Một chuyện tình không biên giới

Bức ảnh duy nhất gia đình bà chụp lúc trước khi chia tay năm 1954

Mối tình đẹp đẽ giữa họ đã giúp cho người chồng là lính Nhật tình nguyện gia nhập quân đội Việt Nam và trở thành một đảng viên Đảng Cộng sản. Và rồi sau hơn 50 năm xa cách, họ lại “hội ngộ”.

Ký ức 60 năm…Vào những ngày này cách đây 60 năm trong dòng người đông đảo, giơ cao cánh tay cùng nhau thề quyết tâm bảo vệ Cách mạng, bảo vệ chính quyền mới thành lập có một đôi vợ chồng trẻ.

Bà Xuân “Nhật” mà tôi gặp, sinh năm 1923, ở tuổi ngoại bát tuần mà trông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Bà là con gái thứ tám trong một gia đình đông con ở Cát Bi-Hải Phòng. Nhà nghèo nên từ nhỏ cô bé Xuân sớm phải lên thành phố đi ở cho bà cô họ.

Năm 16 tuổi, Xuân được bà cô xin cho chân bán hàng ở một quán ăn của người Nhật vào loại lớn nhất thành phố cảng lúc bấy giờ, chuyên phục vụ cho quân đội Nhật.

Vào khoảng năm 1942, trong toán lính Nhật thường lui tới quán ăn có một người lính trẻ tên là Shimizu Yoshiharu, sang Việt Nam theo lệnh tổng động viên của quân đội Nhật hoàng. Gia đình Yoshiharu có anh trai và bố đều bị chết trận trong chiến tranh, ở nhà chỉ còn mẹ già và cô em gái. Vì thế Yoshiharu chán ghét chiến tranh.

Tại đây, Xuân và chàng lính Nhật này đã làm quen với nhau. “Ông ấy rất cởi mở và hay bắt chuyện với tôi. Cứ mỗi lần đến, Yoshiharu lại nhờ tôi dạy tiếng Việt” – Bà Xuân hồi tưởng. Cũng từ đấy hai bên đã có tình cảm với nhau, vào những ngày nghỉ thứ 5 và thứ 7 hàng tuần, Yoshiharu đến quán ăn thăm Xuân. Khi nào không đến được, thì Yoshiharu viết thư.

“Hôm nay anh không được nghỉ nên không đến thăm em được, em thông cảm cho anh, nhớ em nhiều”.

Năm 1945, khi Nhật đầu hàng quân đồng minh, lính Nhật ở Đông Dương buộc phải rút hết về nước. Yoshiharu được lệnh tập trung ở Quảng Ninh để xuống tàu về chính quốc.

Trước khi đi, Yoshiharu đã đến gặp Xuân và nói: “Em đừng tiễn anh và đừng buồn, anh nhất định sẽ quay lại với em…”. Tại điểm tập trung ở Quảng Ninh, Yoshiharu đã vận động được 4 người bạn cùng đơn vị bỏ trốn và quay lại Hải Phòng. Ở đây họ đã đến trình diện chính quyền và tình nguyện xin gia nhập vào đội tự vệ khu số 7.

Họ đã được “chuyển đổi” tên họ và được gọi là những người “Việt Nam mới”. Yoshiharu được Xuân đặt cho cái tên Việt Nam là Nguyễn Văn Đức. “Tôi lấy họ của Lãnh tụ Nguyễn ái Quốc đặt cho ông ấy, còn Đức có nghĩa là sống cần có đức độ”- Bà Xuân rưng rưng nhớ lại.

Để ở lại Việt Nam lúc ấy không đơn giản, vì người Nhật luôn lùng sục tìm để bắt về, còn bọn Quốc Dân Đảng thì thường xuyên đến vận động, lôi kéo đi theo chúng “Nhiều lần bọn mật thám của Quốc Dân Đảng vào vận động không được, chúng định bắt ông ấy đi nhưng lần nào ông ấy cũng tìm cách trốn thoát.

Yoshiharu bảo rằng: Chúng tôi đã quyết định tình nguyện theo Việt Minh rồi, các anh tìm và bắt chúng tôi về cũng vô ích thôi. Thế là họ phải chịu”- Bà Xuân nói đầy tự hào.

Đám cưới của họ đã được tổ chức ngay trong đội tự vệ số 7 do ông Quế (Chủ tịch đội tự vệ bấy giờ) làm chủ hôn. Cưới xong, bà Xuân cũng gia nhập vào đội tự vệ của thành phố và hăng say hoạt động.

Cuộc “hội ngộ” sau hơn 50 năm xa cách

“Ông ấy đối xử rất tốt với tôi. Hiền lành, đức độ lắm. Tôi có muốn giận cũng không được” – Bà Xuân kể tiếp.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cả hai người gia nhập quân đội, thuộc Trung đoàn 59. Bà làm công tác hậu phương, còn ông tham gia hoạt động huấn luyện, tham mưu. Sau đó ông Đức đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch Tây Bắc.

Năm 1949, ở trường quân chính Phú Bình-Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Đức (tức Yoshiharu) đã được kết nạp vào Đảng. Cuối năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Đức được đơn vị cho về nghỉ phép hai tháng.

“Ông ấy có nói gì đâu, chỉ khi tôi đọc được trong giấy phép rằng sau kỳ nghỉ này ông ấy phải đi công tác xa một thời gian dài, ông ấy bảo: Việt Nam đã đánh thắng Pháp rồi, nên người Nhật bắt phải tôi về, họ không cho ở bên này nữa.

Có lẽ tôi phải xa Xuân và các con thôi. Xuân cố gắng làm thêm nữa mà nuôi con, đừng để các con phải thất học. Tôi sẽ cố gắng về với Xuân và các con”. Kể đến đây bà Xuân không cầm nổi nước mắt.

Vươn tay lấy tấm ảnh đen trắng được treo trên tường, bà kể tiếp: “Đây là tấm ảnh duy nhất chụp trước lúc ông ấy về Nhật. Lúc ấy tôi đang mang thai mới được một tháng”. “Gia tài” quý giá nhất hơn nửa thế kỷ qua với bà Xuân có lẽ là tấm ảnh chụp gia đình và chiếc áo trấn thủ mà ông Đức để lại trước lúc chia tay.

“Mẹ con tôi cứ nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại được ông ấy nữa. Thế mà điều kỳ diệu đã đến…”-Bà cười móm mém. Năm 2003, người ta báo tin cho bà có một đoàn cựu chiến binh Nhật sang thăm Việt Nam, và khuyên “Bà thử sang hỏi xem có thông tin về chồng mình không?”.

Bà đến, may mắn gặp lại một người quen trong đoàn tên Chung (vợ của một lính Nhật hồi ấy) và gửi lời nhắn tìm ông Đức. Về Nhật Bản, bà Chung đã nhờ bạn bè dò hỏi và gần đây mới biết ông Đức hiện vẫn còn sống. “Nghe đâu, ông ấy không tìm thấy tôi nên thất vọng và buồn lắm. Về nước, dần dần ông ấy cũng phải lấy vợ”-Bà Xuân như tự nói với mình.

Tôi hỏi bà: “Khi biết ông Đức vẫn còn sống và đã có vợ, bà có trách ông không?”. Bà cười buồn: “Tôi chỉ trách, có với nhau từng ấy mặt con, mà sao ông ấy không cố về thăm chúng một lần. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, về thì không biết vợ con có còn hay không? Chứ tôi không tin là ông ấy phản bội mình”.

Vĩ thanh

Ngày 11/6/2005 vừa qua, nhóm phóng viên của hãng truyền hình Nhật Bản đã thực hiện phóng sự về câu chuyện tình cảm động của người lính Nhật với cô gái Việt Nam. Họ đã tìm đến bà Xuân. Và bà đã được “gặp lại” ông Đức, sau hơn 50 năm xa cách qua băng hình.

Trong đoạn băng do nhóm phóng viên Nhật Bản ghi lại, ông Đức đã kể lại về cuộc chiến tranh và mối tình không biên giới giữa ông với bà Xuân.

Thông điệp mà ông Đức gửi gắm cho bà là: “Em ơi. Anh không thể nói chuyện dài được với em, vì anh đang ốm. Nhưng anh muốn gửi lời thành thật cảm ơn và xin lỗi em.

Anh đã làm khổ em nhiều. Anh cảm ơn và cảm phục em vì đã nuôi dạy 3 con nên người, xây dựng gia đình tốt đẹp. Bố gửi lời hỏi thăm các con. Bố ân hận vì không làm được gì cho các con. Nếu sức khỏe không yếu thì bố muốn bay luôn sang với các con luôn. Bố sẽ cố gắng rèn luyện phục hồi sức khỏe để sang thăm mẹ và các con….”.

Đáp lại lời ông, bà Xuân chỉ nói: “Tôi và các con rất mừng khi biết ông vẫn còn sống. Những gì đã qua, tôi là người đàn bà tôi phải chịu thiệt, còn ông lấy người ta để có nơi nương tựa tuổi già cũng như những lúc vui buồn, tôi không trách đâu.

Tôi chỉ mong muốn những ngày cuối đời được gặp lại ông một lần chứ không tôi lại bảo ông là bạc tình, để tôi trút hết mọi nỗi đau khổ buồn tủi bấy lâu mà thôi”…

Tiền phong


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề