Nhật Bản cứng rắn đáp trả “đòn phủ đầu” của Nga tại Kuril

Theo TASS, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết Nga sắp tới sẽ triển khai nhiều dự án quân sự cũng như dân sự tại quần đảo Kuril, và Nhật Bản đã lập tức “phản pháo”.

Chúng tôi sẽ tái thiết cơ sở hạ tầng dân sự cũng như quân sự tại quần đảo Kuril” – ông Medvedev phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 23/7. Thủ tướng Nga cũng tuyên bố sẽ tới thăm quần đảo này trong tương lai gần.

Trước diễn biến nói trên, phía Nhật Bản đã lập tức gọi đây là một hành động “không thể chấp nhận”, đồng thời kêu gọi ông Medvedev hủy bỏ chuyến đi này.

Trước đây, vào năm 2010, ông Medvedev đã trở thành Tổng thống Nga đương nhiệm đầu tiên tới Kuril, quần đảo nằm trên vùng Biển Okhotsk, Tây Bắc Thái Bình Dương.

Còn với Nhật Bản, họ gọi quần đảo này là “Lãnh thổ phương Bắc”, với các đảo Shikotan, Kunashiri, Etorofu, và Habomai.

Trong lịch sử, Liên Xô chiếm đóng và nắm quyền kiểm soát quần đảo này vào cuối Thế chiến thứ Hai. Đến năm 1949, tất cả 17.000 cư dân Nhật Bản sống trên đảo đã bị trục xuất.

Theo Hòa ước San Francisco kí kết năm 1951, Tokyo đã từ bỏ mọi chủ quyền liên quan tới quần đảo Kuril. Tuy nhiên, phía Liên Xô chưa từng kí kết hiệp ước này, còn Nhật Bản thì cương quyết không chấp nhận 4 đảo trên thuộc quần đảo Kuril.

Đó là lý do tại sao đến nay, Kuril vẫn nằm trong tranh chấp giữa hai quốc gia này.

Mới đây, Nhật Bản đã xuất bản sách trắng quốc phòng, trong đó khẳng định tuyên bố chủ quyền của Tokyo với quần đảo này.

Vấn đề xoay quanh chủ quyền lãnh thổ của Nhật Bản tại Lãnh thổ Phương Bắc và Takeshima vẫn chưa được giải quyết” – một trích đoạn trong sách trắng viết.

Trước đây, trong một bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat, tác giả J. Berkshire Miller đã tóm tắt tuyên bố chủ quyền của Nga và Nhật Bản với quần đảo Kuril như sau.

Về phía Nhật Bản, Tokyo tuyên bố chủ quyền đối với Lãnh thổ phương Bắc. Họ cho rằng 4 đảo Shikotan, Kunashiri, Etorofu, và Habomai đã là một phần của Nhật Bản từ đầu thế kỉ 19.

Theo Nhật Bản, điều này có thể được xác nhận qua Hiệp ước Shimoda năm 1955 và Hiệp ước Portsmouth năm 1905, sau khi kết thúc chiến tranh Nga-Nhật.

Còn về phía Nga, nước này chỉ ra một loạt các hiệp ước quốc tế, trong đó có Hiệp định Yalta 1945 và Tuyên bố Potsdam 1945, và lấy đó làm bằng chứng cho tuyên bố chủ quyền của Moscow đối với quần đảo Kuril.

Nga cũng nhấn mạnh, Hòa ước San Francisco 1951 cũng là bằng chứng pháp lý cho việc chính Nhật Bản đã công nhận chủ quyền của Nga đối với quần đảo Kuril, điều mà Tokyo cương quyết phủ nhận.

Nhật Bản cũng đã không ít lần thẳng thừng từ chối đề nghị giải quyết tranh chấp của Nga, đó là trả lại cho Tokyo đảo Habomai và đảo Shikotan, vì diện tích của 2 đảo này chỉ chiếm vỏn vẹn 7% tổng diện tích tranh chấp.

Các nguồn lợi dầu khí cũng như đánh bắt hải sản tại đây cũng càng làm gia tăng thêm căng thẳng trong tranh chấp giữa hai nước.

Hiện nay, theo The Diplomat, khoảng 30.000 người Nga đang sinh sống tại quần đảo Kuril. Tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng ra lệnh đẩy nhanh xây dựng căn cứ quân sự tại các khu vực tranh chấp.

Trở lại với chuyến thăm dự kiến của ông Medvedev, Thủ tướng Nga dù một mặt muốn thể hiện đây chỉ là một chuyến thị sát bình thường, mặt khác cũng phải thừa nhận quần đảo Kurin là một trường hợp đặc biệt.

Ông Medvedev đang cân nhắc tiến hành chương trình cải thiện cơ sở hạ tầng liên bang Nga tại khu vực này. Ngoài ra, ông cũng muốn trực tiếp quan sát lực lượng vũ trang Nga đóng tại đây vì tầm quan trọng của họ trong việc bảo vệ phòng tuyến Nga.

Mục tiêu của tôi là cải thiện chất lượng cuộc sống trên đảo và thu hút thêm nhiều người Nga đến đây sinh sống” – ông phát biểu.

Trước “đòn phủ đầu” này của phía Nga và ông Medvedev, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã tuyên bố ý định mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tời Tokyo vào cuối năm nay để giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, theo The Diplomat, khả năng vấn đề này được tháo gỡ nhanh chóng là gần như không thể.

Nguồn Dailo


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề