Mặt trận thông tin Biển Đông – Bài 2: Đi tìm một cách “đánh” phù hợp

“Tam chủng chiến pháp” dựa vào truyền thông và giới học giả giúp khuếch tán và bảo vệ luận điểm của Trung Quốc trên diễn đàn quốc tế. Mục tiêu là đánh vào tâm lý, gây nhiễu loạn thông tin và tung hỏa mù ở nhiều mặt trận khác nhau. Học giả và các trung tâm nghiên cứu trong lẫn ngoài nước đang trở thành một “công cụ mềm” được sử dụng một cách thường xuyên.

Mặt trận thông tin Biển Đông – Bài 1: Phân tích từ sự kiện giàn khoan HD981

Nhận định về bốn luận điểm nổi bật của Trung Quốc trong năm 2015, chúng tôi cho rằng phải sử dụng dữ liệu và sự thực thay vì chạy đua về mặt lập luận và quan điểm khi phản biện. Để làm được điều đó, một hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến các vấn đề tranh chấp Biển Đông cần được thiết lập. Hệ thống này phải mang đặc tính mở, đa ngành và xuyên quốc gia.

Các luận điểm của Trung Quốc

Thứ nhất, Trung Quốc cho rằng nhiều quốc gia trên Biển Đông đã tiến hành xây dựng đảo từ trước đó mà không gặp sự phản đối nào của cộng đồng thế giới. Ngày 29/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã đưa ra một thống kê về các hoạt động của các quốc gia khác mà Trung Quốc cho là “cải tạo đảo” tại các địa điểm trên Trường Sa, trong đó có Việt Nam và Philippines. Do đó, việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo về mặt pháp lý không có gì là sai phạm, và nếu muốn Trung Quốc ngừng việc xây đảo thì phải ràng buộc tương tự với tất cả các bên liên quan.

Thứ hai, Trung Quốc luôn khẳng định rằng không có bất kỳ điều khoản nào trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) ngăn cấm việc xây đảo nhân tạo. Theo tác giả Thẩm Đình Lập ở Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo cũng hệt như Nhật Bản, Hồng Kông xây thêm sân bay quốc tế và dự án Quần đảo thế giới (World Islands) của Dubai. Vì vậy, Trung Quốc có toàn quyền xây dựng các đảo nhân tạo và không có bất kỳ bên nào được phép cản trở. Thẩm Đình Lập trong bài viết đăng trên tờ The Huffington ngày 3/6 từ đó lên án việc Mỹ đưa máy bay do thám P-8A bay trong vòng 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo thuộc chủ quyền Trung Quốc. Điểm quan trọng trong luận điểm này là Trung Quốc đang xây dựng trên phần đất của riêng mình, nên các nước khác không có quyền và lý do gì để can thiệp

Thứ ba, trên tất cả các phương tiện truyền thông, Trung Quốc đều khẳng định mình chỉ là nạn nhân; còn các nước khác mới là kẻ hiếu chiến. Điều này được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhắc lại vào ngày 27/6 tại Diễn đàn Hoà bình thế giới tại Bắc Kinh. Ông cho rằng “Trung Quốc mới thực sự là nạn nhân lớn nhất” đối với các vấn đề xâm lấn chủ quyền ở Biển Đông. Ông còn khẳng định “sẽ có lỗi với tổ tiên” và “không thể nhìn mặt con cháu” nếu để chủ quyền của Trung Quốc bị xâm lấn. Lập luận này nhất quán với quan điểm mà Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) phát biểu tại Đối thoại Shangri-La vừa qua. Trong Đối thoại này, Đô đốc Tôn Kiến Quốc nhiều lần nhấn mạnh sự kiềm chế của Trung Quốc và liên tục các bên liên quan “thay đối đầu bằng hợp tác”. Trên các diễn đàn thảo luận chính, một số bài viết như bài của Greg Austin trên tờ The Diplomat (đăng ngày 18/6) còn cho rằng Việt Nam mới là kẻ hung hăng nhất trên Biển Đông với số thực thể chiếm đóng và cải tạo nhiều nhất.

Thứ tư, Trung Quốc luôn chống lại sự can thiệp của bên thứ ba vào vấn đề Biển Đông. Đối với Trung Quốc, sự tham gia của bên thứ ba sẽ làm phức tạp tình hình, thậm chí dễ dẫn đến leo thang xung đột. Mỹ là “bên thứ ba” mà Trung Quốc cảnh cáo nhiều nhất. Theo tác giả Sam Bateman với bài viết về các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ thực hiện trên Biển Đông đăng trên Diễn đàn East Asia (ngày 1/6), thì sự hiện diện của Mỹ chỉ làm cho tình hình khu vực trở nên căng thẳng hơn thay vì giải quyết được vấn đề như Mỹ tuyên bố. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sử dụng các kênh truyền thông như Tân Hoa xã (Xinhua) để thể hiện quan điểm phản đối của họ với Tuyên bố chung của các nước G7 vừa qua về Biển Đông (8/6), trong đó nhấn mạnh sự không đồng tình với Nhật Bản – quốc gia đã thúc đẩy các nước G7 thông qua văn kiện này. Thời báo Hoàn cầu (Global Times) cũng là phương tiện truyền thông gần đây đã đăng tải các bài viết phản đối chuyến tuần tra của máy bay P-8A Mỹ cũng như việc Tổng thống Úc quyết định sẽ đưa máy bay cùng lực lượng đồng minh của Mỹ tuần tra tại Biển Đông.

Thế trận thông tin của Trung Quốc

Từ quá trình quan sát mặt trận tuyên truyền quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc trong suốt thời gian qua, có thể thấy Trung Quốc đang chủ động thiết lập một thế trận thông tin rộng khắp. Ba hướng phát triển căn bản rút ra được từ chiến lược kiểm soát tri thức Biển Đông của Trung Quốc:

Thứ nhất, ngày càng có thêm nhiều trung tâm nghiên cứu chuyên về Biển Đông của Trung Quốc được xây dựng và nâng cấp với mục đích tập trung những học giả hàng đầu về vấn đề này. Đội ngũ chuyên gia và nghiên cứu viên chủ yếu là các học giả Trung Quốc đi du học ở nước ngoài. Các học giả này vừa có vốn tiếng nước ngoài, vừa học được phương pháp từ các “lò” tại các nước phát triển đi trước. Quan trọng hơn biết cách truyền bá lập luận của Trung Quốc, dĩ nhiên là bằng tiếng Anh.

Thứ hai, trong thời gian vừa qua, nhiều ý kiến tỏ ra bênh vực lập trường của Trung Quốc tại Biển Đông xuất hiện. Điểm đáng chú ý là có nhiều học giả nước ngoài đứng tên tác giả. Những tác giả này lúc trước có quan điểm trung dung về Biển Đông hoặc không viết nhiều về đề tài này nay có một sự chuyển dịch theo hướng “thân Trung Quốc”, được chia làm nhiều dạng khác nhau[1]. Từ đó, có nhiều đồn đoán và nghi ngờ rằng các học giả này đã bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc bằng nhiều hình thức, nặng nhất là mua chuộc bằng tiền theo kênh cá nhân. Hay một hình thức khác thông qua kênh thể chế bằng cách hỗ trợ các công trình nghiên cứu; nghiên cứu viên khách mời hay tạo điều kiện tiếp cận các thông tin, chứng cứ, dữ liệu, quan điểm từ phía Trung Quốc.

Thứ ba, đang có nhiều dấu hiệu cho thấy kế hoạch này được thực hiện một cách có hệ thống từ trong ra ngoài. Ý định kiểm soát tri thức về Biển Đông trên bình diện quốc tế được thể hiện qua việc thiết lập các mối quan hệ cộng tác nghiên cứu với các viện, trung tâm hay đại học của Mỹ và EU. Thậm chí thiết lập các cơ sở nghiên cứu (think-tank) tại các nước này. Gần đây nhất một thí dụ hay nhắc đến là Viện Nghiên cứu Quan hệ Mỹ Trung (The Institute for China-America Studies) được thành lập ở Virgina (Mỹ). Tự nhận mình một trung tâm nghiên cứu độc lập, một số bằng chứng tuy vậy chỉ ra sự kết nối của Viện này với chính phủ Trung Quốc. Cho đến nay hoạt động của Viện này tập trung nhiều vào vấn đề tranh chấp Biển Đông. Giám đốc trung tâm Nông Hồng cũng là một tên tuổi của Trung Quốc đã xuất hiện tại nhiều diễn đàn quốc tế về đề tài này.

Cần rõ ràng rằng, thế trận thông tin của Trung Quốc sở hữu những điểm mạnh cũng như điểm yếu riêng của nó. Với nguồn lực lớn về tài chính cũng như nhân lực, mạng lưới thông tin và quan điểm của Trung Quốc chiếm ưu thế về số lượng và mức độ bao phủ. Số lượng bài viết học thuật và thảo luận chính sách được đăng trên các diễn đàn quốc tế của Trung Quốc nhiều hơn các nước tranh chấp khác, chưa kể tới số lần trích dẫn. Không rõ với lượng đầu tư bao nhiêu tiền và thời gian để có thể thu hút (hay “khuyến dụ”) được các học giả nổi tiếng và thành lập liên tục các cơ sở nghiên cứu uy tín quốc tế. Sự áp đảo về số lượng khiến cho các quan điểm từ phía học giả Trung Quốc được tiếp cận nhiều hơn với tần suất thường xuyên hơn. Khi mặt trận thông tin về Biển Đông luôn nóng mỗi ngày với hàng loạt các bài viết, bình luận, và phản biện lẫn nhau, thì học giả ASEAN và Việt Nam thường xuyến đứng trong “mê hồn trận”.

Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của phía Trung Quốc là sự thuyết phục của lý lẽ. Lấy ví dụ về vấn đề chủ quyền. Trong khi các chứng cứ chủ quyền của Việt Nam được các tài liệu và bản đồ trong và ngoài nước xác nhận và chứng minh một cách rõ ràng về tiến trình và lịch sử xác nhận chủ quyền thì những tài liệu từ phía Trung Quốc không thể hiện những đặc trưng như vậy. Các quan điểm của chủ đạo cuả Trung Quốc không tạo được sự đồng thuận từ cộng đồng thế giới, đặc biệt trong giới học giả. Cuộc tranh luận về diễn giải “đường lưỡi bò” từ năm 2009 hay gần đây nhất là sự “mập mờ” trong kế hoạch xây các đảo nhân tạo tại khu vực Trường Sa là những thí dụ điển hình.

Xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu Biển Đông

Để ứng phó với “thế trận thông tin” của Trung Quốc cần một cách “đánh” phù hợp. Vì thế, xác định đúng cách tiếp cận là bước đầu tiên để hình dung ra những mục tiêu ngắn và dài hạn trong tương lai. Có 3 điểm chính mà chúng tôi muốn nhấn mạnh: (i) Cuộc đấu tranh trên mặt trận thông tin-học giả tại Biển Đông đã chuyển dịch: từ tranh cãi quan điểm sang tranh cãi số liệu và dữ kiện; (ii) Đối với các lập luận và quan điểm sai lệch của Trung Quốc, các học giả Việt Nam cần các dữ liệu thực tế để phản biện; (iii) Thông qua hệ thống dữ liệu từ thực tế, các biện pháp “phản công” sẽ được định hình một phương thức tham gia cụ thể, mở đường cho tất cả học giả khu vực và quốc tế cùng tham gia[2].

Từ cách tiếp cận “dữ liệu thay vì lập luận” trên, chúng tôi cho rằng các học giả ASEAN và Việt Nam chuyên về Biển Đông hiện tại cần bắt tay vào củng cố và làm dày thêm hệ thống cơ sở dữ liệu về bằng chứng và sự thật có liên quan tới Biển Đông. Đó không chỉ là các dữ liệu về lịch sử, công pháp quốc tế, mà còn là các dữ liệu về khảo cổ học, kinh tế biển, môi trường, dân cư các đảo, chuyển dịch khí hậu liên quan đến đại dương v.v…

Diễn đạt cách khác: Thiết lập một hệ thống cơ sở dữ liệu về Biển Đông là mục tiêu quan trọng, và ưu tiên. Một hệ thống cơ sở dữ liệu như vậy sẽ giúp cho các học giả tiếp cận nhanh chóng các bằng chứng, dữ liệu, sự thật, hay các tài liệu có liên quan. Điều này tạo ra những lập luận vững chắc và thuyết phục. Hệ thống cơ sở dữ liệu Biển Đông gồm sẽ bao gồm nhiều hồ sơ khác nhau theo đuổi ba nguyên tắc cốt lõi:

Thứ nhất, hệ thống cơ sở dữ liệu về Biển Đông cần mang tính liên ngành. Để có những lập luận thuyết phục và sắc bén, các học giả phải sử dụng nhiều bằng chứng từ các ngành khác, như khảo cổ học, lịch sử, địa lý, môi trường, luật quốc tế, đóng tàu, công nghệ quốc phòng v.v… Điều này đồng thời cũng thúc đẩy nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu giữa các ngành khoa học khác nhau liên quan tới Biển Đông.

Thứ hai, hệ thống cơ sở dữ liệu mang tính xuyên quốc gia, liên khu vực (transnational), theo nghĩa không giới hạn trong một khuôn khổ của một quốc gia hay một nhóm quốc gia nào đó. Kết hợp với các học giả có uy tín ở nước ngoài sẽ hệ thống cơ sở dữ liệu về Biển Đông thêm phong phú và đa chiều. Các học giả nước ngoài sẽ góp thêm tiếng nói ủng hộ Việt Nam trong quá trình tranh luận với học giả Trung Quốc. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội hợp tác, nâng cao năng lực nghiên cứu giữa Việt Nam và các trung tâm học thuật lớn thế giới.

Thứ ba, hệ thống cơ sở dữ liệu phải mang tính mở và luôn luôn được cập nhật thông qua quá trình cọ xát. Tính mở giúp cộng đồng tiếp cận một cách nhanh nhất các nghiên cứu cũng như những bài báo phản biện của các học giả cả trong lẫn ngoài nước. Tính mở cũng giúp cho các học giả trẻ, cũng như các nhà nghiên cứu bên trong, lẫn ngoài tiếp cận được một nguồn tri thức phong phú, đa ngành và mang nhiều giá trị về mặt học thuật. Điều này giúp nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học cũng như mở rộng hơn nữa số lượng học giả trong mạng lưới. Tính mở này của hệ thống cơ sở dữ liệu được chúng tôi cho là quan trọng, giúp duy trì giá trị cốt lõi nhất: tạo ra một hệ thống kiến thức tương tác về Biển Đông từ các thành phần khác nhau.

Việc xác định cách tiếp cận đúng đắn, hợp lý và khả thi là bước đầu tiên để có thể tập hợp lực lượng. Một ý tưởng tốt nói rộng sẽ là một đầu mối cho các ý tưởng khác đồng dạng quy tụ về. Khiêm tốn hơn một chút thì đó là một “que diêm” dẫn đường.. Sự tham gia tích cực của giới học giả sẽ là vũ khí quan trọng để chống lại các hành vi gây hấn của Trung Quốc trên mặt trận truyền thông và học thuật. Sự hiệu quả của các biện pháp này, nếu hiện hữu, sẽ thúc đẩy sự hỗ trợ lớn hơn của các cơ quan công quyền (như các hỗ trợ về cơ chế, tư liệu, tài chính và kỹ thuật). Đối với các thành phần tư nhân-doanh nghiệp, hệ thống dữ liệu sẽ mang lại những giá trị rất lớn về mặt chiến lược, hay công nghệ. Tham gia vào quá trình định hướng các ưu tiên chiến lược về mặt công nghệ (đóng tàu, thông tin, môi trường v.v) sẽ mở ra những cơ hội kinh doanh và khả năng hợp tác với nhiều đối tác trên thế giới.

Trên phương diện mặt ngắn hạn và dài hạn, để có thể phát huy tiềm năng đầy đủ của các biện pháp trên, một môi trường học thuật lành mạnh và chủ động với vai trò của các cơ sở nghiên cứu và nhà nghiên cứu phải là trung tâm. Một cơ sở dữ liệu tổng thể về Biển Đông không phải là điều khó thực hiện. Quan trọng là có sự tham gia của tất cả các bên có liên quan. Đặc biệt quan trọng nhất, cần tập trung nguồn lực của một đầu mối. Đầu mối này có thể là một cá nhân có uy tín, hoặc có thể là một trung tâm nghiên cứu có đủ năng lực. Cào bằng trong nghiên cứu là một vấn nạn của khoa học Việt Nam những năm vừa qua. Hiện tượng này không được phép được lập lại, đặc biệt với một lĩnh vực đang có vai trò quyết định tương lai sống còn của đất nước.

TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Đại học KHXH&NV TP.HCM (SCIS), đồng thời là ủy viên Hội đồng giám sát hoà bình Thái Bình Dương thuộc Diễn đàn Toàn cầu Boston (www.bostonglobalforum.org).

Nguyễn Thế Phương, Nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM.


[1] Trực tiếp nhất là nguỵ tạo chứng cứ hay sử dụng những bằng chứng của Trung Quốc mà không có tư duy phản biện hay kiểm tra một cách rõ ràng. Hai là diễn giải lại các sự kiện, bằng chứng với một góc nhìn, lập luận theo kiểu của Trung Quốc, tìm cách soi sang những lập luận đó dưới lăng kính của các lý thuyết hiện đại của phương Tây hay luật quốc tế, luật biển quốc tế. Xu hướng “lý thuyết hoá mang màu sắc Trung Hoa” có đóng góp một phần vào bức tranh chung của các lý thuyết khác nhau nhưng mặt khác vô hình chung trở thành công cụ để truyền tải các lập luận về chủ quyền. Đối với các học giả mang tính trung dung hơn thì đại cục và lợi ích từ việc một Trung Quốc trỗi dậy ổn định còn là một mồi nhử. Điều này giúp giải thích tại sao Trung Quốc luôn nhấn mạnh sự can thiệp của bên thứ ba vào tranh chấp Biển Đông sẽ biến nơi nay thành “chảo dầu” Châu Á hoặc là âm ỷ tiềm tàng cho khả năng xảy ra Thế Chiến thứ ba.

[2] Điển hình như hành động xây dựng đảo của Trung Quốc vừa qua. Một nhóm học giả Mỹ và Việt Nam đã tiến hành làm hồ sơ đảo nhân tạo, bằng cách thu thập các số liệu và thông tin thực tế về các tác động môi trường, quy mô và kỹ thuật xây dựng đảo, thông số kỹ thuật của vũ khí v.v… Những dữ liệu thực tế đó mở đường cho các tranh luận từ bản chất, tên gọi, hành vi, cũng như các tác động của đảo nhân tạo với tình hình an ninh khu vực. Có thể thấy một số kết quả ban đầu khi qua cuộc tranh luận đáng chú ý gần đây giữa hai bên liên quan đến vấn đề đảo nhân tạo. Sự phản công gần như ngay lập tức của các học giả Việt Nam giúp bảo vệ các quan điểm của Việt Nam và bác bỏ ngay quan điểm sai trái của học giả nước ngoài dựa một phần lớn vào các hệ thống dữ liệu trên. Xem thêm báo cáo về tình hình tranh chấp Biển Đông hiện nay do Boston Global Forum xuất bản và hồ sơ về đảo nhân tạo do dự án Đại Sự Ký Biển Đông xuất bản.

Trí Lê (Theo Nghiên cứu Biển đông)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề