu thị, khu nghỉ dưỡng của chính mình.

Đồng thời, doanh nghiệp này cũng có tham vọng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Nghĩa là VIC sẽ gần như bao trọn từ khâu sản xuất đến đầu ra của sản phẩm – vấn đề mà rất nhiều doanh nghiệp trong ngành đang gặp khó khăn.

Nói là làm, VIC đã chính thức đề xuất đầu tư vào nông nghiệp tại Quảng Ninh nhằm sản xuất ra các sản phẩm rau, quả sạch cho thị trường; áp dụng công nghệ cao trên các cánh đồng mẫu lớn để giảm chi phí sản xuất và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao. VinEco cũng cho biết sẽ làm việc với các đối tác từ các nền nông nghiệp nổi tiếng thế giới như Israel, Nhật Bản, Hà Lan… để nhận tư vấn và chuyển nhượng công nghệ, kỹ thuật, giống và thiết bị nông nghiệp.

Đó dường như là những bước đệm để 5 đến 10 năm nữa VIC sẽ giảm tỷ trọng lợi nhuận từ bất động sản xuống 50%, còn lại sẽ đến từ các lĩnh vực công ty đang triển khai như lời ban lãnh đạo chia sẻ tại ĐHĐCĐ 2015 vừa qua.

Đối với Tập đoàn Hòa Phát (HPG), mục tiêu đến năm 2020 doanh nghiệp này sẽ sản xuất 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi và 1 triệu con heo, đem lại doanh thu từ 15,000-20,000 tỷ đồng. Xa hơn nữa, 10 năm tới HPG kỳ vọng sẽ giành 10% thị phần ngành thức ăn chăn nuôi và nếu đem lại kết quả tốt, HPG sẽ xây dựng chiến lược đưa ngành này trở thành mũi nhọn. Bởi hiện ngành chính là thép cũng đang gặp nhiều khó khăn khi giá thép giảm, cạnh tranh cao khiến kế hoạch 2015 của doanh nghiệp này cũng đang sụt giảm mạnh.

Trước mắt, HPG đã chi 300 tỷ đồng để thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, công suất 300.000 tấn/năm, dự kiến lô hàng thương mại đầu tiên sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 6/2015.

Đầu tư thêm vào thức ăn chăn nuôi là một chiến lược dài hơi và hiện vẫn chưa thấy con số lợi nhuận cụ thể của ngành này xuất hiện trong kế hoạch của HPG. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng thị trường thức ăn chăn nuôi hiện đã mang dấu ấn của những doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước như C.P Group (Thái Lan), Cargill (Mỹ), New Hope (Trung Quốc), hay Proconco của Masan ( MSN )… Vì thế để chen chân có chỗ đứng trong ngành này không phải là vấn đề đơn giản.

Hay như Tập đoàn C.E.O (CEO) – đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ĐHĐCĐ thường niên tháng 4 vừa qua cũng bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh trồng rau, đậu các loại, trồng rừng, cây ăn quả, chăn nuôi… để tiến tới hợp tác toàn diện với các doanh nghiệp từ Nhật. Chi tiết kế hoạch này vẫn chưa được CEO tiết lộ, còn hiện tại CEO đang hợp tác với đối tác Nhật về đào tạo và xuất khẩu lao động.

Không đầu tư trực diện, Tập đoàn Pan (PAN) và Đầu tư FIT (FIT) lại đi tắt khi thâu tóm những đơn vị trong lĩnh vực giống cây trồng và chế biến rồi sẽ tự tay “nhào nặn” lại những hướng đi mới trong ngành với tham vọng cao hơn. Với PAN, doanh nghiệp này có kế hoạch tạo nên chuỗi giá trị gia tăng khi tiến hành thâu tóm từng đơn vị có thế mạnh riêng như NSC , SSC , LAF và BBC … và hướng đến các dòng sản phẩm như ngô biến đổi gen, rau, gạo (Pan Rice)…

Đơm hoa kết trái?

Trong khi các doanh nghiệp khác bắt đầu trào lưu đầu tư vào nông nghiệp thì Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã ghi nhận lợi nhuận từ lĩnh vực này. HAG gần như chuyển hẳn dòng vốn từ bất động sản sang nông nghiệp từ năm 2007 trước khi sang Lào, Campuchia tìm đất trồng cao su, sau đó là mía, cọ dầu, ngô và nuôi bò ở Đắc Lắc.

Và HAG đã bước đầu gặt hái quả ngọt khi cơ cấu lợi nhuận có sự biến đổi mạnh từ năm 2013 và 2014 sau khi bị ảnh hưởng của bất động sản trong 2012. Gần đây nhất là kết quả 2014 với doanh thu gần 50% đến từ lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra thì cả mía đường, cao su, bắp vẫn chưa đạt kế hoạch, lần lượt là 92%, 67% và 68%.

Theo lý giải của HAG, sở dĩ mía đường không đạt kế hoạch do sản lượng vụ 2014-2015 (sản xuất quý 4/2014) chưa xuất tiêu thụ và đang xin xuất tại Việt Nam; còn cao su do giá bán mủ giảm, bắp thì dự trữ một phần sản lượng để phục vụ ngành chăn nuôi bò.

Còn trong kế hoạch 2015 của HAG, doanh thu thuần 5,347 tỷ đồng, sản phẩm bò thịt sẽ chiếm 46%, tương ứng 2,475 tỷ đồng bởi công ty đầu tư khá mạnh với dự kiến đến cuối năm sẽ tăng từ 43.500 lên 113.000 bò sữa và bò thịt. Cọ dầu tăng trồng từ 17.300ha lên 30.300ha; trồng 3.000ha bắp, giảm so mức 5.000ha của năm 2014; mía đường là 6.000ha; ngược lại cao su không phát triển thêm diện tích mà vẫn duy trì mức 42.500ha đã trồng.

Với một kế hoạch nuôi trồng khổng lồ như vậy HAG cũng đã tìm hướng đầu ra cho sản phẩm: Đường của HAG vừa được ưu đãi bổ sung hạn ngạch nhập vào Việt Nam tới 50.000 tấn, thuế suất 2,5%; còn bò sữa và thịt đã được Nutifood và Vissan bao tiêu sản phẩm.

“Nối gót’ HAG, doanh nghiệp cùng ngành Đức Long Gia Lai (DLG) đang dần dịch chuyển từ bất động sản, khoáng sản sang nuôi bò và trồng 350 ha bắp tại Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai.

Trong năm qua, DLG đã ký hợp tác với Vinamilk ( VNM ) trong việc chăn nuôi cũng như bao tiêu sản phẩm sữa với quy mô 80,000 con bò sữa. Còn 45.000 bò thịt, theo tiết lộ của đại diện DLG thì dự kiến hợp tác với Vissan để giải quyết đầu ra sản phẩm. Kế hoạch này dự kiến xây dựng trong quý II/2015.

Nhờ đó DLG đã có những ghi nhận đáng ngạc nhiên trong năm 2014 với lợi nhuận trên 50 tỷ đồng sau hai năm tụt dốc không phanh trước đó chủ yếu nhờ 78% nguồn thu từ nông nghiệp. Và kế hoạch 2015 doanh nghiệp này còn mạnh tay đặt kế hoạch nhảy vọt 2.500 tỷ đồng doanh thu và 265 tỷ đồng lợi nhuận. Trong đó mảng nông nghiệp dự kiến mang về khoảng 200 tỷ đồng doanh thu.

Rõ ràng, để đầu tư vào ngành mới cũng cần rất nhiều vốn, vì thế đa số các doanh nghiệp đều lên kế hoạch huy động vốn từ cổ đông.

Tuy nhiên phải làm sao để đồng vốn cổ đông bỏ ra mang về được những nguồn lợi nhuận thích đáng thì các doanh nghiệp sẽ còn phải bươn chải và cạnh tranh rất nhiều khi mà trào lưu nông nghiệp đang thịnh hành. Và sản phẩm nào muốn có chỗ đứng trên thị trường thì cần phải tạo ra sự khác biệt về chất lượng, giá cả và cả về chính sách marketing… vẫn còn là câu chuyện dài.

Trí Lê (Theo VietStock)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề