Mỹ bối rối trước sự vụng về của Tia chớp F-35

Yêu cầu tác chiến đa nhiệm khiến F-35 mang trên mình những thiết kế mâu thuẫn, ảnh hưởng đến tốc độ và khả năng cơ động khi không chiến.

Tiêm kích tấn công kết hợp Tia chớp F-35 là chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 của Mỹ sẽ thay thế cho gần 90% đội bay chiến thuật hiện nay của nước này. Thế nhưng, mới đây không quân Mỹ đã phải thừa nhận rằng chiếc tiêm kích thế hệ mới này hầu như “không có khả năng cận chiến” trước các dòng máy bay cũ hơn, chưa kể các loại máy bay chiến đấu hiện đại của Nga hoặc Trung Quốc.

Tại một cuộc họp báo tổ chức ở Maryland hôm 15/9, tướng Herbert Carlisle, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Tác chiến Không quân Mỹ, đã mô tả tiêm kích F-35 là “không được cơ động như một số mẫu máy bay trước đó”, theo tạp chí National Defense.

Khả năng tác chiến tầm gần

Hậu quả là chiếc tiêm kích tàng hình đắt giá được trang bị những công nghệ tối tân này đã không đủ nhanh và linh hoạt để đánh bại những chiếc chiến đấu cơ cũ như F-16 trong các cuộc không chiến tầm gần. Tuy nhiên, không quân Mỹ lại cho rằng những cuộc không chiến đó sẽ không xảy ra trong thực tế, vì những chiếc chiến đấu cơ đó sẽ không có cơ hội đến gần được F-35.

“Không chiến tầm gần không phải là thứ mà chiếc tiêm kích này được thiết kế để thực hiện. Đó là chiếc tiêm kích đa nhiệm có hệ thống cảm biến và điều khiển kích hợp, mạnh mẽ và toàn diện đến kinh ngạc”, tướng Carlisle nói.

Đại tá Edward Sholtis, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Tác chiến Không quân, cũng cho rằng F-35 có những khả năng khác có thể bù đắp cho sự chậm chạp, vụng về của nó. “F-35 không được tối ưu hóa để thực hiện các động tác không chiến, nhưng thật không ngoa khi nói rằng nó có thể phát hiện và bắn hạ chiến đấu cơ của đối phương từ xa, khiến việc không chiến trở nên không cần thiết”.

Ngoài ra, mỗi khi thực hiện nhiệm vụ, F-35 sẽ bay trong đội hình với các chiến đấu cơ khác như F-22, F/A-18, F-15, F-16 và các máy bay chuyên không chiến khác, mỗi loại máy bay lại phát huy điểm mạnh nhất của mình và bù đắp cho những điểm yếu của nhau, ông Sholtis nhấn mạnh.

Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh cả Trung Quốc và Nga đang mạnh tay đầu tư phát triển các loại tiêm kích đa nhiệm hiện đại có khả năng không chiến tốt. Trong khi Trung Quốc phát triển tiêm kích tàng hình J-20 có khả năng cơ động linh hoạt, Nga cũng vừa mới trình làng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 T-50 có khả năng chiến đấu hiệu quả ở bất cứ khoảng cách nào.

Những lời giải thích trên của các quan chức không quân Mỹ cũng trái ngược với tuyên bố trước đây của Lầu Năm Góc và tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin về tính năng kỹ chiến thuật của chiếc tiêm kích tàng hình F-35. Trước đây, F-35 được mô tả như một loại máy bay đa nhiệm hiệu quả, hoàn toàn có thể thay thế được nhiệm vụ của cường kích A-10, tiêm kích F-16 và F/A-18 trong các hoàn cảnh chiến trường khác nhau.

Năm 2008, tướng Charles Davis, người phụ trách phát triển F-35 của không quân Mỹ, đã tuyên bố với Reuters rằng chiếc tiêm kích này hiệu quả gấp 4 lần những loại máy bay cũ trong tác chiến trên không. Cũng trong thời gian đó, Lockheed Martin ca ngợi chiếc F-35 là một “chiến mã” được trang bị động cơ mạnh mẽ nhất từng xuất hiện trên các loại chiến đấu cơ.

3-8070-1442547127.jpg

Một chiếc F-35 có khả năng cất cánh thẳng đứng của thủy quân lục chiến Mỹ. Ảnh:USAF

Đến năm 2013, phi công thử nghiệm Billy Flynn của Lockheed khẳng định với tờ Flight Global rằng F-35 “tương đương hoặc vượt trội hơn” so với các chiến đấu cơ hàng đầu thời đó như Typhoon hay F/A-18 Super Hornet về khả năng cơ động và tăng tốc.

Thế nhưng đến giữa năm 2015, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chiếc tiêm kích phức tạp, được ca ngợi là có thể tấn công hiệu quả các mục tiêu trên mặt đất và trên không như nhau, lại không thể chuyển hướng hoặc tăng tốc nhanh bằng các chiến đấu cơ cũ khi không chiến, đấy là chưa nói đến những chiếc máy bay tương lai có thể có khả năng cơ động cao hơn.

Hồi cuối tháng 6, một tài liệu rò rỉ từ chính phủ Mỹ cho thấy F-35 đã hoàn toàn thất thế trong cuộc không chiến với chiếc máy bay đời cũ F-16, loại chiến đấu cơ mà F-35 sẽ thay thế trong tương lai gần. Tường trình của phi công bay thử cho thấy “F-35 có bất lợi rõ rệt về động năng” trong cuộc không chiến này.

Tổ hợp của những mâu thuẫn

Kết quả của cuộc không chiến không hề gây ngạc nhiên cho những người theo dõi sát quá trình phát triển suốt 20 năm qua của F-35. Với tham vọng chế tạo một chiếc tiêm kích đa nhiệm có thể làm được mọi việc, từ không chiến, ném bom, cất cánh từ tàu sân bay, thậm chí là cất cánh thẳng đứng như trực thăng trong khi vẫn phải đảm bảo khả năng tàng hình, không quân Mỹ đã biến chiếc F-35 thành một tổ hợp những yếu tố thiết kế mâu thuẫn nhau.

Chẳng hạn như nó phải bay đủ chậm để thực hiện các phi vụ ném bom chính xác hoặc yểm trợ cận chiến cho bộ binh, nhưng cũng phải đủ nhanh trong các cuộc không chiến, và hậu quả là phần cánh của nó trở thành một thứ kết hợp không hoàn hảo giữa yếu tố thẳng và tròn.

Ngoài ra, nó còn phải mang theo rất nhiều loại vũ khí để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, nhưng tất cả các loại vũ khí, bom, tên lửa này đều phải nằm trong khoang chứa trong thân để đảm bảo khả năng tàng hình của máy bay trước radar đối phương. Vì vậy, nó có một phần thân lớn để chứa đủ các loại vũ khí, nhưng đồng thời lại tạo ra lực cản làm chậm máy bay.

Tương tự, yêu cầu cất cánh thẳng đứng đòi hỏi F-35 phải được trang bị động cơ phản lực hướng xuống đất, nhưng loại động cơ này rất nặng và chỉ làm tăng trọng lượng của máy bay, ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ và khả năng cơ động của nó.

Trước thực tế đó, trong thời gian vừa qua, không quân Mỹ và Lockhedd Martin đã bắt đầu đưa ra những tuyên bố dè dặt hơn về F-35. Trước sự xôn xao của dư luận về khả năng không chiến của F-35, văn phòng hợp tác giữa chính phủ Mỹ và Lockheed về chương trình F-35 cho rằng chiếc máy bay này “được thiết kế để phát hiện, bắn hạ và tiêu diệt kẻ thù từ xa, chứ không phải trong các cuộc không chiến tầm gần”.

2-9022-1442547128.jpg

Toàn bộ vũ khí của F-35 đều được cất trong khoang bụng để đảm bảo tính tàng hình. Ảnh: USAF

Lựa chọn duy nhất

Nhiều chuyên gia vũ khí cũng đặt câu hỏi tại sao Mỹ lại tốn nhiều tiền đầu tư như vậy cho F-35, trong khi họ hoàn toàn có thể cho hồi sinh chương trình chế tạo F-22 Raptor, loại máy bay chiến đấu được cho là kết hợp hài hòa nhất về khả năng cơ động, tốc độ và tàng hình. Chương trình chế tạo F-22 bị dừng lại sau khi 187 chiếc tiêm kích loại này được chế tạo.

“Đây là chiếc chiến đấu cơ tối ưu nhất mà Mỹ từng sản xuất, và việc chấm dứt chương trình F-22 là một quyết định ngớ ngẩn, thiển cận”, chuyên gia phân tích Dave Majumdar viết trên National Interest.

Việc hồi sinh chương trình F-22 là gần như không thể bởi quân đội Mỹ sẽ phải đối mặt với những khó khăn rất lớn cùng nguồn kinh phí khổng lồ trong việc chế tạo và nâng cấp, Sputnik nhận định.

Dù F-22 được đưa vào hoạt động từ năm 2005, nhưng hệ thống máy tính điều khiển của nó lại được thiết kế từ những năm 1990. Phần mềm điều khiển này hiện đã quá lạc hậu và rất khó nâng cấp, khiến chiếc tiêm kích gặp rất nhiều trục trặc trong việc trang bị các loại vũ khí tân tiến như tên lửa không đối không dẫn đường AIM-9 hay tên lửa tầm ngắn AIM-120.

Trong khi đó, thiết kế khung sườn của F-22 lại có từ những năm 1980, và các hệ thống động cơ đẩy, điện tử, công nghệ tàng hình đều đã khá lạc hâu so với hiện nay. Nếu muốn đưa F-22 trở lại, không quân Mỹ sẽ phải bỏ ra rất nhiều tiền để nâng cấp các tính năng trên, bắt kịp với tiến bộ công nghệ hiện nay.

“Thực tế là không quân Mỹ sẽ không bao giờ khởi động lại dây chuyền sản xuất F-22 Raptor. Công nghệ của nó đã lạc hậu, và F-22 sẽ không còn thích hợp với môi trường tác chiến sau thập niên 2030, đặc biệt là sau sự xuất hiện của tiêm kích T-50 Nga và J-20 Trung Quốc”, ông Majumdar nhận định.

Bởi vậy, trong thời gian tới, không quân Mỹ sẽ phải dựa hoàn toàn vào chiếc tiêm kích đa nhiệm nhưng vụng về F-35, chiếc máy bay sẽ hiện diện ở cả hải, lục, không quân và thay thế hầu hết những chiến đấu cơ hiện nay trong tác chiến, với chi phí hơn 400 tỉ USD. Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ mua khoảng 2.400 chiếc tiêm kích F-35 trong những năm tới.

Theo vnexpress

 


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề