Người Việt và hàng “Made in Việt Nam”: Ngẫm từ chiếc “túi cám cò”

Những ngày qua, nhiều người Việt Nam đã không khỏi ngỡ ngàng và băn khoăn khi nhìn thấy hình ảnh người dân Nhật Bản đeo những chiếc túi làm từ bao bì cám cò của Việt Nam ở khắp các con phố hay tàu điện ngầm như một kiểu túi xách thời trang phổ biến.

Túi bản sắc Việt do người Nhật, Mỹ thiết kế

Những chiếc túi làm vải bạt, in những hình thù kèm theo dòng chữ rất quen thuộc với người Việt như “Thức ăn cho heo”, “Thức ăn hỗn hợp dạng viên”, “Vịt siêu trứng”, “Heo ham ăn, lớn nhanh, nặng ký”, “Thức ăn cho cá basa, cá tra”….được bán với giá trung bình khoảng 400 ngàn – 800 ngàn đồng. Thậm chí có chiếc còn được rao bán trên Amazon.com với giá hàng triệu đồng.

Dù còn được xem là khá mới lạ ở Việt Nam, nhưng thực tế các mẫu túi xách độc đáo này đã có mặt tại thị trường Nhật ít nhất là 3 năm nay. Kiểu túi thân thiện với môi trường, nhẹ, bền dễ sử dụng với các họa tiết độc đáo được người Nhật, nhất là giới trẻ khá ưa chuộng.

Điều đáng chú ý hơn là những chiếc túi này phần lớn lại do người nước ngoài thiết kế và mang nhiều nhãn mác khác nhau.

Dạo qua các trang mạng hiện đang bán loại túi xách này, có thể nhận thấy một số nhãn mác nổi bật như Blue Dragon hay Tuantuan…

Mặc dù có cái tên rất “Tây” nhưng Blue Dragon lại là một trong những nhà cung cấp trực tiếp dòng túi này sang thị trường Nhật có trụ nguồn gốc từ Việt Nam. Xưởng sản xuất này được đặt trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 TP.HCM do ông Bình Hoàng và vợ Lisa làm chủ.

Một số sản phẩm của Blue Dragon được rao bán trên trang mua bán trực tuyến của Nhật.

Là một người gốc Mỹ, nhưng sau khi kết hôn, bà Lisa đã quyết định ở lại Việt Nam và hơn 5 năm qua bà cùng chồng đã tập trung thiết kế và sản xuất các túi xách làm từ bao thức ăn gia súc. Những chiếc túi này do bà tự tay thiết kế, lên ý tưởng, còn ông Bình Hoàng là người trực tiếp chọn lựa chất liệu hoặc thẩm định sản phẩm.

Những chiếc túi đầu tiên được chào hàng ở những thị trường nước ngoài như: Nhật Bản, Lào, Mỹ, Canada,… và một số nước châu Âu. Tuy nhiên, thành công nhất là tại thị trường Nhật. Những sản phẩm độc đáo này đã dần được người Nhật yêu thích và tin dùng khoảng 3 năm trở lại đây.

Nhận thấy, khả năng phát triển của loại túi xách độc đáo này, một số người Nhật cũng nhập khẩu bao bì tái chế từ Việt Nam để thiết kế và sản xuất những chiếc túi mới.

Cô Yuki chủ của nhãn hiệu túi xách làm từ bao bì thức ăn gia súc Tuantuan cũng bắt đầu phát triển dòng sản phẩm này từ hơn 1 năm nay. Cô không chỉ thực hiện những sản phẩm túi xách mà còn mở rộng ra nhiều sản phẩm khác như túi đựng ipad, ví, vỏ đựng điện thoại… Tất cả đều được làm từ bao bì tái chế nhập khẩu từ Việt Nam.

Một số sản phẩm được giới thiệu trên website tuantuan.jp.

Các sản phẩm “thuần Việt” của người phụ nữ Nhật Bản này được cô rao bán trên website Tuantuan.jp. Chữ “tuan” chính là lấy từ chữ Tuấn – một cái tên hay và phổ biến ở Việt Nam.

Người Nhật không chê, còn người Việt thì sao?

Văn hóa Nhật Bản là một trong những nền văn hóa đặc sắc nhất thế giới. Tại “đất nước mặt trời mọc” nét đẹp truyền thống lâu đời được dung hòa cùng với phong cách, lối sống hiện đại.

Giới trẻ Nhật Bản có những xu hướng thời trang đường phố khá phóng khoáng và độc lạ. Họ thích dùng các mặt hàng thủ công đơn giản, đồ tái chế và cởi mở với hàng hóa nước ngoài.

Với đức tính tiết kiệm, thói quen đi bộ nhiều và hay phải mang vác nên vật dụng tiện, nhẹ được người Nhật ưa chuộng. Họ không quan trọng việc chiếc túi này có nguồn gốc là gì mà chỉ quan tâm đến tính ứng dụng, sự hữu ích nhiều hơn là nguồn gốc của những chiếc túi.

Nhật Bản và đặc biệt là Tokyo là một trong những trung tâm thời trang ứng dụng lớn của thế giới. Mọi con đường, quán xá, nhà hàng nơi đây đều trở thành sàn diễn thời trang với mỗi cá nhân là một người mẫu có cá tính khác biệt và nét đặc trưng riêng.

Chính vì vậy, việc thịnh hành các sản phẩm độc lạ làm từ bao bì thức ăn gia súc như một túi thời trang không quá lạ lẫm trên đường phố đất nước hoa anh đào.

Chiếc túi làm từ bao bì thức ăn gia súc được nhiều người dân Nhật sử dụng khi ra đường. Ảnh: Phan Đức Thái/Infonet.

Quay trở lại câu chuyện tại Việt Nam, mặc dù một chiếc túi được làm tại Việt Nam, sử dụng chất liệu đặc trưng của Việt Nam, được chính người Việt Nam thực hiện nhưng suốt nhiều năm nay người Việt vẫn không hề biết, chỉ đến khi nó trở nên phổ biến ở nước ngoài thì nhiều người mới chú ý.

Chính ông Bình và vợ, những người đã làm ra những chiếc túi “Made in Vietnam” này giải thích rằng, đưa sản phẩm ra tiêu thụ ở thị trường Việt Nam không phải là điều họ không muốn làm, nhưng bởi vì nhiều người chưa hoặc không có nhu cầu và sở thích dùng những loại túi tái chế như thế này. Thậm chí, còn cho rằng đó một chiếc túi được làm từ bao cám bỏ đi, hôi hám và rẻ tiền nên không muốn dùng.

Trong khi đó, nhiều người nước ngoài lại luôn muốn tìm những sản phẩm mới, bền, sử dụng được lâu dài, nhất là các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, ông Bình và vợ vẫn hy vọng và mong muốn người Việt có thể hiểu và tiếp nhận những chiếc túi xách tái chế này.

Ở góc nhìn của một người trẻ, chị Lê Huyền (nhân viên văn phòng) cho rằng: “Tôi nghĩ túi cám con cò có ý tưởng khá độc đáo, vì là sản phẩm tái chế nên thân thiện với môi trường”.

“Nhưng điều mà tôi băn khoăn là giá thành của chiếc túi hơi đắt, nếu bán với giá 200 nghìn một chiếc (bằng một nửa giá bán ở thị trường Nhật hiện nay) thì hơi cao so với nguồn gốc xuất xứ của chiếc túi, đặt trong thực tế nhà sản xuất có sẵn nguồn nguyên liệu”, chị Huyền nói thêm.

Tuy nhiên, chị Huyền cho biết nếu chiếc túi được bán ở Việt Nam, chị sẽ mua thử một chiếc để dùng khi đi chợ. “Là nhân viên công sở, tôi không nghĩ chiếc túi này hợp với môi trường làm việc nên tôi sẽ không dùng khi đi làm”, chị Huyền khẳng định.

Thực tế, không phải người Việt quay lưng với hàng Việt, chỉ một bộ phận nhỏ người Việt thích dùng hàng hiệu do có thu nhập cao và tâm lý sính ngoại. Còn phần lớn người dân đều muốn tiêu dùng hàng trong nước sản xuất. Nhưng vấn đề chất lượng và giá cả vẫn là vấn đề muôn thủa người dân quan tâm.

Do đó, để người Việt có thể tin dùng hàng Việt nhiều hơn, trước hết cần hay đổi tư duy của nhà sản xuất trong việc cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nghiên cứu đưa ra mức giá phù hợp hơn với túi tiền của người tiêu dùng trong nước cũng như đổi mới và đẩy mạnh kênh phân phối nâng cao sức cạnh tranh và phát triển thị trường.

Theo Bizlive.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề