Nỗi khổ của phi công không kích IS

Phi công lái chiến đấu cơ Hornet thường ví mình như vận động viên bị sụt mất vài ký mỗi khi đi không kích phiến quân IS.

Theo đó, họ buộc phải đưa ra lựa chọn giữa ống thông hoặc túi cao su để giải quyết nhu cầu tiểu tiện của mình trong chặng bay rất dài, nơi họ gần như không thể xoay xở được gì bên trong buồng lái. Ngoài ra, họ sẽ phải tìm cách đi đại tiện càng sát giờ bay càng tốt, và thực hiện chế độ ăn uống thật nhẹ nhàng trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ.Các phi công trẻ của Australia tham gia chiến dịch không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria đang phải đối mặt với lựa chọn quan trọng cho bộ đồ tác chiến của họ để thực hiện những chuyến bay kéo dài tới 8 tiếng trong buồng lái chật hẹp của chiếc chiến đấu cơ F/A-18A Hornet, Daily Telegraph ngày 12/9 cho hay.

Các phi công quân sự Australia vẫn thường ví von rằng họ giống như những vận động viên bị sụt mất vài ký mỗi lần thực hiện nhiệm vụ không kích vào phiến quân IS, dù họ không hề phải di chuyển gì trong suốt 8 tiếng đồng hồ hoặc hơn. Trong khi đó, chiếc ghế lái của họ còn cứng hơn ghế máy bay hạng phổ thông, và tất cả những gì họ có để tiếp thêm năng lượng trong cả hành trình bay chỉ là nước và lương khô.

“Nó gây ra những căng thẳng giống như phải chạy một nửa quãng đường marathon”, một nguồn tin trong không quân Australia cho biết. Rất may là hiện không quân Australia có đủ phi công để thực hiện nhiệm vụ, thế nên họ được nghỉ ngơi dài hơn trước khi lên đường thực hiện cuộc không kích tiếp theo.

Tướng không quân Mark Binskin, tư lệnh quân đội Australia và là một cựu phi công lái chiến đấu cơ Hornet, cho biết việc vệ sinh cá nhân của một phi công quân sự không hề dễ chịu một chút nào. “Việc đi vệ sinh trên chiến đấu cơ phức tạp hơn ở nhà rất nhiều. Chẳng có gì dễ chịu trong hành động đó cả”, viên tướng này khẳng định.

Ông Binskin cho biết buồng lái của chiếc Hornet chật chội đến mức các phi công phải được nghỉ ngơi trong một thời gian phù hợp trước khi thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. “Chúng tôi phải theo dõi các phi công trong nhiều ngày, và đây là nhiệm vụ khó khăn đến mức chúng tôi cũng phải rất lưu tâm đến kíp kỹ thuật mặt đất”, ông tuyên bố.

3-1149-1442136971.jpg

Phi công quân sự Australia bên trong một máy bay F/A-18. Ảnh: Wikipedia

Việc giám sát chặt chẽ này được thực hiện để đảm bảo các phi công đủ điều kiện về thể chất và tinh thần trước khi điều khiển cỗ máy công nghệ cao trị giá 50 triệu USD luồn sâu vào lãnh thổ địch và trở về nhà an toàn ở vận tốc 1000 km/h.

Không quân Australia đang sử dụng hai biến thể của chiến đấu cơ F/A-18 Hornet, gồm 71 máy bay Classic Hornet dòng “A” và “B” một chỗ ngồi được sản xuất trong giai đoạn 1984-1990 và 24 chiếc Super Hornet hai chỗ ngồi dòng “E” và “F” mới hơn. Chiến đấu cơ Classic Hornet được nâng cấp toàn diện từ năm 1999, với các loại radar và thiết bị định vị mục tiêu mới, cùng các hệ thống vũ khí và chống tác chiến điện tử hiện đại hơn.

Tướng Binskin cho rằng Hornet là loại chiến đấu cơ lý tưởng cho các cuộc không kích IS với hệ thống điều khiển không thua kém gì các máy bay hiện đại ngày nay, nhưng phần khung và động cơ 30 năm tuổi của chúng đã có phần rệu rã, khiến “việc bảo dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo khả năng cất cánh của chúng”.

Khi thực hiện sứ mệnh không kích IS ở Iraq và Syria, những chiến đấu cơ này được trang bị 4 quả bom dẫn đường laser GBU 12 hay bom dẫn đường bằng GPS GBU 38, hoặc 2 quả bom 1000 kg GBU 10 hay GBU 32. Loại bom 1000 kg hiếm khi được sử dụng vì sức công phá của chúng quá lớn, có thể gây ra thiệt hại không mong muốn đối với dân thường dưới mặt đất. Loại bom này chủ yếu được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu kiên cố hoặc các công trình ngầm của IS.

Ngoài bom dẫn đường, chiến đấu cơ Hornet còn được trang bị một khẩu pháo 20 ly ở trước mũi để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất. Để thực hiện nhiệm vụ mạo hiểm này, phi công phải bổ nhào xuống độ cao dưới 1.000 mét và sử dụng khẩu pháo 20 ly phá hủy các đoàn xe của IS.

Để tự bảo vệ mình, chiến đấu cơ Hornet được trang bị tên lửa tầm nhiệt không đối không ASRAAM có tầm bắn khoảng 30 km, để tiêu diệt những máy bay địch. Tuy nhiên, hiện IS chưa có bất cứ chiếc máy bay chiến đấu nào có thể hoạt động được trên bầu trời.

Theo vnexpress


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề