Những điều cần biết về đối đầu Saudi Arabia – Iran

Tranh minh họa về sự căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia. Nguồn: Spectator.co.uk

Tranh minh họa về sự căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia.

Quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran leo thang căng thẳng khi Riyadh tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran và trục xuất các nhà ngoại giao của Iran về nước hôm 3/1. Trước đó một ngày, hàng nghìn người quá khích bao vây, đập phá, ném bom xăng vào Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran để phản đối vụ xử tử giáo sĩ dòng Shia (hay Shiite) Sheikh Nimr al-Nimr.

Động thái này đánh dấu cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong quan hệ giữa hai cường quốc Trung Đông kể từ những năm 1980.

Sheikh Nimr al-Nimr là ai?

Những điều cần biết về đối đầu Saudi Arabia - Iran
Giáo sĩ Nimr al-Nimr là nhân vật chủ chốt trong các cuộc đấu tranh chống chính phủ Saudi Arabia và đe dọa sẽ dẫn dắt những người Shia đòi ly khai. Ảnh: CNBC

Nimr al-Nimr, một giáo sĩ dòng Shia 57 tuổi, đến từ tỉnh giàu dầu mỏ Eastern Province của Saudi Arabia, là nhân vật nổi tiếng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ. Trong một số bài thuyết giáo, al-Nimr đã chỉ trích những nhà lãnh đạo Saudi Arabia với những luật lệ đối xử bất công với cộng đồng Shia thiểu số ở vương quốc. Năm 2009, ông này đe dọa sẽ dẫn đầu những người Hồi giáo dòng Shia ở Saudi Arabia để đòi ly khai, dẫn tới một cuộc đàn áp của chính phủ tại khu trung tâm của người Shia ở miền đông.

Al-Nimr chỉ trích các nhà lãnh đạo Sunni và Shia chuyên quyền như nhau, đồng thời dùng những lời lẽ gay gắt nhất cho Hoàng gia Saudi Arabia và Bahrain.

Trong một cuộc họp với các nhà ngoại giao Mỹ năm 2008, al-Nimr giữ khoảng cách với Tehran. Ông cho rằng, Iran, giống như các quốc gia khác, hành động vì lợi ích của chính nước này và Saudi Arabia không nên mong chờ vào sự hỗ trợ của Iran dựa trên sự thống nhất giáo phái. Al-Nimr bị bắt vào năm 2012 và bị kết án tử hình năm 2014.

Tại sao Saudi Arabia xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr?

Trong khi phần lớn những người Hồi giáo Sunni ở Saudi Arabia không còn phải chịu đựng tình trạng bất ổn từ năm 2011, những người Shia ở nước này lại phải chịu sự phân biệt đối xử. Họ nhiều lần biểu tình phản đối và xung đột với lực lượng an ninh. Hầu hết người Shia ở Saudi Arabia, chiếm 10-15 % dân số đất nước, sống gần những nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới ở khu vực miền đông.

Ibrahim Fraihat, nghiên cứu viên cấp cao về chính sách ngoại giao tại trung tâm Doha Brookings, cho biết vụ hành quyết giáo sĩ al-Nimr đã “thể chế hóa” mối quan hệ vốn dĩ có phần căng thẳng giữa hai nhóm người tại Saudi Arabia và tạo ra biểu tượng phản ánh nỗi bất bình của người Shia.

“Không nhiều người ngày trước coi Nimr al-Nimr là hình ảnh đại diện cho dòng Shia. Nhưng sau vụ hành quyết, vị giáo sĩ lại trở thành một trong những biểu tượng của sự căng thẳng giữa người Shia và người Sunni”, Fraihat nhận định.

Năm 2015, các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria lợi dụng việc chia rẽ ở Saudi Arabia để tấn công các nhà thờ của người Shia ở tỉnh Eastern Province. Nước láng giềng Bahrain có phần lớn người dân là người Shia. Chính phủ Bahrain thường xuyên cáo buộc Iran ủng hộ các nhóm người Shia cực đoan, trong khi Iran bác bỏ điều này.

Tại sao vụ hành quyết gây ra căng thẳng trong khu vực?

Những điều cần biết về đối đầu Saudi Arabia - Iran
Vụ xử tử giáo sĩ dòng Shia Nimr al-Nimr gây ra nhiều cuộc biểu tình của người Hồi giáo dòng Shia. Ảnh: AP

Theo Tiến sĩ Scott Lucas, nhà phân tích về Iran và giáo sư chính trị quốc tế tại đại học Birmingham, trong bối cảnh xung đột sắc tộc phức tạp ở Yemen, Syria và Iraq, việc hành quyết al-Nimr là minh chứng cho thấy chính sách cứng rắn của Saudi Arabia đối với Iran và bất hòa tín ngưỡng tại nước này.

“Saudi Arabia cố tình đi quá giới hạn bằng việc xử tử giáo sĩ al-Nimr và để khoét sâu vào mối bất hòa, họ đã cáo buộc giáo sĩ như những kẻ khủng bố al-Qaeda”, Tiến sĩ Lucas nói.

Trước đó, giáo sĩ Nimr al-Nimr là một trong 47 người bị xử tử vào ngày 2/1. Rất nhiều đối tượng trong số họ là người Sunni bị kết án có liên quan đến chủ nghĩa khủng bố, cụm từ mà giới chức Saudi Arabia thường sử dụng để kết án những nhóm khủng bố thánh chiến như al-Qaeda và IS.

Phản ứng của Iran

Những người biểu tình Iran mang theo đá và bom xăng tấn công sứ quán Saudi Arabia tại Tehran vào ngày 2/1. Một ngày sau, lãnh tụ tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố nhà cầm quyền Saudi Arabia sẽ đối mặt với sự trả thù vì hành động của họ.

Những điều cần biết về đối đầu Saudi Arabia - Iran
Saudi Arabia và Iran là hai nước láng giềng đại diện cho hai dòng đối nghịch của đạo Hồi. Đồ họa: Straits Times

Tuy nhiên, ông Khamenei không nói rõ Iran sẽ áp dụng biện pháp gì để trả đũa. Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói ông không muốn thấy tình hình leo thang. Rouhani lên án vụ tử hình, nhưng ông cũng lên án việc tấn công sứ quán của Saudi Arabia.

Tiến sĩ Lucas nhận định sự cố này “có thể làm dấy lên một cuộc chiến nội bộ Iran” giữa những người theo phe cứng rắn và nhóm ôn hoà do Tổng thống Rouhani đứng đầu.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Iran có thể chọn tăng cường áp lực kinh tế đối với Saudi Arabia, khi nước này đang đối mặt với thâm hụt lớn ở nhiều lĩnh vực, qua việc “bơm” dầu giá rẻ vào thị trường thế giới. Sau khi đạt thoả thuận hạt nhân với Iran, nhiều biện pháp cấm vận mà phương Tây áp đặt, bao gồm xuất khẩu dầu mỏ, sẽ được nới lỏng. Giá dầu thấp về lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Saudi Arabia với những hậu quả không dễ lường trước.

Iran cũng có thể đáp trả bằng việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho phiến quân nổi dậy Houthi vốn theo dòng Shia ở Yemen. Đây chính là nhóm phiến quân mà Saudi Arabia đang dẫn đầu liên minh để tiêu diệt.

Ngoài ra, những căng thẳng mới nhất có thể cản trở nỗ lực của phương Tây nhằm lôi kéo cả Iran và Saudi Arabia tham gia chiến lược chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria.

Một sự trùng hợp là Riyadh đã công bố ngày 2/1 rằng nước này kết thúc lệnh ngừng bắn tạm thời ở Yemen vốn vừa thông qua tháng trước đó. Những sự đối đầu mới dự kiến sẽ càng thêm sâu sắc bất chấp những vòng hoà đàm mới sắp diễn ra.

Người phát ngôn Iran cũng nhanh chóng nêu ra mối liên hệ giữa những vụ xử tử “phần tử khủng bố” và sự ủng hộ của chính quyền Saudi Arabia với nhóm khủng bố Salafy dòng Sunni ở Syria. Dù một số báo cáo cho biết nhóm này đã rút hoạt động trong thời gian gần đây, Tehran vẫn còn một lựa chọn khác là tăng cường các hoạt động bên trong Syria qua các đội quân Vệ binh Cách mạng của nước này, cùng với nhóm phiến quân Hezbollah chống lại những lực lượng nổi dậy ở Syria mà Saudi Arabia chống lưng.

Sự đổ vỡ trong quan hệ Saudi Arabia – Iran năm 2015

Tháng 5: Tổng thống Mỹ Barack Obama tập hợp các nhà lãnh đạo vùng Vịnh ở Trại David (Mỹ) và cam kết viện trợ thêm quân đội để trấn an họ trong quá trình đàm phán hạt nhân với Iran.

Tháng 6: Iran, Mỹ và 5 cường quốc khác đạt được thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng biện pháp trừng phạt.

Ngày 4/9: Quốc vương Salman của Saudi Arabia tới Nhà Trắng bất chấp căng thẳng về thỏa thuận hạt nhân.

Ngày 24/9: Vụ giẫm đạp giữa những người hành hương ở thánh địa Mecca khiến 2.400 người thiệt mạng. Iran có nhiều người chết nhất. Saudi Arabia bị cáo buộc không đảm bảo an toàn cho các tín đồ.

Tháng 10: Hận thù giữa Saudi Arabia đe dọa tới cuộc hội đàm về Syria ở Vienna.

Ngày 18/12: Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết ủng hộ tiến trình hòa bình nhằm chấm dứt nội chiến ở Syria. Nga và Iran ngăn chặn mọi cuộc thảo luận về việc liệu Tổng thống Bashar al-Assad có thể tại vị hay không.

Ngày 25/12: Một thủ lĩnh của phiến quân do Saudi Arabia hậu thuẫn thiệt mạng trong cuộc không kích ở Syria. Đây là thông điệp rõ ràng cho thấy rằng ông Assad và những người ủng hộ đã tìm cách làm suy yếu các nhóm vũ trang chống đối.

Theo zing.vn ((theo Straits Times)

 


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề