Một số vấn đề kinh tế Trung Quốc đang đối mặt

Kinh tế Trung Quốc đang phải đối phó với nhiều vấn đề khó khăn vừa ngắn hạn vừa dài hạn. Việc phải giải quyết và những vấn đề này cho thấy kinh tế Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao như trước đây.

Thời hoàng kim đã qua, nhưng không có nghĩa là Trung Quốc sẽ gặp khủng hoảng. Hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc thời gian qua cho thấy thay vì làm thị trường tin tưởng thì họ lại can thiệp thô bạo vào thị trường.

Tình hình kinh tế Trung Quốc có thể tóm tắt như sau:

– Trước tiên cần lưu ý là hộ gia đình ở Trung Quốc có tỷ lệ để dành rất lớn, lên đến 50% thu nhập, vì người dân phải tự lo cho tương lai khi về già, do chính sách chỉ có một con và do không có chính sách hưu trí cho những người không phải là nhân viên nhà nước. Tiền để dành này chủ yếu gửi ngân hàng với lãi suất rất thấp, nhiều khi thấp hơn lạm phát.

– Doanh nghiệp Trung Quốc đang gánh núi nợ rất lớn. Tỷ lệ nợ (gồm tín dụng ngân hàng và trái phiếu) trên GDP lên đến 280%, mà chủ yếu là nợ của doanh nghiệp.

Nguyên nhân nợ cao là do chính phủ đẩy mạnh cấp tín dụng cho doanh nghiệp và địa phương nhằm nâng cao tốc độ tăng GDP khi thế giới khủng hoảng từ những năm 2008. Báo The New York Times và The Wall Street Journal cho rằng tỷ lệ nợ của Trung Quốc đã lên đến 280-300% GDP, tức là trên 30.000 tỉ đô la Mỹ (GDP của Trung Quốc là 10.000 tỉ đô la).

Con số chắc chắn ở thời điểm năm 2013 (tín dụng + trái phiếu) – đã kiểm chứng dựa vào thông tin của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) – là 220%. Do nợ cao như thế, số tiền chi trả lãi cũng cao.

– Năng suất lao động của Trung Quốc đã giảm và tiếp tục giảm. Trước đây đầu tư 3 đồng thì tạo ra 1 đồng. Bây giờ cần 4,9 đồng mới tạo ra 1 đồng như vậy.

Lương ở Trung Quốc đã tăng cao so với các nước khác, mỗi năm tăng hơn 10% trong 10 năm qua. Riêng ngành dệt, giá thành sản phẩm của Trung Quốc đã tương đương với ở Mỹ. Vì vậy, Trung Quốc đang chuyển đầu tư sang Mỹ.

Lương công nhân sẽ tiếp tục tăng vì dân số ở độ tuổi lao động của Trung Quốc đã không tăng và sẽ giảm mạnh những năm tới. Do các yếu tố trên, Trung Quốc sẽ không thể dùng xuất khẩu để tăng trưởng nữa.

– Có sự tháo chạy của ngoại tệ khỏi Trung Quốc. 300 tỉ đô la Mỹ đã bị rút ra khỏi Trung Quốc trong vòng sáu tháng qua (theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc dự trữ ngoại tệ giảm 260 tỉ đô la trong ba tháng qua). Đây là số tiền không nhỏ so với tổng dự trữ của Trung Quốc là 4.000 tỉ đô la.

Sự can thiệp thô bạo

Chính sách của Trung Quốc với thị trường chứng khoán đã không được tính kỹ. Nhằm giảm nợ của doanh nghiệp, Trung Quốc đã thúc đẩy doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu, khuyến khích người dân bỏ tiền để dành và vay để mua cổ phiếu, với mục đích là doanh nghiệp thu được vốn qua bán cổ phiếu để lấy tiền giảm nợ.

Kết quả của chính sách này là thị trường chứng khoán tăng mạnh 150% trong 12 tháng, sau đó giảm 30% (từ 2.200 điểm vào tháng 8-2014 lên đỉnh là 5.100 điểm vào tháng 6-2015 và hiện nay còn 3.700 điểm). Đáng lẽ nên coi đây là chuyện bình thường như ở các thị trường tự do khác, nhưng Trung Quốc đã làm mọi cách để ngăn cổ phiếu xuống giá. Sự can thiệp của chính quyền Trung Quốc vào thị trường thể hiện qua các biện pháp chính: ra lệnh cấm buôn bán nhiều loại cổ phiếu; Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chi ra 1.200 tỉ đô la Mỹ cho vay để mua chứng khoán các công ty lớn.

Tuần trước, Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng bạc 2% nhưng có lúc xuống tới 5%. Các nhà phân tích đưa ra hai loại ý kiến giải thích:

Trung Quốc phá giá để đẩy mạnh xuất khẩu vì xuất khẩu tháng 7-2015 giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Thật ra không phải Trung Quốc phá giá mà thả lỏng kiểm soát (mỗi ngày cho phép tăng giảm 2% so với ngày hôm trước trên một giá tham chiếu có dựa vào giá đóng cửa thị trường hôm trước) nhằm tiến tới đồng tiền tự do chuyển đổi, theo yêu cầu của IMF để đồng nhân dân tệ được công nhận là đồng tiền chuyển đổi, có thể dùng làm đồng tiền dự trữ.

Phá giá như thế là nhỏ, không đủ để đẩy mạnh xuất khẩu nhưng dù sao cũng phù hợp với hai mục tiêu trên –  một mũi tên bắn hai con chim như tờ báo The New York Times nhận định.

Phá giá cũng không hẳn chỉ mang đến lợi ích. Nó có thể đưa đến tác hại do khả năng tiếp tục xuống giá có thể đưa đến nạn đầu cơ, ngoại hối bỏ chạy rồi trở lại để hưởng giá cao, gây khó khăn thêm cho việc trả nợ nước ngoài (vì phải mua ngoại tệ bằng giá cao), gây lạm phát nếu không có biện pháp rút tiền về (do phải tung ra nhiều nội tệ để mua ngoại hối).

Nguồn thesaigontimes


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề