Mỹ “giấu mình chờ thời”, quyết đấu với Nga ?

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Obama, nước Mỹ đang “Giấu mình chờ thời” tập trung hướng nội, tránh đối đầu với Trung Quốc và không nhân nhượng với Nga.

Tính hai mặt của chính sách “Giấu mình chờ thời” kiểu Obama

Từ thực tiễn và tư tưởng, phương châm chỉ đạo ngoại giao của ông Obama trong suốt 6 năm qua, có thể thấy Hoa Kỳ đã thực hiện một cuộc chuyển mình về ngoại giao, bước vào giai đoạn “giấu mình chờ thời” một cách đặc sắc.

Nếu xuất hiện khủng hoảng nghiêm trọng, nguyên tắc “Giấu mình chờ thời” sẽ phải đối mặt với thử thách lớn. Lựa chọn đầu tiên của Hoa Kỳ sẽ là thuyết phục các nước đồng minh xung phong ra trận vì lợi ích của chính họ (ví dụ như trong vấn đề “Nhà nước Hồi giáo”) còn nước Mỹ đứng sau chỉ huy.

Tuy nhiên, điều này đã gây ra những hệ lụy không nhỏ bởi một số đồng minh đã suy giảm lòng tin về chính sách của Mỹ, ví dụ như Nhật Bản, Philippines đã không ít lần bày tỏ sự thất vọng về thái độ “ba phải” của Washington đối với Bắc Kinh, thậm chí đã có ý kiến cho rằng, Mỹ nên trao lại “quyền trượng” đối phó với Trung Quốc cho Nhật Bản.

Sự “nhũn nhặn” bất thường của Washington đối với Bắc Kinh đã khiến nhiều nhà quan sát quốc tế lo ngại rằng, do cán cân thực lực Mỹ- Trung đang có sự thay đổi, nên đa số các quốc gia Đông Á có thể “bắt cá hai tay”, thậm chí cuối cùng sẽ nghiêng về phía Trung Quốc.

Về bản chất, kế hoạch mà Nhà Trắng gọi là “Đại chiến lược”, chỉ là coi thế giới như một “Bàn cờ lớn” không ngừng biến động và một vài “quân cờ” trong tay mình để định ra nguyên tắc hành động. Trên thực tế, chiến lược của Mỹ phải gọi là “nước chảy theo dòng” thì đúng hơn.

Bởi vậy, thậm chí có khi những hoạch định chiến lược của Mỹ còn bị các sự kiện quốc tế đẩy theo hướng sai lầm, gây tổn hại cho lợi ích lâu dài của mình. Điều này có thể thấy qua “cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học” Syria cuối năm 2013.

Khi đó, lấy lí do tương tự như ở Iraq năm xưa là chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học giết hại dân thường, Mỹ như cây cung đã giương hết cỡ, cuộc không kích và tấn công tên lửa hành trình vào Syria dường như là điều không thể tránh khỏi.

Nếu không có Nga và bản kế hoạch “Đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình” thì có lẽ giờ đây một hậu quả khủng khiếp hơn đã xảy ra: Không chỉ đất nước Syria sẽ “trở về thời kỳ đồ đá” mà có lẽ là giờ đây Tổ chức Hồi giáo cực đoan “Nhà nước Hồi giáo” IS đã thống trị toàn bộ Trung Đông, thậm chí là cả Bắc Phi.

Sự phát triển kinh tế, chính trị trong nước và mục tiêu chiến lược chỉ quyết định Nhà Trắng muốn làm gì, có khả năng làm gì; còn trên thực tế “Chủ nghĩa Obama” sẽ tiếp tục duy trì ở mức độ nào, Mỹ sẽ phải hành động như thế nào, lại phụ thuộc phần nhiều vào tình hình phát triển của thế giới và tầm ảnh hưởng của các tác nhân bên ngoài.

Tóm lại, thế giới bên ngoài và bản thân nước Mỹ cùng quyết định tính uyển chuyển trong chiến lược toàn cầu của Washington. Bất cứ một chiến lược nào cũng có tính hai mặt của nó, vấn đề quan trọng là phát huy được mặt tích cực và hạn chế tối đa những hệ quả xấu do nó gây ra.

 

 “Giấu mình chờ thời”: Né Trung Quốc, quyết đấu với Nga?

Có thể dự tính được rằng, nếu thế giới không xảy ra sự kiện gì bất ngờ, thì ông Obama sẽ tiếp tục cố gắng để ổn định quan hệ Mỹ – Trung và “quyết đấu không khoan nhượng” với Nga, tranh thủ kí kết thỏa thuận TPP với các nước như Nhật Bản và thúc đẩy đàm phán TTIP với các nước Châu Âu.

Ngoài ra, chính quyền Obama sẽ tiếp tục chế áp các thế lực cực đoan của khu vực Trung Đông nhưng không huy động bộ binh, giảm thiểu nhưng không chấm dứt hoàn toàn biện pháp trừng phạt với Iran, cải thiện quan hệ với các nước Mỹ Latin… Tóm lại, đó chính là tiếp tục thực hiện các chính sách đã được thiết lập trước đây.

Tuy nhiên, với cương vị Tổng thống, ông Obama vẫn phải tuân thủ tư tưởng chủ đạo của nước Mỹ từ khi lập quốc đến nay. Washington sẽ không từ bỏ ý đồ bá quyền toàn cầu của mình, chỉ có điều cách thức thực hiện đang có sự thay đổi, phần nào đó là do “lực bất tòng tâm”, cũng có phần là Mỹ chủ động “thu mình”.

Trong hai năm cuối cùng nắm quyền này, ông vẫn kiên trì tư tưởng chủ đạo của nước Mỹ, đồng thời vẫn sẽ tiếp tục “giấu mình chờ thời”. Vấn đề nằm ở chỗ, những điều chỉnh kể trên trong chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ là phương thức hành động đặc biệt của riêng ông Obama trong hai nhiệm kì, hay là đại diện cho một xu thế lâu dài của nước Mỹ?

Vấn đề này cần phân tích từ các yếu tố trong nước và quốc tế.

Ở trong nước, một số nhà chiến lược và dư luận của Mỹ bất mãn với tư tưởng “chuyển hướng sang Châu Á” của chính phủ Obama và cho rằng mối quan hệ chính trị và văn hóa Châu Âu với Hoa Kỳ quan trọng hơn nhiều so với Châu Á.

Những người Mỹ gốc Do Thái hoặc ảnh hưởng sâu của tư tưởng tôn giáo cũng coi Đại Trung Đông (đặc biệt là Israel) là mối quan tâm cốt lõi.

Cũng có xu hướng chỉ trích chính phủ Obama đã quá “khoan dung”, “nuôi hổ gây họa” đối với Trung Quốc. Có người lại phê phán ông Obama đã quá nhu nhược trước Nga, tiến thoái lưỡng nan ở Trung Đông, khiến cho các thế lực cực đoan như “Nhà nước Hồi Giáo” phát triển lớn mạnh, v.v…

Ít nhất là ở giai đoạn hiện nay, những ý kiến phản đối này vẫn khó có thể làm lung lay “Chủ nghĩa Obama”. Nhưng sau hai năm nữa, dù là đảng Dân chủ hay đảng Cộng Hòa bước vào Nhà Trắng, chắc chắn đường lối đối ngoại này sẽ bị sửa đổi. Dù không hoàn toàn bỏ chiến lược “Giấu mình chờ thời”, nhưng chí ít cũng sẽ tích cực hơn, cứng rắn hơn, quả quyết hơn.

Tuy nhiên, người kế nhiệm Tổng thống Obama cũng không thể phủ nhận tư tưởng trung tâm của ông, tức là tập trung vào phát triển kinh tế trong nước, công bằng xã hội, khoa học công nghệ và giáo dục chứ không phải là một chiến lược hướng ngoại mà trọng tâm là “can dự toàn cầu” như trước đây.

Sáu năm qua, kinh tế toàn cầu phục hồi rất chậm, các cuộc xung đột liên tục xảy ra ở vùng Trung Đông cùng với sự nổi dậy của thế lực cực đoan, khủng hoảng Ukraine, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản gia tăng căng thẳng v.v…

Những nguy cơ này, về cơ bản vẫn chưa hề gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ nên rất có thể “Chính sách Obama” mà hạt nhân là chiến lược “Giấu mình chờ thời” kiểu Mỹ vẫn sẽ tồn tại trong một khoảng thời gian nữa.

Tuy nhiên, những vấn đề trên là sự tích tụ các yếu tố về lượng mà nếu không giải quyết tốt sẽ dẫn tới sự biến động về chất, đó là việc Mỹ sẽ mất địa vị lãnh đạo trên trường quốc tế. Đây cũng là một thực tế hiển nhiên mà nhiều học giả Mỹ đã chỉ ra.

Bào Chi


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề