Nhật bắt đầu mạnh tay với Trung Quốc sau khi ông Abe tái đắc cử

Hầu hết giới phân tích thế giới cho rằng việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái đắc cử trong cuộc bầu cử sớm hồi giữa tháng 12 sẽ mang lại một bước ngoặt của khu vực và thế giới không chỉ trong lĩnh vực kinh tế.

Nhưng đa phần lại không dự đoán được điều đó lại đang diễn ra nhanh hơn họ dự đoán rất nhiều. Chỉ chưa đầy hai tuần sau khi ông Abe và đảng LDP chiến thắng, bước ngoặt ấy đã được bắt đầu triển khai, với mũi dùi hướng về Trung Quốc.

Sở dĩ các chuyên gia đưa ra quan điểm việc Thủ tướng Abe và đảng LDP chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm sẽ mang lại một bước ngoặt của khu vực và thế giới, là vì ngoài việc các chính sách cải cách nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục được người khởi xướng Abenomics này duy trì, mà còn ở việc ông Abe là người chủ xướng việc diễn giải lại hiến pháp để tái vũ trang quân đội Nhật Bản. Không nghi ngờ gì việc sức mạnh quân sự của Nhật Bản sẽ tăng mạnh một khi ông Abe chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ đem cho ông thêm bốn năm nữa ở cương vị thủ tướng.

Trên thực tế, vấn đề diễn giải lại hiến pháp và tái vũ trang quân đội của ông Abe vốn là một trong những điểm được phe đối lập sử dụng như một chiêu bài hạ mức ủng hộ của người dân Nhật với đảng LDP trong cuộc bầu cử, nhưng khi mà đảng LDP của Thủ tướng Abe đã chiến thắng với tỷ lệ áp đảo thì một điều hiển nhiên là phần lớn người dân Nhật Bản đồng tình với chính sách tăng cường sức mạnh quân sự của vị đương kim thủ tướng, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy như một thách thức lớn nhất.

Vì thế, không khó hiểu khi đối tượng chủ đạo bị nhắm đến khi Thủ tướng Abe tái đắc cử là Trung Quốc. Chưa đầy hai tuần sau khi đảng LDP giành chiến thắng, Nhật Bản đã thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc trong các tranh chấp trên biển khi bắt giữ hai tàu đánh cá của nước này vì cho rằng đã vi phạm vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Nhật và chống cự các nhân viên của cục Phòng vệ Nhật khi định khám xét hai con tàu này.

Nhật Bản vốn đã không ít lần bắt giữ các tàu của Trung Quốc khi xâm phạm lãnh hải nước này, trong đó phần lớn là tàu đánh cá, nhưng việc bắt giữ hai tàu cá Trung Quốc chỉ chưa đầy hai tuần sau khi Thủ tướng Abe tái đắc cử đang được giới phân tích nhìn nhận như một tín hiệu gửi đến Trung Quốc về sự cứng rắn của Nhật Bản trong tương lai.

Sự cứng rắn được thể hiện ngay tức khắc này của Nhật Bản được dự đoán là tín hiệu cho một sự tăng cường chi phí quốc phòng lớn nhất của chính phủ Nhật Bản trong nhiều năm trở lại đây. Bộ quốc phòng Nhật Bản dự kiến sẽ trình chính phủ ngân sách quốc phòng trong năm 2015 lên tới 5.050 tỉ Yen (tương đương 48,5 tỉ USD), trong đó một phần lớn là dành cho các giải pháp phòng vệ từ xa đối với các đảo ở ngoài khơi, nhất là các đảo thuộc khu vực tranh chấp với Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng chính phủ Nhật sẽ nhanh chóng thông qua đề xuất này khi việc tăng cường chi tiêu quân sự vẫn luôn là trọng tâm hàng đầu của Thủ tướng Abe trong những năm qua.

Một phần quan trọng nguyên nhân khiến ông Abe tiến hành cải cách kinh tế Nhật Bản là để đưa Nhật Bản trở lại là một cường quốc trong khu vực, không chỉ về kinh tế mà còn về quốc phòng. Kể từ sau thế chiến thứ hai, quốc phòng Nhật Bản hầu như phụ thuộc vào Mỹ, nhưng giờ đây khi Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế và đi liền với đó là tăng cường sức mạnh quân sự, thì Nhật Bản cũng cần thay đổi chính sách.

Nhật Bản chỉ có thể đối đầu với Trung Quốc về sức mạnh quân sự khi đất nước mặt trời mọc thoát khỏi tình trạng giảm phát và nền kinh tế ảm đạm trong hai thập kỷ qua. Khởi động cải cách kinh tế của Thủ tướng Abe, vì thế nhằm hướng tới việc đưa Nhật Bản trở thành một cường quốc kinh tế để có thể cạnh tranh với sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Những giải pháp của Thủ tướng Shinzo Abe, vì thế đang được ví với hai mũi tên, cải cách kinh tế và tăng cường sức mạnh quân sự, và đều đang được triển khai với tốc độ chóng mặt. Chỉ chưa đầy hai tuần sau khi ông Abe tái đắc cử, một gói kích thích kinh tế trị giá 29 tỉ USD đã được thông qua, và lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã trở nên cứng rắn hơn với Trung Quốc với việc bắt giữ hai tàu cá.

Trung Quốc dĩ nhiên là không vui vẻ gì với những gì đang diễn ra ở Nhật Bản. Một khi nước Nhật cải cách kinh tế thành công và tăng cường sức mạnh quân sự mạnh mẽ hơn cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ phải tăng chi tiêu quân sự ở phía Đông lên đáng kể, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang suy giảm và các tranh chấp lãnh thổ ở biên giới những hướng còn lại cũng đang đòi hỏi sự tăng cường thì đây rõ ràng là tin tức không vui mừng gì với Bắc Kinh.

Trong cuộc gặp mới nhất hồi tháng trước ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí còn không cười xã giao khi gặp ông Abe, và còn thể hiện sự khó chịu không cần che giấu khi phải bắt tay thủ tướng Nhật.

Nguồn: Một Thế giới


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề