Mỹ triển khai máy bay tại Singapore, chuyên gia quốc tế nói gì?

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tối 8-12 tuyên bố Bắc Kinh sẽ theo dõi chặt các chuyến bay do thám của Mỹ sau khi Singapore bật đèn xanh để Mỹ triển khai máy bay do thám P8 Poseidon trên Biển Đông.

Trung Quốc chỉ trích Mỹ “quân sự hóa khu vực”
“Trung Quốc sẽ theo sát diễn tiến tình hình và hi vọng sự hợp tác quốc phòng giữa các nước liên quan có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực chứ không phải ngược lại” – Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen và người đồng cấp Mỹ Ashton Carter hôm 7-12 ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường, trong đó bao gồm việc cho phép các máy bay do thám P8 Poseidon của Mỹ được triển khai từ đảo quốc này.
Cả hai đều tránh ám chỉ trực tiếp đến căng thẳng trên Biển Đông và giải thích thỏa thuận quốc phòng nhằm “thúc đẩy sự gắn kết giữa quân đội trong khu vực” và hỗ trợ các sứ mệnh cứu trợ nhân đạo.
Chiếc P8 Poseidon đầu tiên sẽ cất cánh ở Singapore ngay từ ngày 7-12 và ở lại đây đến 14-12.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua cũng lên tiếng chỉ trích việc Mỹ triển khai máy bay do thám tại Singapore là “quân sự hóa khu vực”.
“Kiểu tăng cường triển khai quân sự này của Mỹ và việc thúc đẩy quân sự hóa khu vực không phù hợp với lợi ích chung lâu dài của các nước trong khu vực” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bình luận.
Trước đó, Mỹ đã triển khai loại máy bay do thám này ở hai nước đồng minh Nhật Bản, Philippines. Láng giềng của Singapore, Malaysia cũng lặng lẽ cho phép Mỹ điều máy bay tuần tra Biển Đông thời gian qua.
Trung Quốc hung hăng dẫn đến sự tăng cường hợp tác
Việc Singapore cho phép Mỹ triển khai máy bay do thám cũng thu hút nhiều sự quan tâm của các chuyên gia. Tuổi Trẻ đã ghi nhận ý kiến một số chuyên gia về vấn đề này:
Bà Rukmani Gupta, chuyên gia phân tích cao cấp về châu Á-Thái Bình Dương, Tuần san quốc phòng IHS Jane’s nhận định:
Việc Mỹ và Singapore ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) cho thấy mục tiêu của hai nước là đẩy mạnh hợp tác giữa các lực lượng vũ trang hai bên.
Các diễn biến trong năm ngoái gồm việc triển khai bốn tàu chiến đấu ven bờ của Mỹ tại Singapore đến việc cho phép trực thăng S-70B của không quân Singapore hạ cánh trên tàu chiến Mỹ ở cuộc tập trận CARAT 2015 cho thấy quan hệ quốc phòng hai nước ngày càng sâu sắc.
Tôi nghĩ việc triển khai máy bay P8 từ Singapore phản ánh sự tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước hơn là sự thay đổi trong quan điểm của Singapore về tranh chấp Biển Đông. Nó cũng cho thấy sự hiện diện của Mỹ tại khu vực có lợi cho các nước trong khu vực muốn thúc đẩy năng lực quân sự.
Ông Patrick Cronin, cố vấn và giám đốc cấp cao chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Trung tâm an ninh Mỹ:
Có thể nói thỏa thuận quốc phòng Mỹ-Singapore sẽ giúp tăng cường quan hệ quốc phòng hai nước, với 5 nội dung lớn gồm hợp tác tình báo và không gian mạng.
Việc Singapore cho phép triển khai luân phiên máy bay do thám hàng hải P8 trển Biển Đông là một phần của thỏa thuận nhưng phù hợp với lợi ích của cả hai nước trong việc xây dựng phạm vi nhận thức hàng hải lớn hơn. Rõ ràng là cách hành xử hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông đã thúc đẩy sự tăng cường hợp tác an ninh tại khu vực.
Theo ông Ken Jimbo, chuyên gia cao cấp của Quỹ Tokyo, phó giáo sư khoa quản lý chính sách Đại học Keio, Nhật Bản, động cơ chiến lược chính của Singapore là nhằm tạo sự cân bằng quyền lực tại Đông Nam Á.
Mối quan hệ của Singapore với Mỹ và Trung Quốc thường khiến nước này không dám mạo hiểm và tránh theo phe nào trong tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên với việc hỗ trợ hậu cần cho sự hiện diện của Mỹ từ đầu những năm 1990, Singapore đã luôn cho phép Mỹ luân chuyển sự hiện diện trên lãnh thổ của mình để cân bằng chiến lược trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Việc cho phép Mỹ khai tàu chiến ven bờ từ năm 2012 là một ví dụ điển hình.
Sự triển khai máy bay do thám P8 Poseidon rõ ràng là một động thái làm cân bằng của Singapore dù nước này giải thích bằng các mục đích cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ các cuộc tập trận chung.
Ông Shahriman Lockman, chuyên gia cao cấp Chương trình Nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh, Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia:
Trong thời gian qua, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhiều người lo ngại mối quan hệ an ninh giữa Mỹ và Singapore có thể đổi hướng sau sự ra đi của những tiền bối như cố thủ tướng Lý Quang Diệu nhưng thỏa thuận EDCA cho thấy họ đã lầm.
Lý do Singapore cho phép các chuyến bay P8 Poseidon của Mỹ không giống như Malaysia. Các chuyến bay do thám từ Malaysia không diễn ra định kỳ và được thông qua theo từng chuyến. Mục đích của Malaysia là nhằm lấp các thiếu hụt trong năng lực tuần tra hàng hải của nước này.
Trong khi đó Mỹ cũng không nhất thiết triển khai máy bay do thám từ Singapore nếu họ muốn tuần tra Biển Đông. Ngược lại, Singapore có đầy đủ năng lực tuần tra hàng hải.
Theo tôi, nếu nói rằng Mỹ và Singapore chỉ đang cố gắng thúc đẩy quan hệ quốc phòng thì tôi lấy làm ngạc nhiên rằng sao họ không cho triển khai các chuyến bay do thám này từ trước. Có một khả năng khác là Mỹ đang yêu cầu các đối tác phản ứng mạnh mẽ hơn trước tình hình ngày một căng thẳng trên Biển Đông.
Chúng ta có thể thấy Hàn Quốc thời gian qua đã thôi đưa ra các bình luận lấy lệ về Biển Đông và cử bộ trưởng quốc phòng đến diễn đàn ADMM+ ở Kuala Lumpur và ngoại trưởng đến hội nghị ASEM tại Luxembourg. Do đó không có gì lạ nếu Mỹ thúc Singapore cho phép triển khai máy bay P8 Poseidon.
Tôi cho rằng Singapore vẫn giữ khoảng cách với tranh chấp trên Biển Đông. Họ có thể muốn có quan điểm trong các thảo luận khu vực, bao gồm thảo luận COC, nhưng tôi nghĩ họ sẽ không bất cẩn để mình lún sâu vào tranh chấp. Đây là điển hình của lối ngoại giao lão luyện của Singapore.
Nguồn tuoitre.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề