Nước Nga đã và sẽ không thể “nắm” được Ukraine

Người ta có thể giải thích như thế nào về sự xấu đi nhanh chóng trong mối quan hệ giữa Nga và Ukraine, bắt đầu vào cuối năm 2013 và tình hình căng thẳng gia tăng một cách bi thảm trong những tháng qua? Để trả lời câu hỏi hóc búa này, cần thu thập những mảnh ghép “vương vãi khắp nơi” của một trò chơi xếp hình phức tạp.

Ngay từ khi ông Viktor Yanukovych được bầu làm Tổng thống Ukraine hồi tháng 2/2010, các phương tiện truyền thông phương Tây đã đồng loạt coi ông là người “cực kỳ” thân Nga. Và thực tế còn chứng minh những điều hơn thế nữa: Tại các cuộc bỏ phiếu ở Liên hợp quốc (LHQ) và nói rộng hơn, tất cả các vấn đề lớn thuộc chính sách đối ngoại, người đứng đầu Nhà nước Ukraine đều ủng hộ các lập trường của Nga, hoặc tham khảo Moskva.

Nhưng cũng không nên quên rằng Yanukovych đã hứa một cách rõ ràng trước bàn dân thiên hạ rằng ông vẫn duy trì phương hướng hội nhập châu Âu mà những người tiền nhiệm xuất thân từ cuộc Cách mạng Cam đã vạch ra, và thậm chí đã yêu cầu đảng Các Khu vực của ông ủng hộ việc ký hiệp định liên kết với châu Âu. Ngoài ra, trái với điều đã được thông báo khi ông trúng cử, nhiệm kỳ của ông không được đánh dấu bằng một sự du nhập mạnh mẽ của các công ty Nga vào Ukraine.

Liên minh với các đầu sỏ chính trị Ukraine – những người luôn không thích nước láng giềng khổng lồ này tới lãnh thổ của họ – Yanukovych đã rất nỗ lực để ngăn chặn các nhà kinh doanh Nga đặt chân vào nước ông, chắc chắn không phải do lòng yêu nước mà đơn giản là vì ông không muốn người dân nước ông phải “chia sẻ chiếc bánh gatô” với người Nga. Nhiều nhà đầu tư Nga đã phàn nàn với Tổng thống Nga Vladimir Putin về điều bất lợi này trong công việc kinh doanh của họ, song người hùng của nước Nga không thể thuyết phục được người đồng cấp của mình ở Kiev tỏ ra dễ dãi hơn.

Vậy Yanukovych là một tổng thống vừa thân Nga vừa chống Nga chăng? Thực ra, ông là một tổng thống… thân Yanukovych (thân chính mình). Giờ đây, sau khi Yanukovych đã bị hạ bệ, người ta mới biết rằng trong 4 năm cầm quyền, ông đã cướp bóc có hệ thống của cải đất nước mình. Mục tiêu đầu tiên của ông, nếu không phải là duy nhất, là làm giàu cho cá nhân ông cũng như gia đình ông, nhất là cho các con trai ông là Alexandr và Viktor.

Chính vì thế mà ông đã không ngừng chơi trò hai mặt – châu Âu và Nga – bằng cách giữ thái độ ba phải để có được càng nhiều bổng lộc càng tốt từ hai bên. Vladimir Putin luôn tỏ ra ngờ vực đối với người đối thoại có thái độ mập mờ này. Vả lại, có thể là nếu Yanukovych đi tới chỗ tuyên bố sẽ ký hiệp định liên kết với châu Âu thì đó là vì ông muốn thuyết phục Tổng thống Nga về sự nghiêm chỉnh trong ý định của ông… Ở thế thắng: nhận thấy quyết tâm của nhà lãnh đạo Ukraine đưa nước mình đi theo châu Âu, ông chủ Điện Kremli đã quyết tâm “đặt giá” cần thiết để kéo Kiev khỏi Brussels.

Vào mùa Thu năm 2013, ông Putin đã hứa dành cho Ukraine một khoản vay 15 tỷ USD cũng như giảm đáng kể giá khí đốt. Đổi lại, Yanukovych phải từ bỏ hiệp định liên kết với châu Âu. Nhưng Yanukovych vẫn tìm cách có lợi hơn nữa. Trong thời gian đầu, trước khi diễn ra hội nghị cấp cao ở Vilnius ngày 28 và 29/11/2013, Thủ tướng Ukraine Nokolai Azarov dường như đã tuân theo kịch bản của Nga và tuyên bố rằng Ukraine sẽ không ký hiệp định liên kêt với châu Âu, bởi vì điều này sẽ là một “thảm họa về kinh tế”. Thời gian tiếp theo, tại Vilnius, Yanukovych đã làm cho EU hoa mắt về khả năng là Ukraine cuối cùng sẽ chấp nhận ký thỏa thuận này với những qui định tốt nhất…, nhưng với điều kiện là EU phải cung cấp cho Ukraine số tiền lớn hơn số tiền mà Nga đã hứa.

Tổng thống Ukraine đề nghị gần 20 tỷ USD, với cái cớ “đền bù” những hậu quả tiêu cực mà việc thực hiện hiệp định sẽ gây ra trong thời hạn ngắn đối với nền kinh tế Ukraine. Vì châu Âu từ chối cách bắt chẹt này nên Yanukovych đã quyết tâm… trở về với Putin. Ông đã không ký hiệp định liên kết với châu Âu để có được khoản vay 15 tỷ USD và giảm giá khí đốt mà Nga đã hứa và tuyên bố rằng đây là “sự lựa chọn tốt nhất” đối với đất nước ông. Tuy nhiên, “củ cà rốt” này đã không đủ trấn an người dân, mà ngay từ khi có thông báo không ký hiệp định liên kết với châu Âu, họ đã tập hợp đông đảo trên quảng trường Độc lập (Maidan) ở Thủ đô Kiev để tố cáo những việc làm của chế độ tham nhũng tệ hại và đòi Ukraine không được rời xa châu Âu.

Các cuộc biểu tình đã nhanh chóng phát triển: từ một nhóm nhỏ người tập trung ở quảng trường Maidan đã phát triển ra các thành phố khác nhau của Ukraine, chủ yếu tại các khu vực phía Tây, Trung và cả phía Đông đất nước. Trước tình hình này, các nhà lãnh đạo thuộc phái cực hữu đã đề nghị quảng trường Maidan phải được “quét sạch” bằng lực lượng quân đội Ukraine. Yanukovych lo ngại sẽ phải chịu chung số phận như Milosevic của Nam Tư cũ, nên đã do dự. Khi ấy, Thủ tướng Nga, Dmitry Medvedev, đã gọi ông Yanukovych là “cái giẻ lau nhà” mà những người biểu tình giẫm chân lên. Cuối cùng, cuộc tấn công diễn ra ngày 18/2/2014 và trong 48 giờ đồng hồ, gần 100 người biểu tình bị chết trong các cuộc giao chiến. Vụ tàn sát này đã tạo ra một tình đoàn kết vô song cho phe đối lập.

Dưới làn đạn, hàng chục nghìn người đã đổ xô tới để chiếm quảng trường Maidan. Chiều muộn ngày 20/2, ba Ngoại trưởng châu Âu (Laurent Fabius của Pháp, Radoslaw Sikorski của Ba Lan và Frank-Walter Steinmeier của Đức) đã thương lượng các điều kiện để chấm dứt biển máu. Cuối cùng, Viktor Yanukovych và các nhà lãnh đạo của phe đối lập đã ký một thỏa thuận thoát khỏi cuộc khủng hoảng Ukraine với sự có mặt của các nhà trung gian hòa giải châu Âu, qui định khôi phục Hiến pháp năm 2004 (tức là giảm rõ rệt quyền lực của tổng thống), tiến hành bầu cử tổng thống trước cuối năm 2014 và thành lập một “chính phủ dân tộc”, rút các lực lượng giữ gìn trật tự khỏi trung tâm Kiev.

Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát Pchonka và Bộ trưởng Nội vụ Zakhartchenko đã gây sức ép với tổng thống, buộc ông phải công bố tình trạng khẩn cấp và tiếp đó ra lệnh tiến hành các chiến dịch quân sự trên quảng trường Maidan. Bị kẹt giữa những sức ép trái ngược nhau, lo ngại cho sự sống còn của cá nhân mình, Yanukovych đã chạy trốn tới miền Đông Ukraine. Ngày hôm sau, ông bí mật tới Sevastopol ở Crimea và từ đó, dùng một con thuyền nhỏ đến bờ biển của Nga. Cung điện xa hoa của ông ở Mejigorie trở thành nơi thu hút khách du lịch và cho đến nay, viện công tố Ukraine vẫn tiếp tục tìm kiếm và đánh giá những tài sản của ông.

Từ sự việc này, ban lãnh đạo Nga rất lo ngại nguy cơ xảy ra những “cuộc cách mạng màu” nữa, như đã từng diễn ra tại nhiều nước láng giềng (cuộc cách mạng Cam ở Ukraine, cách mạng Hoa hồng ở Gruzia, cách mạng Hoa tuylíp ở Kyrgyzstan). Đối với Nga, nguyên nhân là rõ ràng: các phong trào này được điều khiển từ các nước phương Tây, trước tiên là Mỹ, để gây mất ổn định ở Nga và không gian hậu Xôviết. Vì vậy, thắng lợi ở quảng trường Maidan của phe chống Nga, cho thấy mối nguy hiểm hiển hiện hơn bao giờ hết. Giờ đây, Putin đã hiểu rằng Nga không thể tin vào bất kỳ ai trong tầng lớp lãnh đạo Ukraine. Không một nhà lãnh đạp cấp cao nào ở nước này có thể tiến hành một cách kiên trì chính sách thân Nga và bảo đảm cho Ukraine gia nhập Liên minh Á-Âu (dự án lớn của Vladimir Putin có tham vọng tập hợp phần lớn các nước cộng hòa cũ của Liên Xô dưới sự bảo trợ của Nga).

Tất nhiên, Yanukovych là một đối tác yếu (mua chuộc được nhưng ít đáng tin cậy); nhưng ít nhất thì cuối cùng ông ta cũng phải tuân theo những mệnh lệnh của Nga. Từ nay, Nga sẽ phải làm việc với một chính quyền mới và chắc chắn là nhà lãnh đạo mới, Petro Poroshenko, sẽ khiến Vladimir Putin phải luyến tiếc người tiền nhiệm của ông này. Dường như đã qua rồi thời kỳ mà Nga có thể áp đặt cho Kiev ý muốn của mình. Hai nhận định này đã thúc đẩy Moskva hành động ngay khi Yanukovych chạy trốn, đó là “kế hoạch B”.

Nhớ lại cách đây hơn một năm, trước khi xảy ra các cuộc biểu tình ở quảng trưởng Maidan, Sergei Markov, một nhà chính trị học thân cận với Điện Kremli, đã phân tích về các phong trào nhân dân trong những năm trước, đã lật đổ nhiều chế độ hậu Xôviết: “Các cuộc cách mạng màu là một hiện tượng mạnh. Chúng ta cần phải biết định hướng chúng theo chiều hướng có lợi cho Nga”. Các sự kiện diễn ra ở Ukraine trong thời gian qua cho thấy đây không phải là những lời nói suông: Nga từ nay phải làm chủ những kỹ thuật đã được chấn chỉnh tốt, để gây mất ổn định các nước láng giềng nào có tư tưởng không cưỡng lại được những “sự cám dỗ thân phương Tây”.

Phần lớn các chuyên gia Ukraine đều cho rằng các mạng lưới khởi thủy “chống Maidan” – tức là chống lại cuộc cách mạng được tiến hành ở Đông Ukraine và phần lớn được tổ chức từ Nga – đã được lập ra từ lâu. Các mạng lưới này hoạt động ngay từ những ngày đầu tiên sau khi Liên Xô tan rã. Nhà cầm quyền mới ở Kiev muốn rũ bỏ nhanh chóng những vết tích của chủ nghĩa Xôviết, như các bức tượng Lênin, trang hoàng lại các vị trí trung tâm của nhiều thành phố Ukraine, nhất là phía Đông Ukraine, song các đám đông đã lập tức được huy động để ngăn chặn việc phá hủy các biểu tượng này. Nếu các công trình kỷ niệm Lênin bị hạ bệ ở Kiev, thì tại nhiều thành phố ở phía Đông tình hình lại hoàn toàn khác.

Điều ngược đời là các công dân Ukraine giương cao các lá cờ đỏ (cờ Liên Xô trước đây), đã xông vào để bảo vệ các bức tượng được dựng lên tưởng niệm người sáng lập ra Nhà nước Xôviết – một Nhà nước đã làm hàng triệu người Ukraine chết trong quá trình tập thể hóa và các chiến dịch tiêu diệt giới trí thức Ukraine. Giờ đây, người ta biết rằng sự thâm nhập của các nhà quân sự, kể cả các huấn luyện viên của cơ quan tình báo quân sự cũng như các “phụ tá” Nga, đã bắt đầu từ nhiều tháng trước khi chế độ Yanukovych sụp đổ. Ngoài ra, mục tiêu của các cuộc bạo động ở phía Đông không hề bảo đảm việc thiết lập một chế độ dân chủ mà là gây mất ổn định Ukraine và dẫn đến sự tan rã.

Về quan điểm này, chiến dịch của Nga ở Crimea là một thí dụ. Cần phải nói rằng việc cố lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrouchtchev quyết định sáp nhập Crimea vào Ukraine hồi năm 1954, phần lớn là do sự hợp lý về kinh tế, vì vùng lãnh thổ này phụ thuộc hoàn toàn vào các khu vực phía Nam Ukraine về việc cung cấp nước và điện, chứ chưa bao giờ là ý muốn của người Nga – dù là của người Nga ở Nga hay người Nga ở Crimea, chiếm đa số tại bán đảo này và người Ukraine chỉ là thiểu số (năm 2014 chỉ chiếm 10% số dân địa phương). Vào cuối tháng 2/2014, chỉ trong vòng vài ngày, các tòa nhà hành chính của thủ phủ Crimea là Simferopol, kể cả tòa nhà Quốc hội, đều bị những người có vũ trang chiếm đóng. Các nhà quân sự Ukraine có mặt tại quảng trường đã nhận được lệnh không được nổ súng.

Họ đã từ bỏ doanh trại mà không có một cuộc đụng độ nào xảy ra. Một chỉ thị mới được áp đặt, đề nghị tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân mà thời hạn và câu hỏi đã được sửa đổi tới ba lần: trước hết, người dân được yêu cầu đi bỏ phiếu vào ngày 25/5 về việc mở rộng quyền tự trị địa phương (cần nhắc lại rằng Crimea đã là một nước cộng hòa tự trị trong Ukraine); sau đó, thời hạn được đưa lên sớm hơn vào ngày 31/3; cuối cùng được ấn định vào ngày 16/3 và lần này là công bố nền độc lập đối với Ukraine và sáp nhập vào Nga. Vào thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu, hầu như toàn bộ bán đảo này đều do những người có vũ trang mặc quân phục không có biển hiệu kiểm soát.

Chỉ có các nhà quan sát nước ngoài có mặt: các đại diện của nhiều đảng và phong trào cực hữu châu Âu. Kết quả chính thức thật là tuyệt vời (đối với Nga): tỷ lệ tham gia hơn 80% và 96% người đi bỏ phiếu thể hiện mong muốn sáp nhập vào Nga. Song, theo nhiều người, những con số thực, rõ ràng là rất khác nhau. Theo nhà lãnh đạo lịch sử người Tatar ở Crimea, Moustafa Djemilev, tỷ lệ tham gia chỉ là 34% và chỉ một nửa người tham gia (tức là 17% cử tri) mong muốn sáp nhập vào Nga. Nhưng dù sự thật là thế nào chăng nữa, việc thôn tính cũng ngay lập tức được Duma Nga và đích thân Tổng thống Putin hợp thức hóa. 48 giờ đồng hồ sau cuộc trưng cầu ý dân, Crimea đã chính thực trở thành một khu vực của Nga. Cho đến nay, việc sáp nhập này mới chỉ được vài nước có mối quan hệ rất ưu tiên với Nga công nhận như Venezuela, Triều Tiên hay Syria.

Việc quân đội Ukraine không thể phản kháng lại được quá trình tái sáp nhập Crimea vào Nga vì nhiều lý do. Bắt đầu bằng sự có mặt – hợp pháp – trên lãnh thổ Crimea khoảng 25.000 lính hải quân Nga, theo hiệp định về việc đồn trú hạm đội biển Đen ở Sevastopol. Việc nắm quyền (của Nga) đã được định từ trước bằng việc nhiều tàu biển của Nga chở vũ khí đến đây. Và ai cũng hiểu rằng một cuộc giáng trả có hiệu quả của quân đội Ukraine chỉ có thể trong những giờ phút đầu tiên của cuộc tấn công âm thầm này của Nga. Sau này, mọi người đều biết cuộc chiến ấy đã bị thua từ trước.

Ban lãnh đạo mới của Kiev sợ lặp lại sai lầm của Tổng thống Gruzia, Mikhail Saakachvili hồi tháng 8/2008: phản ứng trước nhiều sự khiêu khích và trước việc quân đội Nga tập trung ở phía bên kia biên giới, Tbilisi đã ra lệnh cho quân đội tiến vào Nam Ossetia, vùng lãnh thổ ly khai của Gruzia được Nga ủng hộ. Một quyết định đã gây ra hậu quả là quân đội Nga đã thôn tính vùng lãnh thổ này của Gruzia. Thứ hai là sự nham hiểm của Nga. Thời hạn thực sự và những mục tiêu thực sự của cuộc trưng cầu ý dân chỉ được thông báo ngày 6/3, thời điểm mà quân đội Nga đã chiếm giữ những điểm chiến lược trên bán đảo Crimea. Sững sờ, chính phủ Kiev không tin rằng Nga – người bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo giác thư Budapest năm 1994 – lại đang thực sự thôn tính phần của lãnh thổ Ukranie.

Các chuyên gia cho rằng Crimea trở thành một Abkhazia hay một Bắc Cyprus mới, tức là một thực thể độc lập trên thực tế nhưng không được quốc tế công nhận và có thể bị thu hồi trong một tương lai gần. Từ ngày 18/3, tất cả các cuộc tấn công của Ukraine chống Crimea đều bị Moskva coi là một sự tuyên chiến với Liên bang Nga. Lịch sử có thể phán xét rằng việc quân đội Ukraine không phản kháng lại là một sai lầm lớn. Điều có thể là nếu các cuộc giao chiến thực sự nổ ra, việc tiến hành cuộc trưng cầu ý dân và sự thôn tính không thể đảo ngược tiếp theo đó có thể ngăn chặn được. Ngoài những tổn thất không tránh khỏi về quân sự, còn rất nhiều nạn nhân là dân thường. Trong trường hợp nổ ra các cuộc đụng độ vũ trang thì mục tiêu đầu tiên của quân đội Nga rất có thể là người Tatar ở Crimea (khoảng 300.000 người) hoàn toàn phụ thuộc vào Ukraine, bởi vì chỉ có nằm trong đất nước Ukraine dân chủ và độc lập thì họ mới có thể trở về tổ quốc lịch sử của họ, nơi họ đã bị Stalin đưa đi đày hồi năm 1944.

Việc sáp nhập Crimea vào Nga là thắng lợi của Vladimir Putin dưới con mắt của công chúng Nga. Theo các cuộc thăm dò dư luận xã hội Nga, trên 90% người dân Nga ủng hộ sự thôn tính này, và cụ thể là sau vụ ấy, sự được lòng dân của Tổng thống Nga tăng cao vượt quá ngưỡng 80%. Vậy tại sao người dân ở một nước lớn như Nga, về mặt lý thuyết thường tôn trọng các qui định của luật pháp tế lại có thể ủng hộ một sự thôn tính như vậy?

Trong 2 năm qua, từ khi trở lại cầm quyền vào tháng 3/2012, Vladimir Putin đã làm cho bộ máy tuyên truyền thêm hùng mạnh và hoạt động mạnh mẽ hơn. Bộ máy này được xây dựng rất mạnh ngay từ trước nhiệm kỳ đầu tiên của ông Putin (khi ông còn làm Thủ tướng dưới thời Boris Yeltsin), trong đó, đáng chú ý là nhiều kênh truyền hình lớn của tư nhân đã được chuyển sang nằm dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Nhưng mãi đến khi xảy ra các sự kiện ở Ukraine, nó mới được phát huy hiệu quả, nhất là dịp xảy ra các cuộc mít tinh, ẩu đả ở quảng trường Maidan.

Bộ máy tuyên truyền này đã đạt được những kết quả đầu tiên trong cuộc chiến tranh Chesnia lần thứ 2, được chính Vladimir Putin, khi đó là Thủ tướng dưới thời Boris Yeltsin, phát động vào tháng 9/1999. Khác với cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất, chỉ có các nhà báo thân chính phủ mới được phép tới hiện trường. Bộ máy tuyên truyền còn trở nên hùng mạnh hơn vào năm 2011 – 2012, để tố cáo các cuộc biểu tình do phe đối lập tổ chức: phe đối lập bị báo chí thân Putin lúc bấy giờ coi là một mớ hỗn tạp những kẻ phản bội, là “đội quân thứ 5” làm tay sai cho nước ngoài. Kênh truyền hình NTV được sử dụng triệt để nhằm làm mất uy tín một số thành viên của phe đối lập.

Đồng thời, cơ quan lập pháp Nga đã tỏ thái độ cứng rắn để buộc phe đối lập phải im lặng. Vào thời điểm đó, nhiều luật bóp nghẹt tự do đã được thông qua. Cũng như vậy, từ khi nổ ra sự kiện quảng trường Maidan của Ukraine, bộ máy tuyên truyền của Nga đã hoạt động hết công suất, suốt từ sáng đến tối, tất cả các kênh truyền hình chính đều phát đi những bài phóng sự, những bản tin đầy những lời lẽ dối trá, coi nhà cầm quyền mới ở Kiev là “nhóm đảo chính”, tố cáo họ là theo chủ nghĩa phátxít, thậm chí vu cho họ có những ý đồ “diệt chủng”.

Từ khi ông Putin lên cầm quyền, việc giáo dục lòng yêu nước được đặc biệt chú trọng. Mọi khía cạnh của cuộc cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại được giáo dục với một qui mô chưa từng thấy ở Nga. Việc ca ngợi cuộc chiến tranh này và chủ nghĩa anh hùng của người dân Xôviết, trở thành một yếu tố chủ chốt của sự tìm kiếm sự nhất quán của toàn dân tộc và là phương tiện hoàn hảo để tái hiện thời kỳ Liên Xô vào câu chuyện lớn về lịch sử nghìn năm của nước Nga. Cần phải nhắc lại rằng, vào thời kỳ cải tổ và trong những năm tháng đầu tiên dưới thời Yeltsin, chủ nghĩa Cộng sản bị tố cáo có hệ thống: các tài liệu bí mật được đưa ra công khai, hàng trăm nghìn tài liệu mật đã được công bố, hàng trăm cuốn hồi ký của các tù nhân trong trại cải tạo được xuất bản, v.v…

Ngoài ra, chúng ta không quên rằng Đảng Cộng sản Liên Xô đã bị cấm sau cuộc đảo chính tháng 8/1991 (sau đó đã được tái thành lập với tư cách là Đảng Cộng sản Nga) và một mưu toan “xét xử chủ nghĩa Cộng sản” đã diễn ra vào năm 1992. Tuy nhiên, chủ trương khôi phục chủ nghĩa Xôviết, tuy còn dè dặt, đã bắt đầu ngay từ cuối thời kỳ Yeltsin, nhưng đạt đỉnh cao dưới thời người kế tục nhân vật này – tức Putin, với quan niệm cho rằng chế độ Cộng sản chỉ là một sự hóa thân của đế quốc Nga cho phép Nga tự bảo vệ mình dưới hình thức Liên Xô, trong khi tất cả các đế quốc thực dân khác đã tan rã. Lôgích về một sự đối xử như vậy về lịch sử cần phải có một sự khôi phục danh dự cho Stalin.

Bởi vì chính ông là người đã biến một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp hóa hiện đại, chiến thắng chủ nghĩa quốc xã và mở rộng biên giới theo hiệp định Yalta. Còn cái giá phải trả là hàng triệu nạn nhân vô tội thì được coi là “không hề chi”. Năm 2008, truyền hình Nga đã phát động một cuộc bỏ phiếu trên Internet nhằm xếp hạng các nhân vật biểu tượng nhất cho lịch sử nước Nga. Mặc dù chế độ Stalin đã phạm phải nhiều tội ác, song tên tuổi của Stalin vẫn đứng ở vị trí thứ 3, sau Alexandr Nevski và Piotr Stolypine, trước Alexandr Puskin và Pier Đại đế. Bộ máy tuyên truyền chống Ukraine và việc ca ngợi cuộc chinh phục Crimea bởi quân của Sa hoàng hồi năm 1783 đã đạt kết quả. Nhưng người ta nhanh chóng thấy rằng việc sáp nhập Crimea vào Nga không hề dễ dàng vì những lý do về kinh tế và về chính trị (do sự trừng phạt của Mỹ và châu Âu). Hơn thế nữa, cho đến lúc này, Moskva đã không đạt được mục tiêu chính của mình là lật đổ chính phủ đã ra đời từ phong trào Maidan và buộc Ukraine phải từ bỏ việc xích lại gần EU.

Kể từ cuối tháng 3 vừa qua, giai đoạn mới của cuộc xung đột đã bắt đầu ở Donbass, vùng công nghiệp lớn phía Đông Ukraine, với hai thực thể hành chính: Donetsk và Lugansk. Tại đây, quân nổi dậy “chống Maidan” đã chiếm các tòa nhà hành chính, công bố nền độc lập của “Cộng hòa nhân dân Donetsk” và của “Cộng hòa nhân dân Lugansk”, và đòi sáp nhập ngay tức khắc vào Nga. Tuy nhiên, lần này quân đội Ukraine không chịu nhượng bộ. Họ tiến hành một ‘chiến dịch chống khủng bố” qui mô lớn để trấn áp bằng quân sự quân nổi dậy, những người vẫn tiếp tục nhận được từ Nga nhiều vũ khí tinh vi hiện đại, như súng phóng tên lửa đất đối không Stinger. Các nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột này có thể sẽ kéo dài, vì “quân tình nguyện” Nga đã gia nhập đông đảo trong hàng ngũ ly khai và các huấn luyện viên Nga đi kèm các chiến binh. Nếu nhận định này là đúng, điều đó có nghĩa Moskva của Putin sẽ còn “mất ăn, mất ngủ” nhiều năm nữa với vấn đề Ukraine, nơi họ rất muốn “nắm gọn trong tay” nhưng chưa bao giờ làm được trong quá khứ, và có lẽ tương lai cũng sẽ không khác”.

vietpress


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề