Người Việt Ukraina: Nhọc nhằn nghề bán cơm

Sau những ngày nghỉ đầu Năm Mới, bà con cộng đồng bắt đầu đi chợ để trở lại công việc kinh doanh của mình. Những bà con bán hàng và làm dịch vụ thì đi chợ khoảng 8-9 giờ sáng nhưng những người bán hàng cơm đã dậy từ 3 giờ sáng và tất bật với công việc chuẩn bị.

Vào sáng của ngày làm việc đầu tiên trong Năm Mới, chúng tôi quan sát thấy nhiều người Tây xếp hàng trước các quầy cơm Việt Nam để mua suất ăn. Trên thực đơn treo trước quầy phong phú các món: Cơm, mì, khoai tây, gà nấu gừng, thịt bò sốt vang, thịt lợn rim, trứng gà rán, bắp cải muối chua, cà rốt ngâm dấm chua… với giá rất phải chăng.

Chị Hoa – Bán hàng cơm hơn 10 năm cho biết:

“Mặc dù trong năm qua, đồng tiền mất giá nên giá cả thực phẩm cũng tăng theo nhưng chúng tôi không thể nâng giá lên được.

Khách hàng chủ yếu là người Tây đến chợ lấy hàng và những người Tây bán hàng ở chợ nên đồ ăn phải chế biến theo khẩu vị Tây.

Nhiều người rất thích gia vị Việt Nam nên đôi khi mua 4-5 suất mang về cho gia đình cùng ăn.

Trước kia suất ăn đặc biệt là 25 grivna đổi ra được 3 đô, bây giờ vẫn chỉ bán được 25 grivna tính theo đô chỉ có 1.4 thôi.

Những tháng chuyển mùa như tháng 4 hoặc tháng 8 khách đến chợ mua hàng đông nên công việc kinh doanh tốt nhưng khá vất vả.

Để duy trì quầy hàng phải có hai người. Một người đi bán, còn một người ở nhà chuẩn bị đồ ăn.

Để đồ ăn thơm ngon và nóng phải dậy sớm luộc mỳ, kho lại thit, luộc khoai tây…

Thịt bò cần phải tươi nên mỗi ngày có xe mang tới. Còn như thịt heo, thịt gà…mỗi tuần mua tại chợ Privos rồi để đông lạnh nấu cả tuần.

Người Tây hệ tiêu hóa kém và thích sạch sẽ nên phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quầy hàng và người bán lúc nào cũng sạch sẽ.”

Khi chúng tôi hỏi thu nhập một tháng thế nào, chị Hoa buồn bã cho biết: “Nghề này trước kia làm ăn được lắm, có người mua được nhà ở Hà Nội đấy. Bây giờ chủ yếu lấy công làm lãi thôi. Chi phí rất nhiều thứ, riêng chi tại chợ mỗi tháng khoảng 700-800 đô la chưa kể phí đi lại. Trước kia khi chúng tôi có tổ chức, mọi thủ tục giấy tờ do Ban quản lý chợ đứng ra lo thì tổng chi khoảng 100 đô. Nhiều bà con nghĩ thế là đắt nên kêu ca, kết quả Ban quản lý chợ để chúng tôi tự lo liệu thì bây giờ không những giảm đi mà chi phí tăng lên gấp 7-8 lần.”

Thấy tôi ngạc nhiên chị Hoa giải thích thêm: “Khi chúng tôi không có tổ chức, không có người đứng ra bảo vệ và đấu tranh quyền lợi của mình thì người Tây bắt đầu tăng giá lên từ từ. Ai cũng ngại đấu tranh vì không khéo bị bắt vào đồn, đồ ăn để đến trưa lại thiu thì mất cả vốn nên nhiều người ngại đấu tranh. Thậm chí có những chi phí đóng theo ngày, bây giờ họ thu theo tháng. Đầu tháng đã bắt chúng tôi nộp đủ rồi may mà vừa rồi BCH Hội có can thiệp nên cuối tháng chúng tôi mới phải nộp và được trừ những ngày nghỉ.”

Khi chúng tôi hỏi sao các chị không đoàn kết lại đấu tranh để giảm bớt chi phí thì chị Hoa thở dài: “Với cán bộ Hội có thể trình bày chứ người Tây họ sòng phẳng đến “dã man”. Nhiều tháng kinh doanh không được chúng tôi có trình bày để họ giảm bớt chi phí chút đỉnh nhưng họ trả lời lạnh lùng: Không làm được thì nghỉ đây không phải là nơi làm từ thiện. Người Tây đã quen rồi, “vòng kim cô” đã đặt lên đầu thì khó mà tháo ra được.”

Nghề bán hàng cơm xuất hiện tại chợ từ những năm 1998. Trước kia những người kinh doanh nghề này sống cùng kí túc xá với bà con cộng đồng nhưng sau này để tiện việc kinh doanh nên họ chuyển sang thuê những căn nhà riêng cạnh khu vực chợ. Công việc kinh doanh khá vất vả nhưng thu nhập hiện nay cũng chỉ tạm ổn vì chi phí khá cao.

Lê Hiếu (theo Người Việt Odessa)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề