Mua bán ngọc bí mật đem về cho Myanmar trên 30 tỷ đôla

Một tổ chức quốc tế điều tra về việc lạm dụng tài lực nói rằng công nghiệp ngọc thạch của Myanmar trị giá trên 30 tỷ đôla mỗi năm, chiếm gần một nửa tổng sản phẩm quốc nội của nước này. Từ văn phòng Đông Nam Á của đài VOA, thông tín viên Steve Herman gửi về bài tường thuật.

Nếu chính xác, con số ước tính vừa kể nằm trong một bản phúc trình do tổ chức Global Witness có trụ sở ở London công bố hôm thứ Sáu, sẽ đặt công nghiệp bí mật mua bán ngọc thạch của Myanmar đáng giá gấp 10 lần so với công nghiệp mua bán thuốc phiện bất hợp pháp và khét tiếng hơn của nước này.

Ông Juman Kubba là một chuyên gia làm việc cho tổ chức phi chính phủ của Anh này.

“Đó là con số ước tính tốt nhất có được cho đến nay. Song điều chúng ta thực sự mong muốn là có thêm thông tin trong khu vực công để có thể có được tính đáng tin cậy hơn. Chắc chắn đây là một công nghiệp đáng giá nhất trong nước”.

Bản phúc trình cáo buộc rằng phần lớn công cuộc mua bán ngọc thạch có liên hệ với các ông chủ lớn từng ở trong tập đoàn cầm quyền, kể cả cựu lãnh tụ quân đội Tướng Than Shwe, các nhân vật hiện thời trong quân đội đầy quyền thế và các lãnh chúa ma túy.

Phát biểu với đài VOA từ Yangon, ông Kubba nói rất ít trong ngân khoản đó lọt vào ngân quỹ của chính phủ.

“Đây là một công nghiệp mà chúng ta thấy nằm dưới sự thống trị của các cá nhân tham ô nhất trong nước”.

Số tiền mà quân đội thu được từ việc khai thác mỏ và mua bán ngọc thạch được dân chúng ở Kachin cho là giúp tài trợ cho cuộc chiến chống lại phiến quân trong bang này.

Đại tá James Lum Dau thuộc Tổ chức Độc lập Kachin nổi dậy, còn gọi tắt là KIO, đồng ý với phần lớn nội dung bản phúc trình, nhưng ông nói với đài VOA rằng không thể nào đo lường chính xác được chính phủ Myanmar, tức Miến Điện, đã thu về từ công việc kinh doanh ngọc thạch này.

“Không thể nào biết được chính phủ Miến Điện thu về được bao nhiêu tiền nhờ ngọc thạch. Tất cả đều là chuyện tối mật”.

Bản phúc trình nói các sĩ quan quân đội ở Bang Kachin đang làm giàu qua việc tống tiền, nhưng ngọc thạch cũng là một nguồn thu nhập chính cho tổ chức KIO và cánh quân sự của tổ chức, là Đạo quân Độc lập Kachin, đã chống lại chính phủ từ năm 1961.

Đại tá Lum Dau khẳng định rằng quân đội và các quan chức tham ô trong chính phủ đã thu về hàng tỷ đôla, nhưng đó không phải là trường hợp của quân nổi dậy Kachin và sự giàu có chẳng ngấm bao nhiều vào người dân.

“Từ khoản tiền này, chúng tôi không thu được bao nhiêu thuế của các nhà kinh doanh, từ phía chính phủ”.

Việc khai thác mỏ ngọc, đã biến nhiều vạt đất của bang Kachin thành những vùng hoang sơ và những núi chất thải do đào mỏ, nay đang được tiến hành với quy mô công nghiệp.

Ông Kubba của tổ chức Global Witness nói Hoa Kỳ nên đặt thêm áp lực đối với Myanmar.

“Điều quan trọng là Hoa Kỳ phải dùng ảnh hưởng sẵn có của mình, không phải chỉ qua các biện pháp chế tài, để cố gắng và đẩy mạnh việc thu thập thêm dữ liệu và tạo sự thay đổi thực sự cho những vấn đề như ngọc thạch và tài nguyên thiên nhiên được đưa vào khuôn khổ các cuộc thương nghị hòa bình”.

Giới hoạt động cho rằng việc khai thác ngọc ở bang Kachin đã gia tăng đáng kể trong mấy tháng vừa qua, có lẽ do mối lo ngại rằng cuộc tổng tuyển cử ngày 8 tháng 11 sắp tới có thể làm thay đổi bối cảnh chính trị.

Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ đội lập, do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, được dự báo sẽ đạt thắng lợi đáng kể, tuy nhiên quân đội sẽ tự động nắm quyền kiểm soát 1/4 các ghế trong viện lập pháp.

Voa tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề