Nhức nhối nạn buôn người

Bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, buôn người hiện vẫn là một vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới với hàng triệu người bị mua bán mỗi năm.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 3-11 đã lên án mạnh mẽ hoạt động buôn người hiện đang có chiều hướng gia tăng trên toàn thế giới. Theo ông Ban Ki-moon, đây là hoạt động phạm pháp “hết sức vô nhân đạo”, vi phạm thô bạo quyền con người khi tước đoạt các quyền cơ bản cũng như các giá trị cuộc sống của nạn nhân.

Cảnh sát Mỹ phát hiện một container chứa nạn nhân buôn người từ châu Á qua Mexico để vào Mỹ

Tổng Thư ký LHQ nêu rõ, đa số nạn nhân của hoạt động buôn người đều bị đẩy ra khỏi quốc gia nơi họ sinh ra để đến một đất nước xa lạ. Hầu hết đều phải làm những công việc nặng nhọc, độc hại và quá sức. Thậm chí, nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị ép phải làm nô lệ tình dục. Họ không hề có người thân quen và cũng không có khả năng, tiền bạc cũng như điều kiện để bỏ trốn.

Trước ông Ban Ki-moon, Giám đốc điều hành Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC) Yury Fedotov hồi đầu tháng 10 vừa qua cũng đã bày tỏ lo ngại về tình trạng gia tăng nạn buôn người bất hợp pháp trên thế giới. Ông Fedotov cho biết, hiện có hai tuyến đường đang “nhộn nhịp” hoạt động buôn người gồm từ Tây, Bắc và Đông Phi vào châu Âu và từ Nam Mỹ tới Bắc Mỹ.

Theo số liệu của UNODC, có khoảng 2,4 triệu người là nạn nhân của tội phạm buôn người trên phạm vi toàn cầu mỗi năm. Loại hình kinh doanh phạm pháp, “quái dị và kinh tởm” này, theo lời của Tổng Thư ký Ban Ki-moon, mang lại nguồn thu khoảng 32 tỷ USD/năm cho những kẻ buôn người trên toàn cầu, ngang với lợi nhuận của buôn bán vũ khí.

Không chỉ bị đày đọa về thể xác khi trở thành món hàng mua bán, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết, kể từ năm 2000 tới nay, đã có hàng nghìn nạn nhân buôn người thiệt mạng trong hành trình bị ép buộc vượt biên sang quốc gia khác. Phần lớn bị chết đuối trên biển, chết ngạt trong thùng xe hay chết khát trên sa mạc. Thảm kịch chìm tàu được xem là tồi tệ nhất trong nhiều năm qua đã xảy ra hồi tháng 9 vừa qua với gần 500 người chết đuối sau khi những kẻ buôn người cố “nhồi nhét” họ lên một con thuyền ọp ẹp, đã bị lật úp trên biển Địa Trung Hải.

Trong khi đó, tại một hội nghị bàn giải pháp đối phó với nạn buôn người, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) lo ngại, nạn buôn người có mối liên hệ khăng khít với tham nhũng, khủng bố và những tội ác khác, song ít khi thủ phạm bị pháp luật trừng trị. Vì thế, OSCE kêu gọi đưa ra những biện pháp cụ thể để đấu tranh chống lại tội ác này. Đặc biệt, phải có biện pháp bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon trong phát biểu ngày 3-11 cũng thúc giục các cộng đồng dân cư, các quốc gia cùng hành động để “loại trừ tận gốc” tội phạm buôn người bằng cách cùng cảnh giác đề phòng, cắt mọi nguồn cung cấp tài chính, cùng phát hiện, truy tìm và đưa những kẻ phạm tội ra trừng trị thật nghiêm khắc trước pháp luật. Ông cũng kêu gọi các quốc gia, các tổ chức nhân đạo tận tâm giúp đỡ các nạn nhân của hoạt động buôn người bằng những biện pháp thiết thực, cụ thể. Trong đó, có việc đóng góp cho quỹ giúp đỡ các nạn nhân của loại tội phạm này, để giúp họ nhanh chóng được hòa nhập cộng đồng, xây dựng cuộc sống mới.

Theo An Ninh Thủ Đô.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề