Ngân hàng AIIB – chiến thắng lớn của Trung Quốc trước Mỹ và phương Tây

Các nhà lịch sử có thể sẽ coi tuần vừa rồi là cột mốc đánh dấu sự hoàn thiện của Trung Quốc với tư cách một siêu cường kinh tế đối đầu với phương Tây. Dù rất nhiều đồng minh thân thiết của Mỹ tham dự lễ thành lập ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) tại Bắc Kinh, sự thiếu vắng các đại biểu từ Mỹ và Nhật chỉ làm nổi lên tình trạng bị cô lập của họ. Về lâu về dài, hoài nghi của Mỹ về sự quản lý kém và thiếu bảo vệ có thể cuối cùng cũng đúng và AIIB có thể sẽ thất bại với sứ mệnh của mình. Tuy nhiên vào thời điểm này, có vẻ như Trung Quốc đang tận hưởng thành quả.

AIIB là một thành công lớn về ngoại giao và tính thuyết phục là không cần bàn cãi. Chỉ trong thời gian ngắn, ngân hàng này đã huy động được 2/3 vốn điều lệ. Phản ứng tích cực của cộng đồng quốc tế thậm chí còn vượt quá dự đoán cao ngất của Trung Quốc: mục tiêu đảm bảo 35 thành viên sáng lập, vậy mà không ít hơn 57 quốc gia đã đăng ký làm thành viên, gồm các đồng minh thân thiết của Mỹ như: Anh, Pháp, Đức. Thậm chí đối thủ láng giềng Ấn Độ cũng đã tham gia AIIB trong vai trò cổ đông lớn thứ hai, có lẽ nhằm đảm bảo cổ phần của mình cũng như giám sát vận hành của ngân hàng từ bên trong.

Sự hấp tấp khiến các lãnh đạo Châu Âu gạt đi những lo ngại của Mỹ và đến với Trung Quốc đã đánh dấu sự chuyển dịch của trung tâm kinh tế thế giới. Lễ thành lập dường như mang tính biểu tượng đánh dấu sự suy thoái của Châu Âu, trong khi không thể lay chuyển vị thế của Trung Quốc. Với thị trường nội địa lớn cùng với dự trữ ngoại hối 4.000 tỷ USD, đảm bảo Trung Quốc như một lực lượng khó vượt qua trong đầu tư và thương mại toàn cầu.

Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc, vốn thất vọng vì bị đặt ngoài việc ra quyết sách tại IMF và WB, đã đưa ra lý do thành lập các tổ chức như AIIB và dự án Con đường Tơ lụa mới. Với việc tăng trưởng kinh tế giảm cùng với khả năng lớn về xây dựng hạ tầng, Trung Quốc càng có động lực để đưa ra những siêu dự án. Gần 60 quốc gia đã được kêu gọi là đối tác tham gia xây dựng hệ thống đường sắt, đường bộ, đường ống dẫn dầu và hàng hải, mở ra cơ hội đầu tư về xây dựng hạ tầng và các lĩnh vực khác, cũng như tạo ra thị trường cho hàng hóa Trung Quốc.

Các nhà chỉ trích vốn sợ AIIB sẽ trở thành “Ngân hàng của Trung Quốc, do Trung Quốc và vì Trung Quốc” có thể đã quá lo ngại rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ thâu tóm tổ chức này, trong khi triển vọng lớn nhất cho sự thành công lại nằm ở việc theo đuổi các vấn đề đa phương. Mặc dù Trung Quốc khởi đầu với số vốn góp lớn nhất (26%) và có quyền phủ quyết, Trung Quốc vẫn cam kết cắt giảm tỷ lệ cổ phần khi các thành viên mới tham gia. Trung Quốc cũng trấn an lo ngại của phương Tây về tính minh bạch và khả năng quản lý bằng việc thuê các lãnh đạo về hưu để xây dựng các quy định và điều luật. Quan ngại về việc đẩy nhanh quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ đã bị dập tắt bởi quyết định tất cả các gia dịch được thực hiện bằng đồng USD. AIIB cũng cam kết không áp đặt điều kiện hay hạn chế gì đối với hàng hóa và dịch vụ từ bất kỳ nước nào.

Tuy nhiên, sự tham dự của các nước láng giềng cũng mang lại lợi ích lớn cho Trung Quốc. Bằng việc lôi kéo 57 nước tham gia AIIB, Trung Quốc trên thực tế đã chấp nhận họ là những đối tác trong việc cung cấp vốn cho kế hoạch địa chính trị lớn của mình. Các quốc gia như Ấn Độ, vốn hoài nghi “Một vành đai, một con đường” như một kế hoạch mở rộng tuy vậy có thể không chủ tâm hỗ trợ dự án thông qua vốn vay của AIIB. Họ sẽ sớm nhận ra rằng không có Vạn lý trường thành ngăn cách giữa các khoản vay để xây dựng đường bộ và đường sắt ở các nước láng giềng của Trung Quốc với việc làm sâu sắc hơn tham vọng địa chính trị của Trung Quốc.

Trí Lê (Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG / TIMES OF INDIA)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề