Nguy cơ thâm hụt quỹ lương hưu

Phải có những giải pháp cải cách mạnh mẽ để giải quyết nguy cơ thâm hụt quỹ lương hưu có thể xảy ra trong vòng vài năm tới.

Chính sách hệ thống hưu trí không bền vững

Theo bà Đoàn Thị Thu Hương (Học viện Tài chính) – chuyên gia nghiên cứu về bảo hiểm xã hội (BHXH), thực tế tốc độ già hóa dân số VN nhanh hơn so với dự báo. Nếu năm 2012 khoảng 11 người dân mới có một người cao tuổi trên 60 thì ước tính vào năm 2029, cứ sáu người dân đã có một người trên 60 tuổi; đến năm 2049, cứ bốn người dân có một người trên 60 tuổi.

Với tình trạng già hóa dân số nhanh ở VN đang đe dọa đến mất cân đối giữa nguồn quỹ BHXH và mức thụ hưởng BHXH. TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, chuyên gia đến từ Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại VN, cũng cảnh báo về nguy cơ dân số già là một thách thức đối với hệ thống an sinh xã hội của VN thời gian tới, trong đó có lương hưu.

Bên cạnh đó, hệ thống BHXH VN còn phải đối mặt với khó khăn đến từ số lượng người tham gia đóng BHXH. Theo bà Hương, tuy số lượng tham gia đóng BHXH tăng nhưng diện bao phủ của BHXH vẫn ở mức thấp, mới đạt khoảng 22% số người trong độ tuổi lao động. Đối với diện bắt buộc phải đóng BHXH cũng mới chỉ có hơn 70% tham gia.

Còn bà Trần Thị Thúy Nga, vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Bộ LĐ-TB&XH, cho hay số người tham gia BHXH tự nguyện đang có xu hướng tăng khá nhanh, hiện đã có hơn 213.000 người tham gia, nhưng chủ yếu vẫn là đối tượng đã từng tham gia BHXH bắt buộc, tham gia đóng thêm tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu tối đa.

TS Nguyễn Nguyệt Nga, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), đánh giá: “Với các chính sách hiện tại với hệ thống hưu trí ở VN là không bền vững và phải cải cách từ bây giờ”.

Theo phân tích của TS Nga, “với chính sách hiện hành và không có cải cách, quỹ BHXH của VN không bền vững, vì theo tính toán của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) và WB nhất trí với kết quả tính toán này, quỹ BHXH sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2021 và sẽ cạn vốn năm 2034. Tính toán của BHXH VN cũng cho kết quả tương tự, từ đầu thập kỷ sau quỹ cũng bắt đầu mất cân đối”.

Cần sử dụng sổ BHXH điện tử

Đứng từ góc độ cơ quan xây dựng chính sách, bà Trần Thị Thúy Nga nhìn nhận: Hiện nay, việc mở rộng BHXH tự nguyện đến đối tượng lao động trong khu vực phi chính thức còn hạn chế do các thách thức về thu nhập của người lao động (thu nhập thấp, không ổn định), thiết kế của hệ thống an sinh xã hội và sự quan tâm, hiểu biết của người lao động về BHXH.

Một số chuyên gia cũng đồng ý với bà Thúy Nga, việc người lao động thiếu thông tin về điều kiện đóng BHXH tự nguyện, quyền lợi hưu trí là một nguyên nhân quan trọng khiến đối tượng lao động phi chính thức chưa tiếp cận rộng rãi với BHXH.

TS Nguyễn Nguyệt Nga đánh giá “những hướng sửa đổi đề xuất hiện nay của Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ là hợp lý, hứa hẹn tăng cường khả năng bền vững hệ thống BHXH nhưng một số biện pháp chưa đủ mạnh hoặc chưa đủ kịp thời để đảm bảo cân đối quỹ về lâu dài”.

“Cải cách BHXH luôn gặp phải thách thức. Nhưng nếu bây giờ không thực hiện cải cách từ từ thì trong tương lai sẽ phải áp dụng các biện pháp cải cách mạnh, có nguy cơ gặp phải phản ứng xã hội mạnh.

Các cải cách là rất cần thiết để tạo điều kiện mở rộng đối tượng ra cho 80% lực lượng lao động còn lại chưa được tham gia. Chỉ riêng thay đổi luật chưa đủ để đạt các mục tiêu trên. Cần có một lộ trình cải cách BHXH Việt Nam và chủ động thực hiện lộ trình đó”- bà Nga nhận định.

Trên cơ sở quan điểm không chỉ sửa luật là cải thiện được tương lai quỹ lương hưu, TS Nga kiến nghị cần tập trung cải cách hệ thống quản lý BHXH VN nhằm tăng hiệu quả hoạt động.

Năm yếu tố được xác định là quan trọng nhất trong một cơ quan BHXH hoạt động hiệu quả lần lượt là: quy trình nghiệp vụ, công nghệ, quản lý nhân sự, quản lý rủi ro và quản trị tổ chức.

Đánh giá về thực tế ở VN, TS Nguyễn Nguyệt Nga cho rằng khung chính sách và hướng cải cách BHXH của VN ngày càng rõ ràng nhưng triển khai vẫn là điểm kẹt đối với các chương trình cải cách.

Bà Nga khuyến nghị BHXH VN cần hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ, ví dụ như sử dụng sổ BHXH điện tử, cơ chế chi trả chế độ…, cần tái định hướng thể chế theo dịch vụ hướng tới khách hàng.

Đây là chủ đề được các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách tranh luận sôi nổi tại cuộc đối thoại chính sách với chủ đề “Hướng tới một hệ thống bảo hiểm xã hội dễ tiếp cận, minh bạch và bền vững” được tổ chức tại Hà Nội ngày 17-9.

Thu hút người lao động tham gia BHXH hưu trí tự nguyện

Hiện tại mới có hơn 22% số người trong độ tuổi lao động tham gia đóng BHXH hưu trí. Mục tiêu và kỳ vọng của chúng ta là đến năm 2020 có 50% tham gia.

Chúng tôi đánh giá đây là một thách thức áp lực lớn đối với những người hoạch định chính sách và thực hiện chính sách BHXH. Muốn đạt mục tiêu này, sẽ phải tập trung thu hút các đối tượng tham gia BHYT tự nguyện.

Nhằm thu hút người lao động phi chính thức tham gia đóng BHXH tự nguyện, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải thực hiện đồng thời các giải pháp về chính sách và tổ chức thực hiện.

Về chính sách, từ ngày 1-1-2016, sẽ không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện, hạ mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng (cho phù hợp với điều kiện của người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức thường có thu nhập không cao, không ổn định), linh hoạt trong phương thức đóng (không quy định cứng đóng theo tháng, ba tháng, sáu tháng mà có thể một năm đóng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm) và hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách nhà nước.

Bà TRẦN THỊ THÚY NGA (vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH)

Theo tuổi trẻ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề