Ở Syria: Nga chiến đấu chống IS hay bảo vệ lợi ích quốc gia?
Trong bài phát biểu đầu tiên suốt 10 năm qua tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 28/9, Tổng thống Nga Vladimir V. Putin nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria.

Tổng thống Nga cho rằng IS đã được “rèn luyện” dưới sự hỗ trợ của phương Tây bởi Mỹ và các đồng minh muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Assad. Cũng theo ông Putin, để hỗ trợ cho phe nổi dậy chống lại chính quyền của Tổng thống Assad, Mỹ đã cho đào tạo lực lượng phiến quân nhưng chính những người này sau đó lại chiến đấu trong hàng ngũ của IS. Nhà lãnh đạo Nga còn cảnh báo thảm họa ở Syria là hậu quả từ cái gọi là “nền dân chủ” mà phương Tây phát động.

Trong khi đó, những tuần gần đây, giới chức phương Tây cũng đã lên tiếng cáo buộc Nga tăng cường quân sự tới Syria như điều động binh lính, xe tăng và máy bay chiến đấu nhằm hỗ trợ quân chính phủ Syria tiêu diệt IS.

Cụ thể, Moscow muốn khẳng định tiếp tục ủng hộ Tổng thống Syria và bảo vệ lợi ích của Nga vốn có mối liên quan tới chính quyền của ông Assad. Ngoài ra, ông Putin hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ ủng hộ vai trò của nhà lãnh đạo Nga và Tổng thống Assad trong tiến trình chấm dứt xung đột ở Syria. Thậm chí hôm 27/9, Tổng thống Putin còn cho công bố bản thỏa thuận chống IS giữa Nga, chính quyền của Tổng thống Assad, Iran và Iraq mà không hề thông báo trước cho phía Mỹ.  Theo Huffington Post, mặc dù IS đã chiếm được nhiều vùng đất ở Syria và Tổng thống Putin lâu nay khẳng định ưu tiên của Nga là tiêu diệt IS nhưng bài phát biểu hôm 28/9 lại dường như nghiêng về bảo vệ lợi ích của Moscow hơn là chiến đấu chống lại lực lượng khủng bố.

 Trong bài phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Putin nhấn mạnh không ai khác ngoài lực lượng an ninh của Tổng thống Assad, các tay súng người Kurd đang chiến đấu chống lại IS và nhiều tổ chức khủng bố khác ở Syria.

Tuy nhiên, giới ngoại giao phương Tây và các quan sát viên quốc tế ở Syria lại cho rằng sự can thiệp của Nga sẽ chỉ làm tình hình ở Syria thêm phần hỗn loạn. Thậm chí, trước bài phát biểu của ông Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng Nga đang vin vào cái cớ mối đe dọa từ IS để biện minh cho hành động ủng hộ Tổng thống Assad. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu lại đang phải đối mặt với làn sóng người tị nạn từ Syria và cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

Tổng thống Pháp cho rằng đa phần người tị nạn Syria đang chạy trốn khỏi chính quyền của Tổng thống Assad. Bởi hàng triệu người đã buộc phải rời bỏ Syria trước cả thời điểm IS tấn công và chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ Syria.

Một số nhà lãnh đạo còn cho rằng nếu giành sự ủng hộ cho chính quyền của ông Assad như cách mà Tổng thống Putin đang làm cũng không phải là phương án giúp tiêu diệt IS và các chi nhánh của mạng lưới khủng bố al Qaeda ở Syria. Bởi theo chính quyền Mỹ, ông Assad đang tận dụng sự hiện diện của các nhóm khủng bố ở Syria để chứng minh ông này là người duy nhất phù hợp với vai trò lãnh đạo đất nước chứ không phải là phe nổi dậy vốn thân Mỹ và các quốc gia ở châu Âu cũng như vùng Vịnh.

Chia sẻ với BBC, nhà nghiên cứu Charles Lister tại Trung tâm Brookings Doha nhận định “Tổng thống Assad hiện tại và sẽ không bao giờ là lựa chọn tốt nhất để làm lãnh đạo Syria”.

Theo ông Lister, Tổng thống Assad đã cho thả các tù nhân al Qaeda bị giam giữ chỉ trước vài tháng xảy ra làn sóng phản đối đòi lật đổ chính quyền của ông này nhằm mục đích buộc tội các nhóm đối lập đều là phần tử cực đoan. Và các lực lượng an ninh của Tổng thống Assad cũng hiếm khi thực hiện tấn công những mục tiêu của IS.

“Chính quyền của Tổng thống Assad đã thực thi chính sách tàn sát dân thường bằng các cuộc không kích, tên lửa đạn đạo, bom thùng và cả vũ khí hóa học”, ông Lister cáo buộc.

Số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc cho thấy hơn 250.000 người Syria đã thiệt mạng kể từ khi chính quyền Tổng thống Assad lần đầu tiên đàn áp các cuộc biểu tình hòa bình hồi tháng 3/2011.

Trong khi đó, cả Moscow và Damascus vẫn duy trì quan điểm lực lượng đối lập với Tổng thống Assad là các phần tử cực đoan. Quan điểm này đã nhận được không ít sự ủng hộ khi hồi tuần trước, thông tin lực lượng nổi dậy Syria do Mỹ đào tạo tuồn một số loại vũ khí cho al Qaeda, được tiết lộ.

Ngay cả một số thành viên trong chính quyền của Tổng thống Obama cũng đã lên tiếng khẳng định kế hoạch hỗ trợ vũ khí cho phe nổi dậy Syria chống lại IS cần được tái xem xét. Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 28/9, Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga và Iran để chấm dứt cuộc xung đột ở Syria.

Theo infonet


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề