Nga đang ‘bại trận’ trên thị trường vũ khí

Hàng loạt vũ khí Nga đang lần lượt bại trận trên trị trường buôn bán thế giới, điển hình là tại Ấn Độ.

Sau hàng loạt vấn đề rắc rối với Nga về các chi phí hỗ trợ bảo hành, giá cả và chất lượng vũ khí, gần đây Ấn Độ đã không ngần ngại tuyên bố công khai sẽ không trang bị cho tàu sân bay mới INS Vikramaditya của họ hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần (CIWS) Kashtan do Nga sản xuất, mà thay vào đó sẽ lựa chọn hệ thống từ Israel hoặc Pháp, báo cáo của tờ Strategy Page (Mỹ) cho hay.

Tàu sân bay mới INS Vikramaditya thực ra được Nga sửa chữa, đại tu và nâng cấp từ một tàu sân bay cũ thời Liên Xô để bán lại theo yêu cầu của Hải quân Ấn Độ. Tuy nhiên, con tàu lại không hề được trang bị một loại vũ khí phòng không hay phòng thủ tầm gần nào.

Trong khi đó, hệ thống Kashtan là một loại vũ khí phòng thủ tần gần, được Liên Xô/Nga đưa vào phục vụ từ năm 1989, Kashtan sử dụng 6 nòng pháo 30mm với tốc độ bắn cực nhanh để phá hủy các tên lửa chống hạm đang tới gần và bảo vệ tàu chiến.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Kashtan của Nga

Hệ thống phòng thủ tên lửa Kashtan của Nga

Tuy nhiên, Ấn Độ đã tỏ ra không hề hài lòng chút nào với các hoạt động chậm trễ kéo dài kèm theo chi phí liên tục tăng cao của phía Nga trong quá trình đại tu tàu sân bay này. Hơn thế, các hoạt động hỗ trợ trì trệ sau bán hàng đối với hàng loạt các hệ thống vũ khí khác từ Moscow đã khiến New Delhi phật ý và họ muốn chuyển hướng sang các nhà cung cấp vũ khí chất lượng và đáng tin cậy hơn như Pháp hay Israel.

Quân đội Ấn Độ hiện nay cũng đang sử dụng hệ thống tên lửa phòng không Barak 1 của Israel để chống lại các tên lửa chống hạm và họ đang xem xét khả năng mua thêm hệ thống tên lửa Barak 8 – vốn được thiết kế để đối phó với nhiều mối nguy hiểm trên không giống như: tên lửa hành trình chống tàu, máy bay có người lái và không người lái.

Các nguồn tin từ Quân đội Ấn Độ tiết lộ rằng, hệ thống vũ khí của Israel sản xuất đắt hơn so với đối tác Nga, tuy nhiên bù lại nó lại chất lượng và hiệu quả hơn nhiều. Thậm chí, việc hỗ trợ công nghệ và kỹ thuật từ Israel cũng tốt hơn hẳn so với các đề xuất của Nga.

Đạn tên lửa Barak 8 dài 4,5m, đường kính thân 0,54m và sải cánh 0,94m và trọng lượng 275kg với đầu nổ 60kg. Đạn được trang bị 2 tầng động cơ đẩy không ...

Đạn tên lửa Barak 8 dài 4,5m, đường kính thân 0,54m và sải cánh 0,94m và trọng lượng 275kg với đầu nổ 60kg. Đạn được trang bị 2 tầng động cơ đẩy không …

Bình luận: Các hoạt động mua sắm vũ khí gần đây của Ấn Độ đã cho thấy một thực tế rằng, Nga đang để mất dần đối tác mua vũ khí truyền thống và lớn nhất của họ trong vài năm gần đây. Ấn Độ đang dịch chuyển việc mua vũ khí sang các đối tác phương Tây như Mỹ, Israel, Pháp hoặc ở châu Á như Nhật Bản.

Trong các thương vụ đấu thầu cung cấp vũ khí gần nhất, hàng loạt các loại vũ khí được Nga cho là hiện đại nhất của họ lần lượt bại trận trên đất Ấn Độ, điển hình là trực thăng tấn công “Thợ săn đêm” Mi-28N thua AH-64D Apache của Mỹ, chiến đấu cơ đa năng thế hệ 4++ MiG-35 thua trước tiêm kích Rafale của Pháp, trực thăng vận tải khổng lồ Mi-26 thua trước CH-47F Chinook của Mỹ…

Ở một số thương vụ khác, Ấn Độ không đấu thầu nhưng họ cũng không chọn đối tác Nga để hợp tác, điển hình như mua máy bay C-130J và máy bay tuần tra chống ngầm “Thần biển cả” P-8I Poseidon của Mỹ hay thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản. Đó là chưa kể hàng loạt các thỏa thuận mua vũ khí nhỏ và vừa, New Delhi cũng không tìm đến Nga mà thay vào đó thường là Pháp hay Israel.

Có thể nói rằng, về công nghệ điện tử, vũ khí Nga hoàn toàn không có cửa trước Mỹ và phương Tây. Nhưng họ lại càng để “mất điểm” hơn nữa khi công việc chế tạo chậm trễ, kèm theo chi phí dội lên cao trong quá trình thực hiện hợp đồng, việc bảo trì bảo dưỡng và hỗ trợ sau bán hàng cũng không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Trong khi đó, đối với Ấn Độ, nước này lại đang rất cần mua công nghệ hiện đại để đổi mới quân đội của họ.

Cũng cần nhấn mạnh thêm về chất lượng của các hệ thống vũ khí Nga gần đây, điển hình là vụ hàng loạt chiến đấu cơ tiên tiến Su-30MKI bị lỗi hiển thị màn hình hiển thị LCD và màn hình hiển thị HUD khiến hơn 20 chiếc phải “nằm đất” hàng tháng trời, xe tăng chiến đấu T-90S mang tiếng là hiện đại nhưng lại không có điều hòa khi hoạt động trên sa mạc nóng bức.

Còn trong các cuộc chiến tranh như Iraq hay Libya, tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không của Liên Xô/Nga lần lượt “xịt ngòi” do bị tác chiến điện tử phương Tây vô hiệu. Tất nhiên, tất cả những dẫn chứng trên đều có lý do chủ quan và khách quan của nó.

Có lẽ, trên đây là những lý do chính để vũ khí Nga đang tự làm mất đi thị trường buôn bán của họ. Vì vậy, có thể khẳng định một tương lai báo trước rằng Moscow sẽ mất dần cơ hội cung cấp vũ khí của họ ra nước ngoài nếu như họ không cải thiện được tác phong làm việc như vậy.

PVD


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề