Niềm tự hào của người bị kỳ thị

Là một đứa trẻ mồ côi được đưa sang Mỹ trong chiến dịch không vận trẻ năm 1975, Jared Rehberg đã trải qua nhiều nỗi buồn khi bị coi là người “thiểu số”. Thế nhưng chính nghị lực và lòng quyết tâm đã giúp anh vượt lên trên số phận và thành công trong cuộc sống. Giờ đây điều Jared Rehberg thiết tha nhất đó chính là nói hai tiếng “cảm ơn” dành cho cha mẹ ruột, những người mà anh chưa thể gặp lại được.

Một chiếc hộp xốp đựng cơm, một lon soda và một chiếc túi nhựa trắng, tất cả đã thay đổi suy nghĩ của Jared Rehberg. Năm 2004, anh chuyển đến New York, Mỹ để sinh sống và làm việc tại ImaginAsian TV, một kênh truyền hình Mỹ-Á.

Cũng giống như những đồng nghiệp, anh thường xuyên ra ngoài để mua bữa trưa. Một buổi nọ, khi anh trở lại văn phòng cùng bữa trưa trên tay, một người phụ nữ trong văn phòng tiến lại gần: “Cô ta hỏi tôi rằng đây có phải là thức ăn của cô ấy không? Số tiền thanh toán là bao nhiêu?”, Jared Rehberg nhớ lại.

Bạn bè của Rehberg rất giận về việc chính đồng nghiệp lại nhầm tưởng anh là người giao hàng. Thế nhưng đối với một người lớn lên ở Northborough, Massachusetts, sự việc này là một bài học nhắc nhở anh về cách đối xử của người Mỹ dành cho người châu Á, và giá trị của một đứa trẻ mồ côi được đưa từ Việt Nam sang Mỹ.

Rehberg là một trong hơn 3.300 trẻ mồ côi Việt Nam trong chiến dịch không vận trẻ em năm 1975, anh là một trong số 219 trẻ rời Sài Gòn và được nhận nuôi ở Mỹ. “Tôi chẳng có một giấy tờ tùy thân nào, tất cả đều mất sạch”, Rehberg nói: “Tên của chúng tôi đều được đặt trên chuyến bay chở chúng tôi sang đây”.

Cha mẹ nuôi của Rehberg là người da trắng, họ nhận nuôi anh ở York, Pennsylvania, sau đó cả gia đình anh chuyển đến New York. Đến năm 1979, cả nhà anh định cư ở Northborough.

Trong suốt thời thơ ấu, Rehberg hầu như “miễn dịch” với nạn phân biệt chủng tộc và những kỷ niệm buồn. Anh dành nhiều thời gian vào âm nhạc, thể thao và các buổi biểu diễn ở trường học. Rehberg nói rằng anh được bạn bè chấp nhận. Cậu học sinh Việt Nam thích mặc áo khoác bảy sắc cầu vồng, có vóc dáng nhỏ nhắn so với các bạn đồng trang lứa này luôn tin rằng mình cũng như bao người dân khác ở Northborough, nơi anh đã từng sống.

Thế nhưng khi chuyển đến New York, Rehberg thường xuyên phải nhận sự phân biệt đối xử dành cho người châu Á. Anh cũng nhận thấy rằng, anh không thể làm bạn với ai khác ngoài người dân châu Á. Nhưng thay vì chối bỏ nguồn cội của mình, Rehberg nói rằng anh lại rất tự hào về điều đó. Anh thường xuyên tham gia các chương trình biểu diễn của người châu Á, học lịch sử Mỹ-Á.

“Sau năm 2004, tôi tiếp tục làm tình nguyện viên cho cộng đồng con nuôi, khi đó tôi nhận thấy mình không phải là một người Mỹ gốc Á”, Rehberg kể lại, “Tôi nhận thấy rằng mình là một người Việt Nam, và tôi luôn tự hào về điều đó”. Rehberg đã viết rất nhiều ca khúc được biểu diễn tại các trại con nuôi người Việt, trong đó có một cộng đồng thường tổ chức gặp mặt tại các kỳ nghỉ hè ở Estes Park, Colorado.

Kali Hauck, một cô bé 16 tuổi, người Việt được nhận nuôi ở Colorado, là một người được Rehberg dìu dắt.

Được nhận nuôi vào năm 1999, Hauck nhớ lại nỗi buồn thời thơ ấu. Đến lớp mẫu giáo, các bạn thường xuyên trêu chọc và bắt nạt Hauck vì quá thấp bé (do cô bị sinh non). Giờ đây khi là một cô học sinh của trường phổ thông trung học Fairview, Kali Hauck nói rằng quãng thời gian đó đã dạy cho cô rất nhiều điều: “Tôi thực sự rất mừng vì vị các bạn bắt nạt bởi chính điều đó giúp tôi nhận thấy giá trị của bản thân, giúp tôi càng trưởng thành hơn”.

Sự kỳ thị giúp Hauck trưởng thành hơn

Sự kỳ thị giúp Hauck trưởng thành hơn

Nhờ sự giúp đỡ của những người châu Á giống mình, Hauck đã có thể liên lạc với những người đồng cảnh ngộ thông qua các cuộc gặp mặt của trại con nuôi Việt Nam mà Rehberg là thành viên.

Vào năm 2012, Hauck đã biểu diễn ca khúc “Someone Like Me” (tạm dịch: Ai đó giống tôi) do chính Rehberg sáng tác.

“Hai từ con nuôi là một phần của cuộc đời tôi”, Hauck nói, “Nó ảnh hưởng đến sự phát triển của bản thân và suy nghĩ của chính mình”.

Rehberg (trở về Việt Nam hai lần) và Hauck (chưa lần nào được về quê hương) đều nói rằng họ mong muốn được đoàn tụ với những người thân ruột thịt, với những người đã đẻ ra họ, với gia đình thực sự của họ.

Hiện cả hai đã làm xét nghiệm DNA với mong muốn có thể tìm lại người thân. “Tôi rất muốn, rất muốn được ngồi xuống bên cạnh cha mẹ mình và nói: cảm ơn cha mẹ đã sinh ra con”.

Vũ Văn (Theo Phụ Nữ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề