Nỗi ám ảnh của phi công Mỹ săn SAM-2 trên bầu trời Việt Nam
Những phi công làm nhiệm vụ Chồn hoang luôn hiểu rằng, nếu không thể tiêu diệt tên lửa phòng không tầm cao SAM-2, họ sẽ phải trả giá bằng tính mạng của chính mình.

Sự xuất hiện của SAM-2 khiến chiến dịch Rolling Thunder ném bom miền Bắc chịu nhiều tổn thất. Hiệu suất các đợt không kích giảm nghiêm trọng, số lượng chiến đấu cơ tan xác ở miền Bắc ngày một tăng. Săn lùng và tiêu diệt tên lửa SAM-2 trở thành nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Không quân Mỹ.Theo tạp chí Tactical Air Network, đầu những năm 1960, tình báo Mỹ phát hiện sự xuất hiện của tên lửa phòng không tầm cao S-75 Dvina (SAM-2) ở miền Bắc Việt Nam. Trước đó, Không quân Mỹ đã chứng kiến được sức mạnh của S-75 khi hai phi cơ do thám tầm cao U-2 bị bắn hạ lần lượt ở Liên Xô và Cuba.

Bộ chỉ huy Không quân Mỹ tiến hành lập Dự án Wild Weasel (Chồn hoang) và giao cho do chuẩn tướng Kenneth Dempster điều hành. Nhiệm vụ của chương trình là thiết kế một phi đội tiêm kích chuyên săn lùng và tiêu diệt SAM-2.

Phi cơ F-100F Super Sabres, phiên bản huấn luyện 2 chỗ ngồi được lựa chọn cho nhiệm vụ. Người ta trang bị thêm cho máy bay cảm biến cảnh báo radar AN/APR-25 RHAW. Bộ phận này dùng để phát hiện vị trí của đài radar trinh sát của tổ hợp S-75. Bên cạnh đó, máy bay còn được bổ sung thêm các thiết bị tác chiến điện tử.

Những phi công điên trong buồng lái

a
Phi cơ F-105G với tên lửa AGM-45 Shrike trong nhiệm vụ săn SAM-2 trên bầu trời Việt Nam. Ảnh: Không quân Mỹ

Quá trình chuyển đổi máy bay đã hoàn tất, tướng Dempster cần những phi công tình nguyện can đảm, thậm chí có phần “điên rồ” để thực hiện sứ mệnh. Các phi công làm nhiệm vụ Chồn hoang được huấn luyện tại căn cứ không quân Eglin ở Florida từ cuối năm 1965.

Các phi cơ nhận nhiệm vụ săn lùng SAM-2 sẽ bay vào khu vực tác chiến trước khoảng vài chục phút so với đội hình tấn công chính để dọn đường. Sở dĩ tướng Dempster cần những phi công điên vì họ phải để cho radar của tổ hợp SAM-2 theo dõi máy bay nhằm tìm ra vị trí. Quá trình này là cách duy nhất để máy bay Chồn hoang xác định khu vực bố trí tên lửa.

Nhiệm vụ của các phi công là phải tấn công vào vị trí SAM-2 nhanh nhất có thể ngay khi xác định. Nếu không thể tiêu diệt SAM-2, máy bay sẽ trở thành mồi ngon cho tên lửa. Các phi cơ Chồn hoang vừa là thợ săn nhưng dễ dàng trở thành con mồi trong tích tắc.

Mỗi lần ngồi vào buồng lái máy bay săn SAM-2, các phi công luôn phải xác định rằng, đây có thể là sứ mệnh cuối cùng của họ. Ngoài mối đe dọa từ tên lửa, pháo phòng không và những phi cơ MiG nhanh nhẹn có thể kết liễu máy bay trước khi hoàn thành nhiệm vụ.

Đại úy Jack Donovan, cựu phi công lái máy bay B-52 nhận xét về nổi ám ảnh của các phi công Chồn hoang: “Bạn muốn tôi bay phía sau một chút so với máy bay chiến đấu nhỏ với một phi công điên. Người nghĩ rằng anh ấy là bất khả chiến bại, bay trên khu vực bố trí SAM-2 ở miền Bắc Việt Nam và bắn vào nó trước khi nó bắn tôi, bạn đang đùa tôi đấy à”.

Những phi công Chồn hoang thường xuyên lặp lại câu nói “bạn đang đùa tôi đấy à” như một lời cảnh báo về nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm. Tháng 12/1965, các tiêm kích F-100F Wild Weasel bắt đầu tiến hành chiến dịch săn lùng tên lửa. Chỉ trong vòng 15 ngày, 4 phi công thiệt mạng, 2 bị bắt khi tên lửa bắn hạ máy bay, 3 trường hợp thương vong và 2 người rút khỏi đội.

Sai lầm chiến thuật là nguyên nhân chủ yếu cho những thất bại. Bên cạnh đó, F-100F cho thấy nó không phù hợp với nhiệm vụ có tính chất đặc biệt nguy hiểm này. Sau đó, Không quân Mỹ đã sử dụng chiến đấu cơ F-4C Phantom II cho nhiệm vụ nhưng cũng không thành công.

Sau đó, máy bay ném bom chiến thuật F-105 Thunderchief, phiên bản F-105F và G được lựa chọn cho nhiệm vụ Chồn hoang. Chiến đấu cơ này với khả năng mang tải trọng vũ khí tốt và cơ động nhanh cho thấy sự thích hợp với nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nhà sản xuất bổ sung thêm tên lửa chống bức xạ AGM-45 Shrike góp phần nâng cao hiệu suất chiến đấu.

Ban đầu, tên lửa Shrike gây bất ngờ cho bộ đội tên lửa Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia nhanh chóng chỉ ra điểm yếu của nó. AGM-45 hoạt động theo nguyên lý bám theo cánh sóng radar nên chỉ cần tắt máy phát lập tức tên lửa mất mục tiêu, hiệu quả của các phi vụ Chồn hoang giảm nhanh chóng. Trong số 833 chiếc F-105 được sản xuất, 382 máy bay bị bắn hạ trên bầu trời Việt Nam.

Chiến dịch Chồn hoang trên bầu trời Việt Nam chính là nền tảng cho sự ra đời của chiến thuật áp chế phòng không (SEAD). Ngày nay, vũ khí cho nhiệm vụ SEAD tinh vi hơn nhưng tên lửa phòng không cũng trở nên nguy hiểm hơn. Những phi công cất cánh làm nhiệm vụ đều hiểu rằng, đây có thể là chuyến bay cuối cùng của họ.

Theo Zing


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề