(bộ nhớ đệm: 06:46:05 29/03/2024)
Kygia
Nhà máy thủy sản đóng cửa, công nhân về đâu?

Hiện tại, hơn 50% nhà máy chế biến thủy sản tại miền Tây đang khốn đốn, đứng trước nguy cơ phá sản. Mỗi nhà máy có từ 1.000 – 10.000 công nhân, số phận họ sẽ ra sao khi những nhà máy này phá sản?

Mới đây, Công ty CP tập đoàn thủy sản Minh Phú Hậu Giang đã sa thải khoảng 5.000 công nhân vì thiếu nguyên liệu và đầu ra xuất khẩu đang khó khăn. Trước đó, Công ty thủy sản Bình An, Công ty CP thủy sản Phương Nam… cũng đã phá sản và nợ ngân hàng rất nhiều tiền. Công nhân mất việc hàng loạt…

1 chuyên gia thủy sản nói rằng, đây là cái giá phải trả vì sự phát triển quá nóng, thiếu sự quản lý… của ngành thủy sản miền Tây. Khoảng chục năm trước, khi nhiều doanh nhân hốt bạc nhờ chế biến con tôm, con cá, nhiều người ngoài ngành cũng hăng hái nhảy vào bỏ tiền đầu tư nhà máy, tự tin chẳng bao lâu sẽ lấy lại cả vốn lẫn lời. Thậm chí, nhờ vụ thưa kiện lùm xùm vài năm trước mà nhiều người được biết việc vợ chồng ca sĩ Cẩm Vân – Khắc Triệu… cũng bỏ bạc tỉ đầu tư vào chế biến thủy sản.

Khách mua, thị trường thì phát triển có giới hạn, trong khi các nhà máy thì tăng quá nhanh. Vì thế để tồn tại, các nhà máy phải tự hạ giá, giảm lời, thậm chí chịu lỗ, để giành khách lẫn nhau. Cộng thêm khủng hoảng kinh tế bùng phát mấy năm nay, lãi suất ngân hàng tăng vọt, các nhà máy kinh doanh thua lỗ thì việc phá sản lần lượt là chuyện khó tránh.

Khổ đời công nhân

Nếu có việc ổn định, 1 công nhân thủy sản ở ĐBSCL “cày” liên tục từ khoảng 6 giờ sáng đến 7 – 8 giờ tối sẽ nhận trên 4 triệu đồng mỗi tháng, tuy nhiên không có ngày nghỉ. Còn nguyên liệu ít thì chỉ được chừng trên 2 – 3 triệu đồng. Thu nhập này thực tế không cao.

Chị Đặng Phương Thảo – nhà ở quận Ô Môn (TP.Cần Thơ) – từng là công nhân của Công ty thủy sản Bình An, kể rằng, cả 2 vợ chồng chị đều làm công nhân ở đó, nhưng phải lo cho 2 đứa con ăn học nên không còn dư bao nhiêu. Nếu tháng nào trong gia đình có 1 người bệnh là đã phải mang nợ. Đối với những công nhân độc thân phải thuê nhà trọ, trừ tiền ăn, nghỉ… thì hàng tháng cũng chẳng dư dả. Khi Bình An “vỡ nợ”, theo chị Thảo, công nhân ở đó người phải đi làm phụ hồ, người đi làm “osin”… để kiếm miếng ăn. “Mà đâu phải ai cũng có việc, khổ lắm!”, chị Thảo kể.

thuy san, cong nhan, mien Tay, that nghiep, cong ty pha san
Tổng giám đốc 1 công ty chế biến thủy sản từng kể rằng, các nữ công nhân của ông uống rượu như… hũ hèm. Hễ ngày nào không có nguyên liệu, rảnh việc là họ nhậu, nhậu suốt. Cũng phải thông cảm cho họ, bởi những ngày còn lại họ làm việc đầu tắt mặt tối, mà tâm trí của họ đôi khi không quan tâm những thứ giải trí như sách, báo… vào lúc rảnh. Một số công nhân cũng muốn tìm thứ giải trí lành mạnh nào đó, nhưng nghiệt nỗi, các nhà máy thủy sản ở miền Tây thường nằm xa phố chợ, lấy đâu dịch vụ mà giải trí? Bởi vậy, đời sống tinh thần công nhân thiếu thốn đủ thứ.
Và trong cái thiếu thốn về tinh thần ấy, mới sinh không ít chuyện éo le. Nhiều công nhân nữ, tối nhậu để “giải trí” quá mức, sáng còn “cầm hơi”, đứng ca không nổi nên đành nảy sáng kiến… xỉu. Xỉu xong sẽ được đưa lên phòng y tế nằm nghỉ đến trưa.
Một chuyện có thật 100% ở 1 nhà máy thủy sản tại Đồng Tháp: giờ nghỉ trưa, bà lao công quét dọn nhà vệ sinh đang cắm cúi chùi sàn thì bỗng dưng phát hiện qua khoảng trống bên dưới 1 phòng vệ sinh có đến… 4 cái chân. Bà hoảng hốt la làng. Thì ra, 1 đôi nam nữ công nhân vì quá “stress” nên tranh thủ giờ nghỉ ít ỏi để “giao lưu tốc hành”. Và còn nhiều chuyện cười ra nước mắt nữa. Nghe qua chỉ biết lắc đầu, nhưng nghĩ kỹ thì lại thấy tội cho thân phận những công nhân.

Và khi thất nghiệp? Ở Bình Dương, Đồng Nai,… thì nhà máy san sát, công nhân có nhiều chọn lựa và việc thay đổi chỗ làm cũng không mấy khó khăn. Nhưng đất miền Tây thì lại khác. Thời chế biến thủy sản còn hưng thịnh, bảng tuyển dụng trưng rầm trời. Nhưng mấy năm gần đây, ai mất việc coi như hết hy vọng. Hoặc thất nghiệp dài dài, hoặc như chị Thảo đã kể – chỉ đi bán sức mà làm đủ nghề để kiếm tiền.

thuy san, cong nhan, mien Tay, that nghiep, cong ty pha san
Nhà máy đóng cửa, công nhân về đâu?
Khi 1 nhà máy thủy sản nào đó phải đóng cửa, người ta sẽ tranh luận ồn ào về chuyện sẽ cứu nhà máy ấy bằng cách nào… Ít ai nhắc đến hàng nghìn công nhân của nhà máy ấy sẽ được ai hỗ trợ để sống những ngày tháng khốn khó sắp tới, khi việc làm đã mất nhưng vẫn phải trả chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà trọ và con cái thì phải vẫn đóng tiền học… Có lẽ, những thân phận nhỏ nhoi ấy không đáng được ưu tiên bằng những nhà máy lớn, thương hiệu nổi tiếng đang gặp khó? Âu cũng là lẽ thường tình, phận “bèo bọt” mà!
Khách quan mà nói, người ta chỉ bàn chuyện cứu nhà máy mà không nhắc đến công nhân thực ra không phải vì quên họ. Bởi nhà máy hoạt động trở lại có thể cứu công nhân bằng cách tạo việc làm cho họ. Nhưng “cứu” 1 nhà máy không phải là chuyện một ngày một bữa. Như Công ty CP thủy sản Bình An đóng cửa, lay lất gần cả năm trời mới hoạt động cầm chừng trở lại nhờ những nhà đầu tư mới. Chừng ấy thời gian, hàng ngàn công nhân của Bình An đã sống ra sao?

Còn nhớ, vào tháng 4.2012, Tổng giám đốc tạm quyền của Bình An đã tuyên bố, người nào có nhu cầu tìm việc khác thì cứ… chia tay, không ai níu kéo. Còn muốn, thì cứ ở lại không hưởng lương mà chờ khi nhà máy hoạt động trở lại. Nhưng nhiều công nhân khi đó cho biết, họ có muốn đi cũng đâu được vì Bình An còn nợ bảo hiểm xã hội nên việc giải quyết chế độ cho họ đi tìm việc làm mới phát sinh quá nhiều vấn đề.

Vì sao phải cảnh báo chuyện công nhân thất nghiệp?

Chuyện thất nghiệp, sẽ có người cho là bình thường trong thời buổi khủng hoảng kinh tế hiện nay. Việc này hoàn toàn đúng. Nhưng riêng ở miền Tây, chuyện công nhân thất nghiệp phải nhìn nhận cặn kẽ ở góc độ xã hội để có cách giải quyết hợp lý.

Như chị Lê Thị X., công nhân 1 nhà máy thủy sản vừa đóng cửa cho biết, hơn 2 năm qua chị vào miền Tây thuê phòng trọ ở và đi làm công nhân. Lương tính ra cũng đủ chi xài hàng ngày. Bất thình lình bị mất việc vì nhà máy phá sản, chị điêu đứng! Tiền ăn, tiền nhà trọ hàng tháng, biết sao bây giờ?
“Có người bạn thấy em nhìn không đến nỗi nên rủ đi bán bia, nhưng thực chất là bán bia ôm nên em không chịu”. Tuy biết là vậy. Nhưng những ngày tới, nếu không có việc làm, ai dám đảm bảo chị X. và nhiều nữ “cựu” công nhân khác sẽ không sa chân vào chốn đèn “mờ”?

Hàng ngàn công nhân thất nghiệp cùng lúc sẽ khó tránh kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Đặc thù ở miền Tây, đại đa số công nhân là người địa phương, nên khi nhà máy nào đó phá sản sẽ kéo theo cả 1 ấp, 1 xã thất nghiệp. Vô tình chung họ cũng tập trung về một chỗ. Thất nghiệp, thiếu kiến thức… nên khi không có tiền nhiều người trở nên bi quan, suốt ngày ăn nhậu dẫn đến nhiều hậu quả, tệ nạn xảy ra.

Gần đây, nhiều tỉnh thành miền Tây rộ lên tình trạng trộm cướp rất dữ, từ con chó, chiếc xe đạp, thậm chí những chồng ghế nhựa mà các quán bán hàng dọn dẹp để đó… chúng cũng không tha. Cái gì hở là lấy tất. Và không ai dám chắc rằng trong số các thủ phạm những vụ trộm cắp đó, có hay không những công nhân vừa rơi vào cảnh thất nghiệp nên túng quẫn làm liều?

Thiết nghĩ, đó là điều mà cơ quan chức năng cần quan tâm, tìm biện pháp giải quyết, như kiểm tra tốt việc doanh nghiệp chấp hành đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân; liên kết với các tỉnh, thành khác để có thể luân chuyển lao động khi cần… Đây là việc làm cấp thiết trong tình hình các nhà máy chế biến thủy sản đang khá bi đát như hiện nay.

Riêng các công nhân, trong thời gian có việc làm nên tích lũy vốn liếng, tranh thủ học nghề thêm… để phòng bị chuyện tương lai. Khủng hoảng kinh tế chưa chuyên gia nào đoán chắc thời điểm nào sẽ vượt qua. Công nhân nên tự cứu mình trước khi trở thành nạn nhân thê thảm của cảnh thất nghiệp.
Nguồn motthegioi.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề