Nhật – Trung – Hàn và vận mệnh chung của Đông Bắc Á

Cuộc gặp của các ngoại trưởng Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tại Seoul vào tuần trước để bàn luận về khả năng hợp tác trong một số lĩnh vực, từ chống chủ nghĩa khủng bố đến ô nhiễm không khí, là cuộc họp đầu tiên của họ sau gần ba năm. Nhưng, ngoài việc đồng ý sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa ba bên vào “thời điểm thuận tiện sớm nhất”, vấn đề chủ chốt mà cả ba nước phải đối mặt vẫn chưa được giải quyết: Liệu các nước này có thể giải quyết – hay ít nhất là tạm gác lại – những tranh chấp lãnh thổ và lịch sử giữa họ để theo đuổi lợi ích chung hay không?

Trung Quốc chắc chắn hy vọng là có, ít nhất là khi xét đến Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (Asia Infrastructure Investment Bank – AIIB) do họ khởi xướng, một nỗ lực được che đậy qua loa nhằm thúc đẩy và kích thích ngành công nghiệp xây dựng của Trung Quốc. Nhưng trong vấn đề này, Nhật Bản và Hàn Quốc tỏ ra khá dè dặt, họ chỉ lịch sự đồng ý rằng sẽ cân nhắc lời mời tham gia vào AIIB của Trung Quốc. Cả hai nước đều nhận thức rõ ý nghĩa của việc tham gia vào một sáng kiến sẽ làm suy yếu Ngân hàng Phát triển Châu Á và thậm chí cả Ngân hàng Thế giới, mặc dù Hàn Quốc đã tuyên bố nước này có ý định gia nhập.

AIIB được hình dung như là một ngân hàng phát triển đi ngược lại xu thế chung, triển khai các dự án cơ sở hạ tầng mà không phải qua nhiều thủ tục hành chính và không cân nhắc đến các yếu tố xã hội hay môi trường. Nhưng để AIIB đạt được những mục tiêu đầy tham vọng đã đề ra, trong đó bao gồm tái xây dựng Con đường Tơ Lụa cổ đại giao thương với châu Âu, thì Trung Quốc sẽ phải vượt qua nhiều trở ngại hơn là sự miễn cưỡng của những nước láng giềng. Trung Quốc sẽ phải đấu tranh với sự thiếu kiên nhẫn ngày càng gia tăng của chính người dân nước mình trước những viễn cảnh hoành tráng.

Đối với công chúng Trung Quốc, những nỗ lực tập thể to lớn không quan trọng bằng những thứ như là vỉa hè hay xe bus cho con cái họ đến trường an toàn. Khi quá trình đô thị hóa lộn xộn của Trung Quốc dần dần biến những đoạn đường ngắn gọn, giản đơn thành những hành trình phiêu lưu kéo dài và đầy mạo hiểm, thì việc giải quyết những yêu cầu đó ngày càng đòi hỏi thêm sự quan tâm chú ý từ phía chính phủ.

Giới chức Trung Quốc cũng đang phải gắng sức chịu đựng những thôi thúc đầy xung đột về tình trạng an ninh quốc gia đang gia tăng của họ. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không coi trọng hầu hết những mối quan hệ của mình trong khu vực, đơn phương có những hành động gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng. Trung Quốc có thể cải thiện những mối quan hệ này – nhưng chỉ khi nước này xử lý được những vấn đề lịch sử là nguồn gốc của nhiều cuộc xung đột hiện nay.

Xét đến mức độ sâu rộng của những vấn đề này, những cuộc thảo luận ba bên đã bị trì hoãn kéo dài giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ cần tập trung vào hợp tác phát triển hay thậm chí là phòng chống khủng bố. Những cuộc thảo luận này còn phải hướng đến xây dựng được ý thức rằng cả ba nước đều có chung một vận mệnh, dù bên ngoài có vẻ xung khắc với nhau đến mức nào. Quả thực là tương lai của cả ba nước sẽ gắn kết chặt chẽ với nhau không kém gì quá khứ của họ. Các nhà lãnh đạo của các nước này càng nhận ra điều này và có trách nhiệm về tương lai chung sớm bao nhiêu thì cơ hội cho họ thoát ly dứt điểm khỏi những xung đột và hiềm khích lịch sử càng lớn bấy nhiêu.

Mỗi một nước sẽ đều phải đóng một vai trò nhất định trong nỗ lực này. Đối với Nhật Bản, điều cấp bách nước này phải làm là tiếp tục đóng vai trò như một động cơ phát triển trong khi xây dựng một nền kinh tế hậu công nghiệp ngày càng phụ thuộc vào các nước kia, xét đến cơ cấu dân số đang già đi và thu hẹp lại của nước này. Các thương hiệu có tính biểu trưng của Nhật Bản cũng đã trở nên quốc tế hóa hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, giống như nhiều hệ thống chính trị khác trên thế giới, hệ thống chính trị của Nhật Bản phải dung hòa được những nhu cầu nội địa với việc xây dựng quan hệ ngoại giao – một việc không hề dễ dàng, khi mà chủ nghĩa dân tộc đang lên tại Nhật cũng đã khơi dậy những nghi ngại từ các nước láng giềng. Nhật Bản cũng phải đáp ứng được kì vọng của những đồng minh ở xa, đặc biệt là Hoa Kỳ, để có thể đảm nhiệm vai trò lớn hơn và bền vững hơn trong quản trị toàn cầu.

Còn Hàn Quốc, như thường lệ, bị mắc kẹt ở giữa. Trong lịch sử, cứ khi nào Trung Quốc và Nhật Bản không hành hạ lẫn nhau thì lại quay sang hành hạ Triều Tiên. Nếu xét việc những trải nghiệm đó ảnh hưởng đến người Triều Tiên sâu sắc đến nhường nào, thì có thể tha thứ cho việc đôi khi người Triều Tiên dường như ghi tâm khắc cốt quá mức về những lỗi lầm quá khứ, đặc biệt là những lỗi lầm mà người Nhật đã gây ra trong Thế Chiến II.

Nhưng không nên để cho thù hằn lịch sử sâu sắc che khuất đi thực tế là Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức giống như Nhật Bản. Do cũng phải đối mặt với suy thoái nhân khẩu học, Hàn Quốc cũng đang cố gắng chuyển mình thành một nền kinh tế hậu công nghiệp được quốc tế hóa hơn. Về phần này thì cả hai nước có thể giúp được cho nhau rất nhiều.

Vai trò của Trung Quốc lại phức tạp hơn – phần nào vì nước này rõ ràng đang cạnh tranh với Hoa Kỳ để giành ảnh hưởng trong khu vực. Quả thực, dù ủng hộ cuộc gặp giữa ba nước nhưng Hoa Kỳ dường như cũng lo ngại rằng sự hợp tác thành công [giữa ba nước đó] sẽ làm suy yếu khả năng của Hoa Kỳ trong việc kiềm chế một Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh và bảo vệ những lợi ích của mình tại châu Á.

Hoa Kỳ không cần phải lo lắng. Trung Quốc hiểu rằng họ sẽ được lợi nhiều hơn từ một nền kinh tế Hoa Kỳ năng động và thịnh vượng so với từ quyền đánh bắt cá trên biển Đông hay quyền kiểm soát những hòn đảo hay bãi đá không người ở trên biển Hoa Đông.

Rõ ràng là điều này cũng có lợi cho những đồng minh của Hoa Kỳ là Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ biết rằng Hoa Kỳ đã cho họ đòn bẩy ảnh hưởng trong quan hệ với Trung Quốc, không chỉ trong việc can ngăn thái độ ngày càng liều lĩnh của Trung Quốc trong các vấn đề an ninh mà còn trong việc xúc tiến các liên kết kinh tế và đầu tư cùng có lợi với người láng giềng khổng lồ này.

Tóm lại, sự hợp tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo tương lai chung của cả ba nước trong dài hạn. Nhưng sự hợp tác này sẽ chỉ có hiệu quả nếu các nước tập trung vào đúng vấn đề – và đó không phải AIIB.

Điều mà ba nước này, cùng với Hoa Kỳ, nên tập trung vào là tìm cách làm giảm mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Để làm được điều này, các nước phải hướng đến một vấn đề đã bị bỏ ngoài cuộc thảo luận gần đây nhất: hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ để bảo vệ Hàn Quốc khỏi những vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên bất hảo.

Sự tồn tại của hệ thống THAAD đang gây nên sự sợ hãi tại Trung Quốc. Nhưng việc thảo luận về hệ thống này có lý do đúng đắn. Trong khi truyền thông Hàn Quốc còn đang dự đoán xem liệu các ngoại trưởng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thảo luận về hệ thống lá chắn này chưa, thì một nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên đã tự hào thông báo rằng nước ông ta đã thành công trong việc gắn thiết bị hạt nhân vào tên lửa.

Sự khoe khoang diễn ra vào thời điểm như vậy có lẽ không phải do chủ đích. Nhưng dù vậy thì đó cũng vẫn là một lời nhắc nhở hữu ích về cách Bắc Triều Tiên nhìn nhận quan hệ trong khu vực – và giải thích vì sao mà “thời điểm thuận tiện sớm nhất” để tổ chức cuộc họp thượng đỉnh ba bên là cấp bách hơn bao giờ hết.

Christopher R. Hill là cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về Đông Á. Ông cũng từng là cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq, Hàn Quốc, Macedonia và Ba Lan, đặc phái viên Hoa Kỳ tại Kosovo, từng tham gia đàm phán Hiệp định Hòa bình Dayton, và là đàm phán viên chính của Hoa Kỳ với Bắc Triều Tiên từ năm 2005 đến 2009. Hiện tại ông đang là Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế Korbel thuộc ĐH Denver, và là tác giả của cuốn sách Outpost (NXB Simon & Schuster, 2014).

Nghiên cứu Quốc tế


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề