Mỹ bỏ bom lầm là tội ác chiến tranh, Nga cố ý thì không ?

Bài xã luận của Le Monde hôm nay 03/05/2016 mỉa mai nhận định: khi máy bay Mỹ thả bom lầm xuống một bệnh viện của Y sĩ Không biên giới (MSF) tại Kunduz, Afghanistan hồi tháng 10/2015 trong cuộc chiến với Taliban, làm 42 người chết, người ta nói rằng đây là « tội ác chiến tranh ». Liên Hiệp Quốc lên tiếng, những cuộc điều tra được tiến hành.

Nhưng khi các phi cơ tiêm kích Nga, do phi công người Syria hay người Nga điều khiển, hôm 27/04/2016 oanh kích một bệnh viện do MSF và Hồng thập tự điều hành ở khu vực Aleppo do phe nổii dậy kiểm soát, thì không có gì xảy ra. Người ta coi là chuyện bình thường. Không có mấy phản ứng, ngoại trừ sự phẫn nộ trong giới hoạt động nhân đạo.

Năm mươi người Syria đã bị giết hại, gồm 44 bệnh nhân và 6 bác sĩ, y tá. MSF khẳng định đây là một vụ không kích cố tình. Hôm sau lại đến lượt một nhà thương tư nhân bị nhắm đến. « Các vụ tấn công vào bệnh viện và y bác sĩ cho thấy cuộc chiến này được tiến hành một cách kinh khiếp » – Muskilda Zancada, trưởng phái đoàn MSF ở Syria tuyên bố. Nhưng có ai còn nói đến « tội ác chiến tranh » ở đất nước này ?

Đối với chế độ Damas, đó là nhằm làm cho dân chúng đang sống trong các khu phố do đối lập vũ trang nắm giữ phải bỏ chạy. Thành phố lớn thứ hai của Syria nằm ở vùng tây bắc, đồng thời là thủ phủ kinh tế, đã bị cắt đôi. Nếu Nga và lực lượng trung thành với Bachar Al Assad bao vây được hoặc tái chiếm được hoàn toàn, thì sẽ chặt đứt hẳn đường sang Thổ Nhĩ Kỳ của phe nổi dậy. Sự kiện Aleppo thất thủ sẽ đánh dấu một bước ngoặt của cuộc chiến, và tăng cường thêm quyền hành của phe Assad tại khu vực đông dân nhất Syria.

Về phía các nhóm nổi dậy, họ đã dùng moọc-chê bắn qua phía tây Aleppo đang do quân đội chính quy kiểm soát, nhiều nạn nhân là thường dân. Lệnh ngưng bắn có hiệu lực từ ngày 27/2 nhằm giảm áp lực cho dân chúng và tạo điều kiện tái lập thương lượng ở Genève, đã bị vi phạm trầm trọng. Đàm phán đã bị ngưng lại. Matxcơva và Washington đều có những động thái ngoại giao nhằm tỏ ra hòa giải.

Vladimir Putin luôn có sáng kiến. Đa số lực lượng được triển khai vào đầu mùa hè vẫn ở lại tại chỗ. Máy bay tiêm kích và trực thăng Nga yểm trợ cho hàng chục ngàn dân quân từ nước ngoài đến tăng viện cho số lượng ít ỏi còn sót lại của quân đội Syria.

Ở phía bên kia, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Ả Rập vùng Vịnh tái vũ trang cho những nhóm nổi dậy khác nhau, và có lẽ cả Mặt trận Al Nosra, nhánh Syria của Al Qaida. Tổng thống Mỹ Barack Obama dành ưu tiên không phải cho việc làm dịu đi cuộc nội chiến Syria, mà nhằm chống tổ chức khủng bố tự xưng là Nhà Nước Hồi Giáo (IS, Daech). Lần này là chuẩn bị cho cuộc tiến công vào thành phố Rakka, thủ phủ của IS tại Syria. Aleppo còn phải chờ đợi.

Thành phố ngàn năm tuổi này có khoảng hai triệu dân, nhưng nay chỉ còn vài trăm ngàn người. Họ sống trong những đống gạch vụn của một thành phố bị phá hủy bởi những trận đánh. Chế độ Damas, tiêu biểu cho chủ nghĩa khủng bố cấp nhà nước, đã thả xuống Aleppo hàng trăm thùng thuốc nổ TNT, nhằm sát hại càng nhiều người trên mặt đất càng tốt.

Le Monde nhận định, Mỹ và Nga thương lượng hưu chiến từng phần, nhưng dường như không liên quan đến miền tây bắc Syria. Aleppo sẽ còn phải chờ đợi nữa, cứ như là định mệnh buộc phải trở thành một thành phố tử đạo, mà trên những tàn tích tập trung mọi bi kịch của một cuộc chiến triền miên.

Daech sát hại các nhà báo Syria lưu vong

Cũng về Syria, Le Figaro cho biết « Daech truy lùng các nhà báo lưu vong ». Bị cả tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo lẫn chế độ Damas đe dọa, các nhà báo Syria tị nạn vẫn tiếp tục thông tin từ Thổ Nhĩ Kỳ, trong nỗi sợ hãi bị sát hại.
Vốn không dung thứ mọi quan điểm khác biệt với luật Hồi giáo charia khắc nghiệt của mình, Daech không ngần ngại ra tay chặt đầu các nhà báo, và còn « xuất khẩu » nhiều biện pháp ghê rợn sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng 10/2015, hai phóng viên Syria là Ibrahim Abd Al Qader và Fares Hamadi bị cắt cổ chết trong căn hộ của họ ở Sanliurfa. Hai tháng sau, nhà báo Naji Jarf bị bắn chết ngay giữa ban ngày ở Gaziantep vì điều tra về bạo lực của Daech. Mới cách đây ba tuần, phóng viên Zaher Al Shurqat lãnh một viên đạn vào đầu ở ngay trung tâm thành phố. Người ta tự hỏi những cái tên sắp tới trong danh sách là ai ?

Một số nhà báo sống lưu vong tại đây đã phải tự kiểm duyệt để tránh nguy hiểm. Còn Hara FM, một đài phát thanh của phe ly khai Syria đành phải tránh phát những chương trình dành riêng cho chủ đề Daech, mà chỉ đề cập đến trong bản tin thời sự.

Al Qaida và lời tiên đoán của Ben Laden về IS

«Ben Laden đã chết, nhưng Al Qaida vẫn sống sót ». Le Figaro nhắc lại lời cảnh báo trước đây của trùm khủng bố, về những khó khăn để bảo vệ cho được một nhà nước Hồi giáo.

Từ năm 2004 đến nay, đã có 64 thủ lãnh Al Qaida và các « mục tiêu giá trị cao » khác bị CIA tiêu diệt. Nhưng mặc cho các cuộc không kích liên tục, tổ chức này vẫn hiện diện tại khoảng 50 nước, nhiều nhóm khủng bố từ châu Á đến Trung Đông và châu Phi đã tuyên thệ trung thành với Al Qaida.

Khi còn sống, Ben Laden đã nhận định nếu thành lập một nhà nước Hồi giáo thực sự theo mô hình Daech, sẽ rất khó tồn tại trước các kẻ thù. Trùm khủng bố viết: « Ngay cả nếu chúng ta có thể làm tổn hại nặng nề về quân sự và kinh tế cho kẻ thù lớn nhất (sau vụ tấn công ngày 11/9), kẻ địch này vẫn có đủ phương tiện để lật đổ mọi Nhà nước mà chúng ta có thể thành lập được ».

Theo các chuyên gia, có một nghịch lý là nếu trừ khử được Al Baghdadi, thủ lãnh Daech đang là đích nhắm số một của Mỹ, thì tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo bị yếu đi, có thể lại rơi vào vòng tay của Al Qaida.

Venezuela lún sâu vào khủng hoảng

Nhìn sang châu Mỹ la-tinh, phụ trang kinh tế của Le Monde cho biết « Venezuela tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng ». Thậm chí tổng thống Maduro còn phải quyết định cho đổi giờ, chênh lệch nửa tiếng đồng hồ so với trước, để đối phó với nạn thiếu điện.

Nhân ngày lễ lao động 1 tháng Năm, ông Nicolas Maduro buộc phải loan báo cho tăng lương tối thiểu lên 30%. Đây sẽ là một tin vui, nếu không có nạn lạm phát. Chính phủ cho biết giá cả đã tăng 180% trong năm 2015, nhưng theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, lạm phát năm nay sẽ vượt mức 700%.

Người dân Venezuela không còn đủ từ ngữ để diễn đạt tình trạng kinh tế của đất nước mình: « Chúng tôi đã phá sản », «Đất nước sẽ vỡ nợ »…Một người về hưu mỉa mai: «Tuần này giá thịt gà không tăng, đơn giản là vì không có gà để bán ». Người già được dành cho một hàng ưu tiên tại các cửa hàng nhà nước, nhưng chẳng giải quyết được gì vì hàng hóa không có mấy.

Lương tối thiểu hiện nay là 15.051 bolivar, nếu tính theo giá chợ đen thì không đầy 14 đô la. Một đầu lương tối thiểu có thể nuôi được hai gia đình gồm năm người vào tháng 10/2011, nhưng nay phải đến 14 đầu lương mới nuôi sống được chỉ một gia đình.

Chất độc da cam, cuộc chiến cuối cùng

Liên quan đến Việt Nam, nhật báo công giáo La Croix có bài viết về bà Trần Tố Nga, người phụ nữ 75 tuổi đang kiện ra tòa án Pháp 26 công ty Mỹ đã sản xuất ra chất độc hóa học thả xuống các khu rừng Việt Nam trong thời chiến, với tựa đề « Chất độc da cam, cuộc chiến đấu cuối cùng ».

Tập kết ra Bắc từ năm 13 tuổi, bà Trần Tố Nga vượt Trường Sơn vào Nam năm 1966. Đất nước thống nhất không mang lại tự do như đã mong đợi. Bà trở thành hiệu trưởng trường Marie-Curie, về hưu năm 1990. Bà nói: « Nếu tôi ở lại, thì phải chấp nhận tuân phục. Tôi muốn sống ngầng cao đầu ».

Tuy các cựu chiến binh Mỹ thắng kiện, được các công ty Monsanto, Dow Chemical…bồi thường, nhưng người Việt vẫn chật vật khi đi kiện. Pháp là một trong những nước hiếm hoi có thể giúp giấc mơ này thành sự thực. Nhờ có quốc tịch Pháp, với sự hỗ trợ của André Bouny, tác giả cuốn « Chất độc da cam, tận thế của Việt Nam » và ba luật sư, bà Trần Tố Nga kiện ra tòa án Pháp.

Bị 5/17 triệu chứng liên quan đến chất dioxin, bà Tố Nga chắn chắn rằng chất da cam đã gây ra cái chết cho con gái đầu lòng và dị tật máu cho con thứ hai, và truyền sang cho các cháu. Bà cho biết, vụ kiện này là cơ hội cuối cho ba triệu nạn nhân chất dioxin ở Việt Nam, mà cho đến nay đã trải qua bốn thế hệ. Bà hy vọng còn được sống thêm vài năm nữa để chiến đấu tới cùng.

Pháp: Luật lao động sửa đổi có còn ý nghĩa ?

Luật lao động sửa đổi, chính sách thuế khóa, tiền lương của những lãnh đạo tập đoàn…những vấn đề nội bộ nước Pháp chiếm trang nhất các nhật báo Paris hôm nay.

Le Monde chạy tựa « Luật lao động, thử nghiệm quyết định cho tính vững chắc của phe xã hội ». Dự luật lao động do bà bộ trưởng Myriam El Khomri soạn thảo sẽ được Quốc hội xem xét từ chiều hôm nay. Khoảng 5.000 đề nghị sửa đổi đã được đưa ra, và hiện thiếu khoảng 40 phiếu để có thể thông qua. La Croix đặt vấn đề « Luật lao động liệu có còn ý nghĩa ? ». Ý định ban đầu là sửa đổi một bộ luật được cho là quá cứng nhắc để có được sự linh hoạt cho giới chủ, nay sau nhiều lần chỉnh sửa, lại theo hướng ưu đãi người làm công.

Libération quan tâm đến « Thu nhập của những ông chủ, trận đối đầu với nhân dân ». Trong lúc ông Hollande hứa hẹn sẽ hành động, ngay chính các cổ đông cũng bức xúc trước số tiền lương khổng lồ của tổng giám đốc các tập đoàn lớn.

Le Figaro ghi nhận « Gần đến kỳ bầu cử tổng thống 2017, ông Hollande liên tục đưa ra những món quà ». Từ đầu năm đến nay, sau giới trẻ, nông dân, công chức, nay đến lượt giáo viên được giảm thuế, và các biện pháp này khiến ngân sách phải chi ra từ 4 đến 6 tỉ euro.

Nhật báo Les Echos nói về « Nguyên tử: Những nghi ngờ đè nặng lên Areva ». Qua kiểm toán việc sản xuất của Creusot Forge, chi nhánh luyện kim của Areva, đã phát hiện được 400/10.000 hồ sơ bị giả mạo về các thành phần hạt nhân. Vụ này có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành nguyên tử Pháp.

Thụy My (theo rfi)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề