Ngày Tết của người Nga

Người có công đưa nước Nga “hội nhập” với thế giới phương Tây trong đó có việc đón Tết dương lịch, chính là vua Piot Đại đế- vị vua nổi tiếng anh minh trong lịch sử nước Nga.

Người Nga có câu “phi tuyết bất thành Tết”. Năm nay có lẽ do hậu quả của biến đổi khí hậu hay sao mà Tết dương lịch đã cận kề nhưng ở khu vực thủ đô Moscow vẫn chẳng thấy tuyết? Theo thống kê của các nhà khí tượng học, hiện tượng này là chưa từng có trong cả trăm năm qua.

Ở các nước phương Tây, thông thường lễ Giáng sinh được tổ chức tưng bừng với nhiều quà cáp hơn ngày lễ năm mới. Còn ở Nga, vì lễ Giáng sinh được tổ chức theo lịch Julian (vào ngày 6/1) nên ngày lễ năm mới (Tết dương lịch) mới là ngày lễ của dạo chơi, ăn uống và tặng quà…

Nhân nói về Tết dương lịch, chúng ta thử tìm hiểu xem người Nga bắt đầu đón Tết (31/12-1/1) từ khi nào và như thế nào?

Thực ra người có công đưa nước Nga “hội nhập” với thế giới phương Tây trong đó có việc đón Tết dương lịch, chính là vua Piot Đại đế- vị vua nổi tiếng anh minh trong lịch sử nước Nga. Từ năm 1697-1698 ông đã đi khắp châu Âu để học hỏi kinh nghiệm và khi quyết định những vấn đề lớn ông đều tham khảo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài. Vì vậy dưới sự trị vì của ông, kinh tế rất phát triển, nghị viện được thành lập, lực lượng hải quân ra đời. Nước Nga trở thành một đế chế hùng mạnh khắp thế giới thời đó.

Trước năm 1700, nước Nga đón Tết vào ngày 1/9 và gọi là lễ Mùa thu. Tuy nhiên Sa hoàng (Piot Đại đế) muốn nước Nga cũng giống như các quốc gia láng giềng châu Âu, nên ông đã cho ban hành sắc lệnh chuyển việc đón năm mới từ 1/9 sang ngày 1/1 hàng năm. Và để giữ gìn truyền thống, ông cho duy trì lịch Julian, tức là ngày lễ Giáng sinh và năm mới nước Nga đón chậm hơn các nước châu Âu 13 ngày. Và thay vì ăn chay sau lễ Giáng sinh như trước đó thì tiệc mừng năm mới sẽ được tổ chức linh đình. Đêm ngày 31/12 sang rạng sáng 1/1/1700 nước Nga lần đầu tiên tổ chức lễ đón năm mới bằng cuộc diễu binh và đốt pháo hoa tưng bừng tại Moscow (lúc đó thủ đô còn chưa dời về Sankt Peterburg).

Từ năm 1704 trở đi đón lễ mùa đông- năm mới vẫn được tổ chức rầm rộ tại Sankt Peterburg. Đầu tiên là các cuộc đi dạo trong các trang phục hóa trang và chính đức vua cũng tham gia nhiệt tình cùng dòng người vui vẻ đó. Việc đi dạo và nhảy múa trong các trang phục giả trang là bắt buộc. Ai giả ốm mà bị phát hiện sẽ bị phạt phải uống một hơi hết 1 vại vodka. Sau đi dạo, nhảy múa là ăn uống tại nhà. Riêng tại Hoàng cung, khoảng 80-100 người sẽ quy tụ quanh Sa hoàng. Cửa ra vào bị khóa trái. Tất cả mọi người phải ở lại đây để ăn uống vui vẻ trong 3 ngày. Uống đến “bò lê bò càng” mới thôi. Việc đón lễ mùa đông- năm mới không phải đã nhanh chóng được xã hội tiếp nhận. Tuy nhiên do đức vua sử dụng hình phạt nặng đối với những người “hoài cổ” còn lén lút tổ chức Tết cũ (1/9), hơn nữa do đón Tết linh đình, vui vẻ thay cho ăn chay khắc khổ như trước đó nên tiệc mừng năm mới đã dần trở thành truyền thống của xã hội Nga.

Đầu thế kỷ 18, để trang hoàng đón năm mới tại các gia đình thường có 1 cành cây lộc, chưa phải là cây thông như hiện nay.

Đầu thế kỷ 18, để trang hoàng đón năm mới tại các gia đình thường có 1 cành cây lộc, chưa phải là cây thông như hiện nay.

Đầu thế kỷ 18, để trang hoàng đón năm mới tại các gia đình thường có 1 cành cây lộc (chưa phải là cây thông như hiện nay) có treo 3 thứ bắt buộc mang nhiều ý nghĩa. Đó là quả táo- biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở, các loại hạt dẻ- biểu tượng cho sự linh thiêng thần thánh và trứng- biểu tượng cho sự thăng tiến, hài hòa và no đủ.

Sang đến đời nữ hoàng Elizavet I (giữa thế kỷ 18), bà rất coi trọng việc tổ chức lễ hội mừng năm mới. Ngày 2/1/1751, tờ báo “St Peterburg Vedomosti” đã mô tả có 15000 người tham gia lễ hội giả trang mừng năm mới trong khuôn viên Hoàng cung.

Còn nữ hoàng Ekaterina thì lại rất coi trọng ăn uống. Những món ngon, cầu kỳ do các đầu bếp người Pháp biểu diễn được bà tôn vinh như là các món quà có ý nghĩa đón mừng năm mới.

Trước thế kỷ 19, rượu champagne bị người Nga coi như một loại nước của quỷ vì khi mở nút thì nổ tung và trào bọt… Theo truyền thuyết, sau khi đánh bại Napoleon, năm 1813 quân đội Nga- với tư cách kẻ thắng trận, tràn vào thành phố Reims (Pháp) đập phá các nhà máy sản xuất champagne “Veuve Clicquot” nổi tiếng. Sau 3 năm kể từ khi đã ngấm thứ “nước quỷ” này, Nga đã trở thành khách hàng lớn nhất của hãng rượu nổi tiếng này. Thời đó lượng sử dụng của người Nga còn lớn hơn của cả người Pháp. Và rượu champagne đã dần trở thành thứ đồ uống không thể thiếu trên bàn tiệc năm mới ở Nga. Từ giữa thế kỷ 19, cây thông năm mới đã bắt đầu chính thức được trang hoàng trong mỗi gia đình và đến cuối thế kỷ 19 thì nó cũng đã trở nên quen thuộc với ngay cả các gia đình ở nông thôn.

Năm 1918, bằng Sắc lệnh Lênin, Liên Xô (trong đó có nước Nga) chính thức chuyển sang dương lịch. Có nghĩa là năm mới bắt đầu như ở châu Âu, sớm hơn lịch cũ (Julian) 13 ngày. Sự thay đổi này bị phía nhà thờ phản đối quyết liệt vì nó có liên quan đến các ngày lễ Thánh mà cụ thể nhất là ngày lễ Giáng sinh (đêm 6 sáng ngày 7 dương lịch). Thời kỳ này cũng là thời kỳ mà nền kinh tế “khó khăn đủ đường”- lương thực thực phẩm được cung cấp theo tem phiếu. Đón năm mới gần như chẳng có gì, cây thông năm mới cũng dần đi vào quên lãng. Năm 1919 Liên Xô tuyên bố hủy bỏ việc tổ chức đón Giáng sinh và năm mới. Những ngày cuối năm và đầu năm chuyển thành ngày làm việc bình thường. Tuy nhiên trong mỗi gia đình, đón năm mới vẫn được tổ chức trong âm thầm và kín đáo. Nếu như trước kia, đón năm mới là đi dạo, là nhảy múa, là ăn uống… thì nay chỉ là những bữa tiệc nhỏ tiến hành trong lặng lẽ ở mỗi gia đình.

Sự tất yếu đã quay trở lại. Tháng 10/1935 chế độ tem phiếu bị hủy bỏ. Tết dương lịch chính thức được công nhận là ngày lễ. Và đến năm 1937, kỷ niệm 20 năm Cách mạng tháng Mười, lần đầu tiên Liên Xô tổ chức đón năm mới long trọng, rầm rộ và rực rỡ. Nhưng những năm chiến tranh thế giới thứ 2 lại bắt người Nga tạm quên đi việc tổ chức đón Tết. Rồi những năm kinh tế gặp khó khăn thời bao cấp cũng gây nên những xáo động trong đời sống thường nhật cũng như trong việc tổ chức Tết nhất của người dân Nga. Vào những ngày Tết, các chương trình TV là thứ đã “ngấm vào máu”. Đặc biệt là những năm 1980 khi Chủ tịch M.Gorbachyov ban bố lệnh cấm uống rượu bia. Các nguồn nguyên liệu để sản xuất ra các loại đồ uống này ví dụ như nho đều bị phá bỏ. Mong muốn của chính quyền là không được “mượn hơi nóng của cồn” để đón Tết và tổ chức các ngày lễ đã không được như kỳ vọng. Người dân tìm đủ cách như tự nấu rượu, mua các loại nước có cồn (nước hoa, cồn) để thỏa mãn mình.

Liên Xô tan rã. Năm 1991, B.Elxin lên làm Tổng thống. Sau 74 năm, nước Nga chính thức kỷ niệm và tổ chức lễ Giáng sinh. Ngày 7/1 hàng năm được coi là ngày nghỉ lễ. Tuy nhiên lễ Giáng sinh, với phần lớn người dân Nga đã dần bị quên lãng. Nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên dưới chế độ Xô Viết, không hiểu cả tâm linh lẫn thực tế về ngày lễ Giáng sinh. Mặc dù hàng chục năm qua, phía nhà Thờ (Đạo chính thống) Nga luôn cố gắng để người dân tham gia tổ chức mùa Giáng sinh đông đảo và rầm rộ như ở các nước phương Tây, tuy nhiên phần lớn người dân Nga cho đến thời điểm này vẫn coi những ngày Tết mới thực sự là ngày lễ chính của năm. Và có lẽ để dung hòa, khoảng mươi năm trở lại đây, người dân Nga được nghỉ Tết dương lịch từ ngày 1/1 đến hết ngày 9/1 hàng năm?


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề