Nội lực, nhìn từ xuất nhập khẩu

Từ năm 2006 đến nay, xuất nhập khẩu (XNK) Việt Nam tăng trưởng nhanh cả về quy mô, tốc độ và cơ cấu. Kim ngạch xuất khẩu (XK) năm 2007 tăng 21,5% so với năm 2006, tới năm 2015 kim ngạch bằng 4 lần năm 2006. Cán cân thương mại trên tổng thể là chuyển biến tích cực. Năm 2006 tỷ lệ nhập siêu là 12% (trên kim ngạch xuất khẩu), cả năm 2015 chỉ có 2%.

Trong cơ cấu XK, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng nhanh trong mấy năm gần đây. Năm 2006 là 33%, 2010 lên 54%, 11 tháng 2015 là 78,6%, khiến các nhóm mặt hàng khác – nhất là nhóm nông, lâm, thủy sản – tuy kim ngạch vẫn tăng nhưng tỷ trọng bị thu hẹp. Hàng công nghiệp chế biến tăng nhanh và chiếm tỷ lệ ngày càng cao bởi sự góp sức của một số mặt hàng mới nổi, đặc biệt là điện thoại, dệt may. Hai mặt hàng này đã vượt dầu thô, đứng nhất nhì trong danh mục các mặt hàng XK chủ lực. Năm 2015 XK điện thoại được 30,6 tỉ đô la Mỹ, vượt 30% so với năm 2004.

Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng thu mình

Sau WTO, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng thu mình, lùi bước, nhường các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lấn sân trên mặt trận XK.

Rõ ràng tỷ trọng XK của hai khối doanh nghiệp trái chiều nhau mà bất lợi thuộc về phía ta. Từ đó dẫn tới hệ lụy là khối doanh nghiệp trong nước vẫn chìm trong nhập siêu còn doanh nghiệp FDI cứ thẳng tiến xuất siêu. Qua các năm 2006-2012-2014-2015, khi khối FDI liên tục xuất siêu (tỉ đô la Mỹ) lần lượt là 6,5-12,3 – 17,1 – 17,1 thì khối doanh nghiệp trong nước cũng liên tục nhập siêu, lần lượt là 11,3 – 11,5 – 15,1 – 20,3 tỉ đô la Mỹ.

Sự tăng trưởng cao của XK lâu nay đều trông cậy vào tăng trưởng rất cao của khối FDI mà ta không thể ngộ nhận là của ta. XK của khối doanh nghiệp trong nước mới là của mình thì lâu nay cũng tăng trưởng nhưng thấp, thậm chí năm 2015 còn kém hơn năm 2014. Vậy, nội lực của ta “sơ tán đi đâu”?

Là quốc gia nông nghiệp, xuất siêu sản phẩm nông nghiệp là đương nhiên, để làm đối trọng, “đỡ đần” cho nhập siêu. Đáng tiếc không như vậy. Trong năm 2015, khối nông, lâm, thuỷ sản XK được 20,6 tỉ đô la Mỹ thì nhập sản phẩm và vật tư cho nông nghiệp trong thời gian này tới 12,6 tỉ đô la Mỹ.

18

Dệt may, da giày XK 34,6 tỉ đô la Mỹ thì NK nguyên phụ liệu tới 17,4 tỉ đô la Mỹ. XK điện thoại các loại và linh kiện là 28,4 tỉ đô la Mỹ thì NK điện thoại (kể cả điện thoại di động) và linh kiện là 10 tỉ đô la Mỹ.

Nhập khẩu từ Trung Quốc là số 1, nhập siêu cũng đứng đầu. Năm 2015, nhập siêu từ Trung Quốc là 32,4 tỉ đô la Mỹ. Nhập siêu từ Hàn Quốc là 17,2 tỉ đô la Mỹ, Thái Lan là 5 tỉ đô la Mỹ, Singapore là 2,8 tỉ đô la Mỹ. Tổng số nhập siêu từ bốn nước nói trên trong 11 tháng đầu năm 2015 vượt nhập siêu cả năm 2014 của chính bốn nước này.

19

Không thể trách cứ cộng đồng doanh nghiệp chưa linh hoạt, thiếu chủ động. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia XNK mới được khai sinh từ năm mở cửa. Trước đó đã ít, lại chỉ là các doanh nghiệp nhà nước theo chính sách nhà nước độc quyền ngoại thương, và chủ yếu vùng vẫy trong bể bơi mang tên “bao cấp quốc tế”. Họ như chim mới “ra ràng”, lại gặp ngay những cơn bão gió khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu. Họ như chị gánh hàng rong tòng teng chen vai vào chợ lớn, lách qua quày sạp an bài, hàng hóa cao ngất ngưởng, choáng lộng. Trên lưng họ thuế, phí… chất chồng. Đôi chân họ vướng víu thủ tục hành là… chính. Những doanh nghiệp XNK hàng đầu của Nhà nước được ưu đãi đủ thứ, từ khi bước vào thương trường cũng tan tác, mất tăm, thì việc các doanh nghiệp tư nhân tự bươn chải, nhọc nhằn xoay xở là dễ hiểu.

Theo thời gian, khi đã cùng nhau hạ bỏ hàng rào thuế quan, hàng của các đối tác trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) vốn hùng hậu sẽ đàng hoàng đổ vào, hàng rào kỹ thuật của ta vốn đã thưa, canh phòng lại chểnh mảng. Còn ta vẫn là hàng thô, vô danh, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ không thể dễ vượt qua hàng rào kỹ thuật nhiều tầng, săm soi nghiêm ngặt, đúng thông lệ quốc tế…của các đối tác.
Nhập siêu từ đấy mà ra.

Vượt khó, tiến tới

Năm 2016, chặng đường hội nhập mới với đặc trưng là các FTA thế hệ mới, mở ra. Cơ hội từ đó sẽ biến thành thách thức, hợp sức với khó khăn vốn có, nếu chúng ta không có giải pháp cho thực trạng hậu WTO nói trên.

Cần kiên quyết đổi mới thể chế, sửa lỗi hệ thống, hoàn thiện nền kinh tế thị trường… Các cơ chế của thị trường phải được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy hiệu quả.

Đẩy mạnh tái cơ cấu, hỗ trợ thiết thực, gỡ từng nút thắt, dỡ các rào chắn. Doanh nghiệp phải tự nỗ lực nhưng cần Nhà nước hỗ trợ nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành, trình độ chuyên gia và tay nghề đội ngũ thợ theo kịp mặt bằng khu vực và quốc tế. Đổi mới sản xuất theo chuẩn quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của mỗi sản phẩm, của doanh nghiệp và của quốc gia.

Trên cơ sở đó, mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng cũng cần hoàn thiện các kênh phân phối, mạng lưới bán lẻ tiện ích để nhiều hàng Việt đến tay người Việt, không để thua trên sân nhà trước các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong cấu thành sản phẩm không chỉ đối với hàng XK mà cả hàng nội địa.

Xây dựng hàng rào kỹ thuật, là “đập chắn sóng tự động” ngăn dòng hàng ngoại không mong muốn tràn vào. Chủ động nhận biết các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật của từng nền kinh tế để hàng Việt Nam vào suôn sẻ. Triệt phá hàng lậu, hàng nhái, hàng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ.

Đón dòng FDI mới, cần tạo chuyển biến mạnh về chất lượng nguồn vốn, bao gồm việc nhận được chuyển giao công nghệ nguồn, kỹ thuật gốc…

Trí Lê (Theo TBKTSG)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề