(bộ nhớ đệm: 22:34:26 18/04/2024)
Kygia
Năng suất thấp, đừng đổ lỗi cho người lao động

Đa phần người lao động làm việc với trang thiết bị công nghệ cũ kỹ, lạc hậu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến năng suất thấp. Ảnh: KỲ ANH

Hôm qua (2.11), QH dành trọn một ngày để thảo luận tại hội trường về kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016. Đại biểu QH Đỗ Mạnh Hùng – ảnh – (Thái Nguyên) đã thốt lên rằng “Đừng đổ lỗi cho người lao động!”, khi nhắc đến nguyên nhân khiến một trong 9 chỉ tiêu phát triển KTXH năm qua không đạt kế hoạch là năng suất LĐ thấp. Thay vì đổ lỗi cho NLĐ, ông đề nghị cần mổ xẻ những nguyên nhân khác.

3 nguyên nhân khiến năng suất LĐ thấp

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đã thốt lên như vậy, khi nhắc đến nguyên nhân khiến một trong 9 chỉ tiêu phát triển KTXH năm qua không đạt kế hoạch là năng suất LĐ. Thay vì đổ lỗi cho NLĐ, ông đề nghị cần mổ xẻ những nguyên nhân khác. “Vừa rồi có nhiều quan điểm đi tìm nguyên nhân từ phía NLĐ, nhất là tiền lương tối thiểu. Dường như năng suất LĐ thấp thì NLĐ phải chịu trách nhiệm? Do vậy mới đặt ra kế hoạch mức lương tối thiểu vùng năm tới không nên quá 10%? Tôi cho rằng không nên đổ lỗi hoàn toàn cho NLĐ! Hàng triệu LĐ ở các KCN vẫn cần mẫn làm việc, sẵn sàng làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập. Những con người như vậy lẽ nào là nguyên nhân chính của năng suất LĐ?” – ĐB Hùng nói.

Ba nguyên nhân chính dẫn đến năng suất LĐ thấp, theo ĐB này, đó là: Thiết bị công nghệ lạc hậu kéo theo chất lượng kém của nhiều DN, việc quản trị ở DN và quản trị xã hội ở địa phương còn nhiều yếu kém và tỉ lệ NLĐ có bằng cấp chứng chỉ thấp, chỉ đạt trên 20%. “Người VN có câu “Một người biết lo bằng cả kho biết làm” – ta còn quá ít người giỏi biết lo!” – ông nhận định. Với những nguyên nhân nói trên, ĐB Hùng đề nghị các DN dứt khoát chấm dứt tình trạng nhập khẩu thiết bị có công nghệ lạc hậu hoặc sắp lạc hậu, đồng thời đổi mới công nghệ trong nước, nâng cao hiệu quả quản trị của DN, đồng thời công khai minh bạch trong tuyển dụng nhân lực, đảm bảo tuyển đúng người, đúng việc, gắn với đào tạo nghề cho NLĐ.

Nông dân có thể có cơ hội hưởng lương?

Còn ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) lại dành toàn bộ phát biểu của mình để nói về chính sách tích tụ ruộng đất theo hướng có lợi cho cả DN và nông dân, thậm chí để nông dân có thể hưởng lương, hưởng bảo hiểm (BH) từ chủ trương này. Theo ông, thời gian qua, nhiều Cty nông nghiệp kỹ thuật cao đã sử dụng LĐ nông nghiệp có hợp đồng ngay tại nông thôn, được hưởng lương, đóng BH và sẽ có chế độ hưu. Nếu mô hình này xuất hiện nhiều hơn, nông nghiệp và nông thôn nước ta chắc chắn sẽ chuyển đổi căn bản. “Tại sao ta chủ trương dồn điền đổi thửa để có những cánh đồng lớn mà không cho phép tích tụ ruộng đất ở mức độ phù hợp để thúc đẩy sự hình thành những Cty nông nghiệp lớn và vừa? Trước đây ta chủ trương không tích tụ đất đai là để không tái sinh giai cấp địa chủ, nhưng đến giờ ai cũng biết địa chủ gắn liền với phát canh thu tô. Pháp luật VN đủ sức để vĩnh viễn xóa bỏ phương thức này! Và cho dù có tích tụ đất đai vẫn không làm giai cấp địa chủ đội mồ sống lại!” – ĐB Đáng nói.

Cho rằng nền nông nghiệp đang cần nhiều nhà đầu tư, theo ĐB Đáng, Chính phủ cần trải thảm đỏ thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vào phát triển nông nghiệp. Tư duy này muốn thành hiện thực trước hết cần có đột phá trong chính sách đất đai, nhất là vấn đề hạn điền. Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) nói: Tôi đề nghị QH và Chính phủ xem xét vì sao Đảng có chủ trương tích tụ đất đai nhưng chưa làm được mấy?

Tăng lương kiểu gì khi bộ máy quá cồng kềnh?

Liên quan đến chính sách tiền lương, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nhấn mạnh, hiện tại bộ máy ăn lương nhà nước đang quá lớn, vượt khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước. “T.Ư chủ trương tinh giản biên chế để đảm bảo đời sống cho NLĐ, nhưng tôi tin là không giảm được vì không biết… giảm ai!” – ông Nam thẳng thắn nói. Theo ĐB Lê Nam, để làm được điều này, Chính phủ cần sớm nghiên cứu những trăn trở về đổi mới ở các địa phương như sáp nhập các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Quảng Ninh, cổ phần hóa một số bệnh viện… Cũng theo ông, Nhà nước cần quan tâm hơn đến chế độ bảo hiểm y tế, các chính sách mới về học phí… chấm dứt kiểu bao cấp và nếu thay đổi được thì bộ máy cồng kềnh mới được giảm nhẹ, các chi tiêu cũng được cắt bớt và theo đó mới đảm bảo được chính sách tiền lương.

Trong khi đó, ĐB Tiên tỏ ý băn khoăn khi cho rằng, khá nhiều ĐBQH đề nghị tăng lương cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách, mà số này chỉ chiếm 4 triệu trong số 92 triệu dân. “Người không có lương thì họ kêu với ai trong khi nợ công tăng, ngân sách hụt thu, thống nhất tăng lương thì lấy đâu ra? Báo cáo của Chính phủ cho thấy 70% ngân sách bội chi là do tăng lương trong khi bộ máy chưa được cải thiện. Thực tế, cái đáng quan tâm là thu nhập của 30% số công chức T.Ư đến xã, cũng như người có công, hưu trí. 70% viên chức còn lại, nếu không có cải cách thì rất khó tăng lương!” – ĐB Tiên nói.

 Gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp

Viện Khoa học Lao động và Xã hội vừa công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam. Theo đó, trong quý II/2015, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, tỉ lệ thất nghiệp chung giảm 15.200 người so với quý I/2015. Trong đó, hơn 607.000 người không có chuyên môn kỹ thuật thất nghiệp, chiếm 53%, tăng gần 51.000 người so với 3 tháng đầu năm 2015. Đặc biệt, cả nước vẫn còn gần 200.000 người có trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp, chiếm 17,4%, tăng 22.000 người; hơn 101.000 lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp, tăng gần 1.000 người; lao động có trình độ trung cấp chuyên nghiệp thất nghiệp gần 118.000 người. Quý II/2015, ngoại trừ nhóm có trình độ cao đẳng có tỉ lệ thất nghiệp giảm so với quý I/2015, từ 7,13% xuống còn 6,56%, tỉ lệ thất nghiệp của các nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật khác đều tăng, cụ thể, nhóm có trình độ đại học trở lên tăng từ 3,92% lên 4,6%. Điều tra trên cả nước cũng cho thấy, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2015 là 2,43%, giảm nhẹ so với quý I/2015. Tỉ lệ thất nghiệp của nữ giảm từ 2,45% xuống 2,34%, trong khi tỉ lệ của nam tăng từ 2,42% lên 2,48%. Tỉ lệ thất nghiệp của thành thị tăng 0,1% trong khi tỉ lệ nông thôn giảm nhẹ 0,04%. 

Nguồn laodong.com.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề