Nước Nga đã trở thanh quốc gia của ngài Trung sĩ mờ nhạt

Xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn trên tạp chí mạng Deutsche Well của Andrei Movchan ngày 18.12.2017. Andrei Movchan tốt nghiệp Khoa toán cơ Moscow State University năm1992 và MBA University of Chicago Booth GSB năm 2003. Ông đã từng là CEO của một vài ngân hàng tư nhân hàng đầu nước Nga.

Hiện nay Andrei Movchan là Giám đốc chương trình “Chính sách kinh tế” của Quỹ Carnegie Moskva. Ở Nga ông nổi tiếng là một chuyên gia tài chính tài ba, một nhà phân tích và bình luận chính sách kinh tế xã hội độc lập sắc sảo. Dưới đây là bài dịch từ nguyên bản tiếng Nga.

PV: Theo ông định nghĩa nào cho mô hình kinh tế của nước Nga ngày nay là thích hợp hơn cả?

Movchan: Nếu cần sử dụng những định nghĩa kinh tế rõ ràng chính xác, tôi sẽ mô tả hiện trạng nước Nga như là một giai đoạn phong kiến tập quyền. Chế độ phong kiến là một hệ thống trong đó sản phẩm kinh tế chính được hình thành từ một một nguồn tài nguyên chưa chế biến, lao động chỉ được sử dụng để khai thác và xử lý tài nguyên này.

Trong một thể chế như vậy, về nguyên tắc sẽ hình thành một hệ thống chính quyền phân cấp, kết hợp vai trò kiểm soát cả nguồn tài nguyên lẫn quyền lực. Từ khi học phổ thông, chúng ta đã biết định nghĩa đơn giản nhất của chế độ phong kiến, là đất đai đóng vai trò nguồn tài nguyên chủ yếu. Tuy nhiên, thực ra thì nguồn tài nguyên có thể là bất cứ tài vật nào. Chẳng hạn, ở nước Nga ngày nay nguồn tài nguyên chủ yếu là dầu khí.

PV: Hệ thống này có gì thay đổi không trong những năm TT Putin nắm chính quyền?

Movchan: Dĩ nhiên là có. Vào đầu những năm 2000, cả hệ thống quyền lực nhà nước hướng tới sự khai sáng, những chuyên gia giỏi trung thành với các nguyên tắc kinh tế thị trường được mời vào làm việc trong bộ máy nhà nước. Có nhiều cố gắng phát triển quan hệ sản xuất mới, tìm sự thay thế cho phân khúc khai thác nguyên liệu của nền kinh tế. Việc phát triển dần dần nền tảng pháp luật quốc gia hiện đại cũng đã diễn ra tích cực, gần giống như ở Châu Âu thế kỷ 19.

Cảm nhận lúc đó là trong khoảng 10-15 năm nữa chúng ta sẽ có thể tránh xa được sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Nhưng vào thời điểm nào đó năm 2003, một bước ngoặt bắt đầu diễn ra. Các nhà lãnh đạo nước Nga có thể đã nhận thấy sự thiếu đồng tâm nhất trí trong tầng lớp tinh hoa và coi đó là mối đe dọa đối với chính sự tồn tại của mình.

Vì vậy, có lẽ một cách vô thức, đã diễn ra một bước ngoặt hướng về quá khứ. Các dự án hứa hẹn nhất hoặc biến thành những màn trình diễn hình thức, hoặc bắt đầu biến mất, hoặc được chuyển ra nước ngoài. Hệ thống pháp luật đã được chuyển đổi để phục vụ lợi ích của thể chế phong kiến.

Các mối quan hệ trong xã hội và chính quyền dần biến dạng, chính quyền trở thành một bộ máy kiểm soát hành chính xơ cứng theo kiểu hình tháp. Việc tuyển chọn những thành viên của bộ máy này đã chuyển sang nguyên tắc lựa chọn tiêu cực (bảo đảm sự trung thành và ổn định – ND).

PV: Liệu có gì thay đổi sau khi TT Putin thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống định kỳ sắp tới không?

Movchan: Theo tôi, sau bầu cử tổng thống sắp tới tình hình sẽ phát triển dưới ảnh hưởng của hai yếu tố tiêu cực đã hình thành trong 10 năm qua. Thứ nhất, nước Nga hiện nay đã xuất hiện một hệ thống quản lý quan liêu nhà nước, có khả năng tự vận hành và tái sinh không phụ thuộc vào Điện Kremlin.

Năm 2005, Putin chỉ là một tổng thống bình thường, nhưng mọi mệnh lệnh của ông ít hay nhiều đã được thực hiện. Hiện nay, Putin là một tổng thống với chữ tổng thống viết hoa, gần như là một nhân vật thiêng liêng, nhưng những mệnh lệnh của ông thì ngược lại, không còn “thiêng” nữa, bộ máy quan liêu thường gửi ông những bản báo cáo hình thức cho có, mà ông buộc phải chịu đựng và chấp nhận. Từ một nhà nước của đấng Quân vương, nước Nga ngày nay đã trở thành quốc gia của một ngài trung sĩ mờ nhạt.

Vấn đề thứ hai, là việc bộ máy nhà nước hiện thời không muốn và không sẵn sàng thay đổi bất cứ điều gì để thực hiện cải cách. Điều này có nguồn gốc từ một cơ cấu nhà nước xơ cứng, có năng lực chuyên môn thấp, thậm chí ngay ở hàng ngũ các quan chức cấp cao. Ngoài ra, có thể nói là chính quyền gần như đã mất khả năng kiểm soát bộ máy, và dĩ nhiên trong chính quyền hoàn toàn thiếu vắng động lực thay đổi.

Một điều thật là rất buồn, và tôi nghĩ rằng cuộc bầu cử sắp tới sẽ không thay đổi được cục diện này. Ý kiến và dư luận xã hội không có vai trò nào cả. Biểu hiện điển hình của tình trạng này là câu chuyện tiếu lâm được ưa thích hiện nay, rằng vào năm 2018 sẽ có hai sự kiện trọng đại, một là Thế vận hội Thế giới Mùa đông ở Hàn Quốc và hai là cuộc bầu cử tổng thống ở Nga sẽ được tổ chức mà không có sự tham gia của người Nga.

PV: Tất cả những điều này ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của người dân, đến thu nhập của họ?

Movchan: Có một điều cần phải hiểu rõ ràng là nước Nga, một mặt sản xuất dầu khí, mặt khác là mọi hoạt động còn lại. Các dự án quốc gia, thu nhập của các tập đoàn độc quyền và giá dầu cao không hề làm tăng thu nhập của người dân.

Vấn đề là ở chỗ thu nhập từ dầu khí không được chuyển thành các dự án kinh tế có hiệu quả mang lại giá trị gia tăng thu nhập thực sự. Hiện nay 90% đầu tư trong nước Nga là những dự án như cải tạo Moskva, xây dựng cầu Kerch (cầu từ nước Nga đến bán đảo Crimea – ND), dự án “Sức mạnh của Siberia” (đường ống dẫn khí từ Yakutia đến vùng Duyên Hải Thái Bình Dương – ND) và dự án phát triển của vùng Viễn Đông.

Nếu tính đến ảnh hưởng của việc giá dầu tăng, GDP của Nga trong năm 2017 dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 2,5%, trong khi GDP ở khu vực kinh tế không liên quan đến dầu mỏ, chúng ta mất đi khoảng 2%/năm, còn thu nhập thực tế của dân chúng sẽ giảm khoảng 1,5%. Năm 2018, có lẽ các chỉ số nói trên cũng sẽ tiếp tục giữ ở mức như vậy.

Tổng cộng, kể từ năm 2014, thu nhập thực tế của dân chúng qui ra tiền đã giảm 11-13%, nghĩa là thu nhập thực tế đã tụt xuống mức những năm đầu thập niên 2000.

Tuy vậy, tạm thời chúng ta vẫn chịu đựng được, trước đây đã từng có lúc tệ hơn. Cứ mỗi một quí trôi qua, sự trầm uất lại gia tăng, nhưng chưa có gì quá kinh khủng xảy ra cả. Cho nên khi chưa có sự phản ứng mạnh của dân chúng, chính quyền sẽ không có ý muốn thay đổi bất cứ điều gì cả.

Thời gian dường như ngưng đọng lại, kết quả sẽ phải có một điều gì đó bùng phát. Tôi e rằng với thái độ thụ động vô cảm hiện tại của xã hội, điều này có thể dẫn tới một bước ngoặt đột ngột về phía cực tả. Tuy nhiên, trong hai hoặc ba năm tới, theo cảm nhận của tôi, điều này sẽ không xảy ra.

PV: Theo ông thái độ thụ động vô cảm như vậy của xã hội Nga từ đâu mà có?

Movchan: Ở đây chúng ta cần xét đến tâm lý nhân học. Xã hội loài người luôn được thống nhất bởi những huyền thoại. Câu chuyện huyền thoại hiện đang nối kết toàn bộ xã hội Nga, là huyền thoại nước Nga – một “pháo đài bị bao vây”. Đây là một điều tối kỵ đối với những cải cách cần thiết phải làm để phát triển kinh tế, đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa. Vì vậy, để nước Nga tiến về phía một phép màu kinh tế, cần phải thay thế huyền thoại này.

Thế nhưng để làm điều đó, trong bối cảnh hiện tại ở Nga, không có tình thế cấp bách nào đòi hỏi chúng ta phải nhất thiết từ bỏ huyền thoại cũ, cũng không có một hạt nhân cốt lõi đầy nhiệt huyết nào trong xã hội Nga có khả năng và sẵn sàng tạo dựng, truyền bá một huyền thoại mới. Vì vậy, tuy huyền thoại hiện nay của chúng ta là rất cổ kính, phản tác dụng, nhưng sẽ vẫn ổn định.

Mặt khác hiên nay ở nước Nga, chúng ta có một nhà nước khá là dân chủ, đủ để huyền thoại không thể bị phá vỡ một cách đột nhiên, nếu chỉ thay đổi bộ máy quyền lực. Như chúng ta thấy, thể chế dân chủ không chỉ có ưu điểm, mà còn có nhược điểm riêng của mình.

PV: Phải chăng đó là lý do tại sao ông đã nhận định rằng, xét tổng thể ông thích chương trình cải tổ kinh tế do TS Vladislav Inozemtsev chấp bút của cô Ksenia Sobchak (ngôi sao phóng viên truyền hình xinh đẹp Nga 36 tuổi, đã đăng ký ứng cử viên tổng thổng trong cuộc bầu cử tống thống sắp tới – ND), nhưng ông cho là không khả thi?

Movchan: Chính thế.

PV: Trên mạng Internet, có thể đọc được các thông báo, rằng ông đã chấp nhận đề xuất của cô Ksenia Sobchak và gia nhập khối kinh tế trong Ban vận động bầu cử trung ương của cô. Có thật như vậy không?

Movchan: Đúng, sự thực là cô Ksenia Sobchak đã ghi danh tôi vào Ban vận động bầu cử trung ương của mình, mà không hỏi tôi về điều đó. Cử chỉ này làm tôi rất hân hạnh. Tuy nhiên, đã từ lâu tôi công khai hứa là sẽ không tham gia chính trị, cũng như không làm một vài việc khác.

Lời hứa này cũng như nhiều cam kết khác, tôi sẽ không vi phạm. Hơn nữa, nghĩa vụ của tôi đối với Quỹ Carnegie mâu thuẫn với bất kỳ hoạt động chính trị nào. Vì vậy, sự ủng hộ của tôi đối với cô Ksenia Sobchak sẽ chỉ giới hạn bằng là phiếu khiêm tốn của mình thôi, lá phiếu mà tôi sẽ nhất định bỏ cho cô trong cuộc bầu cử tống thống sắp tới.

PV: Các ứng cử viên tổng thống có nhất thiết phải có chương trình kinh tế không?

Movchan: Chắc chắn kinh tế là nền tảng của nền văn minh, nhưng nó vẫn là thứ phát so với huyền thoại về xã hội và cấu trúc xã hội. Nếu đột nhiên huyền thoại về xã hội thay đổi, bỗng nhiên mọi người lại đòi hỏi và đặt sự thịnh vượng của đất nước lên hàng đầu, chương trình kinh tế sẽ được sinh ra một cách tự nhiên.

Sai lầm lớn nhất trong các chương trình hiện đại hóa nước Nga, hay là trong các chương trình vận động bầu cử của nhiều thủ lĩnh chính trị hiện nay ở Nga, là họ thường cố gắng đưa vào một số biện pháp cải tổ riêng biệt nhất định, có tính định lượng mà họ cho là quan trọng nhất. Trong khi họ chưa hề nghiêm túc cố gắng xác minh giá trị, ý nghĩa đích thực của các biện pháp này và các rủi ro liên quan phát sinh từ chúng.

Chúng ta không được phép dung tục và chính trị hóa quá mức chương trình phát triển kinh tế. Chẳng hạn, việc hứa hẹn nâng lương tối thiểu lên 25 ngàn rúp (hiện nay tương đương $435 và gần bằng lương trung bình) hay là cho vay mua nhà trả góp với lãi xuất 2%/năm như ở EU (đây là những hứa hẹn của Alexei Navalny trong chương trình vận động bầu cử tông thống của ông. Alexei Navalny là một trong những thủ lĩnh trẻ hàng đầu của phe đối lập ngoài hệ thống ở Nga – ND) là không nghiêm túc.

Mọi chương trình phát triển kinh tế nước Nga đều phải dựa trên việc xem xét tình hình thực tế một cách tổng quát và chuyên nghiệp (hết).
*****************************
PS. Rõ ràng để thay đổi một nước Nga già cỗi về mặt tinh thần và nhận thức xã hội là một việc rất không đơn giản. Nước Nga cần có một thế hệ lãnh đạo mới. Một thế hệ những người trẻ có cách nhìn lịch sử và di sản tinh thần của nước Nga khác, cũng như một quan niệm về thế giới và vị trí của nước Nga trên thế giới hoàn toàn khác những người lãnh đạo hiên nay. Nghĩa là những người lãnh đạo trẻ với những giá trị khác và với một huyền thoại mới về nước Nga.

Cô Ksenia Sobchak ngôi sao truyền hình, ứng cử viên tổng thống Nga trẻ tuổi nhất là một nhân vật đầy tranh cãi, trước hết vì những hành vi “quậy tưng bừng” trong quá khứ của mình, khi còn là bộ mặt thường trú trong các cuộc tụ tập của giới showbiz. Ngoài ra, cô còn được cho là con bài hoạt náo của Điên Kremlin nhằm lôi kéo cử tri đi bầu cử, để tạo tính chính danh cho một cuộc bầu cử mà chắc chắn TT Putin sẽ tái đắc cử, còn cô thì thừa dịp để PR cho bản thân.

Tuy nhiên, dù nhìn nhận thế nào thì thực tế Ksenia Sobchak có nhiều phẩm chất đáng nể, mà không ai có thể phủ nhận. Ksenia Sobchak rất có học thức, có hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực, thông minh, sắc sảo trong nhận định và rất chững chạc trong đối thoại với bất cứ ai về nhiều vấn đề của nước Nga và thế giới.

Ngoài ra, Ksenia Sobchak luôn tỏ ra khá thẳng thắn và nhất quán trong quan điểm về Stalin, Lenin và Liên Xô, về Crimea và Ukraina, về EU và Mỹ, về tình trạng an sinh xã hội, quyền bình đẳng giới và pháp quyền ở Nga, về quan hệ của TT Putin với bộ máy chính quyền của ông, về việc nhất thiết phải thay đổi bộ máy này… Cũng như về dự án tương lai của nước Nga.

Có thể nói Ksenia Sobchak là một trong những đại diện tiêu biểu cho thế hệ các nhà hoạt động chính trị mới của nước Nga. Một thế hệ các nhà chính trị thực tế, ít ảo tưởng và thành thực hơn. Chẳng hạn, cô Ksenia Sobchak tuyên bố thẳng thắn rằng, cô chỉ coi cuộc bầu cử tổng thống 2018 là một cuộc tập dượt chính trị, không hy vọng thắng cử. Nhưng cô cần diễn đàn ứng cử viên tổng thống để bày tỏ và thu hút sự chú ý của người Nga đối với những quan điểm của mình.

Đó chính là những cơ sở để tin rằng thế hệ các nhà chính trị mới này sẽ đóng vai trò không nhỏ ở nước Nga sau kỷ nguyên TT Putin. Và giai đoạn 2018-2030 giữa ba cuộc bầu cử sẽ chính là giai đoạn trưởng thành của họ. Còn từ sau 2030 có thể bắt đầu diễn ra bước ngoặt của nước Nga. Điều này cũng trùng hợp với việc giá dầu hỏa sẽ giảm dần xuống còn khoảng $30/ thùng.

Ngoài ra, như nhận xét của Andrei Movchan, rất có thể thế hệ các nhà chính trị mới này sẽ thành công trong việc tổ chức một “hạt nhân cốt lõi đầy nhiệt huyết nào đó trong xã hội Nga có khả năng và sẵn sàng tạo dựng, truyền bá một huyền thoại mới” về nước Nga. Trong khi mặt khác ở nước Nga ngay tại thời điểm này, ít nhiều đã xuất hiện những yếu tố để hy vọng rằng, huyền thoại này nếu được tạo dựng sẽ có thể sống sót và phát triển.

Đơn giản là vì ở nước Nga ngày nay có một môi trường xã hội mới đang hình thành, môi trường của những người trẻ sinh ra sau khi Liên Xô sụp đổ. Một “The Net Generation” hay là thế hệ Internet điển hình theo định nghĩa của Don Tapscott đưa ra từ 2008.

Thực tế hiện nay thế hệ này đã bắt đầu có tiếng nói. Chẳng hạn, ngày 26.03.2017 ở nhiều thành phố nước Nga đã diễn ra những cuộc biểu tình chống tham nhũng, mà thành phần tham gia chủ yếu là sinh viên và học sinh. Họ ra đường với khẩu hiệu “Tham nhũng là đánh cắp tương lai của chúng tôi”.

Những cuộc biểu tình ôn hòa này, được tự tổ chức qua mạng xã hội và có xin phép chính quyền. Đó cũng là điểm khác cơ bản của thế hệ này so với các thế hệ cha ông của họ, mà chúng ta thường gọi là thế hệ Television. Hay đúng hơn là những thế hệ mà nhận thức được Television lập trình.

Tam Tran (https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=873458166165035&id=100005025792996)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Có 2 phản hồi cho bài viết “Nước Nga đã trở thanh quốc gia của ngài Trung sĩ mờ nhạt”:

  1. Cao Nam viết:

    Chính sách cải trị để có một xã hội “yên bình” là tạo ra xã hội ít giải tầng; và, các giải tầng chỉ biết tuân thủ. Đối với Nga, việc nhẫn nhịn của người dân trước sai trái của chính quyền đã ăn sâu vào tâm trí, và là “văn hoá” của đất nước này. Tuy nhiên, sau đó sẽ là gì? Con người không phải người máy, và năng lượng không tự nhiên mất đi, nó chuyển sang tích tụ như nồi áp suất chờ thời gian bùng nổ. Đó là vật lý; còn về sinh học, sự thuần chủng có thể có, và những thế hệ thụ động, vô cảm, hay để mặc cho nhóm sức mạnh chính quyền thao tác sẽ là thảm họa cho dân tộc đó. Dân tộc Nga có lẽ đang trong trường đó.

  2. Pham quang Dung viết:

    Bài viết đúng nhưng chưa dám nói hết sự thật, có lẽ tác giả sợ hậu quả của nó như sợ tham gia vào chíng trị vậy.

Trả lời Pham quang Dung Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề