Những người Việt trở về

Sau 30-4-1975, vì nhiều lý do khác nhau, có những người sống tại miền Nam đã ra nước ngoài sinh sống. Để rồi sau bao ngày đi xa, tiếng gọi quê hương trong sâu thẳm con tim đã thôi thúc họ trở về góp sức mình xây dựng đất nước.

Đất nước 40 năm thống nhất, trong mắt họ, đẹp và thanh bình vô cùng.

Chúng tôi muốn đóng góp, chia sẻ vì nhận ra đó là trách nhiệm của mình. Dù ở Việt Nam, ở Mỹ hay ở bất cứ nơi đâu trên hành tinh này, đã có dòng máu Việt thì đó là người Việt Nam

Ông NGUYỄN VĂN ĐỒNG (Việt kiều Mỹ)

Thấy đất nước thanh bình

Hơn 40 năm trước, bà Phùng Tuệ Châu là một luật sư. Năm 1975 bà 32 tuổi, đang khá thành đạt. Sau giải phóng, không thể làm nghề, bà Châu phải mang những bộ quần áo đẹp ra chợ chào bán. “Tôi phải xếp hàng đi mua gạo, mua bo bo, mua từng ký đường và thấy mình khổ quá. Tương lai mù mịt. Tôi nghĩ rằng bằng mọi giá phải ra đi” – bà Châu nhớ lại.

Bây giờ bà Châu đã 72 tuổi, là giám đốc chương trình phát thanh Tiếng quê hương (phát trên hệ thống mạng Internet), hiện sống tại bang California, Mỹ. Muốn cống hiến những năm tháng còn lại của mình cho đất nước, bà Phùng Tuệ Châu đã sáng lập đài phát thanh Việt ngữ để đưa những tin tức về đất nước Việt Nam đang đổi mới đến cho cộng đồng người Việt tại Mỹ.

Năm 2006, lần đầu tiên bà Phùng Tuệ Châu về Việt Nam.

“Khi tiếp viên thông báo máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất, tôi nhìn qua cửa sổ thấy thấp thoáng lá cờ đỏ sao vàng, tự nhiên chảy nước mắt. Đã bao nhiêu năm ly biệt quê hương, giờ mới được tận mắt nhìn thấy lá cờ Tổ quốc” – bà Châu nói, rơi nước mắt khi nhớ lại khoảnh khắc ấy.

Bà Châu cho biết Sài Gòn đón nhận một người từng quay lưng đi nay trở về với thái độ rất chân thành, gần gũi, nồng ấm. “Tình cảm ấy đã cho tôi cảm nhận rõ hai tiếng quê hương, đồng bào” – bà Châu nói. Bà Châu cho biết em trai bà là một thương binh của Việt Nam cộng hòa, cụt một chân và đôi mắt bị hư trong một lần hành quân bị trúng mìn ở Quy Nhơn.

Trong một lần về thăm, người em trai cho biết đã được Nhà nước Việt Nam thay chân giả miễn phí.

“Những chuyến đi về Việt Nam càng làm tôi quyến luyến, gắn bó hơn với Sài Gòn, với đất nước mình. Khi trở về Mỹ, mỗi khi các chương trình radio, báo chí… kêu gọi đóng góp ý kiến những vấn đề về Mỹ và Việt Nam, tôi đều đóng góp.

Tôi nghĩ rằng mình phải có bổn phận, trách nhiệm làm cho nhiều người Việt khác và nhất là những thế hệ sau này nhìn nhận đúng về quá khứ, xóa nhòa đi những thù hận, những định kiến không đúng và phải có trách nhiệm cống hiến cho nguồn cội của mình”.

Tình yêu nước và “chiếc hộp phong ba”

Từ hôm ở Trường Sa về, tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình – nguyên phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, Việt kiều Canada – đi đâu cũng nghĩ về “chiếc hộp phong ba”. Đó là chiếc hộp ông mới đặt tên, đang thai nghén để sớm cho ra đời.

Hơn chục ngày theo đoàn lênh đênh sóng biển thăm các đảo và nhà giàn, đến chỗ nào ông cũng dành thời gian tìm hiểu chỗ ăn, chỗ ở của chiến sĩ và nhận ra rằng sức sống của những mầm xanh, đặc biệt là rau xanh giữa chốn trùng khơi này, vẫn còn ít ỏi quá.

Ý tưởng về một chiếc hộp thần kỳ có thể ươm mầm, nuôi dưỡng và đảm bảo an toàn cho cây rau từ lúc nhú mầm cho đến khi thu hoạch bất kể nắng mưa, gió bão ra đời.

Ông Bình nói: “Anh em Việt kiều đi trong đoàn thăm Trường Sa đều rất ủng hộ ý tưởng này và cho biết sẽ tuyên truyền vận động sự ủng hộ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong vòng một tháng, tôi sẽ viết xong dự án, hoàn thành thiết kế để gửi những người có chuyên môn phản biện. Đây có thể sẽ là công trình của Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM dành cho Trường Sa”.

Sang Pháp năm 1986 và có thời gian sống tại Canada, năm 2004, ông Bình là một trong những trí thức Việt kiều trở về nước theo lời kêu gọi của UBND TP.HCM: trở về để xây dựng phát triển TP, cụ thể là xây dựng một trung tâm công nghệ sinh học có quy mô và tính chất ngang tầm khu vực.

Ông kể: “Sau khi quyết định trở về nước, vợ chồng tôi bán hết toàn bộ nhà cửa bên Canada. Phải nói là bán hết để không chừa cho mình một còn đường rút lui nào, để cho dù khi quay về có gặp khó khăn mấy cũng không còn cơ hội mà nản lòng, thối chí”.

Đến nay, từ xuất phát điểm bằng không, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM đã có nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành cơ bản nhiều hạng mục, có được một số công trình đáng chú ý như nghiên cứu thành công văcxin thế hệ mới cho cá tra, thuốc trừ sâu sinh học, cho ra đời nhiều giống lan quý…

Để quá khứ ngủ yên

Cũng giống như bà Phùng Tuệ Châu, khi chế độ Việt Nam cộng hòa sụp đổ, ông Nguyễn Văn Đồng (Việt kiều Mỹ) gần như trắng tay. Trước năm 1975, ông Đồng là du học sinh ở Đức. Năm 1974, về Việt Nam làm trong lĩnh vực đông y. Năm 1989, khi 36 tuổi, ông và gia đình rời Việt Nam.

Năm 2014, ông Đồng là một trong những Việt kiều Mỹ được ra thăm Trường Sa. Chuyến đi đã thay đổi nhiều nhận thức trong ông.

“Tôi muốn ra đó thắp nhang cho những người lính hải quân Việt Nam đã hi sinh trong sự kiện ngày 14-3-1988 và những người lính Việt Nam cộng hòa đã tử trận ở Hoàng Sa. Và cũng vì trước đó một số dư luận nói Chính phủ Việt Nam đã hiến Trường Sa cho Trung Quốc, tôi muốn ra đó coi thực hư như thế nào.

Ra Trường Sa tôi mới biết rằng chúng ta vẫn chắc tay súng bảo vệ đảo. Tôi khâm phục những người chiến sĩ, rất kiên cường và bản lĩnh. Khi chưa đi Trường Sa, tình yêu nước trong tôi có giới hạn nào đó, nhưng sau chuyến đi ấy, tình yêu Tổ quốc dâng trào”.

Người đàn ông này đã hơn 30 lần về Việt Nam làm từ thiện, mở lớp dạy bấm huyệt, dỡ 12 cầu khỉ ở Bến Tre, Cà Mau để xây cầu bêtông mới…

“Chiến tranh đã chia rẽ, làm dân tộc ta bị tổn thương, chịu biết bao đau đớn. Vậy thì sau mấy mươi năm, còn giữ thù hằn làm gì để làm đau chính mình. Độc lập dân tộc là khát vọng chính đáng. Đau thương đã lùi xa mấy chục năm rồi. Phải bỏ qua quá khứ. Để quá khứ ngủ yên. Chỉ có đoàn kết, hòa hợp dân tộc mới giúp đất nước mình phát triển” – ông Đồng chia sẻ.

Tuổi Trẻ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề