Nga ít lợi thế trước Thổ Nhĩ Kỳ khi dùng đòn bẩy kinh tế và quân sự

Sau thời gian quan hệ nồng ấm không những giữa hai quốc gia Nga – Thổ Nhĩ Kỳ mà còn giữa hai nhà lãnh đạo cứng rắn có nhiều điểm tương đồng giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng Thống Tayyip Erdogan. Mối quan  hệ hiện tại trở nên căng thẳng và có thể nói là tồi tệ nhất kể từ sau thời Chiến tranh lạnh.

Trong lịch sử hai nước đã có nhiều cuộc chiến khốc liệt và  quan hệ hai nước đã “trục trặc” trong năm nay. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lên án Tổng thống Putin trong bài phát biểu tại Yerevan – Armenia khi sử dụng thuật ngữ “diệt chủng” có liên quan đến vụ giết hại 1,5 triệu người Armenia của Đế quốc Ottoman năm 1915, bất đồng về vấn đề Syria, về người Turkman…

Đỉnh điểm cho sự tồi tệ hiện nay kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẵn sàng hy sinh mối quan hệ nồng ấm với Nga trong khi thương mại hai nước đang được thúc đẩy? Các dự án tương lai giữa hai nước đã ký kết?…

Ông Putin khi can thiệp vào Syria đã tuyên bố tấn công Nhà nước Hồi giáo nhưng chủ yếu tấn công vào nhóm đối lập dưới sự bảo trợ của phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ, hành động này đã đặt ra một kỷ nguyên đe dọa đến mối quan hệ Nga – Thổ và Erdogan-Putin. Erdogan đã cay đắng chỉ trích các cuộc tấn công của không quân Nga, các vụ vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và tuyên bố rằng ông sẽ không gọi cho Putin nữa. Chiến dịch của Nga đang cản trở ưu tiêu hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ là buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi và tạo một vùng đệm tại biên giới của Syria với Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù thân thiết với Nga trên nhiều lĩnh vực, ông Erdogan đang nghiêng nhiều hơn về phía các đồng minh NATO, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với gánh nặng về quân sự, kinh tế và nhân đạo từ cuộc chiến Syria.

Từ khi cuộc chiến tại Syria nhen nhóm hơn 4 năm trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã hậu thuẫn cho các nhóm đối lập với tin tưởng rằng ông Assad sẽ nhanh chóng bị lật đổ. Tuy vậy, Ankara vẫn thất bại trong việc định hình các sự kiện tại quốc gia láng giềng.

Sau khi Nga tiến hành không kích tại Syria, tham vọng lâu nay của ông Erdogan trong việc thuyết phục các nước phương Tây thiết lập vùng an toàn tại bắc Syria dường như đã sụp đổ. Theo luật pháp quốc tế, vùng an toàn là khu vực trung lập, không có các chiến binh và dân thường được bảo đảm an toàn.

“Rõ ràng rằng, nếu một tháng trước, chúng ta bàn về vùng an toàn hoặc vùng cấm bay, thì đó có thể là ý kiến hay”, Marc Pierini, cựu đại sứ Liên minh châu Âu tại Thổ Nhĩ Kỳ, hiện là học giả của Carnegie Europe tại Bỉ nhận xét. “Nhưng vào lúc này thì tôi sẽ nói rằng việc đó là không thể”. Họ đã bất đồng quan điểm về Syria, Ukraina và bán đảo Crimean nhưng đã kiềm giữ để cho các tranh chấp không làm ảnh hưởng các mối quan hệ kinh tế thực chất của họ.

Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6-10 sau khi chiến đấu cơ Nga vi phạm không phận Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu “mối quan hệ tích cực của chúng tôi với Nga là điều ai cũng biết. Nhưng nếu Nga mất đi một người bạn như Thổ Nhỹ Kỳ, bên đã hợp tác với họ trong nhiều vấn đề, họ sẽ mất rất nhiều và họ nên biết điều đó”.

Tuy vậy, ngoài những cảnh báo thẳng thừng đó, dường như ông Erdogan sẽ không thể làm gì nhiều trước những hành động quân sự quyết liệt của Nga tại Syria. Người dân trong nước cũng không hài lòng khi Akaran để mặc các vụ vi phạm không phận, nhiều cử tri cho rằng Erdogan hèn nhát và làm xấu hổ dân tộc.

Ngày 16-10 Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nước này bắn rơi một phi cơ không người lái xâm phạm không phận gần biên giới với Syria bất chấp ba lần cảnh báo. Ngày 17-10 Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ ông Ahmet Davutoglu tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ không ngần ngại bắn hạ máy bay xâm phạm không phận nước này.  “Hôm qua, chúng tôi đã bắn hạ một máy bay không người lái. Nếu đó là một máy bay có người, chúng tôi vẫn sẽ hành động tương tự. Bất kỳ ai xâm phạm vào biên giới của chúng tôi, chúng tôi cũng đều cho họ câu trả lời cần thiết” –  ông Ahmet Davutoglu nói tại cuộc họp của Đảng AKP tại trung tâm thành phố miền trung Kayseri. Thổ Nhĩ Kỳ từng phàn nàn rằng chiến đấu cơ Nga xâm phạm không phận nước này dọc theo biên giới Syria hồi đầu tháng này.

Sự việc lên đến đỉnh điểm hôm 24-11, chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một chiếc Su-24 của Nga gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara nói rằng chiếc máy bay này đã vượt qua biên giới và ở trong không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong 17 giây.

Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống nước trước Nga khi đưa ra những tuyên bố như “Chúng tôi ước vụ việc không xảy ra, nhưng nó đã xảy ra. Tôi hy vọng sự cố này không lặp lại”, hay muốn hội đàm với Tổng thống Putin bên lề hội nghị khí hậu toàn cầu tổ chức tại Paris, hay không muốn leo thang căng thẳng. Tuy nhiên Ankara nhất quyết không xin lỗi Nga theo yêu cầu từ Moscow. Thậm chí Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 26-11 tuyên bố nước này sẽ tiếp tục bắn hạ máy bay nước ngoài xâm phạm không phận nước này trong tương lai. Bằng những tuyên bố trên có thể thấy rõ rằng Thổ Nhĩ Kỳ không muốn chiến tranh với Nga.

Mặc dù Nga ngay lập tức trả đũa và đưa ra những tuyên bố cứng rắn tuy nhiên Tổng thống Nga Putin tuyên bố  nước này không muốn đối đầu quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ.

Về tương quan quân sự

– Thổ Nhĩ Kỳ:

Theo tạp chí globalfirepower Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xếp thứ 10 trong 126 nước trên thế giới. Tổng số dân 81.619.392 người

Đầu năm 2015, quân số của Các lực lượng vũ trang nước này (không tính lực lượng dự bị) là 410.500 người. Ngân sách quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2014 đứng hàng thứ 15 trên thế giới – với 22,6 tỷ USD theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm SIPRI.

Tanks: 3,778. Xe bọc thép chiến đấu (AFVs): 7550. Pháo tự hành (SPGs): 1.013. Pháo kéo 697. Hệ thống rocket phóng loạt (MLRSs): 811. Tổng số máy bay: 1.020. Máy bay chiến đấu / đánh chặn: 223. Máy bay cường kích  223. Máy bay vận tải quân sự: 439. Máy bay huấn luyện: 276.  Máy bay trực thăng: 443.  Máy bay trực thăng tấn công: 59

Hải quân: Tàu khu trục: 16. Tàu hộ vệ: 8. Tàu ngầm: 13. Tàu tuần duyên: 50. Tàu thủy lôi: 32.

– Nga

Theo tạp chí globalfirepower Quân đội Nga xếp hạng 2 trong 126 nước trên thế giới. Ngân sách quốc phòng 97 tỷ USD.

Tổng dân số: 142.470.272

Tanks: 15.398. Xe bọc thép chiến đấu (AFVs): 31.298. Pháo tự hành (SPGs): 5972. Pháo kéo: 4,625. Hệ thống rocket phóng loạt (MLRSs): 3,793

Tổng số máy bay: 3429

Máy bay chiến đấu / đánh chặn: 769. Máy bay cường kích:  1.305. Máy bay vận tải quân sự: 1.083. Máy bay huấn luyện: 346. Máy bay trực thăng: 1.120. Máy bay trực thăng tấn công: 462.

Tổng sốn tàu 352. Tàu sân bay: 1 Tàu khinh hạm: 4. Tàu khu trục: 12

Tàu hộ vệ 74. Tàu ngầm: 55. Tàu tuần duyên 65. Tàu thủy lôi 34.

Map-Russia-Turkey

Rõ ràng tương quan lực lượng quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khá chênh lệch tuy nhiên nếu Nga muốn tấn công và dành chiến thắng trước Thổ sẽ phải huy động tổng lực, lục quân, không quân, hải quân với số quân lên đến hàng triệu binh lính.

Về lục quân do (xem bản đồ) hai nước không liền kề biên giới, bị ngăn cách bởi Gruzia và Biển Đen. Nếu Nga muốn dùng lục quân sẽ bằng máy bay đổ bộ, tàu đổ bộ nhưng điều này quá nguy hiểm, lượng quân huy động tương đối ít. Nga chỉ còn một cách là đưa quân vào Syria, mượn lãnh thổ Iran tuy nhiên Syria quá chật hẹp để tiến hành một cuộc chiến bí mật và bất ngờ hơn nữa tại đó đang là chiến trường việc Nga ồ ạt đổ quân vào để đánh Thổ là điều không thể. Về Iran lại càng không vì không một nước nào cho mượn lãnh thổ làm bàn đạp tiến hành chiến tranh với nước khác như vậy họ sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến ngoài ý muốn.

Vậy Nga chỉ còn hai cách bằng đường không và đường thủy. Về không quân hiện nay tên lửa Patriot được bố trí dày đặc quanh biên giới Thổ tiếp giáp với Syria. Nga sẽ không kích Thổ Nhĩ Kỳ bằng sử dụng các căn cứ tại Rostov – Nga. Căn cứ sân bay quân sự Latakia và căn cứ sân bay quân sự Shaayrat (sẽ được hoàn tất trong tương lai) tuy nhiên nếu Nga huy động không quân ở Syria sẽ cần đến lực lượng hậu cần, kỹ thuật viên duy tu bảo dưỡng máy bay, khí tài đông đảo điều này là quá sức đối với Nga. Nga sử dụng các căn cứ tại Rostov sẽ cần đến máy bay tiếp dầu. Nga cũng không thể một lúc huy động toàn bộ máy bay chiến đấu để tiến hành không kích và với tên lửa phòng không tiên tiến có độ chính xác cao các máy bay của Nga sẽ khó thoát khỏi lưới lửa phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu Nga dùng Hải quân để tấn công cũng là điều không thể vì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng eo biển Bosphorus khi đó  mọi hoạt động của Hạm đội Biển Đen của Nga trên Biển Đen và Địa Trung Hải cũng sẽ bị đóng băng. Theo đó, các tàu chiến của hạm đội này sẽ không thể đi lại tự do trên các vùng biển trong phạm vi hoạt động từ Biển Đen tới Địa Trung Hải và sẽ phải nằm im trong căn cứ.

Nga còn một cách khác để tấn công Thổ Nhĩ Kỳ bằng tên lửa hành trình bắn từ hạm đội Biển Đen và hạm độ Caspian. Tuy nhiên với số lượng có hạn, độ chuẩn xác bị đặt trong nghi vấn nên để gây thiệt hại lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ là điều không thể hơn nữa bản thân những tên lửa này có thể bị hệ thống tên lửa của Nato đánh chặn.

Cho  dù Nga tấn công bằng bất kỳ cách nào nhưng để đảm bảo chiến thắng phải dùng đến bộ binh, tuy nhiên với tổng số dân hơn 80 triệu đây là điều không tưởng đối với Nga. Nói chung về quân sự Nga không thể dành chiến thắng trước Thổ Nhĩ Kỳ khi họ không có lực lượng tác chiến xa ngoài biên giới. Trong cuộc chiến Chechen (mặc dù Nga đã nâng cấp và cải tổ kể từ đó) hay cuộc chiến với nước láng giềng Ukraina chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về lực lượng quân đội Nga khi Chechen trong lòng nước Nga và Ukraina sát biên giới Nga.

Nga dùng đòn kinh tế

Trong một chuyến thăm Moscow hồi tháng 9, ông Erdogan đã xuất hiện cùng ông Putin tại lễ khai trương một nhà thờ Hồi giáo lớn và ca ngợi Nga nỗ lực đóng góp vào hòa bình thế giới. Trong chuyến thăm đó, ông Erdogan cũng thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước. Ông cho biết thương mại song phương đã đạt 44 tỷ USD trong năm ngoái và mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là nâng con số đó lên 100 tỷ USD vào năm 2023.

– Thiệt hại từ phía Thổ Nhĩ Kỳ

Khi Nga đã phải đối mặt với lệnh cấm vận của Mỹ và EU họ đã mở cửa thị trường cho các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là ngành thực phẩm. Nga là nước đăng cai World Cup bóng đá 2018, đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho giải đấu  trong đó ưu tiên cho các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ.

Biện pháp trả đũa đầu tiên của ông Putin là cấm xe tải của Thổ Nhĩ Kỳ quá cảnh qua nước Nga để chở hàng xuất khẩu đến Kyrgyzstan, Kazakhstan, Tajikistan và Mông Cổ.

Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ tới Trung Đông và vùng Vịnh đã chạm đáy khi xe tải Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn đường vận chuyển vì các vụ xung đột ở Iraq và Syria. Hiện tại giá trị xuất khẩu hàng năm lên tới 2 tỷ USD sang Trung Á có nguy cơ bị đe dọa bởi các biện pháp trừng phạt từ Nga.

Một năm khoảng 4,5 triệu khách du lịch Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ với lệnh cấm vận từ Nga ngành du lịch nước này sẽ thất thu 3 tỷ USD. Gazprom đã từ chối yêu cầu cung cấp thêm 3 tỷ mét khối khí cho năm 2016.  Thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên giữa Nga và Thổ là hợp đồng lâu dài đòi hỏi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trả tiền cho lượng khí đốt đã ký kết nếu dừng nhập họ phải chịu một số tiền phạt vì vi phạm hợp đồng.

Thỏa thuận song phương về các nhà máy điện hạt nhân Akkuyu đã được ký kết và phê chuẩn của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết định dừng dự án hoặc chuyển cho nhà thầu khác việc đầu tiên phải triệu tập Quốc hội để bãi bỏ thỏa thuận. Nga cũng đang tài trợ cho việc xây dựng các nhà máy điện và công việc đã bắt đầu, nếu Thổ Nhĩ Kỳ phá bỏ sẽ phải bồi thường thiệt hại nặng và sẽ phải trả các khoản thanh toán hồi tố. Gazprom gia tăng biện pháp trừng phạt bằng tuyên bố sẽ có thể giảm một nửa năng lực của Turkish Stream trị giá 16 tỷ USD và có thể hoãn triển khai dự án trong một năm. Nga cũng cấm rau quả thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ.

– Thiệt hại đối với Nga

Tuy nhiên theo các nhà phân tích trong cuộc trả đũa cấm vận giữa hai bên Nga sẽ là bên thiệt hại nhiều hơn. Hiện nay lực lượng lao động Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga chủ yếu làm nghề xây dựng và với thời gian gấp rút để chuẩn bị cho giải bóng đá lớn Nga sẽ không dễ thay thế lực lượng này. Nga đang bị cấm vận nên ngoại tệ chủ yếu được thu về từ nguồn bán năng lượng, hiện Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng lớn thứ hai của Nga sau Đức nên việc cấm vận xuất khẩu khí đốt hoặc Thổ Nhĩ Kỳ mua với số lượng ít hơn sẽ gây thiệt hại cho Nga. Reuters dẫn lời nhà phân tích Mikhail Krutikhin thuộc hãng tư vấn RusEnergy nhận định: “Dừng dòng khí đốt sẽ là quyết định cực khó, bởi thị trường xuất khẩu của Nga không mở rộng mà đang bị thu hẹp. Việc đánh mất một thị trường lớn như Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là cực kỳ nhạy cảm đối với cả ngân sách chính phủ Nga và tập đoàn Gazprom”.

Nhìn vào cán cân thương mại, có thể thấy Nga sẽ thiệt hại lớn hơn Thổ Nhĩ Kỳ nếu chiến tranh thương mại thực sự nổ ra. Năm 2014, Nga xuất khẩu 25 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ sang Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu là khí đốt, kim loại và nông sản. Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga không lớn, chỉ vào khoảng 7 tỷ USD. Nhưng Nga mua từ Thổ Nhĩ Kỳ nhiều sản phẩm rất cần thiết đối với nền kinh tế nước này như máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng, hàng may mặc, thực phẩm… Hồi năm 2014, khi phương Tây cấm vận kinh tế Nga, Điện Kremlin trả đũa bằng cách tẩy chay rau quả, thực phẩm phương Tây. Hậu quả tức thời là giá thực phẩm tại Nga tăng vọt, ví dụ như thịt tăng 26%, cá 40%, gà 60%… Chỉ có người tiêu dùng Nga là phải chịu thiệt với tình trạng lạm phát leo thang. Giáo sư Tkachenko ước tính nếu cắt đứt quan hệ thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ, nền kinh tế Nga có thể tổn thất tới 30 tỷ USD cùng với một số ngành trọng yếu của Nga như năng lượng và máy móc sẽ chao đảo. Vấn đề quan trọng nhất là ở thời điểm này, sức khỏe kinh tế của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang giảm sút nghiêm trọng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính tăng trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ đạt 3,1% năm nay và 3,6% năm 2016, thua xa mức 9% của năm 2010 và 2011. Trong năm nay đồng lira sụt giá 20% so với đồng USD, khiến Ankara gặp khó khăn hơn trong việc trả món nợ nước ngoài 125 tỷ USD. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ lao đao vì hứng chịu các đòn trừng phạt của Nga. Nhưng Nga gặp nhiều khó khăn không kém.

Do phương Tây cấm vận và giá dầu suy giảm, GDP Nga sẽ sụt 3,8% trong năm nay và 0,6% vào năm 2016, theo dự báo của IMF. Hậu quả là sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc đang trở nên lớn hơn một cách đáng lo ngại. Sau một năm suy thoái, tăng trưởng kinh tế Nga khi đối mặt với những rắc rối mới từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ càng suy yếu thêm. Ở thời điểm này, Nga cần thêm bạn bè, đối tác thương mại chứ không phải là kẻ thù.

Thổ Nhĩ Kỳ hy sinh lợi ích từ Nga bằng việc bắn hạ Su-24 cũng là một mục đích. Cử tri sẽ ủng hộ chính quyền hơn, Nato cũng thở phào khi mối quan hệ nồng ấm Nga – Thổ coi như chấm dứt. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bớt đi một lượng ngân sách cho Quốc phòng khi các nước Nato sẽ đặt các khẩu đội tên lửa đánh chặn tại nước này, tăng sự hiện diện và bảo đảm an ninh cho họ. EU đã cấp 3 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ cho người tỵ nạn. Cánh cửa gia nhập EU sẽ mở rộng hơn.

Một điều rõ ràng là chính quyền Nga sẽ mất nhiều hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ nếu cả hai nước xảy ra chiến tranh thương mại qua hành động bắn rơi Su-24 của Nga.

Dương Chuyên


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề