Nhận xét về Ngoại trưởng Mỹ được đề cử Rex Tillerson

Dân Mỹ hồi hộp theo dõi cách thức Tổng Thống đắc cử Donald Trump phỏng vấn lựa chọn các ứng viên vào nội các. Cách tuyển mộ quan chức Chính phủ của Trump không giống cách chọn nhân sự của các vị Tổng Thống tiền nhiệm của các chính đảng trước đây.

Thông thường cả 2 đảng Cộng Hoà và Dân Chủ đã có sẵn một số dự viên bổ nhiệm vào các chức vụ then chốt. Phần đông lấy ra từ những người có công trong thời kỳ tranh cử để gọi là đền ơn. Một số đông khác được chọn từ danh sách có sẵn của đảng thắng cử. Một số ít sẽ được mời gọi từ phe đối lập hay người thiểu số da mầu hay phụ nữ nhằm vào mục tiêu chính trị gây tiếng vang.

Thời Tổng Thống George W. Bush có Ngoại Trưởng Colin Powell và Condoleezza Rice. Cả 2 người đều là Ngoại Trưởng nhưng không có gì xuất sắc cho lắm.

Colin Powell chỉ là một vị tướng bình thường, xuất thân từ sỹ quan trừ bị (ROTC), sau được Tổng Thống George H. W. Bush (cha) tiến cử vào chức vụ Chủ Tịch Tham mưu trưởng liên Quân (Chair of the Joint Chiefs of Staff) của Bạch Cung. Rồi Tổng Thống George W. Bush (con) nâng lên chức Ngoại Trưởng. Có thể nói ông Colin Powell được cất nhắc vì là thiểu số da màu nên sẽ đem lại hình ảnh tốt cho đảng Cộng Hoà.

Bà Condoleezza Rice cũng vậy. Được Tổng Thống George W. Bush (con) tiến cử vào chức vụ Cố Vấn An Ninh Quốc Gia và vì rất phục tùng nên trong nhiệm kỳ 2 Tổng Thống George W. Bush đã đề cử bà Rice vào chức vụ Ngoại trưởng.

Bà Condoleezza Rice xuất thân là khoa bảng, giáo sư đại học lừng danh Stanford University. Khi làm Ngoại trưởng bà vẫn còn mang thói quen kẻ cả “dạy dỗ” giáo huấn các quốc gia trên thế giới về lý thuyết dân chủ nên không gây được nhiều thiện cảm. Bà lại không có khả năng lãnh đạo và điều động một bộ phận lớn như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nên đã không đạt nhiều thành quả đáng kể.

Bên đảng Dân Chủ cũng không khá gì. Bà Hillary Clinton được lên làm Ngoại trưởng vì bà bị ông Obama hất cho lọt đài khi tranh cử Tổng thống sơ bộ vào năm 2008. Obama đề cử bà Hillary vào chức Ngoại trưởng vì đó là cách sắp đặt chính trị. Obama phải làm Tổng thống trước, Hillary nắm Bộ Ngoại giao. Nếu hòa thuận thì sẽ tranh cử về sau.

Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng không phải là Ngoại trưởng giỏi. Tuy bà có thành tích đi công du nhiều nhất so với các Ngoại trưởng tiền nhiệm. Đi tới đâu bà cũng được tiếp đón nồng hậu bởi vì bà là Đệ nhất phu nhân của Tổng thống Bill Clinton. Giống như Tổng thống Obama, bà Hillary có khoa ăn nói lưu loát của một luật sư.

Nhưng xét về thành quả gặt hái khi làm Ngoại trưởng thì không có chiều sâu là bao. Điển hình là mối quan hệ với Nga mỗi ngày càng tồi tệ, dù trước đó bà đã ngây ngô tươi cười bấm nút “xây dựng lại quan hệ ngoại giao” với Ngoại trưởng Nga là Sergei Lavrov.

Cách phản ứng của bà Hillary lại quờ quạng chậm chạp trong vụ thảm sát ở Sứ quán Hoa Kỳ ở Benghazi, Libya làm thiệt mạng Đại sứ Chris Stevens và 3 nhân viên ngoại giao khác.

Không chỉ chức Ngoại trưởng cho bà Hillary Clinton, Tổng Thống Obama còn tiến cử bà Susan Rice vào chức này ở nhiệm kỳ 2, nhưng Quốc hội Hoa Kỳ đã không chấp thuận. Bà Susan Rice không phải là nhân viên ngoại giao chuyên nghiệp nhưng được Tổng thống Bill Clinton tiến cử đến chức cao nhất là Trợ lý Ngoại trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 1997, một chức vụ khiêm tốn vì chính trị hơn là khả năng. Vì bà Rice là phụ nữ và người thiểu số da đen.

Sau khi bà Susan Rice bị Quốc hội không tán thành bổ nhiệm chức Ngoại trưởng, Tổng thống Obama đem bà về Bạch Cung và phong chức “Cố vấn An ninh Quốc gia” một chức vụ quan trọng vượt xa khả năng của bà.

Nói chung đó là cách phong chức theo lề lối cổ truyền của các chính đảng Hoa Kỳ qua bao nhiêu đời. Khả năng chuyên môn không cần thiết phải có. Vì thế hầu hết các Ngoại trưởng, Bộ trưởng Hoa Kỳ nói nhiều hơn làm và mức độ phung phí ngân sách quốc gia thì không chê vào đâu được.

Tuần vừa rồi tờ Washington Post, chương trình Erin Burnetaa CNN, và National Public Radio (NPR) vốn là cơ quan truyền thông cấp tiến thường xuyên hỗ trợ bà Clinton và đảng Dân Chủ đã có những nhận định khá chính xác về Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Cô Erin Burnetaa “phê bình” cách chọn lựa Ngoại trưởng của Donald Trump rất “thông minh”. Washington Post viết một bài dài phân tích rất công phu diễn tiến cách tuyển chọn nhân sự của Trump vào bộ phận quan trọng nhất của chính quyền Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao, cơ quan đầu não phụ trách chính sách đối ngoại của chính quyền Trump trong 4 năm tới.

Ông Rex Tillerson được lựa chọn nắm chức Ngoại trưởng. Quốc hội Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu chấp nhận trong vài tháng tới. Nhưng Rex Tillerson vẫn có nhiều khả năng bị loại vì đã chơi thân với Putin.

Tổng Thống đắc cử Donald Trump đã phỏng vấn khoảng 6, 7 người cho chức vụ này. Trong đó có những người khá nổi tiếng như cựu Thống đốc Mitt Romney, Thị trưởng New York Rudy Giuliani, Đại tướng David Petraeus, Thượng Nghị sỹ Bob Corker, Đại Slsứ John Bolton v.v.. Đặc biệt ông Mitt Romney và John Bolton là 2 cục cưng gạo cội của đảng Cộng Hòa.

Thị trưởng Rudy Giuliani còn là người bạn chung thủy đã hết lòng bênh vực Trump trong thời gian tranh cử sóng gió vừa qua. Và ông Giuliani đã công khai bày tỏ ý muốn được trở thành Ngoại trưởng trong chính quyềm của Tổng thống Trump.

Nhưng Trump đã không vì tình cảm cá nhân, không vì phe đảng Cộng Hòa với nhau. Trump hất lọt đài hết những tên tuổi ghê gớm này. Và ông đã đi vào bế tắc không tìm được người thích hợp để thực thi những chiến lược đã soạn sẵn trong đầu.

Theo Washington Post, Trump phỏng vấn cựu Bộ trưởng Quốc Phòng / cựu Giám Đốc CIA Robert Gates 2 lần ở Tháp Trump và yêu cầu Gates tìm giúp người cho chức vụ Ngoại trưởng.

Gates giới thiệu trùm khai thác dầu hỏa Rex Tillerson. Trump và Tillerson chưa bao giờ quen và gặp nhau. Ông đã phỏng vấn Tillerson 2 lần ở Tháp Trump, và cuộc săn tìm người chỉ huy chính sách đối ngoại của Donald Trump đã kết thúc.

Đài NPR cấp tiến thân đảng Dân Chủ nhận định Rex Tillerson có lợi điểm là đã có quan hệ mật thiết với khoảng 58 quốc gia trên thế giới trong thời gian ông làm việc cho tập đòan dầu mỏ Exxon Mobil. NPR cho biết Rex Tillerson có hợp tác mật thiết với tình báo Mỹ vì đó là điều kiện làm việc của các hãng dầu Hoa Kỳ trong những khu vực có xung đột chính trị và chiến tranh.

Phe cánh tả cho rằng Rex Tillerson có liên hệ mật thiết với ông trùm độc tài Vladimir Putin của Nga thì chỉ tổ làm lợi cho mấy hãng dầu và giúp cho vây cánh tài phiệt Donald Trump hốt bạc.

Robert Gates thì nghĩ khác: Tillerson là Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn dầu lớn phải làm việc trong những điều kiện đe dọa khó khăn nhiều nơi trên thế giới. Theo Gates, “Rex Tillerson là người cứng rắn và thực dụng”. Rex hiểu rõ Putin, và những động lực tham vọng của cựu trùm KGB này.

Cựu trùm điệp viên CIA Robert Gates cho rằng không nên sai lầm lẫn lộn “tình bạn” với “mối quan hệ thân thiện”. Gates còn tự tin thách thức nếu muốn hiểu về con người của Rex Tillerson thì phải hiểu Rex là một Hướng đạo sinh có bằng “Eagle Scout” là một trong những đẳng cấp cao quí và thử thách nhất của Hướng đạo Hoa Kỳ.

Robert Gates quen Rex Tillerson khi hai người sinh hoạt trong phong trào Hướng đạo Hoa Kỳ (Boy Scout of America).

Cũng cùng một công thức đó, Trump tuyển chọn Thống đốc tiểu bang Iowa
Terry Branstad làm Đại sứ Hoa Kỳ ở Trung Quốc. Terry Branstad là một người đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao và giao thương rất tốt đẹp giữa Trung Quốc và tiểu bang Iowa.

Chủ tịch Tập Cân Bình cũng hơi vội vàng tỏ ra phấn chấn khi tuyên bố Thống đốc Terry Branstad “là một người bạn tốt của Trung Quốc”. Nhưng Tập Cân Bình vẫn chưa hiểu Donald Trump và câu ví von của trùm CIA Robert Gates: “ Đừng lẫn lộn “tình bạn” với “mối quan hệ thân thiện”.

Bong Lau


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề