Người trung tá quân đội Sài Gòn phản chiến năm 1972

Sư đoàn 324 là đơn vị chủ yếu đánh chiếm căn cứ Caroll, Tư lệnh trưởng sư đoàn lúc đó là đại tá Hoàng Đan. Trung đoàn 38, pháo binh dự bị chiến lược của Bộ, Trung đoàn trưởng lúc đó là trung tá Nguyễn Cao Sơn.

Tôi người may mắn tiếp nhận nguyện vọng và chứng kiến việc làm đó của Trung tá quân đội Sài Gòn, anh Phạm Văn Đính; tôi muốn cung cấp một số chi tiết về sự kiện trên, ghi lại mấy nét hào hùng của mùa xuân năm 1972, quân dân ta giải phóng Quảng Trị và hành động chính xác kịp thời để cứu mình, cứu đồng đội, lập công theo chính nghĩa của một trung tá quân đội Sài Gòn lúc bấy giờ.

Hồi đó tôi là giáo viên Trường Sĩ quan Pháo binh được phái đi phục vụ cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Tôi được đi cùng trung đoàn pháo binh 38, chi viện cho sư đoàn 324, tấn công ở hướng chủ yếu, theo đường số 9 từ hướng Tây xuống Đông Hà. Mục tiêu đầu tiên là cụm điểm tựa kiên cố do trung đoàn 56, sư đoàn 3 đóng giữ. Cụm cứ điểm gồm có căn cứ Caroll là căn cứ chỉ huy của trung đoàn và là căn cứ hỏa lực của pháo binh, vòng ngoài có các căn cứ 241; 241 cũng như Đầu Mầu, Ba Hồ, Động Toàn là tên các điểm cao, các căn cứ đó được ghi trên bản đồ.

Cà Roòn (Caroll theo tiếng gọi dân gian) là căn cứ pháo binh có hỏa lực ghê gớm án ngữ tây Quảng Trị, 18 khẩu 155ly mỗi đầu đạn nặng gần 50kg, đặc biệt ở đây có 4 khẩu 175ly tự hành tối tân trong số 08 khẩu Mỹ vừa mới trang bị cho quân đội ngụy để “Việt Nam hóa chiến tranh”. Pháo này dùng loại đạn tăng tầm có thể bắn xa trên 40km. Đại đội 4 khẩu 175ly ở đây được mệnh danh “Vua chiến trường”, đại đội kia được gọi là “Thần sấm sét”.

Trước cuộc tiến công xuân 1972 của ta, tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu lên tận Cà Roòn trực tiếp động viên khích lệ binh sĩ.

Mùa xuân là mùa chiến dịch của ta, theo cách phòng ngự từ xa, địch chốt giữ những điểm cao quanh căn cứ để phát hiện sớm lực lượng ta, do đó việc đặt đài quan sát chỉ huy pháo binh rất khó khăn. Để giữ bí mật, đến gần giờ nổ súng sư đoàn mới cho đánh chiếm điểm cao Không tên để bố trí đài quan sát chỉ huy pháo binh. Tôi đi cùng bộ phận đài quan sát nên được chia xẻ với anh em chĩu đựng hỏa lực pháo binh của căn cứ 241 chụp lên mổm đồi Không tên ta vừa chiếm được. Hơn một tiếng đồng hồ chịu đựng tiếng đạn đại bác rời xèo xèo quanh mình như những nhát dao cứa vào dây thần kinh, đợi giờ nổ súng, không thể bắn trả được.

1

– Bão táp! Bão táp! Bão táp! Chiến sĩ thông tin VTĐ (vô tuyến điện) reo lên

Những vệt pháo hiệu xanh đỏ vút lên không trung.

Khẩu lệnh pháo binh nổ súng, tín hiệu mở màn chiến dịch đã phát ra!

– Bão táp! Bão táp! Bão táp!

Phía sau lưng chúng tôi từng hồi đại bác của ta dồn dập như trống hội. Trái phá xé không khi rú trên không trung như những đàn chim sắt lao lên xung trận. các mục tiêu chìm trong ánh chớp, khói bụi và tiếng nổ rung chuyển núi rừng.

Các căn cứ chết lặng đi…

Mấy ngày đầu, chiến đấu thuận buồm xuôi gió như cuộc diễn tập. Điểm tựa tiền tiêu Đầu Mầu bị xóa sổ, ban đêm đặc công đánh chiếm Ba Hồ không khó khăn lắm. Đánh Động Toàn quân dân ta vấp phải hỏa lực pháo binh dày đặc của căn cứ 241.

Chúng tôi quan sát, điều chỉnh pháo cho các ánh chớp các đụn khói tập trung vào các trận địa pháo ở 241. Không còn bức tường lửa ngăn chặn, bộ binh ta nhanh chóng làm chủ Động Toàn.

Đồng chí Trung đoàn phó pháo binh chỉ huy ở đài quan sát lên Sở chỉ huy Sư đoàn họp, ủy nhiệm cho tôi thay thế tiếp tục thực hiện kế hoạch hỏa lực.

Hôm nay nhiệm vụ chính của hỏa lực pháo binh là chi viện cho bộ binh đánh chiếm căn cứ 241 (carroll). Đợt bắn mãnh liệt vào sở chỉ huy, trận địa pháo, khu trung tâm thông tin đã xong. Chúng tôi thực hiện giai đoạn bắn gọi là giám thị nhằm kiềm chế không cho các trận địa pháo hoạt động, duy trì sự hiện diện liên tục của hỏa lực làm cho tinh thần địch suy sụp, không để địch có điều kiện hồi phục và ngăn cản chúng theo dõi hành động bao vây áp sát của chúng ta.

Lúc này căn cứ pháo 241 hoàn toàn bị tê liệt không phản ứng được chút gì. Địch chỉ còn cách phá rối liên lạc vô tuyến điện của pháo binh ta. Khẩu lệnh ta hô từ đài quan sát xuống trện địa chúng làm cho sai lạc đi, ta hô tăng chúng hô giảm, ta hô sang phải chúng hô sang trái v.v… và chúng tạo tiếng ồn ào làm nhiễu loạn trong vô tuyến điện. May mà anh em chiến sĩ ở đài quan sát toàn là dân đại học đi nghĩa vụ, các em rất thông minh, sáng tạo, khắc phục được mọi sự cố kỹ thuật và rất dũng cảm, không kể bom đạn mỗi khi phải đưa máy lên khỏi công sự để dễ nhận tín hiệu hơn.
Một chiến sĩ VTĐ báo cáo với tôi:

– Có một thằng nó yêu cầu gặp thủ trưởng.

– Nó phá rối đấy chứ gặp gì, mặc kệ nó.

Một lát sau chiến sĩ lại báo cáo:

– Thắng đó xưng là trung tá chỉ huy trưởng xin gặp Sao Hôm

Sao Hôm là mật danh đài quan sát chỉ huy. Theo cách xưng hô tôi đoán có lẽ là một viên sĩ quan, tôi cầm máy:

– A lô! Tôi là Sao Hôm đây! Các anh gặp có việc gì.

– Tôi, trung tá Phạm Văn Đính, chỉ huy trưởng trung đoàn 56 xin được gặp cấp chỉ huy cao nhất. Xin ông cho biết danh tính cấp bậc.

Nghe câu nói đó tôi nghĩ anh này chắc được huấn luyện rất chính qui từ bên Mỹ. Riêng tôi, chưa từng dự kiến đối thoại với địch nên lúng túng không biết xưng hô thế nào.

3

– Chúng tôi không có thói quen xưng hô tên tuổi cấp bậc với đối phương trong lúc tác chiến, anh gọi tôi là Sao Hôm là được rồi. Tôi không phải là cấp chỉ huy cao nhất nhưng có thể trả lời những gì anh cần hỏi, nếu quá quyền hạn tôi sẽ chuyển đạt lên cấp trên.

– Tôi đề nghị các ông dừng hỏa lực trong 1 giờ, chúng tôi muốn thương lượng.

Tôi dùng điện thoại báo cáo lên cấp trên, sư đoàn điện xuống “Anh có thể gọi họ là ông, anh bảo nó đầu hàng đi chứ còn thương lượng gì”.

Tôi trả lời cho viên trung tá chỉ huy trưởng:

– Tôi nghĩ đề nghị của ông không thích hợp, các ông đã mất Đầu Mầu, Ba Hồ, Động Toàn rồi. Lữ đoàn thiết giáp lên giải vây cho các ông đã bị đánh tan, chạy lui rồi. Đông Hà cũng sắp mất. Chắc ông cũng đã nghe tiếng súng máy gần kề rồi. các ông hạ vũ khí ngừng chiến đấu là tốt nhất. các ông nên đầu hàng đi.

– Có đầu hàng cũng cần thảo luận các điều kiện chứ!

– Không cần thảo luận đâu. Ông có biết chính sách 10 điểm của Mặt trận Giải phóng Miền Nam không?

– Tôi có biết

– Chúng tôi chấp hành đầy đủ chính sách 10 điểm đó.

– Nhưng tôi cũng cần triệu tập các sĩ quan dưới quyền, họ chỉ huy từng bộ phận rải rác khắp nơi và cần thời gian để họp.

Cấp trên vẫn theo dõi cuộc nói chuyện trên VTĐ của tôi, lúc này gọi xuống hướng dẫn cho tôi một số thủ tục.

Tôi nói với trung tá Đính:

– Vậy thì tôi đồng ý ngừng hỏa lực trong 1 giờ như yêu cầu của ông. Còn yêu cầu của chúng tôi là ông cho kéo cờ trắng lên cột cờ trung tâm căn cứ trước khi ngừng hỏa lực. sau khi ngừng hỏa lục được 30 phút, một nửa số quân của ông phải ra khỏi công sự, lên mặt đất, không mang vũ khí.

– Tôi thỏa thuận và đề nghị ông dừng hỏa lực, ông cho treo cờ đi.

Qua ống nhòm chúng tôi thấy có 1 người lính trèo lên nóc lô cốt phía Tây phủ lên đó một tấm vải trắng rồi vội vàng tụt xuống hầm.

Một lát trung tá Đính gọi tôi:

– Ông đã thấy cờ trắng trên cột cờ chưa?

– Tôi thấy không có, nhưng có một binh sĩ phủ tấm vải trắng lên nóc lô cốt phía Tây.
Im lặng một lát, tôi nghĩ chắc là người lính quá sợ không dám rời xa công sự chạy ra cột cờ, còn chỗ ông Đính thì không thấy được cột cờ chứ không có sự gian dối gì.

– Thế cũng được. Bây giờ chúng ta bắt đầu thực hiện ngừng hỏa lực và thực hiện các việc trong lúc ngừng hỏa lực.
Tôi và trung tá Đính thống nhất đồng hồ, xác định thời điểm bắt đầu ngừng hỏa lực và thời điểm hết hạn ngừng hỏa lực theo giờ Hà Nội và giờ Sài Gòn. Sau đó không lâu trung tá Đính báo cáo cho tôi là thuộc hạ ông cũng đồng tình hạ vũ khí về với Chính phủ Cách mạng.

Theo sự hướng dẫn của trên, tôi thống nhất với ông Đính, bên ông cử một phái đoàn gồm một sĩ quan cấp đại úy đi cùng 2 người cầm cờ trắng đi ra cổng hướng Đầu Mầu, ở đó có đại diện của ta đón tiếp. Tôi chuyển lời cấp trên cho ông Đính rằng nếu ông bắt được 2 cố vấn Mỹ của căn cứ cùng theo thì sẽ được trọng thưởng. Ông Đính nói họ tình nguyện đi theo ông.

Binh sĩ căn cứ 241 lần lượt lên khỏi công sự, ban đầu còn lẻ tẻ dè dặt nhưng rồi mỗi lúc một nhiều và không khí trở nên nhộn nhịp nô nức.

Đột ngột trinh sát hướng Đông báo về đài chỉ huy, có 2 trực thăng bay rất thấp từ hướng Đông lên. Hàng trăm con người đã bộc lộ trên mặt đất, không thể vì 2 tên Mỹ mà trút pháo xuống căn cứ được, chúng bay thoát.

Binh sĩ của căn cứ được hướng dẫn đi về nơi qui định, tuy không bắt buộc nhưng mỗi người đều tạo ra một lá cờ trắng cầm tay.

Sau khi binh sĩ ra khỏi căn cứ, trung tá Đính chào từ biệt tôi. Trước khi cắt liên lạc VTĐ trung tá cẩn thận nhắc “Tôi đã ra khỏi hầm chỉ huy, ông hãy lệnh cho pháo thủ ra khỏi pháo”.

Ở trên tôi đã kể rằng khi hỏi anh Đính có biết chính sách 10 điểm của mặt trận không, anh trả lời không chút ngập ngừng, tôi có biết. Chắc người sĩ quan này hẳn từng nghĩ suy về cuộc kháng chiến của dân tộc và lương tâm từng trăn trở. Khi nói chuyện trên VTĐ anh Đính cho biết cha anh người Quảng Ngãi. Từ ngày khởi nghĩa đến cuối năm 1954, chín năm ấy Quảng Ngãi sống dưới chính thể Dân Chủ Cộng hòa. Trung tá Đính quyết định không chống cự lại quân giải phóng không chỉ vì áp lực quân sự lúc bấy giờ mà ý định đó phải chăng nảy mầm từ trước nữa. Quân đội nhân dân ta thấu hiểu điều đó và đánh giá cao tấm gương cho các sĩ quan trong hang ngũ quân đội Sài Gòn lúc bấy giờ.

Facebook: Mặt trận Thanh niên chống phản động


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề