Nga sẽ phải trả giá nếu chạy đua “chiến hạm khủng” với phương Tây
Nguồn tin từ Tập đoàn đóng tàu Thống Nhất của Nga (USC) cho biết, nước này sẽ tự chế tạo tàu sân bay hạt nhân thay cho… Mistral, không giống với tuyên bố trước đây của giới CNQP.

Nga lại tung tin chế tạo tàu sân bay thay cho… Mistral

Tờ International Business Times, dẫn tuyên bố của Thư ký báo chí đại diện Tập đoàn đóng tàu Thống Nhất của Nga (USC) cho biết, nước này đang xúc tiến thiết kế chế tạo mẫu tàu sân bay mới, có thể trang bị cả hệ thống động cơ thông thường và động cơ hạt nhân.

Báo lưu ý rằng ngay từ hồi tháng 5, trước khi xảy ra sự cố về hợp đồng với Pháp, điện Kremlin đã công bố kế hoạch xây dựng những chiến hạm khủng của mình, bao gồm cả tàu sân bay trực thăng và tàu sân bay chở chiến đấu cơ phản lực.

Theo các chuyên gia quân sự Nga, tất cả những lớp chiến hạm này đều có tính năng vượt trội tàu đổ bộ trực thăng Mistral của Pháp, ví dụ như tàu sân bay thế hệ mới và tàu đổ bộ trực thăng lớp Lavina.

Tuy nhiên, việc mang tàu sân bay chở chiến đấu cơ phản lực ra so sánh với tàu sân bay trực thăng thì hơi khập khiễng.

Tàu sân bay duy nhất của Nga mang tên Đô đốc Kuznetsov

Tàu sân bay duy nhất của Nga mang tên Đô đốc Kuznetsov

Theo lời vị Thư ký của USC, dự án tàu sân bay tương lai của Nga đang ở giai đoạn tiền thiết kế. Dự kiến bản vẽ chi tiết của nó sẽ nhanh chóng được công bố trong thời gian tới.

Ông nhấn mạnh, dự án này sẽ do Phòng thiết kế Nevsky (Phòng Thiết kế Neva) đảm nhận. Theo định hướng ban đầu, những hàng không mẫu hạm đáp ứng yêu cầu của hải quân Nga sẽ được trang bị động cơ và trạm năng lượng điện hạt nhân.

Ông Sergey Vlasov – lãnh đạo Phòng thiết kế Nevsky nêu ý tưởng là mẫu tàu sân bay mới có thể thực hiện theo hai phiên bản.

Phương án đầu tiên dự tính trang bị module năng lượng hạt nhân, cho phép con tàu có lượng giãn nước 80.000 – 85.000 tấn, đủ sức tiếp nhận khoảng 70 máy bay. Kích thước và số lượng máy bay của nó sẽ gần bằng tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz của Mỹ.

Còn phiên bản tàu sân bay không có động cơ hạt nhân sẽ mang được khoảng 55 máy bay trên boong, với tổng trọng tải là 55.000 – 65.000 tấn, tương đương với tàu sân bay duy nhất của hải quân Nga hiện nay là chiếc Đô đốc Kuznetsov.

Theo thông tin từ Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga, cuộc thử nghiệm module hạt nhân dành cho tàu sân bay hạt nhân tương lai sẽ được tiến hành trên siêu khu trục hạm lớp Leader do Trung tâm khoa học quốc gia Krylov thiết kế.

Trong phần kết luận, International Business Times lưu ý rằng với những khó khăn hiện nay và tham vọng chế tạo quá nhiều chiến hạm khủng như khu trục hạm lớp Leader, tàu đổ bộ trực thăng lớp Lavina, Priboy… nên việc chế tạo tàu sân bay mới không thể hoàn thành trước năm 2030.

Thời gian qua, nhất là từ khi việc bàn giao 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral bị ngăn trở, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp đóng tàu Nga đã tung ra rất nhiều thiết kế mô hình, bản vẽ các tàu sân bay trực thăng và tàu sân bay chở chiến đấu cơ, khiến thông tin trở nên nhiễu loạn.

Mô hình tàu sân bay tương lai của Nga vẫn giữ nguyên thiết kế mũi vểnh, đường băng kiểu cầu bật

Mô hình tàu sân bay tương lai của Nga vẫn giữ nguyên thiết kế mũi vểnh, đường băng kiểu cầu bật

Loạn thông tin về hàng không mẫu hạm, tàu sân bay trực thăng Nga

Vừa qua, các viện thiết kế Nga đã tung ra hàng loạt ý tưởng thiết kế tàu đổ bộ trực thăng để thay thế cho 2 chiến hạm lớp Mistral không nhận được của Pháp. Tiêu biểu trong đó là 2 thiết kế mang tên Priboy và Lavina, với các kích cỡ khác nhau.

Cục Đồ án thiết kế Neva (PKB) đang bắt tay vào thiết kế tàu đổ bộ thế hệ mới thuộc lớp Priboy, bản phác thảo thiết kế tàu Priboy dưới dạng mô hình đã được giới thiệu tại diễn đàn quân sự Army 2015 ở Kubinka.

Theo giới thiệu, tàu đổ bộ mới sẽ có chiều dài 165 m, rộng 25 m, lượng giãn nước khoảng 14.000 tấn. Tàu có phạm vi hoạt động khoảng 6.000 hải lý với tốc độ hành trình 20 hải lý/h và thời gian làm nhiệm vụ liên tục trên biển là 60 ngày.

Priboy sẽ có khả năng mang theo 8 trực thăng Ka-27 và Ka-52K. Ngoài ra, tàu còn mang theo được 4 tàu đổ bộ cao tốc Dự án 11770M lớp Serna hoặc 2 tàu đổ bộ đệm khí Dự án 12061М lớp Murena cùng 500 lính thủy đánh bộ, khoảng 40 – 60 phương tiện cơ giới.

Thiết kế dạng bản vẽ của tàu đổ bộ trực thăng lớp Lavina

Thiết kế dạng bản vẽ của tàu đổ bộ trực thăng lớp Lavina

Theo hãng tin Nga RT, tàu đổ bộ trực thăng Lavina của Trung tâm khoa học quốc gia Krylov có lượng giãn nước đầy tải 24.000 tấn, lớn hơn Priboy những 10.000 tấn và nhỉnh hơn Mistral (giãn nước 21.300 tấn), tốc độ tối đa của Lavina sẽ là 22 hải lý/h (Mistral có tốc độ tối đa 19 hải lý/h).

Lavina có thể chở 16 trực thăng tấn công và trực thăng chống ngầm hạng nặng, khoảng 50 xe bọc thép và 6 tàu đổ bộ, bao gồm 2 tàu đổ bộ đệm khí và 4 tàu đổ bộ thông thường cao tốc. Trong khi đó, Mistral chỉ mang được tối đa 4 tàu đổ bộ đệm khí và cao tốc.

Về tàu sân bay, ngay từ năm ngoái hải quân Nga đã công bố dự định chế tạo siêu tàu sân bay hạt nhân lớn nhất thế giới, sánh ngang hàng không mẫu hạm tương lai của hải quân Mỹ thuộc lớp Gerald Ford, vượt tàu sân bay hiện đang sử dụng thuộc lớp Nimitz.

Các phương tiện truyền thông Nga cho biết, hiện Trung tâm nghiên cứu quốc gia Krylov đã bắt tay triển khai thiết kế, chế tạo tàu sân bay tương lai cho hải quân nước này.

Tuy nhiên chương trình hiện mới trong giai đoạn ban đầu, hoàn thiện mô hình thiết kế tàu sân bay trong phòng thí nghiệm.

Theo Tư lệnh hải quân Nga – Đô đốc Viktor Chirkov và Thiếu tướng Igor Kozhin – chỉ huy lực lượng không quân hải quân Nga, siêu hàng không mẫu hạm mới sẽ có lượng giãn nước trên 100.000 tấn, với khả năng chuyên chở 100 máy bay các loại (so với 90 của Nimitz).

Nga đã tung ra rất nhiều thiết kế thay thế tàu sân bay trực thăng lớp Mistral của Pháp
Nga đã tung ra rất nhiều thiết kế thay thế tàu sân bay trực thăng lớp Mistral của Pháp

Theo một số chuyên gia quân sự, hơn chục năm qua, các viện thiết kế và doanh nghiệp đóng tàu của Nga chưa chế tạo nổi một chiến hạm nào quá 10.000 tấn, thậm chí là 7.000 – 8.000 tấn.

Vì vậy, hiện nay kinh nghiệm đóng các chiến hạm hiện đại “hàng đầu thế giới”, có lượng giãn nước “khủng” của Nga gần như là con số không.

Do đó, hải quân Nga không nên chạy theo số lượng và ý tưởng quá cao siêu để chạy đua với phương Tây mà nên từ từ triển khai các dự án đóng tàu từ tầm trung đến cỡ lớn.

Đồng thời các viện thiết kế của Nga nên hợp sức lại để thiết kế một chiến hạm hạng nặng, với mục đích tập trung chất xám nhằm tìm ra thiết kế tối ưu.

Nếu Nga phát triển ồ ạt sẽ dẫn tới tình trạng số lượng nhiều nhưng không tinh, các thiết kế sẽ có những khiếm khuyết không thể giải quyết nổi chỉ với duy nhất một nhà thiết kế, sản xuất.

Khi đó, hải quân Nga chắc chắn sẽ lãnh đủ hậu quả từ những thiết kế “chạy đua” theo số lượng và độ lớn.

Theo Dailo


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề