(bộ nhớ đệm: 16:35:37 20/04/2024)
Kygia
Nhớ cà phê một thuở Sài Gòn

Đó là thời mà Sài Gòn đặc quánh không khí chiến tranh với tiếng “đại bác đêm đêm vọng về thành phố”, với bóng hỏa châu đêm đêm soi sáng vùng ngoại ô. 

1969-1970. Tôi lúc ấy 19-20 tuổi, từ một trường trung học nội trú ở Thủ Đức chuyển lên Sài Gòn để vào học đại học. Giã từ khuôn phép. Giã từ những ngày tháng thức dậy, tập thể dục, ăn, học, ngủ nghỉ cả trăm học sinh răm rắp đúng giờ. Bước vào một thế giới khác, tự do, mới lạ, lòng đầy háo hức và tự tin.
Chạm mặt Sài Gòn, tôi bị ngay một coup de foudre (tiếng sét ái tình). Với cà phê Sài Gòn. Tiếng sét ấy kéo dài đến tận hôm nay. Không phải trước đó tôi chưa từng uống cà phê. Ở trường nội trú, mỗi bữa sáng vẫn có ly cà phê sữa nhưng đó dường như không phải cà phê. Cà phê Sài Gòn mới thực sự là cà phê. Mà phải là cà phê phin. Chủ yếu là đen, nóng, dù thỉnh thoảng cũng cà phê sữa, cà phê đá, sữa đá…Cà phê vợt, cà phê bít tất, cà phê kho của Sài Gòn cũng có cái ngon của nó, cũng nóng, cũng thơm, nhưng đó là thứ uống để rồi đi, không phải là thứ để nhâm nhi với bạn bè hoặc trầm tư một mình suốt buổi.
Ca phe Sai GonCà phê Sài Gòn nay
Cà phê phin thì khác. Những ngày tháng sinh viên, ngoài những giờ lên giảng đường, những giờ đi dạy thêm kiếm sống, kiếm tiền mua cours, còn lại là bạn bè chiều chiều tối tối tụ tập nhau trong một quán cà phê nhạc nào đó. Là sinh viên nghèo, thường ít khi đặt chân vào những La Pagode, Givral hay Brodard, mà vào những quán cà phê nhạc rải rác khắp Sài Gòn. Cà phê phin phải đi với nhạc. Nhạc thường được phát từ những chiếc máy Akai lớn, chạy băng cối.

Đó là thời mà Sài Gòn đặc quánh không khí chiến tranh với tiếng “đại bác đêm đêm vọng về thành phố”, với bóng hỏa châu đêm đêm soi sáng vùng ngoại ô. Mậu Thân vừa qua. Và từ xa hơn nữa vọng về đến tận Sài Gòn là thanh âm và hình ảnh sinh viên Paris xuống đường tháng 5.1968, hình ảnh những chiếc xe tăng Liên Xô trên đường phố Prague mùa xuân Tiệp Khắc.  Có cái gì đó hòa quyện không tách rời giữa không khí chiến tranh, chủ nghĩa hiện sinh trong văn chương, cà phê và nhạc. Nhạc trong các quán cà phê mà đám sinh viên chúng tôi thường lui tới chủ yếu là nhạc Trịnh, nhạc tiền chiến, nhạc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương… Với những giọng ca làm mưa làm gió: Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh, Lê Uyên và Phương… Chính cái sự hòa quyện đó khiến đám sinh viên chúng tôi càng ghiền các quán cà phê nhạc, kể cả những quán cà phê nhạc sâu trong hẻm nhưng nhạc hay, ấm cúng, nhất nữa là có thấp thoáng sau quầy bóng dáng đôi “vai em gầy guộc nhỏ” của cô nàng chủ quán hay cô caissière. Tất nhiên cà phê phải ngon. Như ở cái quán Đỉnh Thiêng trong con hẻm trên đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ), quận Tân Bình mà đám chúng tôi hay kéo vào buổi tối.

Cái lý (hay triết lý) của ly cà phê phin nhỏ từng giọt, từng giọt là uống cà phê không chỉ là uống cà phê. Mà là uống và nhâm nhithời gian. Uống và nhâm nhi cuộc đời, tình bạn, tình yêu. Uống và nhâm nhi nghĩ về cuộc chiến đang diễn ra ngoài kia. Uống và “tám” với bạn bè một chủ đề gì đó, như chiến cuộc, tình trạng đôn quân bắt lính, sự hiện diện của quân đội nước ngoài, hay một triết thuyết mới xuất hiện ở phương Tây, hoặc chỉ đơn giản là chuyện yêu đương của chàng này nàng kia trong đám. Hoặc cũng có khi là uống và nhâm nhi một mình với cuốn sách mang theo mình hay tờ tạp chí nước ngoài mà quán để sẵn cho khách mượn đọc. Như ở cái quán Hân với cô caissière đẹp quý phái trên đường Đinh Tiên Hoàng, khu Đa Kao, không xa trường Văn khoa, mà tôi hay ghé. Hay quán Nắng Mới sát bên Đại học Vạn Hạnh, dưới chân cầu Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ) của một ứng cử viên dân biểu.

Chính ở những cái quán như vậy mà những sinh viên kính cận đã ngồi cả buổi để đọc như nuốt lấy từng trang Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của Phạm Công Thiện, nhờ đó mà nhớ mãi những chữ Nada, nada, nada láy đi láy lại của tác giả trong bài viết về Hemingway và tác phẩm Chuông nguyện hồn ai. Hay đọc Dịch hạch, Người xa lạ của Camus, Khung cửa hẹp của Gide, hay Buồn nôn, Gái đ… đáng kính của Sartre, Tội ác và trừng phạt của Dostoievski… (sách dịch hay sách Livre de poche mua ở nhà sách Xuân Thu hay Liên Châu) cũng ở những quán đó, thay vì trong những căn phòng trọ sát dưới mái tôn, nóng bức, chỉ để chui vào ngủ lúc đêm về.

Vậy đó, cà phê phin Sài Gòn xưa. Bây giờ, trong cuộc sống xô bồ gấp gáp, lớp trẻ uống nhiều cà phê hòa tan hơn, ít có thời gian để nhâm nhi ly cà phê phin kiểu truyền thống Việt Nam. May là gần đây trên thị trường cũng đã có những nỗ lực để níu kéo lại cái hương vị xưa cũ ấy, như kiểu Vinacafe Chất Sài Gòn – một loại cà phê sữa đánhưng mang hương vị cà phê phin, phù hợp với thời buổi này. Dù sao, nó cũng làm tôi nhớ lại thứ cà phê chậm rãi nhỏ từng giọt từng giọt như muốn thẩm thấu hết cả một thời tuổi trẻ trong ầm ào chiến tranh, khi những chàng và nàng sinh viên vừa uống vừa nhâm nhi phận mình và phận bạn bè trong tiếng nhạc vàng, trong tình bạn trai và gái, và cả trong những luồng tư tưởng từ bốn phương đổ vào, dù có thể rồi ngày mai “mãi mãi không thấy nhau”, như trong lời bài Mùa thu chết (theo thơ Apollinaire) của Phạm Duy. Không khí chiến tranh giờ không còn. Cuộc sống giờ gấp gáp, tốc độ hơn. Chỉ nỗi nhớ ly cà phê phin với tôi là còn mãi.
Nguồn motthegioi.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề