Mỹ muốn “siết cổ” IS

Bộ Quốc phòng Mỹ đang nuôi ý định lập một mạng lưới căn cứ quân sự trải rộng từ châu Phi, Tây Nam Á sang Trung Đông để chống khủng bố, đặc biệt là IS.

 Báo The New York Times (Mỹ) mới đây tiết lộ giới chức Lầu Năm Góc muốn mạng lưới căn cứ này phục vụ “lực lượng đặc nhiệm, không kích và tình báo trong các chiến dịch chống khủng bố”, qua đó đảm bảo hiện diện quân sự của Mỹ ở nhiều khu vực nước ngoài. Mục tiêu hàng đầu của Mỹ là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm vũ trang khác nằm bên ngoài Syria và Iraq.

Theo nguồn tin của The New York Times, kế hoạch trên do tướng Martin E. Dempsey đề xuất trước khi ông rời ghế chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Tới cuối tháng 10-2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter lên tiếng ủng hộ: “Chúng ta không dự đoán được tương lai, nhiều khu vực có thể phải gánh chịu khủng hoảng và khủng bố. Mạng lưới căn cứ sẽ giúp đối phó khủng hoảng, tổ chức các chiến dịch chống khủng bố hay không kích các mục tiêu có giá trị cao”.

Trong trường hợp được Nhà Trắng bật đèn xanh, mỗi căn cứ như vậy có thể bao gồm 500-5.000 lính đặc nhiệm Mỹ và có thể tốn “nhiều triệu USD” mỗi năm.

 

Binh sĩ Mỹ. Ảnh: Reuters
Binh sĩ Mỹ. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp không mặn mà với kế hoạch do phản đối Mỹ mở rộng hiện diện quân sự ở nước ngoài. “Các căn cứ này có thể châm ngòi cho căng thẳng giữa các quốc gia” – một cựu quan chức Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) nói với đài RT (Nga), kèm theo nhận xét Lầu Năm Góc chưa nghĩ đến sự phức tạp về mặt ngoại giao bởi muốn xây căn cứ ở đâu cũng cần cái gật đầu của nước chủ nhà.

Trong khi đó, đài CNN vừa dẫn lại mô tả của Thứ trưởng Tài chính Mỹ Adam Szubin về phương thức bóp ngẹt nguồn tài chính của IS, bằng cách hợp tác với liên minh gồm 30 quốc gia và tổ chức tài chính.

Theo đó, ban đầu, Mỹ làm việc với chính phủ Iraq để đóng cửa 90 ngân hàng hoạt động trong lãnh thổ do IS kiểm soát. Bị loại khỏi hệ thống tài chính quốc tế, các ngân hàng trên không thể đáp ứng nhu cầu mua thiết bị truyền thông và sản xuất dầu của IS.

Tiếp đó, Washington trừng phạt 30 lãnh đạo và nhà tài chính cao cấp có liên hệ với IS, cắt đứt nối kết của chúng với các kênh tài chính quốc tế. Chiến dịch tấn công nguồn tài chính của IS được Mỹ công bố sau khi quân đội nước này hôm 10-12 xác nhận đã không kích tiêu diệt trùm tài chính IS Abu Saleh cùng hai cộng sự.

Mỹ cũng đang thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ tạm đóng cửa khu vực biên giới với Syria để ngắt cả dòng tiền lẫn phiến quân của IS. Hôm 11-12, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin Ankara bắt đầu dựng bức tường dài 82 km, cao 4 m dọc biên giới nước này (tỉnh Kilis và Gaziantep) với khu vực đang bị IS kiểm soát ở Syria.

Trong một diễn biến khác, báo Hurriyet Daily News của Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày 11-12 cho biết phần lớn thành viên của IS bị bắt giữ tại biên giới nước này kể từ đầu năm đến nay đến từ Trung Quốc. Cụ thể, trong số 913 tay súng IS bị bắt có 324 người đến từ Trung Quốc, sau đó đến Nga (99 người) và Palestine (83 người).

Nguồn nld.com.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề