Năm 2015 Việt Nam thu hút gần 23 tỉ đô la Mỹ vốn FDI

Kết thúc năm 2015, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết mới và vốn thực hiện của khối doanh nghiệp  khu vực này đều tăng so với năm ngoái, tuy nhiên mức tăng không cao.

Báo cáo cập nhật của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy tính từ đầu năm 2015 đến ngày 15-12, nguồn vốn FDI cam kết vào Việt Nam đạt 22,76 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,5% so với năm ngoái.

Trong số này, cả nước có được 2.013 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,58 tỉ đô la Mỹ, tăng 26,8% về số dự án và giảm 0,4% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng thời gian này có 814 lượt dự án FDI đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 7,18 tỉ đô la Mỹ. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 22,76 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,5% so với năm 2014.

Tuy nhiên kết quả này có thể sẽ thay đổi theo hướng cao hơn. Cụ thể như năm ngoái, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết tổng vốn FDI cam kết trong năm lên tới gần 22 tỉ đô la Mỹ, chứ không phải là 20,23 tỉ đô la Mỹ như con số ước tính đã công bố đến ngày 20-12.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, lĩnh vực bất động sản có 29 dự án đầu tư mới và 10 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,32 tỉ đô la Mỹ. Cơ quan này cho rằng, vốn FDI đăng ký trong lĩnh vực bất động sản vẫn đang tăng trong thời gian gần đây. Các chuyên gia đánh giá nguồn vốn ngoại vẫn tiếp tục chảy mạnh vào bất động sản và dự báo không ngừng gia tăng và tiếp tục có những bứt phá trong vài năm tới với sự xuất hiện của một số dự án tỉ đô la Mỹ.

Xét về ngành nghề đầu tư, báo cáo của GSO cho thấy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất với số vốn đăng ký đạt 15,23 tỉ đô la Mỹ, chiếm 66,9% tổng vốn đăng ký. Tiếp đến là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt hơn 2,8 tỉ đô la Mỹ, chiếm 12,4%. Ngành kinh doanh bất động sản ở vị trí thứ ba đạt gần 2,395 tỉ đô la Mỹ, chiếm 10,5%; các ngành còn lại đạt hơn 2,32 tỉ đô la Mỹ, chiếm 10,2%.

Cả nước có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong năm 2015, trong đó TPHCM dẫn đầu với số vốn đăng ký đạt hơn 2,8 tỉ đô la Mỹ, chiếm 18% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trà Vinh đạt gần 2,527 tỉ đô la Mỹ, chiếm 16,2%; Bình Dương đạt gần 2,466 tỉ đô la Mỹ, chiếm 15,8%…

Ngoài ra, tình hình giải ngân vốn thực hiện của doanh nghiệp FDI cũng có những tiến triển tốt. Cụ thể tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2015 ước tính đạt 14,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,4% so với năm trước. Đây cũng là mức khá trong tình hình giải ngân vốn của doanh nghiệp FDI trong 3 năm qua ở mức 11-13 tỉ đô la Mỹ/năm.

Trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam năm 2015, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 2,6785 tỉ đô la Mỹ, chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Malaysia 2,447 tỉ đô la Mỹ, chiếm 15,7%; Samoa 1,314 tỉ đô la Mỹ, chiếm 8,4%; Nhật Bản 1,285 tỉ đô la Mỹ, chiếm 8,2%; Anh 1,265,7 tỉ đô la Mỹ, chiếm 8,1%; Singapore 1,035 tỉ đô la Mỹ, chiếm 6,6%; Đài Loan 940 triệu đô la Mỹ, chiếm 6%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 697,8 triệu đô la Mỹ, chiếm 4,5% và Trung Quốc đạt 665,5 triệu đô la Mỹ, chiếm 4,3%.

Nguồn thesaigontimes.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề