Nhời đàn bà

Ngay từ những năm đầu thế kỷ thứ 20, nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh, đồng thời có thể coi là một trong những nhà báo lỗi lạc đầu tiên ở Việt Nam, đã không ngừng theo đuổi đề tài về phụ nữ.

Những bài viết của ông, từ khi xuất hiện trên tờ báo đầu tiên ra đời ở Bắc kỳ bằng chữ Quốc ngữ mang tên “Đăng Cổ Tùng Báo” do ông làm Chủ bút cho đến 5 tờ báo tiếp theo luôn thấm đẫm tinh thần về quyền bình đẳng giới, đề cao vai trò quan trọng và những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trong xã hội.

Trên Đăng Cổ Tùng Báo phát hành lần đầu tiên năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh lập chuyên mục “Nhời đàn bà” (nói theo ngôn ngữ ngày nay là “Lời người phụ nữ” – TG) với bút danh Đào Thị Loan. Tuy thời kỳ này chữ quốc ngữ chưa phát triển (mãi đến năm 1919, Triều đình Huế mới có quyết định đưa chữ Quốc ngữ vào dạy ở cấp tiểu học), nên chính tả chưa chính xác, lối diễn đạt còn “ngượng”, chưa đạt đến độ chuẩn mực và trong sáng, nhưng cái nhìn nhân hậu của ông đối với người phụ nữ qua những mẩu viết rất ngắn thật đáng trân trọng.

Trong một bài viết trên “Đông Cổ Tùng Báo”, ông cảm thông với người phụ nữ: “Làm thân con gái, một đời sướng khổ, do chỉ ở một sự lấy chồng, mà lấy chồng xưa nay có được tùy ý mình mà kén bao giờ! Cha mẹ bảo thế nào thì phải thế (…). Té ra chỉ các cụ gả thuận mấy nhau, lấy mấy nhau, đến lúc mình nhớn lên, thì sự đã xong rồi, dù có điều gì không như ý, cũng cứ phải ngậm đắng nuốt cay”.

Và ông nói thẳng: “Sự lấy nhau phải có cha mẹ thuận, nhưng cốt ở như cô (…) Sau nữa em xin các cụ đã trót đẻ ra, thì phải nuôi chúng tôi, cho qua buổi cười cợt. Cái giá thú là cái lo, mà ở đời có mùa xuân là quý, mới nhóm mùa xuân, sao các cụ đã bắt vợ chồng, trước nữa là sinh nở sớm quá, không được con cái khỏe mạnh, sau nữa ba tuổi ranh, làm con còn chưa xong, đã làm vợ làm mẹ thế nào được”?!

Ở một bài khác, bàn về nữ học, Nguyễn Văn Vĩnh cũng làm lời người phụ nữ “thưa thốt” rằng: “Nhiều ông cứ nói rằng: gái học biết chữ hay đa tình. Ông có vợ biết chữ, lại lo rằng vợ viết thư cho giai. Điều ấy các quan anh dậy thế, quả là hẹp quá (…) Cái ân ái ở lòng mà ra thì quý hơn cái ân ái theo tục (lệ). Làm đàn ông phải ăn ở thế nào, cho đàn bà biết suy hơn quản thiệt, mà trọng mình thì mới sướng, chớ cứ dốt (nhốt – TG) vợ một xó nhà, hơi lạc con mắt đã lo nghĩ, là người hèn, chỉ muốn dùng sự trói buộc, mà thủ lấy tình riêng một mình”.

Đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, phải ghi nhận rằng nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh thật có “con mắt xanh” với người phụ nữ. “Cảo thơm lần giở trước đèn”, nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, xin chép lại mấy câu chuyện xưa nhưng chưa hề lạc hậu.

Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà phiên dịch Việt Nam, nhà chính trị Việt Nam đầu thế kỷ 20.
 
Năm 1906, ông được Schneider mời biên soạn và in ấn tờ Đại Nam đồng văn nhật báo (Tờ báo hàng ngày của nước Đại Nam chung một văn tự). Cũng trong năm này, ông là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Hội nhân quyền Pháp.
 
Năm 1907, sau khi ra được 722 số, tờ báo trên đổi tên là Đăng cổ tùng báo (Tập báo khêu đèn gióng trống) do ông làm Chủ bút.
 
Lo ngại vì đường lối hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục, thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa trường vào tháng 11 năm 1907.
 
Với chủ trương viết báo bằng tiếng Việt để người VN đầu thế kỷ 20 quen với chữ quốc ngữ, ông đã làm chủ bút nhiều tờ báo khác nhau và để lại nhiều bài luận thuyết và ký sự xuất sắc. Ngày nay, Nguyễn Văn Vĩnh được đánh giá là một học giả, nhà văn hoá lớn, có công hoàn thiện và phổ cập chữ quốc ngữ, đồng thời góp phần khai sinh văn học dịch và báo chí VN.

(HQ Online)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 2 phản hồi cho bài viết “Nhời đàn bà”:

  1. Thế hệ cha ông ta tiến bộ đấy chư (y)́

  2. Nhà tân học, có tư tưởng tiến bộ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề