Ông chồng giám đốc chưa bao giờ về nhà sau 7h tối

Suốt 22 năm kể từ ngày có vợ, anh Ngọc Phan, người Việt sống ở Australia, chưa từng la cà sau giờ làm hay đi nhậu.
Cách vợ mạnh tay đã buộc tôi cai nhậu / Bi kịch khi làm vợ bợm nhậu
Là người Việt Nam, định cư tại Australia, vợ chồng chị Lâm Anh Đào đang có cuộc sống gia đình hạnh phúc bên 5 con, bé lớn nhất 15 tuổi, bé út 3,5 tuổi. Điều chị Đào cảm thấy may mắn nhất là có một người bạn đời hết lòng vì vợ, vì con và không bao giờ biết nhậu nhẹt, quán xá là gì.

Chị Đào cho biết, cách đây không lâu, khi về Sài Gòn công tác 2 tháng, chị vô cùng ngạc nhiên khi thấy cứ tầm 6h chiều là đàn ông lũ lượt kéo nhau từ sở làm vào thẳng quán hàng thay vì về nhà. “Mình tự hỏi, chẳng lẽ họ không có cái cảm giác bồn chồn khi nghĩ tới cảnh vợ đang bận nấu cơm, dọn dẹp hay con cái đang ngóng cha sau cánh cửa… Hỏi người bạn, mình mới hiểu ra là đàn ông Việt hay có thói quen này vì họ nghĩ chuyện bếp, chuyện nhà là của đàn bà con gái”, chị Lâm Anh Đào chia sẻ.

Chị Đào kể, vợ chồng chị đã kết hôn 22 năm và trong suốt thời gian đó, anh Ngọc Phan, chồng chị, chưa từng về nhà sau 7h tối. Anh hiện làm giám đốc tiếp thị số cho một trường đại học lớn tại Australia. Là người có cách làm việc nghiêm túc, anh thường đến sở khá sớm, từ 7h30 phút, và tan làm lúc 5 giờ chiều. Sau giờ này, anh sẽ về nhà ngay để phụ giúp vợ những việc như tắm con, dạy con học… “Đôi khi mình cũng không cần ông xã phụ gì và anh chỉ đứng trò chuyện cùng vợ trong lúc mình nấu ăn hay làm bánh. Chỉ thế là đủ”, chị Đào kể.

Bà mẹ 45 tuổi cho biết, công việc của chồng chị đòi hỏi phải xã giao nhiều nhưng anh chọn cách tạo dựng mối quan hệ trong giờ hành chính, bàn công việc qua tách trà, ly nước chứ không bao giờ đến bàn nhậu. “Công việc của anh ấy bao năm nay đều rất thuận lợi. Các ông chồng nói phải nhậu mới bàn công việc được chỉ là biện hộ”, bà mẹ 5 con bày tỏ.

Chị Đào chia sẻ, ở nơi chị sống, rất hiếm thấy cảnh đàn ông tụ tập nhậu nhẹt hay la cà hàng quán như ở Việt Nam. Tại đây hay ở một số nước chị từng qua công tác như Nhật Bản, Anh… những người đàn ông thường về nhà sau giờ tan sở để chăm sóc gia đình như chồng chị. Có khi họ còn phải đi chợ, phụ vợ tắm cho con, chở con đi bơi hay xắn tay vào bếp nấu món ngon cho cả nhà.

“Ở Australia, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi gặp các ông chồng vẫn còn khoác đồ công sở, thậm chí cổ vẫn đeo thẻ cơ quan, đang tay xách nách mang đẩy xe thức ăn chờ tính tiền hoặc cắm cúi lựa mua thực phẩm chuẩn bị nấu ăn cho vợ con. Họ có cái nhìn rất thực tế và đầy trách nhiệm khi có gia đình”, chị Đào kể.

Anh Ngọc Phan thường nâng ly trong dịp giáng sinh, Tết và vào những buổi tiệc gia đình thì anh chỉ nhấp môi một chút.

Chị cảm thấy may mắn khi có anh chồng rất tâm lý. Anh hiểu vợ cũng đã phải mệt mỏi, vật lộn với mớ hồ sơ tại công sở, rồi chăm con, nấu ăn… nên không nề hà bất cứ việc gì khi đi làm về. Chồng chị chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ khi phụ vợ rửa chén, đổ rác hay tắm con mà còn lấy đó làm niềm vui. Trước khi lập gia đình, anh rất mê thể thao nhưng sau khi lấy vợ thì anh giảm dần và từ lúc làm bố thì chỉ chơi vào cuối tuần cùng các con.

“Thực ra, phụ nữ đâu mong chồng mua cho áo hàng hiệu hay liên tục tặng hoa. Chỉ cần thấy chồng luôn về nhà sau giờ tan sở là chúng tôi đã hạnh phúc lắm rồi”, chị chia sẻ.

Là một người phụ nữ đảm đang, nồi tiếng với hàng trăm công thức nấu ăn ngon miệng, đẹp mắt, chị Lâm Anh Đào kể, nhiều người có thể cho rằng chính những bữa ăn ngon đã cuốn hút chồng chị trở về nhà sau một ngày làm việc. Còn người phụ nữ này cho rằng, cũng chính sự thấu hiểu, chia sẻ của chồng và việc anh luôn thể hiện vai trò người đàn ông đầy trách nhiệm trong gia đình mà chị thích vào bếp hơn. “Nếu có chồng luôn về nhà sau giờ tan sở và thích những bữa cơm nhà chắc ít bà vợ ngại việc nấu nướng”, chị nói.

Lan Hương (Theo VnExpress)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề